Tạp chí Sông Hương - Số 385 (T.03-21)
La Habana - Có một nơi như thế
14:54 | 09/04/2021

NGUYỄN VĂN DŨNG  
                    Bút ký  

La Habana là thủ đô của đảo quốc Cuba. Tôi thăm La Habana dịp thành phố rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 500 năm tuổi. Những gì tôi thấy ở đây khác xa với những gì tôi từng mường tượng.

La Habana - Có một nơi như thế
Tác giả ở La Habana

Trước hết, La Habana đẹp và trong lành. Lang thang qua các nẻo đường La Habana, thấy đâu cũng đẹp. Đặc biệt từ pháo đài El Morro nhìn về thành phố - trời xanh, biển xanh, đất xanh, và những kiến trúc đa sắc màu lấp lánh. Quá đẹp. Thảo nào lần đầu đặt chân lên mảnh đất này, nhà du hành Christopher Columbus đã phải thốt lên “Đây là miền đất đẹp nhất mà mắt người đời từng thấy”.

Ngày nay, đi đâu cũng nghe thở than “môi trường ô nhiễm”, nhưng ở đây thì không - La Habana không đường phố ngập rác, không cống rãnh hôi hám, không khói bụi mịt mù; La Habana quanh năm tràn ngập nắng gió, trong lành và thơm lừng mùi biển. Hít một hơi thật sâu đến tận đan điền, nghe như có cả đất trời lan tỏa khắp châu thân.

Đẹp, trong lành, La Habana còn thanh bình, dân tình hiền hòa, thân thiện. Trên đường phố, bến xe, bến tàu, nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan du lịch... tôi không hề thấy những hành vi bạo lực, đâm chém, đôi khi chỉ vì chút xích mích nhỏ hay tranh nhau một mối hàng; không hề thấy những đôi mắt lấm lét, gian manh, những hành vi chụp giựt, trộm cắp. Trên đường phố, bến xe, bến tàu, nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan du lịch... ở đâu tôi cũng được niềm nở cười chào, chỉ dẫn, như thể tôi là bạn bè thân quen lâu ngày gặp lại. Phàm “bần cùng sinh đạo tặc”, Cuba nghèo - rất nghèo, nhưng sao người dân ở đây hiền lành và lương thiện thế. Tôi nhận ra điều ấy không phải qua lời nói hay cử chỉ mà qua đôi mắt của họ, và cả qua cái tâm không phân biệt của mình.

Tôi đặc biệt thích lang thang qua các nẻo đường nho nhỏ, xinh xinh, lúc nào cũng đông vui của La Habana cổ. Suốt 500 năm hình thành và phát triển, La Habana từng là thành phố phát triển rực rỡ và phồn thịnh. Ngày nay, La Habana được mở rộng và có nhiều đổi thay, tuy thế La Habana cổ vẫn còn như nguyên vẹn - những con đường nhỏ, những ngôi nhà theo phong cách kiến trúc Baroque, những pháo đài, quảng trường, bảo tàng, tu viện... Trong đó, nổi bật hơn cả là Nhà thờ lớn La Habana được xây dựng vào năm 1748, nơi từng bảo quản thi hài nhà du hành vĩ đại Christopher Columbus. Nhà thờ lớn La Habana là công trình điển hình của nghệ thuật kiến trúc Baroque, với những đường cong, những mảng trang trí đắp nổi cầu kỳ bên ngoài, và những bức bích họa rực rỡ bên trong. Ngày nay, Quảng trường Nhà thờ Lớn trở thành trung tâm văn hóa truyền thống của La Habana, nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật dân tộc vào các tối thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ và ngày hội văn hóa.

Năm 1492, Christopher Columbus đặt chân lên đất Cuba. Năm sau, người Tây Ban Nha đến và biến Cuba thành thuộc địa. Ngày 16/11/1559 La Habana được thành lập. Mãi đến năm 1902, khi Cuba tuyên bố độc lập, La Habana mới chính thức trở thành thủ đô của đảo quốc này.

Năm 1982, La Habana cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Mới đây, ngày 7/12/2014, La Habana còn được New7Wonders của Thụy Sỹ vinh danh là một trong bảy thành phố kỳ quan thế giới, cùng với sáu thành phố nổi tiếng khác gồm La Paz của Bolivia, Kuala Lumpur của Malaysia, Durban của Nam Phi, Doha của Qatar, Beirut của Lebanon, và Vigan của Philippines.

Khác với những con đường nhỏ nhắn, ấm áp nơi phố cổ, Malecon là đại lộ ven biển rộng thênh thang, dài khoảng 7km từ La Habana cổ đến sông Almendares. Malecon, một bên là dãy biệt thự liền kề; bên kia là vỉa hè đại lộ, cũng là kè chắn sóng biển. Dọc theo Malecon có nhiều quảng trường dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng - chiều chiều, từng tốp nam nữ hẹn hò nhau ra đó ca hát, nhảy múa. Dân Cuba rất thích ca hát và nhảy múa. Hễ có chừng năm ba người trở lên, thêm cây đàn và cái trống, là có âm nhạc và nhảy múa. Một nửa chất hoang dại châu Phi, thêm một nửa chất gợi cảm Tây Ban Nha, âm nhạc Cuba có sức cám dỗ chết người. Bắt đầu thường là giai điệu Guantalamera, rồi cứ thế mà cuốn theo, cuốn theo. Nhiều du khách không cưỡng được cũng nhiệt tình gia nhập nhóm. Giữa đất trời lồng lộng, biển xanh bao la, và trai gái tay trong tay, hòa theo giai điệu vừa da diết vừa nồng nàn. Tôi ngờ rằng, không phải vì cơm áo gạo tiền hay chủ nghĩa nọ kia mà vì âm nhạc; chính âm nhạc đã nâng cánh cho dân Cuba vượt qua đói nghèo, vượt lên hận thù để sống trong yêu thương và hòa bình.

Buổi chiều, tôi thích dạo bước dọc theo con đường. Ở tuổi này, hoàng hôn luôn gợi lên bao mối cảm hoài. Không khó để nhận ra dãy biệt thự liền kề kia vắng chủ từ 60 năm qua - chúng trống hoang trống hoác, mốc meo, cũ kỹ, không một bóng người. Ngôi nhà hoang, buồn quá phải không? Vậy mà ở đây, cả hàng mấy cây số liền kề những ngôi nhà hoang. Người ta nói đó là những ngôi nhà của những tay trọc phú và giới trung lưu ngày trước. Sau cách mạng Cuba 1959, họ di tản sang Florida, để rồi hai năm sau và nhiều năm sau nữa họ âm mưu quay trở lại nhưng lần nào cũng đều bị đập tan. Giờ thì họ đã già. La Habana cách Florida khoảng 80 dặm, những ngày trời quang mây tạnh, từ Florida có thể thấy xa xa Cuba thấp thoáng giữa trùng khơi.

Nếu La Habana là bài thơ thì một trong những điểm sáng nghệ thuật của bài thơ ấy là những chiếc xe cũ còn hơn cả đồ cổ. Đó là những chiếc Chevrolet, Ford và Cadillac thuộc thế hệ những năm 1950 - sau cách mạng Cuba 1959, không một loại xe nào còn được phép nhập vào. Những chiếc xe đồ cổ ấy được tái chế với đủ màu sắc sặc sỡ: hồng tươi, lục tươi, vàng tươi, xanh tươi, tím, đỏ… Chúng trở thành thứ sản phẩm độc của du lịch La Habana. Du khách ai cũng muốn có một vòng long nhong phố phường La Habana trên những chiếc xe trông sang trọng, duyên dáng và cực kỳ lãng mạn ấy. Bên chiếc xe, nhiều đôi trai gái lộng lẫy áo cưới, hân hoan tạo dáng chụp hình - mong sao tình yêu của họ bền chặt mãi như những chiếc xe không bao giờ cũ.

Xì gà Cuba là thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới. Tôi không thuộc hàng đệ tử phù du nên chỉ xin nói chuyện ẩm thực thôi. Ẩm thực Cuba đậm chất Tây Ban Nha và vùng Caribbean, nghĩa là không giống chi với ẩm thực bên mình. Đi du lịch, qua nhiều vùng miền khác nhau, nhiều người sợ nhất phải ăn những món không hợp khẩu vị. Bởi thế họ thường mang theo đủ thứ: cơm, xôi, phở, mì, gà quay, vịt quay, heo quay, bò nướng, cá kho, thịt kho, tôm rim, xì dầu, nước nắm, tiêu, ớt, hành, tỏi... Đến bữa, khi không nuốt nổi thức ăn bản địa thì họ reo vui bên đặc sản quê nhà. Tôi cho rằng ẩm thực là một hình thái văn hóa. Sâu trong thức ăn của mỗi dân tộc là tình tự, là tư tưởng, là lịch sử, là phong tục tập quán của dân tộc đó. Đi du lịch cốt để thưởng ngoạn văn hóa, nếu không ăn thức ăn của người thì làm sao có thể cảm nhận hương vị văn hóa của người. Ví dụ như lần này chẳng hạn, một trong những món ăn đặc trưng của La Habana là món Paella Habana. Đây là món ăn loại “tạp pí lù”, nó sền sệt, gồm cơm nhão, mực, tôm, chem chép, nghêu, sò (để cả vỏ); thêm thứ bột nghệ vàng hươm cùng nhiều loại rau màu khác. Tất cả được bày biện trên một cái chảo to gần bằng cái mẹt. Tôi có dịp thưởng thức món ăn này lần đầu năm 2003 nơi đảo Corse. Anh bạn người Pháp nói đó là món đặc trưng của vùng Địa Trung Hải. Đặc trưng đâu không biết chứ trước mặt tôi là một chảo thức ăn nhìn vào không được ngon mắt. Sau một thoáng định thần, tôi cố tưởng tượng mình là đứa con của đảo Corse xa quê hương lâu ngày trở về, giờ đang ngồi ăn món ăn của mẹ. Thế là tôi ăn ngỏn ngoẻn hết cả một mẹt thức ăn. Năm tháng qua đi, nhiều kí ức tôi quên, nhưng cái mùi và cái vị của món ăn ấy thì cứ nhớ mãi. Nay, không ngờ gặp lại nó. Thế là những ngày lang thang ở thủ đô Cuba, tôi gần như chỉ ăn mỗi thứ - món Paella Habana.

Ngoài Paella Habana, bạn có thể chọn cho mình một số món đặc trưng khác như: Ropa vieja, Costillita, Tamales, Cuba Sandwich… Lưu ý, ở đây món cá ngon hơn nhiều so với những món thịt. Thêm điều này, nhân viên khách sạn Iberostar Grand Packard nơi tôi ở, dặn đi dặn lại “Chỉ nên gọi một phần nhưng hai người ăn. Bởi nếu gọi một phần cho một người ăn thì sẽ không cách chi ăn hết”. Và, đừng quên bia Cuba - bia Cristal thuộc vào hàng thơm ngon ngất trời.

Cho đến nay, Cuba vẫn duy trì cơ chế bao cấp. Nhà nước chăm lo cho người dân các khoản nhà ở, lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết... đặc biệt gánh vác toàn bộ chi phí về y tế và giáo dục. Tuy thế, dân Cuba xem ra vẫn còn quá khổ, cho dù không có ai phải đi ăn xin. Tôi bao xe ngựa một vòng quanh thành phố. Thấy anh tài xế lịch sự, dễ thương, tôi nhờ anh giới thiệu tiệm ăn nổi tiếng nhất La Habana. Anh vui vẻ gật đầu. Đó là nhà hàng El Guajirito ở tầng hai của một chung cư sang trọng. Trước lúc từ biệt, tôi tặng anh chút quà. Cầm 10 đô la trên tay, anh xúc động rưng rưng nước mắt. Anh nói, anh làm việc cho công ty nhà nước, lương mỗi tháng 15 đô la. Thấy tôi như không hiểu, anh nói thêm “Ở đây, chỉ những bác sĩ giỏi lương mỗi tháng mới được 40 đô la”.

Đành rằng cái ăn chỗ ở đã có nhà nước lo, nhưng để sống cho ra sống thì đâu chỉ có ăn và ở mà còn bao nhiêu thứ khác nữa chứ. Với đồng lương chừng ấy, hỏi lấy đâu ra để mua sắm, chưng diện, quan hệ, đi đó đi đây… hỏi làm sao để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống. Mà cũng dễ hiểu thôi, bị Mỹ trường kỳ bao vây cấm vận, cộng thêm nguồn viện trợ chính không còn nữa kể từ khi Liên Xô tan rã, nếu không khó khăn điêu đứng mới là lạ. Nhưng chuyện này thì đúng là lạ, quá lạ: Phàm trong nghèo khổ, con người ta thường hay ngả lòng; thế nhưng cũng trong nghèo khổ, vì sao Cuba vẫn vững vàng đứng thẳng. Tôi thừa nhận rằng, trong những điều khiến tôi yêu đất nước này có cả điều ấy - một nhân cách “Không thấy giàu mà ham, không vì nghèo mà đổi lòng, không trước bạo lực mà sợ”.

Đó là chưa nói, tuy bị Mỹ trường kỳ bao vây cấm vận, tuy khó khăn nghèo khổ nhưng Cuba vẫn đạt được thành tựu đáng kể trong việc đầu tư cho con người, đặc biệt ở hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Về y tế, mọi người dân Cuba đều được khám, chữa bệnh miễn phí và được dùng những loại thuốc tốt nhất có thể. Y tế Cuba được xếp vào hàng đầu thế giới, ngang với các nước phát triển.

Ở Cuba, giáo dục hoàn toàn miễn phí, kể cả giáo dục đại học. Trong suốt quá trình học, học sinh Cuba được nhà nước lo tất, từ trang phục, ăn uống, học hành, sách vở, các hoạt động ngoại khóa… Học sinh Cuba được mặc đồng phục theo cấp lớp. Tôi quá ấn tượng với các bé mẫu giáo. Thỉnh thoảng gặp trên đường từng tốp khoảng 20 em học sinh mẫu giáo, các em được hướng dẫn đi theo hàng hai. Trông em nào em nấy mặt mày rạng rỡ, nói cười; mỗi em mỗi vẻ không em nào giống em nào. Tôi cho rằng trẻ em là tấm gương phản chiếu trung thành nhất môi trường các em sống. Mấy năm trở lại đây, năm nào tôi cũng lên Tây Bắc xây trường từ thiện. Cũng bằng chừng ấy tuổi nhưng các em nhỏ ở Tây Bắc không biết cười - tôi chưa hề thấy em nào cười. Sau này mới biết thêm, nhiều em trong số ấy ngày ngày phải lao động vất vả giúp bố mẹ; nhiều em trong số ấy ngày ngày phải chứng kiến cảnh mẹ bị bố đánh đập tàn tệ vì chưa kịp mua rượu về.

Không chỉ hồn nhiên, hay cười, trẻ em Cuba còn rất thân thiện và hiếu khách. Hôm thăm điền trang của Ernest Hemingway, tôi gặp một tốp học sinh cấp hai. Từ xa thấy tôi, các em đã niềm nở cười chào. Tôi chọn một em trong nhóm, xin chụp tấm hình kỷ niệm, thế là cả nhóm nhao nhao ùa tới đeo lấy tôi, chen chúc, tạo dáng… Giờ mỗi lần nhìn lại tấm hình, tôi vẫn còn xúc động bồi hồi.

Lên cấp ba, đồng phục các em là áo màu xanh nhạt. Ở tuổi trăng tròn, tôi thừa nhận con gái Cuba đẹp - cái đẹp rất riêng: nước da ngăm ngăm, mắt đen và sáng, răng trắng và đều, dáng thon thon, còn nụ cười thì e chẳng thua gì Bao Tự. Không biết ở Cuba người ta có tổ chức thi hoa hậu không. Nếu có, chắc Ban Giám khảo sẽ rất khó xử vì không biết chọn ai.

Có người từng nói, giữa sóng gió trùng khơi, đảo quốc Cuba như là cái tổ của chim đại bàng. Mấy ngày ngắn ngủi ở La Habana, tôi quyết tâm đi tìm và chiêm ngắm cho bằng được những con đại bàng.

Đầu tiên là con đại bàng Hemingway:  Văn  hào  Ernest Hemingway - Nobel Văn học năm 1954, là người Mỹ, nhưng một lần đến thăm thủ đô Cuba, ông đã phải lòng nơi này, để rồi quyết định dành trọn phần đời còn lại cho La Habana. Ban đầu ông ngụ ở khách sạn Ambos Mundos. Tại đây, ông đã viết tác phẩm nổi tiếng “Chuông nguyện hồn ai”. Căn phòng 511 ông ở giờ trở thành phòng trưng bày những hiện vật liên quan đến sinh hoạt của ông. Còn khách sạn Ambos Mundos thì trở nên đắc địa dù giá phòng được nâng lên gấp nhiều lần. Hai quán bar ông thường lui tới mỗi chiều chiều cũng thế, luôn đông nghịt người.

Đó là quán Bodeguita del Medio trên đường Empedrado, cách không xa Nhà thờ lớn. Trong quán, lớp lớp du khách với cốc Mojito trên tay nói nói cười cười ra chiều khinh khoái lắm, trong lúc bên ngoài hàng trăm du khách háo hức chờ đến phiên mình - Mojito là loại cocktail trước đây Hemingway từng uống mỗi lần ghé quán. Tuy chật chội nhưng chủ quán vẫn dành một góc nhỏ cho ban nhạc - một thứ giai điệu rạo rực, nồng nàn, quấn quýt, mời gọi đến mức tuổi tác như tôi mà đôi chân còn không chịu đứng yên. Tôi thầm nghĩ, là người ta muốn thêm thắt để câu khách đó thôi chứ thuở xưa nếu mà ồn ào chộn rộn thế này chắc Hemingway chẳng thèm đến.

Rồi quán Floridita trên đường Obispo. Ở đây du khách cũng đông kín. Floridita là nơi Hemingway thường tới để nhâm nhi cốc rhum Daiquiry mà ông cho là loại cocktail ngon nhất thế giới. Nơi thuở xưa Hemingway ngồi nay có bức tượng bán thân của ông bằng đồng đen. Cầm cốc rhum Daiquiry trên tay, lần bước đến bên ông, đặt tay lên vai ông, tôi thầm gọi “Chào tiên sinh! Tôi rất thích cốt cách và văn phong của ông”. May quá, nhà tôi đã nhanh tay chụp được tấm hình khoảnh khắc ấy.

Do căn phòng 511 quá nhỏ trong lúc bạn bè thì đông, ông quyết định mua ngôi biệt thự Finca Vigia trên một ngọn đồi rộng 13 hecta, cách La Habana khoảng 10 dặm; ông sống ở đây từ năm 1940 cho đến cuối đời (1961).

Ngôi biệt thự Finca Vigia nay trở thành Bảo tàng Ernest Hemingway. Tôi bất ngờ thú vị bởi người ta giữ lại còn nguyên những gì liên quan đến sinh hoạt của Hemingway ngày trước: máy đánh chữ, chiếc gối, chùm chìa khóa, chiếc gậy, cốc rượu, chai rượu - ông thuộc loại nghiện rượu; hàng chữ số ông theo dõi trọng lượng mỗi ngày - ông rất sợ lên cân; mấy đầu thú treo trên tường - là chiến lợi phẩm những lần ông đi săn; những bức tranh các danh họa tặng ông, chiếc thuyền câu Pilar mang lại niềm vui và hạnh phúc cho ông, cái bể bơi - là bể bơi đầu tiên của La Habana, v.v. Đặc biệt rất nhiều sách, nhà có nhiều phòng mà phòng nào cũng đầy sách. Ông mê sách, thích đọc sách, và thích cả mèo và chó - ai đó đã nói “Càng hiểu đời tôi càng yêu chó hơn”; hóa ra bên sau hào quang lấp lánh, ông còn cả những nỗi niềm. Bên trái biệt thự có đài vọng cảnh cao bốn tầng. Tầng một ông dành cho 20 con mèo, tầng hai và tầng ba dành cho 40 con chó, tầng trên cùng dành cho ông để viết, đọc và ngắm cảnh - chiếc viễn vọng kính giúp ông mỗi ngày gần gũi với La Habana như thể thành phố đang lao xao dưới chân mình.

Ông cũng có nhiều bạn và nhiều người muốn kết bạn. Nhà có cả mấy phòng dành cho khách, và một góc nhỏ dành cho ông. Khi gặp bạn bè loại ông không hợp, không thích, ông mặc cho họ tự do chuyện trò với nhau trong lúc ông rút về góc riêng của mình, thinh lặng, uống rượu, và nghe nhạc - ông rất thích nhạc Cuba.

Ông có đến bốn bà vợ. Hai bà đầu xinh đẹp nhưng không bền. Bà thứ ba - Martha Gellhorn thông minh, sắc sảo, nhưng luôn tìm cách chi phối ông nên cũng chỉ ở với nhau được 5 năm. Bà sau cùng - Mary Welsh rất đỗi dịu dàng, đằm thắm, yêu thương, chăm chút; là bến bờ kiên cố và bình yên cho cuộc đời đầy bão táp của ông - đã 60 năm qua đi, nơi đâu trong ngôi nhà cũng tưởng như vẫn còn hơi hướm của bà.

Cách không xa Finca Vigia, có làng chài Cojimar. Ông thường ra đó sinh hoạt với dân làng. Ông đặc biệt thân thiết với tay truyền trưởng đội thuyền, họ trở thành tri âm tri kỷ. Chính anh ta là nguồn cảm hứng để ông xây dựng hình tượng “Ngư ông” trong tác phẩm “Ngư ông và biển cả” được trao Giải Nobel văn học năm 1954.

Ông đem giải thưởng danh giá ấy tặng cho dân làng Cojimar, nơi ông coi mình là một thành viên. Sau khi Hemingway qua đời, dân làng gom góp những cánh quạt đuôi tôm trên tàu của họ đúc thành pho tượng bán thân Ernest Hemingway. Bức tượng được đặt trên một bệ đá cao hướng về phía cầu cảng, nơi trước đây chiếc thuyền câu Pilar yêu quý của ông thường neo đậu. Giờ thì chắc là nơi ông trông mong chiếc Pilar sớm đưa ông ra khơi.

Yêu Cuba đến thế nhưng ông lại chết trên đất Mỹ. Có lần, một nhiếp ảnh gia đề nghị Hemingway hôn lên lá cờ Cuba để anh ta chụp hình. Ông nói: “Tôi đã hôn lên đất nước này bằng cả trái tim, cần gì phải làm như một diễn viên”. Nếu có Giải Nobel dành cho câu nói hay nhất, thì với câu nói ấy, Hemingway xứng đáng có thêm một Giải Nobel nữa.

Đừng quên, không phải Fidel Castro, không phải Che Guevara mà chính José Martí mới là vị cha già của cách mạng Cuba. Ông là nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà cách mạng kiên cường. Nhân dân Cuba tôn vinh ông là “vị thánh tông đồ của nền độc lập dân tộc”.

Gần 400 năm bị đàn áp, bóc lột dưới ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha, đầu thế kỷ 19, các nước Mỹ La tinh vùng lên đấu tranh và giành được độc lập, trừ Cuba và Puerto Rico. Dù còn rất trẻ nhưng ông quyết tâm đứng lên làm cách mạng chống quân xâm lược. Vũ khí của ông vừa là cây súng vừa là ngọn bút. Hai lần ông bị bắt và bị đày ra nước ngoài.

Tháng 4/1892, ngay trên đất Mỹ, ông đã đứng ra thành lập Đảng Cách mạng Cuba, tập hợp tất cả lực lượng yêu nước trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giải phóng Cuba. Ngày 11/4/1895, với tư cách là lãnh tụ tối cao của cách mạng, Martí bí mật trở về bờ biển phía Nam tỉnh Oriente để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập chống Tây Ban Nha lần thứ hai. Ngày 19/5/1895, tại mặt trận Dos Rios, tỉnh Oriento, Martí đã hy sinh anh dũng, khi mới 42 tuổi; đúng như dự cảm của ông: “Tôi sẽ không bị chôn vùi trong bóng tối, như một kẻ phản bội. Tôi là một người tốt, và tôi sẽ chết đối diện với mặt trời”. José Martí ngã xuống nhưng ngọn lửa cách mạng đã kịp chuyển vào tay Che Guevara và Fidel Castro.

Hình ảnh Che Guevara có mặt hầu như khắp nơi ở Cuba: gương mặt rắn rỏi, ánh mắt xa xăm, hàm râu mạnh mẽ, đầu tóc phong trần, chiếc nón bê- rê quen thuộc. Đó là Che Guevara.

Che   Guevara,   hay   còn được gọi là Che, sinh ngày 14 tháng 6 năm 1928 tại Rosario - Argentina, trong một gia đình truyền thống. Thời sinh viên, ông có dịp đi qua nhiều nước Mỹ La tinh và Bắc Mỹ, nhờ thế ông hiểu rõ cảnh ngộ của những người bị áp bức, bóc lột. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1953. Sau một thời gian làm việc ở bệnh viện, ông đến Mexico. Tại đây ông gặp và trở thành bạn chiến đấu của Fidel Castro. Ngày 25 tháng 11 năm 1956 cùng với 82 người khác vượt biển trở về Cuba, khởi đầu cuộc kháng chiến vũ trang nhằm lật đổ chế độ độc tài Batista.

Khởi nghĩa thắng lợi, ngày 4 tháng 1 năm 1959 Che Guevara cùng chỉ huy các lực lượng cách mạng tiến vào La Habana.

Chính quyền cách mạng được thành lập, Che là một trong bộ ba lãnh đạo của đất nước. Trên cương vị Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Công nghiệp, Che luôn kêu gọi xây dựng xã hội mới, nơi con người biết sống vì mọi người.

Tuy thế, tháng 3 năm 1963, Che Guevara quyết định từ nhiệm để lên đường tiếp tục thực hiện lý tưởng đấu tranh giành tự do cho các dân tộc bị áp bức. Trong thư gửi Fidel Castro, ông viết: “Tôi cảm thấy đã hoàn thành phần nghĩa vụ của mình liên quan đến cách mạng Cuba trên lãnh thổ Cuba và tôi xin từ biệt anh, từ biệt các đồng chí, từ biệt nhân dân của anh, mà cũng đã trở thành của tôi. Tôi chính thức từ bỏ mọi chức vụ trong ban lãnh đạo Đảng, chức bộ trưởng, cấp bậc tư lệnh, tư cách là người Cuba... Những miền đất khác trên thế giới đang đòi hỏi sức lực khiêm tốn của tôi... Tôi để lại một đất nước đã chấp nhận tôi như một người con... Trên những chiến trường khác tôi sẽ mang theo niềm tin mà anh đã vun đắp cho tôi, mang theo tinh thần cách mạng của nhân dân tôi, mang theo ý chí thực hiện nghĩa vụ quan trọng nhất: chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc ở bất kỳ nơi nào... Dù đến bất cứ đâu, tôi cũng sẽ cảm nhận trách nhiệm của một người cách mạng Cuba và sẽ hành động như vậy... Hẹn đến ngày toàn thắng. Tổ quốc hay là chết!”.

Ngày 08/10/1967, sau một cuộc giao tranh trong một khu rừng ở Bolivia, ông bị thương, bị bắt và bị hành quyết. Khi tên sát thủ nhắm vào ông nhưng tay run run không dám bắn, ông nói “Cứ bắn đi, đồ hèn, cùng lắm chúng mày chỉ giết được một con người”. