Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-21)
Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du
08:44 | 08/04/2021

TRẦN NGỌC TRÁC

Như duyên nợ, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau qua series ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du”(1).

Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du
Ảnh: internet

Những người thực hiện series ký sự này không có tham vọng nêu lên những điều to tát về một người nổi tiếng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chỉ mong kể lại những cảm xúc và một số thông tin mới mẻ mà trong quá trình trở lại những nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng sinh sống, gắn bó để rồi từ đó chính là nguồn cảm hứng bất tận để ông có thể viết nên những ca khúc của mình, những ca khúc giúp ông “hát rong qua những miền hư ảo”như chính ông thừa nhận.

Nhóm làm phim, và những người bạn của Trịnh Công Sơn cùng dạy học tại B’Lao năm 1964-1967: từ trái sang: Nguyễn Văn Ty (thứ tư), Trần Văn Ngọc (thứ năm)


Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ nổi tiếng. Chúng tôi chọn Huế là điểm đến đầu tiên để khắc họa lên ký ức quê nhà mà Trịnh Công Sơn đã lớn lên và nhập cuộc. Ở đó, ông có những người bạn ngày xưa, nay vẫn còn sống. Họ là những nhân chứng cho những huyền thoại về một người nhạc sĩ đã lý giải cho những câu hỏi vì sao qua nhiều thế hệ nhạc Trịnh vẫn được người Việt yêu quý đến như vậy. Kinh đô Huế đã phần nào tạo nên cốt cách của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn. Gặp được bà Thái Kim Lan, giáo sư triết học ở Cộng hòa Liên bang Đức - người bạn học cùng thời với ông. Bà cho biết: “Không gian Huế đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ thiên tài của Trịnh Công Sơn”.

Những năm đầu 60 của thế kỷ trước ở Huế, Trịnh Công Sơn hợp cùng Đinh Cường, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha… thành một nhóm văn nghệ trẻ rất có thế giá, hiện sinh. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là những ngôn từ trừu tượng, siêu hình và rất mới mẻ. Trịnh Công Sơn trở thành một hiện tượng độc đáo trong làng âm nhạc Việt Nam.

Những bài hát của Trịnh len lỏi vào đời sống của người dân nước Việt, ông nói hộ tâm tình của mọi người. Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Đắc Xuân và biết thêm nhiều thông tin về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đã đến “Gác Trịnh” trên đường Nguyễn Trường Tộ - một thời tuổi trẻ ông từng ở đây và trở thành nơi thường tổ chức các gala hội họa hay âm nhạc. Gặp lại người hàng xóm để biết thêm về ông và gia đình ông... Những ngày ở Huế, chúng tôi rất ấn tượng với cách của những người bạn, những người yêu quý về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi tự hỏi, còn bao nhiêu người bạn và có bao nhiêu người mến mộ Trịnh Công Sơn ở Huế chọn cách giữ gìn, lưu giữ ký ức của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo cách riêng của mình để rồi những mạch ngầm cảm xúc kia cũng như con nước của dòng sông hằng ngày vẫn âm thầm chảy mãi.

Một vùng đất khác cũng rất sâu nặng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đó là Quy Nhơn. Năm 1962, thị xã Quy Nhơn vừa mới khánh thành trường Sư Phạm đầu tiên đào tạo giáo viên tiểu học cho các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Trịnh Công Sơn học khóa đầu tiên. Để quảng bá,Ban Giám đốc nhà trường cho thành lập Ban Văn nghệ. Trịnh Công Sơn làm trưởng ban. Ông đã sáng tác trường ca “Tiếng hát Dã Tràng”làm tiết mục mở màn rất đặc sắc và công phu nhất. Cũng ở nơi đây, Trịnh Công Sơn đã sáng tác những tình ca nổi tiếng như “Biển nhớ”, “Dã tràng ca”… Những tình ca của Trịnh Công Sơn đã gây kinh ngạc cho mọi người thời đó. Những hình ảnh mang đậm nét siêu thực, những ca từ lạ hóa đã gây sự chú ý và chinh phục ngay người nghe. Đây là những năm tháng sáng tác sung sức của ông.

