Tạp chí Sông Hương - Số 378 (T.08-20)
T
15:13 | 05/10/2020

ĐINH PHƯƠNG  
         Tặng Bình   

T ghé qua tôi vài phút rồi vội vã đi ngay… 

T
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

*
T không nói đi đâu. Hơn tháng rồi thành phố cách li, tôi đi tìm T qua những cách li ký ức. Khẩu trang vải, rửa tay nhiều lần, tôi đi tìm T để cùng rửa tay. Tay T bẩn, ngày tháng qua hao lên hụt xuống là bao nhiêu ngày rồi. Tôi không còn rõ nữa, nhưng tôi phải tìm bằng được T để hỏi T đã đi đâu, trong ngày tháng chuyển lấp cuốn tới T đã làm gì, ở đâu, với ai. Người ta chặn tôi lại hỏi tôi đi đâu, tôi nói tôi đi tìm T. T nào? T có thể là bất cứ T nào. Nhưng tôi chỉ có một T thôi, bằng xương bằng thịt, cao một mét bảy, nặng bảy tám cân, T thừa hơn mười cân mới trở lại cân đối. Tôi tả T, người ta nói người như thế đầy, trong thành phố này đầy. Thành phố cách li, ký ức cách li, cộng vô vàn cách li lại để thành một nỗi cách li héo hắt cá nhân nhỏ nhặt. Tôi tự hỏi hay thành phố T ở giờ này cũng đang cách li. T không thể trở về thành phố này, với tôi. Để kể về thời gian qua đã sống thế nào, ngày ăn mấy bữa, tập thể dục sáng sớm hay tối muộn, ngủ mấy giờ, đi ra ngoài với ai, đọc sách gì.

T là người thích kể chuyện, một chiếc lá rơi qua trước mắt T lập tức kể về lần đầu tiên ngồi với người yêu tên Trang, lá cũng rơi xiên xiên thế, xiên thẳng rồi xiên ngang, ban đầu một lá rồi nhiều chẳng đếm xuể, vào giữa một ngày cuối đông lạnh lẽo…; người nghe sốt ruột, hẳn nhiên, người nghe muốn hiểu T làm gì với người yêu thì T đi kể về lá, cây cối xung quanh. Mọi người lảng ra nhưng tôi thì thích cách kể chuyện ấy của T, tiến dần ra ngoài cái mọi người muốn để làm cái mình muốn. Tôi chơi thân với T cũng vì thế, cứ rảnh là rủ nhau đi ngồi, lúc chè chén đặc xít cạnh cơ quan, khi cà phê gầm cầu, rồi vài cốc bia hơi ở quán 11 Đường Thành, nhìn ra đằng trước vườn hoa, kế đến đường sắt, tàu chạy Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. T thích nhất những quán có đường sắt xẹt ngang qua. Tiếng còi tàu vang vọng gợi cho T miền nhớ nơi thị trấn xa xăm tưởng chừng lãng quên. Quê T nơi thị trấn MK. Tôi nhiều lần hỏi T chuyện về gia cảnh, thị trấn, T đều tránh. T lẩn vào một câu chuyện bất kì gặp được ngay lúc đó, người bán vé số, chiếc xe ô tô vừa đi qua, bản nhạc vàng vang lên từ chiếc điện thoại nào đó. T sợ nhắc đến thị trấn. Vì sao? Tôi chẳng biết, tôi vẫn ngồi với T.

Chậm rãi, nín lặng, kể cả bia tơi tới vẫn nín lặng.

Cả hai chờ một đoàn tàu qua, là tàu Hải Phòng lên, hay tàu từ Hà Nội về. Đi và về đôi khi cũng chẳng có gì khác nhau nhiều. Tôi tin lái tàu và nhân viên trên tàu khi đã soát vé xong, lơ mơ, chập chờn giữa các giấc ngủ, họ cũng chẳng biết mình đi hay về, về hay đi nữa. Họ lơ mơ giữa tiếng loa thông báo tàu vào các ga Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái, Thượng Lý… Ga nào cũng lác đác người lên xuống, hàng hóa xuống lên, nhiều khi giật mình đánh thột, quên soát vé, quên mình là một nhân viên. Họ cũng đặt mình vào vai một hành khách chuẩn mực: có người thân đưa tiễn, đón đợi. Để rồi đôi khi vượt quá lằn ranh nhân viên chuyển sang vai hành khách. T nghe mớ suy diễn lảm nhảm của tôi bảo, đừng đi quá các lằn ranh, bên kia là địa ngục. T không theo đạo nào cả nhưng tin địa ngục. Hai vại bia mang ra là hai địa ngục trôi tuột vào dạ dày. Bọt trắng xóa mép, tàu lại xình xịch kéo qua trước mặt. Người ngồi trên tàu qua tấm kính chắn chia ô vuông có nhìn thấy chúng tôi phía dưới không? Tôi từng đi tàu hồi còn học cao đẳng văn hóa nghệ thuật, khoa quản lí văn hóa sau khi đã thi trượt đại học sư phạm, khoa tâm lí giáo dục, bởi mơ ước cháy bỏng được làm thầy giáo, sơ vin áo trắng đứng trên bục giảng. T không thích nghề giáo, T thích công việc gắn với di chuyển hơn, T cũng thích đến Hải Phòng, xong không phải bằng tàu hỏa, ô tô dọc theo đường quốc lộ 5, mà bằng phà, đi từ Quảng Ninh sang.

Phà ấy phà Rừng. Qua sông Bạch Đằng.

*
Liệu có khi nào giờ này T đang mắc kẹt ở Phà Rừng trong những ngày cách li. Không ở bên kia đất Hải Phòng, bên này đất Quảng Ninh, V ở lưng chừng dòng sông, trên một chiếc phà nhìn về hai tỉnh. Tôi muốn đi tìm T, nhưng trong những ngày này không được đi đâu khỏi chỗ ở. Cơ quan cho làm việc online tại nhà. Cả ngày tôi vật vờ ăn ngủ trong căn phòng trọ cũ kĩ, hết ra lại vào. Có khi ngủ đến sang chiều cũng chẳng có âm thanh nào vọng lại đánh thức. Tuồng như người trong thành phố đã đồng loạt rủ nhau độn thổ trú ẩn sang một thành phố khác. Tôi đi rảo một vòng từ đầu xóm đến cuối xóm chẳng gặp ai, dây phơi quần áo lơ thơ chiếc quần màu đen không rõ phòng nào quên lấy. Xóm trọ có cả thảy mười hai phòng đã về quê mười, chỉ còn phòng tôi đầu dãy và phòng cuối dãy đóng cửa im ỉm cả ngày.

Chủ xóm trọ là một người phụ nữ ngoài năm mươi, nặng gần tạ, quê Ninh Bình, tên Hiện. Những ngày dịch bệnh bùng phát này, ngày ngày gõ cửa hai lần nhắc nhở đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và hạn chế ra ngoài. Tôi gợi ý về việc giảm tiền thuê nhà như những chủ nhà trọ ở miền trong được đưa lên ti vi. Chủ xóm trọ ừ hữ rất nhẹ rồi lúc lỉu đi về phía cổng, không ra đồng ý, chẳng ra phản đối. Bộ quần áo ngủ màu xanh nõn chuối, chấm hoa trắng nhỏ tuồng như căng bật ra theo nhịp di chuyển một hai của các khối mỡ phân bổ nơi bụng, mông, đùi. Tại sao lại là màu xanh nõn chuối chứ không phải màu xanh khác? Đêm ấy tôi mơ thấy bộ quần áo màu xanh nõn chuối căng phồng đuổi theo mình trong mơ. Sợ thật sự, chỉ một bộ quần áo căng phồng bùng nhùng đuổi sát sạt sau lưng, tiếng cười ngân văng vẳng chẳng rõ vọng ra từ đâu. Tôi chạy qua dãy phòng trọ, chạy dọc theo con đường ngày ngày vẫn đi bộ để đến cơ quan, chạy qua cả công viên vẫn ra đánh cầu lông khi chiều về. Đường phố không mống người, bộ quần áo ngủ màu xanh nõn chuối lướt phơn phớt trên mặt đường nhựa. Chẳng có ai để kêu cứu, trong lúc chạy tôi chợt nhớ đến T, nếu T ở đây T có thể cứu tôi. Hai người chắc chắn hơn một, chúng tôi có thể đè bộ quần áo phồng rộp kia xuống và nhét xuống đoạn cống gần nhất. Nhưng T không thể len vào giấc mơ của tôi, bộ quần áo lượt đến là là ngay sau lưng, tiếng cười ré lên thoả mãn ụp xuống. Tôi choàng tỉnh dậy, mới hơn ba giờ sáng, người đầm đìa mồ hôi, nếu bộ quần áo ấy thay bằng bà chủ xóm trọ thì sao nhỉ, chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn nhiều.

