Tạp chí Sông Hương - Số 375 (T.05-20)
Lễ Sách lập Đông cung Hoàng thái tử Bảo Long
10:12 | 03/07/2020


MIÊN ĐÌNH

Lễ Sách lập Đông cung Hoàng thái tử Bảo Long
Thái tử Bảo Long - (Ảnh trích xuất từ sách Souverains et Notabilités d’ Indochine, I.D.E.O, Hà Nội, 1943).

1. Bảo Long - Hoàng thái tử cuối cùng thời nhà Nguyễn

Thái tử Bảo Long, tên đầy đủ Nguyễn Phước Bảo Long (阮福保隆), là con trai trưởng của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Trong sách Souverains et Notabilités d’ Indochine, ấn hành năm 1943, cho biết ông sinh ngày 04 tháng 01 năm 1936, tại điện Kiến Trung, Huế1. Để kỷ niệm ngày vui đáng nhớ ấy, tên ông đã được đặt cho một sân vận động ở Huế: Sân Vận động Bảo Long (nay là Sân vận động Tự Do - Huế). Về sau, cứ theo thông lệ, ngày sinh nhật của Bảo Long được triều đình tổ chức, gọi là lễ Thiên Xuân2.

Lúc tròn 4 tuổi, ông được vua Bảo Đại và đình thần chọn làm Hoàng thái tử. Lễ tấn phong được tổ chức vào ngày 07 tháng 03 năm 1939, dưới sự chứng kiến của đông đủ triều thần và quan khách người Pháp ở cả ba kỳ. Bảo Long là người rất thông minh, ông giỏi cả văn chương, ngôn ngữ. Sinh ra trong gia đình Hoàng tộc, lại sớm được chỉ định là vị vua kế nhiệm, nên từ thuở nhỏ ông được thụ hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất. Cuộc đời cứ ngỡ êm ả trôi, thế nhưng “niềm vui sao lại chóng tàn”. Chưa đầy 7 năm sau ngày tấn phong, năm 1945, triều Nguyễn cáo chung, mở đầu cho những chuỗi ngày tha hương, long đong nơi xứ người của vị Hoàng thái tử cuối cùng nền quân chủ Việt Nam.

Tháng 03 năm 1946, chiếc phi cơ của Trung Quốc hàng không công ty chở Cựu hoàng Bảo Đại đáp cánh xuống sân bay Côn Minh, thì cùng thời gian đó, ông cùng 4 người em theo Hoàng hậu Nam Phương tá túc một thời gian ở Dòng chúa Cứu thế (Huế), rồi sau đó sơ tán lên Đà Lạt. Năm 1947, chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, Hoàng hậu Nam Phương mang theo Bảo Long đến Thorenz, tại Cannes sinh sống. Tại đây, ông học phổ thông ở trường Roches tại Normandie, rồi học luật ở Paris và sau đó học sĩ quan tại trường Quân sự Saint-Cyr Cotquidan ở Coetquidan (1954) rồi trường Kỵ binh Saumur3. Năm 2007, Thái tử Bảo Long qua đời lặng lẽ trên đất Pháp, ở tuổi 71.

2. Từ trong chính sử

Sách lập Hoàng thái tử là một nghi lễ cực kỳ quan trọng, nhằm mục đích ấn định sự lựa chọn vị vua kế nhiệm trong tương lai, do vậy, sớm được điển chế hóa một cách cụ thể. Dưới thời Nguyễn quy định này được bắt đầu từ triều vua Gia Long. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết, “trước kỳ sách lập, làm sách vàng, ấn vàng”4 và giao cho Khâm Thiên giám lựa chọn ngày tốt. Sách của Hoàng thái tử được làm bằng vàng, có tất cả 5 tờ, tờ trước và tờ sau khắc rồng mây, 3 tờ giữa khắc sách văn dài 5 tấc 6 phân 6 ly. Rộng 3 tấc 2 phân 4 ly, dày 2 ly, đựng trong hòm bạc. Bảo cũng được làm bằng vàng, vuông 2 tấc 4 phân 3 ly, dày 3 phân 2 ly, núm rồng phủ phục, khắc 5 chữ triện: Hoàng thái tử chi bảo (皇太子之寶)5.