Khi thực hiện series ký sự ở Quy Nhơn, chúng tôi được biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng đến đây vào năm 1998 và có được những bức ảnh và thước phim ghi lại cảnh ông hát với bạn bè trong quán nhạc Thu Vàng, sau đó là ở trường Đại học Quy Nhơn. Cũng dịp này, ông cùng nhóm “Những người bạn” trở lại thăm trường. Cả hội trường nghẹt kín sinh viên. Có những bài ông vừa hát, sinh viên phụ họa hát theo như một dàn đồng ca đã được tập dượt từ trước... Những ngày ở Quy Nhơn, chúng tôi được gặp nghệ sĩ Phạm Ghi - người tổ chức đêm sinh nhật lần thứ 58 Trịnh Công Sơn; ông Lê Văn Nhu - người đã tạo điều kiện và cho phép mở quán nhạc Thu Vàng hát những ca khúc Trịnh Công Sơn; thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy - người thực hiện thành công luận văn về ca từ của Trịnh Công Sơn.

Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, Trịnh Công Sơn được điều động lên Bảo Lộc dạy học. Xã hội miền Nam những năm 1964 - 1967 nhiều biến động. Trong thời gian này, Sơn nhận rất nhiều thư của bạn bè từ Huế gửi đến, những phong thư dày cộm làm ông bồn chồn, lo lắng. Ba tháng hè, ông ở Bảo Lộc và tập “Ca khúc Da vàng” được khai sinh từ những đêm mất ngủ đó. Lần đầu tiên, người ta nghe những ca từ lạ lẫm, không giống như những tình ca trước kia, mà là những ca khúc nói lên nỗi khổ của con người trong chiến tranh “Gia tài của mẹ”, “Đàn bò vào thành phố”, “Người già em bé”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, v.v. Lời ca thật xúc động, nó xoáy sâu vào tim người nghe rồi chuyền lên óc làm cho rúng động tâm can, tỏa lan dần khắp cơ thể làm cho bải hoải tứ chi.

Điều lý thú là chúng tôi đã gặp được người bạn cùng thuê chung một căn hộ, ăn cơm tháng cùng nhau với Trịnh Công Sơn; đó là ông Nguyễn Thanh Ty. Sau ba năm “săn tìm”, một ngày tôi được tin ông từ Mỹ về Việt Nam. Tôi đã chủ động gọi điện, xin gặp và hẹn một cuộc phỏng vấn ngay tại Nha Trang. Chúng tôi đã “điều” thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc (bạn thân của Trịnh Công Sơn và ông Ty) từ Bảo Lộc về Nha Trang. Cuộc gặp bất ngờ, nên chúng tôi có những thước phim vô cùng quý giá. Từ câu chuyện của ông Ty, chúng tôi lại lặn lội về thành phố Hồ Chí Minh và gặp được người con gái - nguồn cảm xúc cho Trịnh Công Sơn viết nên ca khúc “Lời buồn thánh”. Đó là một tín đồ theo đạo Phật - cô giáo dạy Anh văn Trương Thị Ngọc Ngà.

Tại Bảo Lộc, chúng tôi gặp được bác sĩ Nguyễn Văn Vân, chồng nữ nhạc sĩ Trần Ái Lan - người được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đỡ đầu, động viên làm nên một album ca khúc hay; tìm đến ngôi nhà Trịnh Công Sơn thuê ở, nơi Trịnh Công Sơn ăn cơm tháng, trường Bảo An - nơi Trịnh Công Sơn dạy học…

Một vùng đất khác lưu dấu kỷ niệm với Trịnh Công Sơn là thành phố Đà Lạt. Từ B’Lao, cuối tuần, ông thường theo xe đò về Đà Lạt gặp gỡ bạn bè. Quán cà phê Tùng là chốn thân quen. Nơi này vẫn còn giữ một góc nhỏ nơi Trịnh Công Sơn thường ngồi đợi bạn. Ông gặp ca sĩ Khánh Ly tại hộp đêm Tulipe Rouge, khi ông nhận ra cô ca sĩ này có giọng hát lạ phù hợp với những bài hát của mình. Chúng tôi gặp nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn. Ông bảo: “Sự cống hiến lớn lao của Trịnh Công Sơn với xã hội, chính là một sự nghiệp ước vọng cho đất nước hòa bình yêu thương”.

Chúng tôi được gặp nhà sử học Trần Viết Ngạc - người từng làm bầu “show” cho Trịnh Công Sơn khi tổ chức các đêm nhạc ở Quy Nhơn, Sài Gòn, Đà Lạt trước năm 1975; thạc sĩ Đỗ Thị Phương Lan - người đã làm luận văn về âm nhạc Trịnh Công Sơn và được chính ông giúp đỡ tạo điều kiện. Chúng tôi trực tiếp gặp con gái, con trai ông bà cà phê Tùng để hiểu thêm những ngày Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường có mặt ở đây; gặp chị Cao Thị Quế Hương - người đã tổ chức đêm văn nghệ cho Trịnh Công Sơn ở trường tư thục Việt Anh, Viện Đại học Đà Lạt. Người phụ nữ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết riêng một ca khúc khi bị giam trong nhà tù.