Tôi mở điện thoại, ba giờ sáng gọi cho T ở một miền cách li xa lắc lư nào đó chưa xác định. Điện thoại trước khi đổ chuông là khuyến cáo, giọng nữ lanh lảnh: “Bộ y tế đề nghị mọi người dân không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết”, không ai bắt máy. Nửa tiếng sau tôi gọi lần nữa, vẫn là giọng nữ thay mặt Bộ Y tế khuyến cáo và những âm thanh tút tút quen thuộc. Chắc T đang ngủ, cũng có thể T không mang theo điện thoại. Thế tôi biết tìm T ở đâu trên mặt đất bao la này. Nơi nghi ngờ duy nhất là Phà Rừng thì chẳng có cách nào đi đến. Xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng hay Quảng Ninh đều buộc phải quay đầu về.

Giá T để lại một vài dòng địa chỉ tôi sẽ viết thư, dán lên những con tem mất giá trong thời công nghệ đem ra bưu điện gửi. Trên bì thư có ghi địa chỉ người gửi, người nhận, tôi sẽ phải ghi tôi ở đâu; lần đầu tiên sau năm năm chuyển đến sống nơi thành phố tôi phải biết chính xác số nhà, số ngõ, phường, quận của mình. Năm năm cũng đủ cho một hình dung nếu có bỏ thành phố để trở về, Kẻ Sặt. Tàn tán Lương Đường, đầu lâu Kẻ Sặt.

Mẹ điện lên bảo tôi đừng về, nhà Tiến rỗ từ Móng Cái, Quảng Ninh về bị đưa đi rồi đấy. Còn bảo thêm, nếu có thiếu tiền thì mẹ gửi cho, nhà cũng vừa bán hơn hai tạ thóc, thóc đợt này được giá; nhà Cảo xay xát đợt này kiếm khá lắm, máy chạy ù ù cả ngày cũng không đủ cho người về đem đi Hà Nội. “Trên ấy khổ lắm đúng không con?” Tôi lẩm nhẩm nhân số tiền mẹ có khi mẹ bán hai tạ thóc, được nhấp nhỉnh hai triệu rưỡi, chẳng lỡ trêu dịch bệnh ngăn sông cấm chợ thế này mẹ làm sao gửi lên. Tôi cũng không biết mình trên này có khổ không nên chẳng trả lời được mẹ. Mẹ còn dặn như ti vi, nhớ giữ gìn sức khỏe, mua thêm hoa quả mà ăn, rồi tập thể dục, uống nước nóng, rửa tay thường xuyên. “Sư bố anh, lớn đùng rồi cũng phải tự lập dần đi. Mẹ không sống mãi mà lo cho được đâu. Xem dịch giã êm êm thì tìm lấy một đám cưới đi, ngoài ba mươi rồi đấy”. Câu chốt bao giờ cũng thế, tuyệt nhiên mẹ chẳng đả động gì đến bố. Tôi với bố không hợp nhau, bố muốn tôi về gần nhà, xin vào ủy ban nhân dân huyện hoặc thị trấn làm nhà nước cho ổn định, nhà cửa thì sẵn đấy rồi, con một chứ có phải con đàn đâu mà mất đứa này còn đứa kia, đẻ con ra ông bà còn khỏe trông cho, chứ cứ lông ba lông bông mãi được sao… Bố còn nói nhiều nữa, ngẫm đều có lí, song tôi sợ lí lẽ của người già, nên mỗi lần về Kẻ Sặt đều nhanh nhanh chóng chóng nhong lại Hà Nội ngay.