Trình tự của lễ tấn phong được bắt đầu bằng lễ cáo yết tông miếu. Lệ thường, trước đó hai ngày sai phái quan đến liệt miếu kính cáo, dâng 1 tuần lễ, không có chúc văn. Hôm sau, thiết đặt án để tờ chiếu ở chính giữa điện Thái Hòa, án để Kim sách và Kim bửu (ấn vàng) ở phía Nam, đặt một kiệu Long đình ở dưới thềm bệ sơn đỏ6. Đến ngày chính lễ, vào lúc canh năm, trống đánh 3 hồi, lính Thị vệ chịu trách nhiệm sắp xếp lỗ bộ, nghi trượng ở sân điện Thái Hòa. Hoàng tử, hoàng tôn cùng các quan văn võ đều mặc triều phục chờ sẵn. Sau khi vua ngự tọa, tiểu nhạc nổi lên, quan viên làm lễ 5 lạy, Hoàng thái tử tiến đến bên án để sách, ấn. Đoạn “Nội tán xướng: làm lễ nhận sách lập, Hoàng thái tử quỳ xuống. Quan tuyên sách tiếp bưng tuyên đọc, Hoàng thái đón lấy giơ cao lên trán. Làm lễ nhận ấn vàng nghi lễ như trước”7. Ngày hôm sau, đích thân Hoàng thái tử lần lượt đến các miếu làm lễ cáo yết (dâng 1 tuần, có chúc văn), kế đến bái lễ tôn cung.

Trong hơn 140 năm tồn tại, triều Nguyễn có tất cả 3 vị Hoàng tử được triều đình cử hành lễ Sách lập Hoàng thái tử, đó là Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) tổ chức vào năm 1815, Hoàng tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại), vào ngày 28/04/1922 và cuối cùng là Hoàng thái tử Bảo Long.

3. Lễ Sách lập Đông Cung Hoàng thái tử

3.1. Về bản Thượng dụ của vua Bảo Đại sách lập Đông Cung Hoàng thái tử


Quyết định về việc Sách lập Đông Cung Hoàng thái tử Bảo Long được cụ thể hóa thông qua bản “Dụ số 63”, do hoàng đế Bảo Đại chấp bút, ban hành chính thức vào ngày 24 tháng 07 (nhuận), năm 1938 (17 Septembre). Nội dung của bản Dụ cho biết việc Sách lập Hoàng thái tử là sự kế tục nghi thức truyền thống của triều đình và sự nhất trí đồng ý của Lưỡng tôn cung, quan Khâm sứ, Viện Cơ Mật, Tôn Nhân phủ. Toàn bộ bản Dụ số 63 được báo Tràng An đăng tải trên trang nhất, số 360, ra ngày 30 tháng 07 năm 1938:

“Các vị vua đời xưa, sớm lập Thái tử là lo cho Tôn miếu Xã tắc được bền vững lâu dài. Thật là một ý hay vậy. Bản triều Đức Thế tổ Cao hoàng đế (tức vua Gia Long - NV) và Đức Hoàng khảo Hoằng tôn Tuyên hoàng đế (tức vua Khải Định) đã noi theo cổ pháp mà sách lập Đông - Cung Hoàng - thái - tử là để sớm định danh phận và cho căn bản trong nước được vững bền. Như vậy, thật là mưu rộng lo xa, để làm phép tắc cho đời sau vậy.

Hoàng - trưởng - tử Bảo Long nay còn tuổi trẻ mà tánh chất dễ dạy, nên cũng trông ngày sau tập luyện thành đạt được. Trước nhờ ân trạch liệt thánh và đại đức Lưỡng Tôn cung, sau có Trẫm và Hoàng hậu chăm lo dạy bảo, thời đức nghiệp tương lai của Hoàng trưởng tử cũng trông xứng vị Đông Cung Hoàng thái tử. Nay Hoàng trưởng tử đương còn nhỏ tuổi, mà Trẫm lại đương chăm lo về việc quốc kế dân sinh, cho nên cũng lưu ý đến việc sách lập Hoàng Thái tử.

Nhưng vì Cơ Mật [viện], Tôn Nhơn đại thần đều trần thỉnh sách lập Đông Cung Hoàng thái tử, để cho chánh danh phận và để đến khi trưởng thành Thái tử sớm biết mình có trách nhiệm nặng nề mà lo học hành tập luyện cho đạt đức tài, trước để cho đẹp ý của lưỡng Tôn cung lo lắng cho con cháu và xứng công của Trẫm và Hoàng hậu dạy bảo, sau lại thỏa lòng nguyện vọng của thần dân. Vả lại quý Chánh phủ Bảo hộ cũng biểu đồng ý, nên Trẫm cũng thể theo hảo ý của hai chánh phủ mà chuẩn doản những lời trần thỉnh và đem việc ấy tấu đạt lưỡng Tôn cung đồng tất và đã khâm phụng ý chỉ du doãn rồi.