Cũng như Huế, những người bạn ở Đà Lạt, những người từng gặp ông đều có cách lưu giữ riêng về Trịnh Công Sơn. Những câu chuyện của ông ở vùng đất này càng trở nên lung linh hơn và nhờ vậy mà Trịnh Công Sơn vẫn sống mãi với thời gian mà ông đã từng đặt chân đến đây.

Với Sài Gòn những năm 60 sôi sục tinh thần yêu nước của học sinh sinh viên, Quán Văn là tụ điểm sinh hoạt văn nghệ của TNSV Việt Nam ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhưng phải đến khi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cùng xuất hiện một lúc với “Ca khúc Da vàng”, Quán Văn mới trở thành một hiện tượng. Bằng chiếc ghi-ta thùng và giọng ca huyền thoại Khánh Ly, những bài tình tự quê hương và thân phận con người được hát vang lên và làm thức tỉnh, say đắm hàng ngàn khán giả sinh viên cuồng nhiệt đêm đó.

Ngày 30/4/1975, Việt Nam chấm dứt chiến tranh, Trịnh Công Sơn và những người bạn “hộ tống” ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát “Nối vòng tay lớn” - một bài hát nói lên niềm khao khát hòa bình, thống nhất. Ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam - Bắc. Nhưng mãi đến năm 1980, Trịnh Công Sơn mới bắt đầu sáng tác lại. Tác phẩm của ông sau chiến tranh có những bài nổi tiếng như: Chiều trên quê hương tôi, Em còn nhớ hay em đã quên, Huyền thoại mẹ, Nhớ mùa thu Hà Nội, Tiến thoái lưỡng nan, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Lặng lẽ nơi này, Xin trả nợ người, Lời thiên thu gọi... Những sáng tác này thường là tình ca, không có bài hát nào liên quan đến chiến tranh, chủ yếu là những tác phẩm viết cho các phim. Nội dung thường nói lên thân phận con người, kiếp người trong cõi tạm, mang đậm chất Thiền. Ca khúc cuối cùng ông sáng tác trên giường bệnh là bài Biển nghìn thu ở lại.

Và ngày 01/4/2001, Trịnh Công Sơn qua đời, “con chim nhỏ hát chơi trên đầu ngọn lau” không còn nữa, vết chim hạc để lại trên cõi trần đúng 62 năm.

Khi thực hiện các thước phim ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã gặp rất nhiều người từng gắn bó với Trịnh Công Sơn. Một chị phụ trách ở Bình Quới tặng cuốn phim “Đất khổ” sản xuất trước năm 1975, Trịnh Công Sơn đóng vai chính. Phim chiếu được hai xuất thì bị chính quyền Sài Gòn tịch thu và cấm chiếu...

Ký sự Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du dài 5 tập do chúng tôi thực hiện đã tổ chức ghi hình, đi lại hơn 5 tháng ròng rã qua các tỉnh thành mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đặt chân đến. Ký sự đã mang đến cho khán giả thấy một góc nhìn của những nhân chứng, những con người bình thường tình cờ gặp gỡ… là những thước phim dung dị đời thường, ekip làm phim đã công phu đi đến nhiều nơi cho ta thấy những mảnh ghép cuộc đời người nhạc sĩ đã đi qua.

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa của nước Việt mà cuộc đời ông mãi mãi là nguồn cảm hứng cho mọi người sáng tác. Hình ảnh đôi mắt trong sáng của anh Hải - một gã bụi đời ngày xưa và hai bạn nhỏ (đại diện cho thế hệ trẻ sau này) say sưa đàn hát bên ngôi mộ Trịnh trong một buổi sáng mưa phùn bay lất phất là một hình ảnh đẹp khép lại thiên ký sự, nhạc Trịnh luôn biết cách đi vào trái tim con người như vậy.

Dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời cõi tạm gần 20 năm nhưng ông luôn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim những người bạn của mình, những người yêu bài hát của ông, là sợi dây kết nối cho những ai quen biết, quý mến Trịnh Công Sơn đến gần với nhau hơn trong một niềm yêu thương vô bờ bến.

T.N.T
(SHSDB40/03-2021)

--------------------
(1) (Kịch bản: Ngọc Trác, Thanh Hưng. Đạo diễn: Đức Đệ. Cố vấn chương trình: Trần Ngọc Trác).





 

 

Các bài mới
Cỏ xót xa tôi (21/05/2021)
Dưới hiên mưa (17/05/2021)
Các bài đã đăng