Tạp chí Sông Hương - Số 382 (T.12-20)
Qua mùa lau trắng
07:58 | 19/01/2021

NGUYỄN LUÂN   

Nhà của Nhếnh ở chân núi Khún, một gò đất hẹp nằm lấp sau những bụi cây chồi lên giữa sống đá. Mỗi buổi sáng thức dậy, Nhếnh lại nghe tiếng đập cánh rào rào của bầy chim vọng về từ trên vách núi mịt mù sương.

Qua mùa lau trắng
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Ông Lử vẫn bảo người núi Khún mỗi nhà thờ một họ, nhưng người ta sống lại giống hệt nhau. Trẻ con đẻ ra, bà đỡ cắt dây rốn đem gửi vào hốc đá rồi trồng lên đấy một cái cây. Cái cây cùng đứa trẻ lớn lên sống với đá. Người già chết đi thì cũng nằm xuống với đá, nhưng chẳng ai chán mảnh đất này.

Vậy mà mo Kháp mỗi lần lên nhà cúng tết cơm mới tháng mười, hay làm lễ an nhà tháng giêng xong đều nghiêng cái khuôn mặt buồn vàu vạu nhìn ra ngoài bảo: Dải đất này xấu lắm!, trông ở xa như lưng con hổ đang lao xuống dốc. Chỉ tốt cho người chết nằm, người sống dựng nhà ở thì cái khổ chả khác gì sợi dây rừng, chặt đi nó lại mọc ra, quấn lấy chân người mãi không bước đi được.

Mỗi lần nghe thế Nhếnh lại nằm vật ra sàn, ngó xuống những con đường lút sau đám dây rậm cố để lời của bố và mo Kháp trượt ra khỏi đầu. Nhếnh đang nghĩ tới Pài. Đã nhiều lần Pài nói với Nhếnh muốn bỏ đất này đi, đi tới đâu để người ta không biết mình là ai thì tốt biết mấy. Pài thấy mình khổ quá, cái khổ ấy Nhếnh muốn đỡ cho Pài mà không sao gánh được.

Nhếnh không biết tại sao người ta lại xa lánh, lại sợ bố con Pài đến thế.

*

- Nhếnh à! Mày có đủ hai tai, hai mắt mà sao lời nói người khác không chui vào đầu được thế?

Ông Lử nói rồi ném con dao vào góc bếp mà chẳng buồn cài nó lên vách khi nghe tiếng bước chân Nhếnh về nhà. Chiều nay ông lại thấy Nhếnh gặp cái Pài ở chỗ ngã ba đường vào rừng. Ông giận đến tím cả mặt. Nhưng đợi mãi Nhếnh mới đi chơi về. Nhếnh về thì đã say mềm như con đũn chết. Nằm vắt ở chân thang, rồi nôn ồng ộc xuống xích như người ta đổ cám vào máng lợn. Mẹ Mài lập cập múc nước lá chanh, lá đào đã đun sẵn trong cái nồi đồng vần bên bếp ra lau mặt cho Nhếnh. Mẹ Mài vừa lau vừa lật pật khấn: “Xin tổ tiên, ông bà chặn lối con ma già ma trẻ, để cho thằng Nhếnh này mắt sáng đầu tinh, biết lối lên thang xuống xích mà trở về nhà này nhá...”.

Nhếnh không bao giờ cãi lại, nhưng cũng chẳng bao giờ làm theo ý bố mẹ nói với mình. Thằng con trai này có cái đầu, cái cổ cứng từ trong bụng mẹ. Ông Lử nói héo cả lưỡi nhưng nó không nghe. Nếu lời của ông như gió chui vào ống thủng thì có ngày phải bịt tai, che mắt mà bỏ đất này đi cũng chưa biết chừng. Càng nghĩ ông càng giận, nhưng nhìn Nhếnh mắt mở trừng trừng nằm giữa sàn, nhìn lên mái nhà hết đêm này qua đêm khác. Ông thấy lo đến rối ruột gan. Không lẽ nó bị con gái lão Khày thả đuôi ma vào người rồi. Có khi phải gọi mo Kháp lên đây một lần nữa thì nóc nhà này mới yên.

*

Mọi người ai cũng nghĩ Nhếnh say. Nhếnh uống đến nỗi chân mềm như sợi mì gắp ở nồi nước sôi lên. Nhưng rượu không làm cho đầu Nhếnh say được. Rượu của Pài nấu bằng men lá nhà họ Hứa ngon nhất vùng này cũng không làm cho hai mi mắt của Nhếnh chạm nhau nổi. Nhếnh cứ nghĩ mãi về Pài, về lão Khày mà không hiểu nổi tại sao người ta lại chặn hết đường đi của bố con Pài như thế. Chặn đường Pài đi như thế khác gì chặn đường của Nhếnh đến. Pài cũng biết khóc, biết sợ, biết khổ kia mà. Hay những cái đau khổ ấy chỉ mình Nhếnh biết. Chiều nay gặp nhau ở suối, Pài bảo không thể chịu nổi nữa. Trong bản lại có con trâu vừa chết. Con trâu ấy chết rồi mắt vẫn long lên, đỏ rực như viên than trong bếp lửa. Người ta bảo mắt nó giống hệt mắt của Pài. Tại sao mắt một con trâu sắp chết lại giống mắt Pài được chứ?

Đã từ lâu lắm, hễ có những điều xui xẻo xảy ra ở đất này người ta nghĩ ngay đến bố con Pài. Con trâu chết ở rừng, cái nhà bếp bị cháy, người già ốm mãi không khỏi người ta đều nghĩ do ma nhà lão Khày đến quấy mới bị như thế. Người ta bảo nhà lão Khày có ma Gà. Bố con lão Khày nuôi con ma ấy trong nhà như nuôi báu vật. Chẳng ai dám lên nhà, cũng chẳng ai dám tiếp xúc với nhà có đuôi ma ấy dù chỉ một lần. Nhưng Nhếnh lại khác, Nhếnh chẳng tin những điều ấy bao giờ. Nhếnh tin Pài, tin vào những lần Pài ngồi như thân gỗ bên bờ suối đợi Nhếnh đi rừng về. Để đưa cho Nhếnh nắm lá thuốc đun nước cho mẹ Mài chữa đau lưng. Mẹ của Nhếnh uống thuốc của Pài đã bao lần mà không biết. Nếu biết chắc mẹ thò tay lôi ruột của mình ra ngoài phơi mất. Nhưng không biết rồi thì có làm sao đâu, mẹ vẫn sống, cái lưng thì bớt đau. Ở đất này chỉ có Nhếnh mới chịu nghe những lời mà Pài nói ra. Người như thế thì sao có thể làm những điều ác với ai được.