Vậy trước chuẩn sách lập Hoàng trưởng tử Bảo Long lên ngôi Đông Cung Hoàng thái tử, còn việc chọn ngày làm lễ kỳ cáo Tôn miếu và nghỉ soạn sự nghi nghi chú cùng đại cáo các khoản, trước cho hữu ty luân chiếu hướng lệ châm chước phụng phiến phúc tấu, hậu chỉ thi hành.

Khâm thử!”8.

3.2. Diễn biến lễ Sách lập

Lễ Sách lập được triều đình cử hành trọng thể vào các ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng, năm Kỷ Mão (tức nhằm ngày 6, 7 và mồng 8 tháng 03 năm 1939). Nghi thức sách lập được bắt đầu vào ngày 16 tháng Giêng (ngày 06 tháng 03 năm 1939). Sáng hôm đó các quan đại diện Tôn Nhân phủ đến tại các miếu: Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu làm lễ “kỳ cáo”. Lễ này với mục đích để “kính cáo” lên Liệt thánh về lễ sách lập Đông Cung thái tử.

Ngày hôm sau, vào khoảng 8 giờ sáng, văn võ bá quan đã tề tựu sẵn ở sân điện Thái Hòa. Đúng 8h35 phút, Hoàng đế Bảo Đại ngự trên kiệu Long liễn từ điện Cần Chánh ra điện Thái Hòa. Vua Bảo Đại ngự triều phục, mang mão Cửu Long, áo Hoàng bào, đai khảm ngọc thạch, hốt bằng ngọc khuê. Theo chầu ngự giá có Thượng thư Phạm Quỳnh - Ngự tiền Văn phòng; Tổng lý đại thần, “Trung úy Castella, quan Thương tá và các quan Ty trưởng Ngự tiền văn phòng”9. Khi đoàn Ngự giá vừa đến Đại Cung môn, thì trên Kỳ Đài phát 7 tiếng súng. Lúc này các vị quan Nam triều đã tập trung tại điện Thái Hòa.
 

Thông tin về lễ Sách lập Hoàng thái tử Bảo Long trên báo Tràng An, số 402, ra ngày 10 Mars 1939

Trên báo Tràng An số 402 cho biết cụ thể quan viên tham dự lễ Sách lập, như sau: Hoài Ân quận vương, quan Cần chánh Tôn Thất Hân, Võ hiển Hoàng Trọng Phu, Tổng  đốc Ngô Đình Khôi, Hồng Quang Địch, Tuần  vũ Hồ Đắc Ưng, Tôn Thất Cổn, cụ Trần Văn  Thông, Tổng đốc Hồ Đắc Điềm, Hoàng Văn Khải… cùng các quan viên các quan trong Cơ Mật viện, Nghị trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, Tôn Nhân phủ, Vệ Thân binh, quan viên ở Bắc kỳ. Sau khi vua Bảo Đại ngự tọa, một đội kèn “Aux champs nổi lên phía ngoài Ngọ Môn đón chào quan Toàn quyền. Kế đến đội nhạc binh Đại Nội tấu hai bài quốc ca của Pháp và Đại Nam”10.

Tham dự buổi lễ hôm đó, bên cạnh quan lại văn võ trong triều còn có sự hiện diện đông đảo các quan viên người Pháp ở cả ba kỳ, chẳng hạn: Toàn quyền Đông Dương - ông Joseph Jules Brévié, Khâm sứ Grafteuil, quan Thống sứ Châtel, Thống đốc Rinckenbach, Giám đốc sở Thương chánh, kiêm quyền Thống sứ De Tastes, quan Cai trị Rouys, Chánh văn phòng quan Toàn quyền - Thiếu tướng Deslaurens, Thống đốc các đạo binh ở Trung kỳ và Ai Lao, Khâm mạng Tòa thánh - Đức giám mục Drapier, quan Chánh án Gaye, Cố vấn Pháp luật, quan Thanh tra Jardin, quan Thanh tra Patau, Thanh tra Liêm phóng Sogny, quan Cố vấn Torel, quan Đổng lý Labbey, quan Đốc lý Destenay, các quan Thủ hiến công sở Bảo hộ ở Trung kỳ…