*
Sáu giờ chiều nay tôi nghe thấy tiếng chuông nhà thờ văng vẳng, văng vẳng…

Khu tôi ở đây gần nhà thờ nào nhỉ? Cố nhớ cũng không ra, tiếng chuông làm tôi nhớ đến T. T không theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, cũng không theo đạo Phật, T chẳng tin gì ngoài chính bản thân mình. Nhưng T thích nghe tiếng chuông nhà thờ, nhiều lần chúng tôi cùng ra nhà thờ Cửa Bắc nghe chuông. Vào mùa đông, ngày chưa cười đã tối, giữa không gian tối sẫm, lạnh lẽo tiếng chuông dường như cô tịch, ngân xa. Không ai bảo ai, mỗi lần nghe chuông xong chúng tôi đều đến trước cổng thành Cửa Bắc đứng, gió thấu buốt tai, hàng sấu trên đường Phan Đình Phùng lao xao, người xe đi lại nhốn nháo. Vết đạn đại bác của pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng vào đây năm 1882 vẫn còn đó lầm lũi ám bụi thời gian. T bảo đêm ngày 25/4 hàng năm nếu đi qua thành sẽ thấy lại được cảnh diễn của lịch sử. Lá sấu lao xao, mùa sấu người ta vặt xuống bán dọc đường, vài chục nghìn một cân. Tôi mấy lần mua sấu ở đây về cho mẹ ở Kẻ Sặt ngâm đường, nói dối mười nghìn một cân, bằng sấu ở quê, thế mà mẹ vẫn nói: “Bằng tiền nhau mày tha về làm gì cho nặng xác”. Tôi có kể chuyện đây là sấu ở cổng thành Cửa Bắc, sấu ngày xưa Xuân tóc đỏ đã từng hái, với mẹ cũng chẳng nghĩa lí gì.

Tôi không ưa điểm danh, ngay từ hồi cấp một xếp hàng vào lớp, cô giáo đếm từ một đến hết tôi luôn luôn đếm nhầm số của mình. Chẳng bao giờ nhớ được đứa đằng trước số bao nhiêu để tiếp vào. Trong trò chơi thì sợ nhất nhắm mắt đi tìm vì tiếng đếm: “năm, mười, mười lăm, hai mươi… chín lăm, một trăm, cách xa ba mét, mở mắt đi tìm”, cứ ngân nga mãi trong đầu, về nhà ăn cơm, đi ngủ mà tiếng đếm vẫn quện xoắn không buông tha, đến mở mắt đi tìm là giật thót, tưởng như có con mắt nào đang mở trừng trừng nhìn trong góc tối; ngay lúc này, ở giữa ngôi nhà của mình cùng bố mẹ vẫn không an toàn, vẫn đang bị đi tìm để thế chỗ.

Giờ tôi cũng đang trong vị trí người tìm, nhưng không có số đếm, cũng chẳng có quy định cách xa bao nhiêu mét. Khi T tìm đến đây trước ngày thành phố cách li tôi cũng mở mắt chứ không nhắm. Chẳng có ai quy định đây là một trò chơi mà người ở lại phải tìm kiếm người ra đi. Nhưng tôi thích đặt mình vào vị trí đi tìm, lần đầu tiên, tôi muốn mình đối chọi lại với nỗi sợ hãi tiềm ẩn, mơ hồ, không rõ ràng trong quá khứ. Tôi phải tìm bằng được T, dù cũng chẳng để làm gì. T vội vã chạy trốn cách li ở thành phố này để chuyển sang cách li ở thành phố khác. Cách li phủ trùm những con đường, hàng cây, phủ lên những khuôn mặt ngái ngủ vào sáng sớm, ngáp ruồi vào chập tối. Ít ỏi khuôn mặt gặp trên đường chỉ nhìn thấy nhấp nháy đôi mắt, mắt nào cũng giống mắt nào, mắt nào cũng thao láo trong một ngày đáng ra bình thường, khi thời gian đang vét những trận gió cuối cùng của mùa xuân đưa đi, thay vào đó nắng nóng bỏng rát mùa hè.

*
Chủ xóm trọ vào nhắc nhở lần thứ hai trong ngày, vẫn điệp khúc hạn chế ra ngoài, có ra phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ở ngày thứ n nào đó của đợt cách li. Bộ quần áo ngủ màu xanh nõn chuối được thay bằng màu hồng rực, cũng vẫn chấm hoa trắng nhỏ. Ngày mai, kia, kìa chắc tiến tới đỏ rực, vàng đậm, tím rẫy hoặc cam chóe; tất cả vẫn là sự chật trội bao lấy các khúc mỡ lúc lỉu dính quanh người chao đảo chực rơi. Tôi biết, đêm nay ngủ mình sẽ mơ thấy bộ quần áo ngủ màu hồng kia dí đuổi sát sạt sau lưng. Nhiều lúc, muốn đóng cửa lại kệ chủ xóm trọ, xong không được, bức bí khó chịu quá lại he hé ra. Như chỉ chờ có thế, mỡ trên người có tác dụng đánh hơi nhanh chóng đẩy khuôn mặt tròn như trăng trung thu, với tóc tém nhuộm vàng bao xung quanh lách khe cửa lùa vào. Phòng tràn ngập hình ảnh về mỡ, lấn ra cả sân chung.

Nay chủ xóm trọ ở lại phòng tôi lâu hơn sau khi đã thông báo mọi biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. “Có chuyện gì vậy cô?”. Ngập ngừng, khoảng im lặng kéo dài của các tần số mỡ dao động liên hồi. “Mày có bao giờ thấy phòng trọ cuối dãy kia mở cửa không?”. Năm ngón tay chuối mắn bằng nhau, xếp dày ứ nhẫn vàng chỉ về cuối dãy. “Cả tuần trời không thấy ra ngoài. Hay là…”. Mỡ chuyển sang trạng thái sợ hãi, phòng vệ. Tôi hiểu điều ngầm ám chỉ kia, một xác chết, một tự tử tuổi xanh, nhưng nếu thế thì mùi thối hoẳng, ruồi bọ phải lập tức bao vây lấy căn phòng chứ. Tôi vừa muốn đi cùng chủ xóm trọ gõ cửa, thậm chí phá cửa vào xem có điều gì bí ẩn che giấu bên trong; mặt khác, tôi sợ hãi với hình dung về điều gặp phải trong căn phòng đóng kín đó. Nhưng sau rốt, sự tò mò đã chiến thắng, đeo khẩu trang vải màu trắng, tôi theo chủ xóm trọ, đeo khẩu trang hồng cùng màu với quần áo tiến lại cuối dãy. Giờ tôi mới để ý ngón tay, ngón chân bà ta đều sơn màu đen, màu đen kết hợp với màu loẹt loẹt thì thành cái gì. Lại nữa, từ khoảng hở của bắp chân, nơi quần ngủ không kéo được hết xuống tôi bắt gặp lớp lông chân dày, mượt, lay láy. T từng nói với tôi, con người đang tiến hóa ngược lại thời kì vượn người, ở ứng xử, ở các tội ác man rợ khó tưởng tượng, ở các chứng bệnh không có thuốc chữa.

Căn phòng cuối dãy là căn phòng được đánh số 13, thêm một bằng chứng cho các huyễn tưởng kinh dị. Tôi vẫn đứng sau lưng người chủ xóm trọ, hồi hộp thấp thỏm chờ. Gió lùa hun hút qua các cánh cửa gỗ xanh, nghe như có tiếng u u vang vọng. Con số 13 bằng phấn trắng méo mó, chập chờn, ánh nắng phút trước phút sau bị mây lùa che kín, không gian thốt lạnh lẽo, gai ốc ở gáy và hai cánh tay nổi lên, tôi chờ bàn tay chuối mắn đập vào cánh cửa.

“Rầm… rầm… rầm… Có ai không? Rầm… rầm… rầm…”.

Ba tiếng, rồi sáu tiếng đập sầm sập, tôi giật thót, chờ đợi sự im lặng từ đằng sau cánh cửa đưa đến. Lúc ấy sẽ đến việc của tôi, đạp cửa xông vào. Chủ xóm trọ mặt mày trắng bệch quay lại nhìn dò hỏi. Mặt trăng trung thu bị mây mù che khuất, liễu tóc vàng lất phất đẩy qua. Chiếc quần màu đen vẫn đung đưa chầm chậm. Liệu có khi nào nó thuộc quyền sở hữu của chủ nhân phòng trọ số 13 không. Nó hiện diện ở đây trong những ngày cách li với vai trò vứt bỏ, quên lãng. Con chuồn chuồn ngô liệng từ trên cao xuống đậu vào cạp quần rồi vội vã bay đi.

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa.
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.


Tôi gật đầu quyết tâm, quần áo hồng lăn cẫng sang phải, cách xa cửa vài mét, các tầng thịt đưa đẩy lên xuống nhấp nhô rất phi tự nhiên. Dồn sức, đạp mạnh, tôi đã nghĩ phải vài ba cú thì bản lề mới đứt ra. Nhưng không, cửa chỉ khép, tôi mất đà nhao vào bên trong. Phòng 13 không có người, trên giường chăn hoa xanh, gối có hình con voi gấp gọn gàng, tủ quần áo vẫn y nguyên, trên bàn gấp nhỏ có nửa chiếc bánh mì đã mốc xanh, chai nước ngọt kiến bu đầy. Cầu dao ngắt, khi bật lên đèn đóm vụt sáng, từ đèn phòng, đèn trong phòng vệ sinh đến đèn bàn đọc sách. Mùi mông mốc vì ẩm thấp, lâu không có người ở thoang thoảng. Trong nhà tắm chậu quần áo vẫn ngâm chưa giặt. Bàn chải đánh răng quệt kem chưa đánh đặt cạnh ca nước đầy. Cạnh đó là nồi cơm ngâm nước chưa rửa, trong lều bều xác gián, cùng bát và thìa con. Hẳn chủ nhân phòng trọ đã ra đi rất vội, chưa kịp dọn dẹp, chuẩn bị gì. Thế mà bao lâu nay tôi cứ nghĩ trong căn phòng này có người.

“Trang, con bé trọ phòng này tên Trang. Nó đăng kí ở lại cơ mà…”.

*
Trang cũng là tên người yêu của T, như T từng kể.

Chủ xóm trọ đưa lượng mỡ gói trong quần áo ngủ của mình ủi nhanh về phía cổng. Lúc sau, quay lại với ổ khóa, kiểm tra lại một lần nữa từng cm trong phòng, xong khóa ngoéo cửa lại, ì ạch đứng thở. Trong lúc làm tất cả chuỗi hành động đó không đả động gì đến tôi nữa. Tiền trọ ở đây đóng ba tháng một lần, nay mới giữa tháng thứ hai, hẳn không phải quỵt tiền nhà. Vì nếu đóng tiền nhà chậm nửa tháng lập tức bị tống đi ngay, thay người thuê mới. Vả lại, nếu Trang, chủ nhân phòng trọ kia trốn nợ thì thái độ của mỡ hồng sẽ khác; phải là lồng lộn, cay cú, mọi thứ được quần áo giấu đi lập tức trôi tuột lên miệng phun ra phì phì.

Tôi cố nhớ những gì T kể về Trang, ở đâu?, làm gì?, tuổi tác?, nhưng có chắc Trang này là Trang T nhớ đến trong một khoảnh khắc nơi quá khứ. Ở những ngày cách li Trang cũng chỉ là một cái tên, tên người những ngày này không quan trọng bằng những con số, 17 rồi 156… 190… 262… người mắc, chữa khỏi 50… 150… 200… Ngày nào, tôi cũng vào mạng xem số người nhiễm bệnh mới, không có V. Một bộ phim về tận thế cũng không kinh khủng bằng những ngày này; bởi khi xem phim, mình biết mình chỉ là người xem, tất cả đều không có thật, một cú kích chuột tất cả sẽ dừng lại; song đời thật vĩnh viễn không là phim, tất cả bị cuốn đi theo các con số cập nhập ngày hai lần sáng tối; chỉ cần đau họng, ho, hắt hơi lập tức mình tự đặt mình vào nhân vật chính, nguồn lây nhiễm mơ hồ trong cộng đồng; áp lực sợ hãi gieo lấy, bám đuổi cả trong mơ; có thể chỉ là cảm cúm thông thường, thay đổi thời tiết, bình thường chẳng sao, nhưng những ngày cách li này là cuống quýt, đo nhiệt độ, theo dõi, uống đủ loại thuốc, đủ loại mẹo từ tỏi ớt đến gừng sả, lá lốt.

Không khí sợ hãi phấp phỏng bủa vây mọi ngõ ngách.

Tôi vẽ trên giấy:



Tôi nhọc nhằn tách bạch những địa danh ra khỏi đoán định về nơi đến, nơi đi, nơi trú ngụ của T, tôi và cả Trang nữa. Trang đã có mặt trong câu chuyện của tôi một cách không chủ đích. Trang, một cái tên, một sự lìa bỏ thành phố vội vàng. Muôn vàn sinh thể chạy trốn khỏi nơi trú ngụ, tán loạn, tìm một nơi trú ngụ khác an toàn hơn. Nhưng thử hỏi, có chỗ nào là an toàn những ngày này, bước qua địa ngục này là sang một địa ngục khác chứ không phải là thiên đường, hay thần tiên gì; bước qua vùng cách li này là sang một vùng cách li khác. T có hiểu điều ấy trước khi rời bỏ thành phố, bỏ tiếng chuông ngân nhà thờ, bỏ Cửa Bắc với bỏ bia bọt, cà phê, tàu hỏa và quá khứ trước cách li. Trước cách li là một thế giới khác và sau cách li lại là một thế giới khác. Trước ngày T đi là một T khác, nếu giờ T về cũng là T khác. Tôi cũng thế. Còn Trang, chưa gặp, nhưng tôi tin, nếu giờ gặp thì Trang cũng không phải Trang của trước ngày… tháng… cách li.

*
Thành phố bao giờ hết cách li?

T mãi vẫn chưa thấy trở về, cũng không liên lạc được. Tôi mắc kẹt ở thành phố, với ký ức về T, về người cùng xóm trọ đã bỏ đi trước ngày cách li, tên Trang. Trang liệu có đi cùng T, vào ngày T đến tìm tôi trước khi bắt đầu giờ cách li sáu tiếng. T đã đi đâu, ở đâu, làm gì. Tìm một người cách li trong những ngày cách li là cách li bị nhân lên nhiều lần. Hay T về thị trấn MK, MK trong T có điều gì không thể nói ra. MK có buồn như Kẻ Sặt. Ở cơn mơ đêm qua tôi thấy đầu mình, đầu bố mẹ, đầu người trong thị trấn, đầu T, đầu Trang, đầu chủ xóm trọ treo lơ lửng trên ngọn tre. Nhưng điều kinh dị nhất là những cái đầu đeo khẩu trang, nói chuyện với nhau về dịch bệnh. Tôi cố gắng thoát ra khỏi giấc mơ của chính mình không được. Có bao giờ một người đang sống bị nhốt chặt không thể thoát ra khỏi thế giới giấc mơ của chính mình. Tôi không biết, trong các cuốn sách tôi đã đọc chưa có cuốn nào như thế. Càng cố gắng giãy ra càng bị ghim chặt lại trên giường. Hình ảnh cuối cùng tôi nhận thấy được là những chiếc áo ngủ xanh đỏ tím vàng bay phấp phới về phía mặt trăng.

Hôm nay, hình như rằm, mà rằm tháng mấy rồi, tháng tư hay tháng năm…

Đ.P  
(TCSH378/08-2020)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Con mèo đen (30/09/2020)
Chùm thơ Vũ Dy (16/09/2020)