*

Lão Khày ngồi tựa lưng vào ván bếp. Ánh lửa hắt lên một nửa khuôn mặt cái Pài đang giã lá men. Nó giống mẹ của nó quá, nhiều lần lão chợt giật mình khi nhìn thấy nó ngồi băm lá thuốc, hay phơi men ngoài sàn. Lão chợt thấy thương con gái trong lòng. Rồi sẽ chẳng thằng con trai nào dám lấy nó về làm vợ. Người ta thấy cha con lão đi qua cổng còn rắc đầy tro bếp chắn lối lên nhà kia mà. Tại sao họ không biết cái nào đúng, cái nào sai, biết chỗ sáng, chỗ còn tối mà nhìn cho rõ. Cái Pài đẹp nhất đất này, không con gái nào có cái đẹp như con gái lão. Thằng nào lấy con gái lão sẽ học được nghề men lá của lão. Họ bảo nó có ma Gà. Đúng là không nhận ra con ma đố kị trong lòng người mới thật đáng sợ. Lão Khày vừa ngồi xâu men vừa thầm chửi rủa trong lòng. Càng giận lão lại càng thương con gái. Không lẽ rồi nó cũng như mẹ nó. Mẹ nó chết rồi, chết trong đám lá thuốc trong rừng trên núi Pán. Người ta cứ nghĩ vợ lão đã nằm ở núi Pán, cái Pài cũng nghĩ mẹ nó nằm ở đó. Xa nó lắm, ngày ấy nó còn bé quá. Mới cao hơn cái sọt đựng lá một cái đầu. Nó đâu biết mẹ nó vẫn ở đây, trong căn nhà này đã bao năm qua.

*

Cha con lão Khày về núi Khún dựng nhà thì cả bản như được ướp hương thơm từ mùi lá cây thuốc khô. Đêm đêm, gió từ trên núi cao thổi xuống, đem mùi hương ấy quấn quýt bám cả vào áo người đi đường. Ở đất này không ai biết nghề làm men rượu bằng lá cây như lão. Men của lão khi nấu thành rượu thì trong như sương đọng đầu mũi đá. Người uống xong đi nửa con đèo mà hơi rượu vẫn còn lẫn vào gió bay trở lại. Đàn bà uống say đôi má bỗng hồng rực. Đàn ông uống vào thấy lòng khoan khoái, cái đầu có nóng mấy cũng thấy mát như ngụp dưới nước suối mùa hè mà quên mất cái bực, cái khổ đang chất chứa trong người. Ngày trước ai cũng nhớ lần lão Sàng đến tìm mua rượu. Nhìn dáng người xác xơ như lá chuối khô của lão, vẫn đang líu díu trong cơn say đứng dưới thang, lão Khày cất tiếng như muốn giữ chân người.

- Lão uống rượu để làm gì thế?

Lão Sàng cười hậc hậc bảo:

- A ha nhà này nấu ra rượu ngon hay ra nước suối thế? Rượu không uống để say thì để làm gì...?

Lão Khày nghe thế thì trợn mắt lên quát:

- Rượu nhà họ Hứa không uống để lấy say. - Nói rồi lão đóng cửa đi vào nhà.

Lão Sàng xuống thang miệng vẫn lầm rầm chửi, lão chửi như tự nói với mình. Một thời gian sau lão Sàng hóa điên rồi chết, người chết mà bụng căng cứng, trương phình như nuốt cả con dê con vào người. Từ ngày ấy, chẳng ai dám đến hỏi mua rượu, mua men nhà lão Khày thêm lần nào nữa. Những xâu men đã khô, những nồi rượu của lão không bán cho người quen, người ở gần. Rượu của lão chất lên xe trâu, chở xuống chợ Phiên. Rồi đi về đâu không ai rõ.

Lão Khày giữ bí mật về cách làm men rượu quý như giữ tính mạng của mình. Lão đi rừng hái lá trước con gà trống gáy sớm nhất bản, và trở về khi bóng tối đã che mặt người. Chẳng ai biết lão đi về từ hướng nào, chỉ tới khi nghe tiếng dao băm lá, tiếng cối giã thình thình va trên ván nhà vọng lại từ ngôi nhà thoang thoảng mùi thơm. Thì mấy ngày sau những xâu men quả được đem ra phơi lúc lẳng trên sào. Người đi ngoài đường nhìn vào những xâu men thấy một thứ ánh sáng lấp lánh phát ra từ trên bột lá dưới ánh nắng mặt trời. Lại thấy những cánh bướm chập chờn bay về đậu đâu đó trên mái nhà như rừng già đang vào giữa mùa xuân. Nhìn ở xa vào, ngôi nhà của bố con lão cứ đèm đẹp như cái nấm hoa. Mỗi lần như thế người ta lại rỉ tai nhau bảo: nhà nuôi con ma ấy lạ lắm, đứa con gái đẹp, ngôi nhà cũng đẹp hơn nhà khác nữa đấy!

*

Chị Liến lên năm tuổi mẹ Mài mới có Nhếnh trong bụng. Mẹ ăn bao nhiêu vào người lại nôn ra bấy nhiêu. Người mẹ xanh như cái dây vừa cắt xuống vì uống thuốc giữ thai mấy tháng liền. Ông Lử thương vợ chỉ vào bụng bà bảo “giữ mày trong người còn khó hơn nhốt con hổ vào chuồng”. Đến khi Nhếnh sinh ra thì khóc ngằn ngặt suốt đêm không chịu ngủ. Người Nhếnh tái nhợt như con nhái vừa nhảy từ hang ra. Ông Lử đi xem Then về liền dời bàn mụ của Nhếnh đi chỗ khác. Đến rằm tháng bảy mang áo Nhếnh đi đóng ấn làm con kí, lại xin gạo nhà mo Kháp về nấu cháo chắt lấy nước, Nhếnh ăn được ba ngày mới đỡ khóc đêm. Nhếnh cứ thế lớn trên lưng theo mẹ lên nương trồng ngô, dỡ sắn. Rồi lại sang lưng chị Liến nấu cám, băm rau ngày ngày. Hai chị em cứ cõng nhau lụi cụi mãi như thế lớn lên.