Sau phần nghi thức đón tiếp đại biểu, đúng 9 giờ sáng, lễ Sách lập chính thức cử hành. Hoàng thái tử Bảo Long được Thượng thư Bửu Thạch dẫn ra giữa điện Thái Hòa. Đức Đông cung “bận triều phục sắc đỏ, mão Đông cung, áo bào, đi hia cầm hốt bằng ngọc làm lễ Tam khấu trước ngự tọa”11. Tiếp đó, Thượng thư Ưng Trình tuyên đọc Kim sách, “quyển sách bằng vàng khắc lời văn về việc tấn phong vị Đông cung Hoàng thái tử”. Sau phần tuyên đọc Kim sách, cụ Lê Nhữ Lâm đặc trách tuyên đọc Kim bảo, đây là chiếc ấn bằng vàng, khắc 5 chữ Hoàng thái tử chi bảo. Kể từ giờ phút này, danh vị của Thái tử Bảo Long được mặc nhiên thừa nhận sẽ là người kế nhiệm vua Bảo Đại sau này.

Việc tấn phong Hoàng thái tử là một sự kiện trọng đại của đất nước. Báo chí lúc ấy không ngớt chúc tụng cũng như ngợi ca cốt cách của đức Đông cung, “trong những thời khắc ấy mọi người đều chung một mối cảm tưởng kính mến và khâm phục đức Đông cung, tuy tuổi còn thơ, ấy mà đã biểu lộ ra cái khác thường. Ngài mới hơn ba tuổi mà hành lễ một cách rất chỉnh túc, rất nghiêm trọng”12. Đặc biệt, trên Tràng An số báo  403, có đăng tải một bài viết nhấn mạnh sự cần thiết của việc sách lập Đông cung  Hoàng thái tử, theo tác giả nhận định, thì: “Ta phải biết rằng chế độ quân chủ lập hiến đối với nước ta vẫn còn thích hợp thì việc sách lập Đông cung Hoàng thái tử còn là nguyện vọng chung của thần dân, dù Hoàng thượng xuân thu chưa tới ba lần, Hoàng tử chưa đầy bốn tuổi mà việc sách lập ấy sớm được ngày nào là căn bản của thiên hạ vững bền ngày ấy. Nhân lễ Sách lập này, chúng tôi xin dẫn chứng cái hại không sớm lập Thái tử trong lịch sử Á Đông cho thần dân biết rằng việc sách lập Đông cung đối với Tôn miếu Xã tắc quan hệ không phải là nhỏ”13.

Sau khi lễ “thọ sách, bửu” vừa xong, quan Toàn quyền Đông Dương Joseph Jules Brévié tiến tới Ngự tọa để chúc mừng vua Bảo Đại, đức Đông Cung và toàn thể Hoàng gia. Kế đó, “đình thần làm lễ thọ hạ tam khấu và lễ dân hạ biểu kính mừng lễ sách lập” và “quan bộ Lễ quỳ tâu: Tấu lễ thành, rồi vị Võ quan khác quỳ tâu: Thỉnh phát hạ pháo”, tức thì 9 phát súng được nổi lên từ phía Kỳ Đài.

Nhằm thông tin rộng rãi đến mọi tầng lớp quần chúng, triều đình cắt cử “một ấn quan ở Ngự tiền văn phòng cung đệ đạo Chiếu thư và lễ Sách lập ra niêm yết tại Phu Văn Lâu cho thần dân đều biết”14. Theo tường thuật trên báo Tràng An, thì lễ “đệ Chiếu thư” sẽ do một đội Thân binh với đầy đủ nghi trượng, nhã nhạc, lọng tàn theo hầu. Đến buổi chiều cùng ngày, đích thân Hoàng thái tử Bảo Long đến cáo yết tại liệt miếu, sau đó đến cung Trường Sanh làm lễ yết đức Khôn Nghi Xương Thái hoàng Thái hậu, rồi Đoan Huy Hoàng thái hậu ở cung Diên Thọ và đức Nam Phương hoàng hậu.

Qua ngày 18 tháng Giêng, năm Kỷ Mão (08/03/1939) vào lúc 10 giờ sáng, các Hoàng thân, Vương công và các quan Văn võ “bận áo rộng gấm hoặc áo rộng xanh đến cung An Định làm lễ kính mừng Đức Đông cung”. Buổi chiều cũng tại cung An Định mở tiệc trà bánh để khoản đãi “các trẻ em con các quan đại hiến Pháp, Nam dưới 10 tuổi. Dự buổi tiệc ấy có đến 300 trẻ nhỏ, trong số ấy cũng có một số rất đông nam nữ học sinh các trường mà học hạnh đều xuất sắc, ấy là một tiệc rất vui xưa nay ở Huế chưa từng có”15.

4. Thay lời kết

Sử liệu chính thống quan phương được biên soạn theo dạng biên niên dưới thời Nguyễn cơ bản kết thúc dưới triều vua Khải Định. Chính vì thế, trong khoảng thời gian khá dài, đặc biệt là giai đoạn trị vì của vị vua cuối cùng nhà Nguyễn được xem là một khoảng trống, với không ít sự kiện diễn ra bấy giờ không được mô tả một cách trọn vẹn nhất. Thế nhưng, qua các trang báo đương thời hay những bưu ảnh, ghi chép của người Pháp… phần nào giúp chúng ta hình dung về một giai đoạn với rất nhiều thăng trầm, biến động trong lịch sử Việt Nam.

Lễ sách lập Đông Cung Hoàng thái tử Bảo Long là nghi lễ quan trọng bậc nhất do triều đình đứng ra cử hành, đầy đủ các nghi thức truyền thống, với sự tham dự của rất nhiều quan viên cấp cao trong triều cũng như phái đoàn người Pháp. Có thể nói rằng, những thông tin được đăng tải trên các trang báo lúc bấy giờ là nguồn tư liệu rất đáng tin cậy, góp phần xác nhận về thời gian tổ chức, tuần tự các nghi thức tấn phong, qua đó cho thấy sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.

Vừa tròn 80 năm, tính từ ngày Bảo Long được chọn làm Thái tử. Biết bao lần vận nước nổi trôi, hết bỉ rồi lại thái, cuộc đời của ông cũng gắn liền với thịnh suy của triều đại, dòng tộc. Ra đi ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, bỏ lại sau lưng tất cả những lời khen chê, phiếm luận của người đời; công bằng mà nói, ông là vị Thái tử kém may mắn nhất trong lịch sử triều đại nhà Nguyễn.

Huế, mùa Vu Lan 2019
M.Đ  
(TCSH375/05-2020)

-------------------
1. Souverains et Notabilités d’ Indochine, Editions du Gouvernement Général de l’Indochine, Nhà in Viễn  Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, 1943, tr: IX.
2. [Nguyên văn]: Chaque année, l Annam célèbre la fête Thiên Xuân, ou anniversaire de la naissance de  S.A.I. le Prince Héritier. Dẫn từ sách “Souverains et Notabilités d’ Indochine”, Sđd, tr: IX.
3. Võ Quang Yến, “Đông Cung Hoàng thái tử Bảo Long”, dẫn từ trang: https://nghiencuulichsu.  com/2017/11/10/dong-cung-hoang-thai-tu-bao-long/, truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2019.
4. Nội các triều Nguyễn (2004), “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, tập IV (bộ Lễ, quyển 76), bản dịch  Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, tr: 107.
5. Nội các triều Nguyễn (2004), “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, tập IV (bộ Lễ, quyển 83), bản dịch  Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, tr: 193.
6. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quyển 76, Sđd, tr: 107.  
7. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quyển 76, Sđd, tr: 107.
8. Tràng An báo (1938), “Sách lập Đông cung Hoàng thái tử”, số 360, ra ngày 30Septembre 1938, tr: 1.
9. Tràng An báo (1939), “Lễ sách lập đức Đông cung Hoàng thái tử”, số 402, ra ngày 10 Mars 1939, tr: 1.  
10. Tràng An báo, Lễ sách lập đức Đông cung Hoàng thái tử, tlđd, tr: 1.  
11. Tràng An báo, Lễ sách lập đức Đông cung Hoàng thái tử, tlđd, tr: 3.
12. Tràng An báo, Lễ sách lập đức Đông cung Hoàng thái tử, tlđd, tr: 3.  
13. Tràng An báo (1939), “Ở dưới chế độ quân chủ lập hiến, Sách lập Đông Cung Hoàng thái tử là nguyện  vọng chung của thần dân”, số 403, ra ngày 14 Mars 1939, tr: 1.
14. Tràng An báo, Lễ sách lập đức Đông cung Hoàng thái tử, tlđd, tr: 3.
15. Tràng An báo, Lễ sách lập đức Đông cung Hoàng thái tử, tlđd, tr: 3.     




 

 

Các bài mới
Đọc Kafka (03/07/2020)
Các bài đã đăng
Hoa bằng lăng! (03/07/2020)
Chùm thơ NP Phan (03/07/2020)