Chị Liến lấy chồng vào lúc tuổi xuân đang chín. Anh rể không ai khác là con trai độc nhà họ Lý của lão Sàng. Nhếnh nhớ ngày chị Liến còn con gái, đêm nào anh rể cũng đến chơi. Anh không dám lên nhà, chỉ ngồi dưới gốc cây Mề Gà nhìn chị qua kẽ ván. Nhà họ Lý giục anh lấy vợ để có con, có cháu rồi dựng thêm bát hương cho dòng họ côi độc nhất bản. Vội là thế, nhưng anh vẫn đợi chị Liến. Bố mẹ Nhếnh thương anh chịu khó, lại sống vắng cha từ bé như cái cây giữa đồng quang nên đồng ý cho chị Liến xuống thang về làm dâu nhà họ Lý.

Ngày còn bé mo Kháp đem số chị ra cân. Cân xong mo bảo số chị khổ. Chị theo chồng đã mấy năm nhưng không có con. Mẹ Mài làm đủ mọi cách mà đứa bé chưa tròn ngày đủ tháng đã trôi ra khỏi bụng chị. Những đứa bé chưa thành hình người, còn đỏ hỏn lẫn cả máu tươi được quấn trong tấm vải bỏ ở góc buồng. Chị Liến nằm khóc lả một mình. Nhà chồng nhìn chị như con dê, chỉ biết ăn mà không biết đẻ. Chẳng ai buồn ngó vào cửa buồng của chị, hay mang những đứa bé đi chôn...

Một lần nhà họ Lý đón Then tận bên kia Pú Pò về làm lễ cúng xin hoa bà mụ ban xuống một đứa bé lành lặn. Khi nhạc ngựa đi được nửa đường, thì lão Sàng nhập vào người Then quát ầm ầm bảo “Con ma Gà đứa gái trẻ trong bản nhập vào con dâu rồi, nó ăn thịt những đứa bé. Đuổi đi không nổi nữa. Thằng Pỉnh muốn có con thì phải tìm dâu mới thôi...”. Lời lão Sàng qua miệng Then nói như thế ở giữa nhà anh rể đêm hôm ấy, làm Nhếnh như muốn đổ gục giữa căn nhà hun hút gió của chị. Ma lão Sàng nói ra những lời như dãy núi chắn ngang trong lồng ngực. Nhếnh thấy mình như rơi xuống vực sâu. Khi ngước mắt nhìn lên, chỉ thấy bóng dáng anh rể ngồi héo rũ như chiếc áo rách vắt ngoài hàng rào. Gã đàn ông vạm vỡ tựa thớ gỗ nghiến hôm nào bỗng tiều tụy như tàu lá nướng qua bếp lửa. Nhưng Nhếnh thấy trong đôi mắt người đàn ông đau khổ ấy vẩn lên một nỗi căm thù khiến người khác phải rùng mình, như trúng cơn gió độc giữa đêm khuya.

Cuối cùng ông Lử cũng đến đón con gái về, ngôi nhà ấy không còn có chỗ cho chị nữa. Những đứa bé nằm giữa rừng cỏ lau đang vào mùa đổ lá vàng rực. Nhìn những nấm đất nhỏ bé tự tay mình đắp, nằm im lìm dưới chân núi ông bật khóc rưng rức. Chẳng biết ông thương con gái mình hay thương những đứa bé chưa kịp có đủ hình hài. Chị Lử Nhếnh trở về mà đêm nào cũng thức, gối chị vẩn mốc từng vùng. Ông Lử cũng không ngủ, ông bắt đầu ho nhiều. Tiếng ho đục ngầu như có người gõ vào ống tre rỗng đêm đêm.

*

Nhếnh chẳng nhớ bây giờ đã là tháng mấy, chỉ thấy trời se lạnh. Hình như đã cuối mùa thu từ khi nào không hay. Nhếnh ngồi nhìn những đám cỏ lau trổ hoa miên man trắng trong nắng chiều, rồi đến bên mó nước chảy ra từ một khe đá từ trên lưng núi Khún. Nước ở đây trong đến nỗi nhìn thấy cả gân trên mình những con cá nhỏ nhoi đầu ra từ kẽ đá. Mó nước này chảy xuống chân núi, đổ ra suối trôi qua những vạt lau rậm rồi về đâu Nhếnh không rõ. Người ta bảo đây là mó nước thiêng, chỉ được lấy nước về thờ cúng và làm lễ. Không được nấu ăn cũng chẳng ai dám tắm. Nhếnh ngang ngạnh là thế nhưng cũng chưa bao giờ dám thò chân xuống mó nước ấy bao giờ. Nhếnh nhớ những lần ngồi bên Pài, nhìn bóng mình gãy đổ in xuống nước. Lại thấy bóng của Nhếnh đè lên bóng Pài khi ánh nắng xiên từ trên đỉnh núi trở vào. Nhếnh nhấm nhẳng cười, còn Pài đỏ mặt đứng dậy chạy ra chỗ khác.

Từ ngày chuyện của chị Liến lan đi như đám lửa cháy rừng mùa gió, Pài bỗng tránh mặt Nhếnh như tránh những người khác ở vùng đất này. Nhiều lần gặp nhau ở cửa rừng nhưng Pài đều bỏ đi đường khác, mặc cho nhếnh đứng chờ đến khi mặt trời khuất bóng nhưng Pài không quay lại. Nhếnh biết Pài đang nghĩ gì. Nhưng mình nghĩ gì thì chính Nhếnh cũng không rõ. Càng nghĩ càng thấy ruột gan quấn vào nhau từng đám rối tung. Nhếnh tựa lưng vào tảng đá bên mó nước, ngắt một cọng rơm cất tiếng thổi. Tự nhiên Nhếnh muốn hát, một câu hát nói hết được nỗi lòng của Nhếnh bây giờ. Tiếng kèn kêu te té tọ tọ ngân lên giữa lưng núi chiều:

Này người thương ơi
Em như bông hoa giữa rừng
Gió thổi nhẹ em khẽ lay
Anh như cái cây đứng một mình
Chẳng che được bão về phía em...”


Chợt có bước chân từ phía sau lưng. Nhếnh quay đầu nhìn lại, bóng Pài đang tiến lại gần, ánh mắt hun hút buồn ngấn nước. Pài dừng lại nhìn Nhếnh, đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì đó thật nhiều mà không thể cất lên thành lời ngay được.

Hai người cứ ngồi cạnh nhau như thế, thật gần mà cứ nghĩ mình đứng ở hai đầu ngọn núi. Mặc cho hơi lạnh tràn xuống, quẩn quanh thấm qua áo quần ướt sũng khi nào không hay.

*

Quá nửa đêm mà lão Khày không ngủ được. Đã mấy lần lão đưa tay sờ lên chiếc chum đặt ngay giường ngủ của mình. Lão nhớ da diết trong sợ hãi những ngày mình còn ở núi Pán. Không lẽ lão đã già. Người già thường hay nghĩ về nơi mình đã sinh ra. Lão mang trong mình dòng họ Ma khởi sinh ở núi Pán, nắm nhau thai của lão cũng gửi gắm ở đất ấy. Vậy mà lão đã bỏ mảnh đất bao đời của dòng họ mình để đến đây. Lão cứ nghĩ đi xa thế rồi người ta sẽ không biết về cuộc đời của lão. Tất cả sẽ buông tha cho lão một cuộc sống tốt hơn. Nhưng lão đã nhầm, lão nhầm ngay từ khi quỳ gối cúi đầu xin chối bỏ dòng họ cha mình, để đi theo tổ nghề là dòng họ Hứa của nhà vợ lão làm men rượu lá. Cái nghề tưởng dễ như người ta lên nương cuốc hố tra hạt rồi đợi ngày thu bắp về ấy, lại có thể đẩy con người ta vào vách núi không còn đường quay đầu như thế.

Ngày ấy dù có đi qua ba dãy núi, chẳng ai không biết vợ chồng lão Khày. Những gã đàn ông không biết rõ mặt lão nhưng nhất định phải biết loại rượu mà đứa vợ đẹp của lão nấu ra. Cả một vùng đất rộng lớn suốt từ đất Kha Ồ, Nó Tổ đến Pú Pò đều thèm uống, thèm say rượu của vợ lão nấu. Dòng họ nhà vợ lão ở giáp vùng biên giới. Nơi ấy cất giấu bí mật cách làm loại men rượu mà không nơi nào có được. Bí quyết làm men chỉ truyền lại cho con trai. Đời nào không có con trai thì lấy con rể về truyền lại. Nhưng thằng trai làm rể nhà ấy phải chối bỏ dòng họ mình để thờ ma nhà vợ. Lão không thể quên đêm hôm ấy trong căn nhà sàn sáng rực ánh lửa. Ké Tai (bố vợ) lão ngồi trước bàn thờ tổ. Trước mặt là cái chum bịt kín miệng bằng giấy đỏ. Lão chưa thấy cái chum nào có những hình hoa văn kì lạ với những hình vẽ nửa thú nửa người ghê rợn như thế bao giờ. Ngoài trời tiếng gió réo u u trên mái nhà, giọng Ké Tai ồm ồm vang lên trong đêm vắng:

- Từ hôm nay dòng họ Hứa sẽ nhận thằng Khày làm con rể. Trước nả Slính Slư của ông men, bà men rượu lá. Mày hãy thề sẽ cúi đầu và tôn sùng Slính Slư mãi mãi đi con rể.

Lão lập cập cúi xuống chắp tay lậy về phía Slính Slư. Lão trộm nhìn hình con thú vẽ trên chiếc chum da lươn như đang cựa mình nhe nanh về phía lão. Mồ hôi trên lưng lão chảy dài thành những giọt lớn. Vậy là lão đã trút bỏ dòng họ trong máu của mình và bắt đầu thờ Slính Slư men lá từ giây phút ấy.

Slính Slư là vật thiêng giữ nghề làm men rượu của vợ chồng lão. Nó sẽ trừng phạt bất cứ kẻ nào muốn học lén nghề làm men nếu không được người thờ nó đồng ý. Lão mang chiếc chum ấy giấu vào nơi kín nhất căn nhà. Đến ngày trăng tròn thì đem ra lau chùi, bày lễ thắp hương khấn vái. Lão học được cách chọn lá, đào rễ làm thành bột men của Ké Tai truyền lại. Vợ lão là đàn bà, chỉ thạo việc nhóm bếp đặt nồi nấu thành rượu. Ké Tai dặn lão phải nhớ bảo vệ Slính Slư. Nó còn thì người còn, nghề ấy sẽ bám theo mình mãi mãi.

Cứ tưởng cuộc đời lão cứ thế trôi đi. Nhưng bỗng một ngày vợ lão chết trong rừng khi đi hái lá. Người chết rồi mà những lá cây tươi vẫn còn nắm chặt trong tay. Những kẻ đã nhìn lén lão thờ Slính Slư. Những kẻ có con ma đố kị trong lòng đã loan tin vợ lão có ma Gà. Họ bảo chỉ đứa đàn bà có ma Gà mới đẹp, mới thờ ma trong cái chum giấu kín như thế. Chỉ có con ma ấy mới đưa đường dẫn lối gọi được những thằng đàn ông ở khắp nơi về uống rượu như thế...

Vợ lão chết khi cái Pài mới biết gọi mẹ. Lão mang theo con gái cùng lời nguyền thờ ma xuống tận vùng núi Khún. Lão căm hận người đời làm khổ cha con lão. Lão muốn cự tuyệt Slính Slư khỏi cuộc đời lão. Rồi sau này lớn lên con gái lão sẽ biết cái cây lớn phải đổ xuống, thì cây non mới vươn cành lớn ngọn đón ánh nắng mặt trời. Nhưng bây giờ ở trong căn nhà này, lòng lão bỗng nổi gió như cây rừng trong cơn bão. Lão vẫn giữ cái nghề ấy trong tay, lão sẽ truyền lại cho thằng trai dám lấy con gái lão. Đất trời mênh mông lắm nên sẽ có người sẽ chịu cúi đầu như lão ngày xưa. Nhất định sẽ có người dám đứng lên mũi dao mà đánh cược cuộc đời như lão.

*

- Nhếnh theo tôi vào rừng hôm nay được không?

Tiếng Pài lẫn vào hơi sương đang lay phay trườn qua trước mặt. Trời đã bắt đầu sang đông, buổi sáng hơi lạnh tràn từ trên những vách đá xuống táp vào mặt người từng cơn buốt lạnh. Nhếnh không đáp mà chỉ gật đầu. Rồi nhìn vào khuôn mặt còn lẩn khuất cơn thiếu ngủ của Pài, lòng chợt rộn lên một nỗi buồn khó tả. Đường vào rừng không còn lạ với hai người. Ngày còn bé, mẹ Mài thường cấm Nhếnh đến gần Pài mỗi lần xuống thang đi chơi. Nhưng Nhếnh vẫn trốn để theo Pài vào rừng, hay leo lên những dãy đá mọc đầy cỏ lau dại. Nhếnh biết thương Pài từ đó. Nhưng đây là lần đầu tiên Pài vào rừng hái lá thuốc mà có Nhếnh đi cùng. Chưa bao giờ lão Khày để cho Pài làm công việc ấy.

Hai người tiến vào rừng mặc cho ánh nắng lọt qua kẽ lá như những hạt ngọc chấm trên vai. Nhếnh đi sau lưng, mỗi lần bước lên đèo nhìn bắp chân trắng, thấp thoáng sau lớp quần chàm của Pài lại thấy lòng rưng rức khó tả. Nhếnh bước dài lao lên phía trước tự bảo mình sẽ không nhìn nữa. Nhưng khi ngoái đầu lại thấy những giọt mồ hôi Pài chảy dài trên má, trên cổ. Thấy cả bầu ngực căng nhức phập phồng theo hơi thở. Pài đẹp như thế mà sao Nhếnh không thể tới gần. Rồi cả hai cứ mãi người trước kẻ sau, sẽ chẳng bao giờ đi ngang cùng một bước. Nhếnh cứ thế cắm đầu đi, không dám nhìn cũng chẳng dám nghĩ xa xôi thêm một lần nào nữa.

Pài hái lá bỏ vào cái giỏ sau lưng, lại đào rễ, tróc vỏ cây thoăn thoắt như con dúi đào măng. Vừa đi Pài vừa chỉ cho Nhếnh các loại cây để làm men rượu. Lần lượt mười bảy loại cây rừng được Pài gọi tên bày ra trước mắt. Lão Khày quý những thứ này hơn cả tính mạng lão. Vậy mà Pài đã cố tình đưa nó cho Nhếnh. Nhếnh nhìn theo đôi tay Pài hái lá mà ứa nước mắt. Nhếnh chẳng muốn nhớ những tên cây rừng lạ ấy. Nhếnh chỉ muốn tên Pài sẽ ở mãi trong lòng của mình. Như cái cây mọc trong rừng, cánh rừng mọc trên núi. Quấn quýt cần nhau không rời như thế mãi.

Bỗng Pài nhìn Nhếnh bằng một ánh mắt rất lạ. Nó mang một nỗi buồn sâu kín nhưng chất chứa yêu thương. Pài nói trong tiếng gió “Để có được quả men nấu thành chén rượu khắp nơi không ai bằng, nhất định phải có một loại cây thứ mười tám nữa. Tên nó là “mạy Khoăn Lảu” đấy Nhếnh à! Loại cây ấy sẽ hóa thành linh hồn của rượu khi đã nấu thành. Nếu thiếu nó thì rượu cũng chỉ là cái xác nước thôi. Rượu cũng giống như người đấy, khi đã mất hồn thì cái xác cũng chỉ bỏ đi mà thôi. Tôi phải lén đi theo Pa hái thuốc, mấy năm liền mới biết được. Người họ Hứa phải thề độc với tổ tiên, nếu trao Khoăn Lảu cho người ngoài thì bị Chỏ Tổ phạt nặng lắm đấy Nhếnh à...”.

Nói rồi Pài hướng ánh mắt lên trên vách núi. Nhếnh nhìn theo thấy một loại cây leo bám trên vách đá. Những chiếc lá màu xanh nhạt, cứng như vỏ trẩu kiêu hãnh chìa ra đón lấy sương. Trên những kẽ lá nở bừng những bông hoa màu đỏ, những cánh hoa nở rực như máu tươi chảy tràn trên dây leo dọc xuống vách đá thành từng vệt dài. Nhìn thật kỹ lại thấy những quả chín mọng màu vàng lấp lánh lẫn trong đó. Nhếnh cứ đứng đó mà ngắm nhìn loài cây lạ ấy. Mà chẳng biết lòng mình đang buồn hay vui. Nhếnh chợt nghĩ ra một điều gì đó, hôm nay Pài lạ lắm:

- Sao Pài lại nói cho tôi biết chứ, nhỡ đâu...?

Pài cúi đầu không đáp, đôi mắt ngân ngấn nước nhìn đi chỗ khác. Nhếnh bước lại gần vách núi. Dưới đất, những cánh hoa tươi và quả chín rụng tả tơi. Pài dặn Nhếnh không được ăn quả Mạy Khoăn Lảu. Người ăn sẽ bị trúng độc, chưa ai ăn quả nó bao giờ. Nhếnh nhìn lên cây, những quả chín mọng da căng bóng rời cành rơi xuống đất. Nhếnh chợt nghĩ nếu trúng độc mà chết ở bên Pài ngay bây giờ Nhếnh cũng chịu. Nhếnh lén bỏ một nắm nhỏ quả độc ấy vào miệng, nước ngọt trào ra trôi vào bụng. Bỗng một hơi nóng bùng lên, máu trong người chạy rần rật khắp nơi. Mặt Nhếnh đỏ gay như vừa uống phải nửa can rượu dưới chợ phiên, cả người căng như ống nứa tức hơi nướng bếp. Những bắp thịt vặn vẹo, đũng quần bắt đầu chật cứng, cựa quậy. Nhếnh gập người đến ngạt thở. Lại muốn bước đến thật gần Pài, gần hơn một chút nữa...

Hai người trở về mà Nhếnh thấy mình như đi trên những đám mây mang đủ màu sắc. Nhếnh đếm được mười tám bậc thang bằng mây đang hướng về phía mặt trời. Ánh nắng chiếu về phía Nhếnh, thiêu đốt bỏng rát. Bỗng có bóng người bước ngang qua trước mặt làm Nhếnh giật mình trong cơn mê tỉnh. Nheo mắt nhìn kỹ thấy người đứng trước mặt chính là anh rể chị Liến. Nhếnh cất tiếng chào mà không có lời đáp. Gã đàn ông nhìn Nhếnh rồi lại nhìn Pài, bỗng cất tiếng cười sằng sặc. Tiếng cười rờn rợn ấy khiến Pài loạng choạng cả những bước chân khi đã xuống đèo.

Đêm hôm ấy Nhếnh vật vã như con thú trên giường, Nhếnh uống rượu, đổ cả rượu lên đầu mà ngọn lửa trong người vẫn không dịu bớt. Đến nửa đêm thiếp đi, Nhếnh mơ thấy mình nằm bên Pài trong rừng. Hai đứa ôm nhau như đôi sâu cuốn trên những tàu lá nưa rải dưới đất. Pài cởi bung cúc áo ấn đầu Nhếnh vào ngực, Nhếnh đắm chìm vào hai gò ngực căng nhức ấy rồi siết Pài vào lòng ngất ngây rùng mình...

Nhếnh choàng tỉnh dậy, thấy cả người rã rời như bị ai đó rút hết xương. Ngoài trời gió lay phay thổi, đêm đã chông chênh về sáng.

*

Lão Khày trở về vào chiều tối muộn cùng một thằng trai lạ. Bóng hai người lặng lẽ bước lên nhà. Dưới ánh lửa từ bếp hắt ra, thằng trai thò đầu vào cửa rồi nở một nụ cười với Pài như muốn cất tiếng chào. Lão Khày treo giỏ lên vách, liếc nhìn xuống bếp chỗ Pài vẫn ngồi nấu cơm hay băm lá, rồi mới bước ra sàn ngồi đốt thuốc. Lần nào đi chợ phiên về lão cũng ra sàn ngồi nghĩ ngợi một lúc lâu như thế. Chẳng biết lão nghĩ gì, nhưng lần này có thằng trai ra theo. Lâu lâu nó lại hướng ánh mắt nhìn vào phía trong nhà. Tiếng lão Khày khê nồng vọng lại:

- Mày có chắc muốn ở lại không đấy?

- Có chết cũng không nói lại đâu Ké Tai à.

Pài giật mình khi nghe hai người nói như thế với nhau. Vậy là điều Pài luôn lo sợ đã đến. Pài không nghĩ sẽ có người đàn ông bước lên thang sau bố nhanh đến thế. Pài nhớ có lần bố nói sẽ tìm được thằng trai xứng đáng làm con rể của mình. Giờ thằng ấy đã gọi bố là Ké Tai rồi, thì nay mai nó sẽ gọi Pài thế nào nữa? Mới nghĩ đến đấy nước mắt Pài đã ứa ra, lăn trên má rơi xuống tro bếp lặng thinh. Tất cả đám đàn ông chỉ còn lại người này không biết sợ căn nhà của Pài. Nó đến vì men lá hay vì mình Pài cũng không biết nữa. Nhưng vì cái gì thì cũng chẳng thay đổi được Nhếnh ở trong lòng của Pài. Từ lâu Pài đã chấp nhận sống như thế. Càng nghĩ Pài càng buồn, cũng chẳng muốn xem kỹ mặt người mới đến ra sao. Bóng tối bò lan ra nhuốm đen khắp căn nhà. Pài cứ ngồi trong bóng tối, chỉ có ánh lửa từ bếp hắt ra sáng một quầng trên vách. Ngày mai chắc bóng đêm sẽ dài lê thê trong căn nhà này mãi mãi.

*

Thằng Phiến theo chân lão Khày trở về bỗng làm cả núi Khún ồn ào như có tiếng sấm đầu mùa vọng xuống. Nó là thằng buôn rượu từ vùng cao này về dưới xuôi. Mỗi lần đi ngoài đường nó lại thấy người ta nhìn mình rất lạ. Những ánh mắt tò mò, sợ hãi, diễu nhại phía sau những ô cửa đổ dồn xuống đôi chân nó bước đi. Mỗi lần như thế nó lại ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch. Lạ thật! Sao người ta lại sợ cái thứ mà không ai nhìn thấy. Nó nhớ lần đầu tiên mua rượu của lão Khày dưới chợ phiên. Đám bạn hàng bỗng lôi nó ra một góc trợn mắt lên dọa “Mày có thích chết không mà đi mua hàng của lão đó, nhà ấy biết giết người không cần dao!” Thằng Phiến nghe thế cười váng cả một góc chợ. Nó ngồi nhìn những can rượu phảng phất mùi thơm ngây ngất của lão Khày chợt nghĩ: Nếu người chết vì ma được thì nó đã chết từ khi mới đẻ được ba ngày. Từ khi mẹ nó vứt nó trong đám cỏ rậm cạnh rừng ma trên gò Khá Nủ, nó khóc đến vỡ họng mà chẳng ai dám bế lên, đến khi bà Tén già thấy nó thì đám kiến đất đã bâu kín người đứa bé từ bao giờ. Vậy mà nó không chết, cánh rừng chứa nhiều ma nhất đất ấy cũng không giết được nó. Mẹ nó cũng không giết được nó. Nó lớn lên với bà Tén già sống một mình dưới chân vách núi lở. Nó chẳng biết mình từ đâu tới, nó mang dòng máu người Tày, người Nùng hay người Dao ở trên đất này. Ông trời không giết chết được nó thì ở đời này chẳng còn gì để nó phải sợ cả.

Giờ thì nó ở trên nhà lão Khày. Nó sẽ làm con rể của lão, sẽ học được bí mật nghề men lá của nhà họ Hứa. Rồi tất cả những kẻ hôm nay đang cười mỉa phía sau lưng, những kẻ đã vứt bỏ nó sẽ phải ngước nhìn thằng Phiến này bằng một con mắt khác. Nó chờ đợi cái ngày ấy sẽ đến với mình từ khi đặt bước chân đầu tiên lên cầu thang nhà lão Khày đêm hôm đó.

*

Từ ngày thằng Phiến đến nó chưa rời Pài nửa bước. Đã mấy lần Nhếnh gặp hai người đi rừng hái lá. Nó nhìn Nhếnh bằng đôi mắt lành lạnh xen lẫn sự đắc ý khi mỗi lần bước qua mặt nhau. Nhếnh nhìn theo bóng hai người lẫn vào màu xanh thẫm của lá cây rừng thì nỗi buồn trong lòng chợt dâng lên như nước mùa lũ. Đám nước mênh mông ấy cuốn phăng những gì về Pài hôm nào rồi muốn nhấn chìm Nhếnh xuống từng hồi. Những buổi chiều Nhếnh trở về khi ánh nắng cuối ngày vàng vọt trên dốc đá. Đâu đó lại thấy dáng hình của anh rể chị Liến chập chờn trên con đường mà Pài vẫn lẫn vào đó hàng ngày. Nhếnh chợt thấy thương mình, thương Pài, thương những con người đang sống từng ngày dở dang như luống cày chưa kịp đi hết đường giữa mùa nương đến thế.

Từng đợt gió mùa mang hơi lạnh tràn về đổ ào ào trên mái nhà làm Nhếnh thức giấc giữa đêm. Nhưng mấy hôm nay chợt có hơi ẩm từ đâu đó bay về, buổi sáng thức dậy ngó lên vàn núi xám ngoét đã thấy mầm xanh của cây rừng nhú ra, chả mấy nữa mùa xuân sẽ sang. Mọi thứ bên ngoài cứ đi qua cửa nhanh như thế mà Nhếnh vẫn chưa hết buồn bao giờ. Nhếnh thấy mình già hơn những tảng đá xù xì phơi mưa nắng nằm giữa nương đủ bốn mùa. Chẳng biết từ bao giờ Nhếnh thấy chán ngoài kia đến thế. Chỉ sợ bước chân đặt ra ngoài thì những suy nghĩ về Pài lại vỡ vụn trong lòng thêm lần nữa.

*

Một buổi sáng khi sương còn vương vất trên những cành cây thấp. Thì có tiếng người lào xào từ dưới con đường lớn vọng lại, trong giọng nói còn lẫn cả sự vui mừng: “Bố con lão Khày bỏ đi ba ngày rồi!” Nhếnh giật mình ngồi dậy. Bước chân loạng choạng xuống thang như người mới ốm dậy. Giờ Nhếnh mới nhớ đã lâu lắm mình không đi đâu vội đến thế. Nhếnh muốn ra đường, muốn đến bên hàng rào nhìn dáng Pài qua cửa sổ như ngày trước. Không lẽ thằng Phiến lại bước đi nhanh đến thế. Nhanh hơn cả cái ý nghĩ trong đầu của Nhếnh, mặc cho Nhếnh chưa kịp biết mình sẽ làm gì. Nhếnh lao đi mà như thấy có người thò tay vào ngực bóp chặt quả tim mình. Vừa đi vừa khẽ gọi Pài, tiếng gọi vấp từng hồi trong hơi thở.

Căn nhà cha con lão Khày đóng cửa im lìm. Đám chim sẻ vỗ cánh vù vù lên mái ngói. Trên sàn những sào men phơi dở vẫn đung đưa trong gió. Nhếnh lắng tai nghe mà không còn thấy tiếng bước chân rón rén đặt lên mặt ván của Pài trong căn nhà vắng ấy. Chỉ có tiếng chim kêu lẫn trong gió, rít qua ô cửa trống từng hồi thê thiết.

Nhếnh đứng dưới hàng rào chẳng biết đã bao nhiêu ngày. Căn nhà như cũ đi theo Nhếnh, những xâu men đã khô quắt trên sào nằm đó lặng im. Nhếnh chờ mãi rồi lại bỏ lên mó nước thiêng, thấy những quầng mây thẫm màu in xuống mặt nước lạnh lẽo. Nhếnh vào rừng đứng dưới hoa Khoăn Lảu vẫn thấy những cánh hoa đỏ như vệt máu chảy dài xuống vách đá. Mỗi lần trở về Nhếnh lại vùi mình trong những cơn say để quên Pài. Đêm đêm Nhếnh tự vắt kiệt sức mình bằng những quả độc hồn men rượu lá. Lại thấy mình nằm bên Pài trong cánh rừng dào dạt nắng và gió.

*

Cứ tưởng mãi thế rồi Nhếnh sẽ quên, sẽ đứng dậy bước đi. Vậy mà một sáng mùa đông Pài bỗng trở về. Pài bước ra từ sau những đám hơi nước dày trắng xóa, bốc lên nghi ngút từ dưới lòng suối. Áo quần Pài tả tơi, đôi chân trần tứa máu, mái tóc ướt sũng nước. Pài đứng ngơ ngẩn nhìn lên ngôi nhà cũ bằng đôi mắt vô hồn. Nhếnh lao đến bên cạnh để nhìn cho thật kỹ dáng hình khác lạ ấy. Pài bỗng hốt hoảng lùi lại đưa tay ôm bụng. Sau lớp áo Nhếnh nhận ra Pài đang mang thai. Đất dưới chân Nhếnh như sụp lở ầm ầm xuống vực sâu hun hút. Nhếnh không tin người con gái xác xơ, điên dại trước mắt mình là Pài hôm nào. Nhếnh thương Pài bao nhiêu thì tự trách mình bấy nhiêu. Pài nhìn Nhếnh bằng những ánh mặt lạ. Khi chập chờn đắm đuối, khi lại như người không quen biết. Nhếnh nắm lấy tay Pài, đôi bàn tay lạnh ngắt như ngâm trong sương giá. Bỗng Pài đẩy Nhếnh ra, đưa tay ôm lấy đầu rồi bước qua hàng rào lên căn nhà cũ. Nhếnh nhìn theo bóng người đã khuất sau cánh cửa. Rồi chợt rùng mình khi nhớ đến những đứa con của chị Liến hôm nào. Đứa bé trong bụng Pài vẫn chưa đến ngày ra đời. Pài chết và nó sẽ chết...

Đêm đêm người ta nghe tiếng hú hét trong căn nhà của lão Khày dội xuống bản. Đợi mãi rồi Nhếnh cũng một mình bước lên thang. Dưới ánh lửa trên tay, Nhếnh thấy Pài nằm phục xuống như con thú, hai mắt sáng rực viên than hồng trong đêm. Trên vách những vết cào rớm máu thành từng vệt dài trên ván. Từng xâu men tung tóe giữa nhà. Nhếnh đứng chết lặng nhìn Pài mà nước mắt ứa ra. Một nỗi buồn đau xen lẫn sự căm hờn giấy lên trong lòng từng hồi như cơn lốc.

Lửa giận trong lòng Nhếnh bỗng cháy lên bùng bùng. Thằng Phiến! Chính là nó. Lão Khày đã chọn nó làm con rể kia mà?

*

Thằng Phiến đứng như cột đá khi thấy Nhếnh bước lên nhà. Nó trở về chân núi Pán, mảnh đất đã sinh ra lão Khày. Nó nhìn Nhếnh bằng đôi mắt mốc dại rồi lầy phầy nói như người khó thở:

- Pài không phải của mày, cũng chẳng phải của thằng Phiến này đâu!

- Mày không yêu Pài thì phải nghĩ đến đứa con của mày chứ? - Nhếnh quát lên trong cơn giận dữ.

Thằng Phiến chợt cất tiếng cười như có người lăn đá xuống vách núi:

- Mày cũng nghĩ đó là con của tao à? Thật đáng chết! Đáng lẽ tao đã chết khi người ta vứt tao trong rừng cho kiến ăn rồi mày biết không?

Bỗng nó đứng lên kéo chiếc quần đã nát nhàu xuống gối. Nhếnh kinh hãi không tin vào mắt mình, cái thứ đàn ông của nó gần như đã biến mất. Chỉ còn nhô lên một búi nham nhở những vết đứt cắn đã liền sẹo từ bao giờ. Những dấu vết ấy đã khiến nó mãi mãi không còn là đàn ông được nữa.

Tiếng thằng Phiến rít lên như tiếng suối gầm gào mùa lũ:

- Lão Khày chết rồi, lão chết vì lừa tao cũng đáng đời lắm. Lão đã ném Slính Slư xuống vách núi từ ngày về núi Khún. Mày có biết lão giấu thứ gì trong nhà không hả Nhếnh. Đó là vợ lão đấy! Lão đã thờ vợ lão thay Slính Slư thì chỉ còn đường ôm hũ xương khô ấy nhảy xuống vực đá thôi mày biết không?

Thằng Phiến nói rồi lảo đảo bước xuống thang, đi về phía rừng cây đen thẫm khi ráng chiều đang đổ bóng. Nhếnh ngồi tựa lưng vào vách nghe gió hú lên từng hồi. Tiếng thằng Phiến đâu đó vọng lại như tiếng cú kêu đứt quãng: Slính... Slư! Tao sẽ có Slính... Slư!

*

Một buổi sáng khi bóng đêm vừa dứt, hơi sương còn đọng trên những mái nhà chưa tan. Gió lạnh không còn réo rít ào ào trên những tán cây tràn xuống. Mọi người bị đánh thức bởi tiếng khóc của trẻ con vang vọng cả một vàn núi. Những cánh chim chao chác bay vút lên lẫn vào những mỏm đá khô cáu xám. Nhếnh nhao lên đỉnh núi theo tiếng khóc tới mó nước thiêng kiếm tìm. Rồi chết lặng khi nhìn thấy bóng người nằm nhoài dưới mó nước đang chảy im lìm. Máu của Pài loang đỏ trong nước, rồi chảy dài cả một khúc suối mùa đông. Pài nằm lặng im như cánh hoa trắng phập phồng trên mặt nước, đôi mắt vẫn mở hướng ánh nhìn lên đỉnh Kha Cù lờ mờ hơi sương. Mặt trời đang mọc từ hướng đó. Mo Kháp lầm rầm cúi lạy bên mó nước. Mồ hôi đổ ra trên trán như một ngày hè. Tiếng người đâu đó nhao lên, rồi tràn xuống vực sâu lấp đầy những hốc đá hun hút gió.

*

Đám ma của Pài, Nhếnh tự đeo cho mình một vành khăn trắng. Tiếng chiêng gióng lên ba hồi đón người về với đất. Mộ của Pài nằm giữa rừng cỏ lau mênh mông. Nhếnh lên rừng chặt cây làm cho Pài một ngôi nhà mới. Trên mái lá che nghiêng treo những xâu men rượu còn phảng phất hương thơm. Nơi đây sẽ đón ánh nắng đầu tiên của một ngày mới vừa kịp sang.

Nhếnh trở về đi ngang qua mó nước thiêng. Có con chim trắng muốt đang dầm mình dưới nước. Thấy bước chân người đi qua, nó nghiêng đầu lên nhìn rồi tung cánh bay xuống chân núi. Nhếnh mải miết nhìn theo, bóng chị Liến ôm đứa bé vào lòng ra ngoài sàn sưởi nắng. Phía ngoài hàng rào ngôi nhà sàn rêu cũ của lão Khày. Đôi vai anh rể rũ xuống rung lên như cái cây bị gió thổi bật gốc trồi lên khỏi đất. Tiếng người nhà họ Lý khóc váng lên phía sau lưng, khi thấy bóng anh đội khăn trắng bước lên căn nhà vẫn còn thoảng mùi men lá.

Bây giờ trời sắp sang xuân. Trên những vàn núi đã qua mùa lau trắng.

N.L  
(TCSH382/12-2020)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ Nhật Chiêu (15/01/2021)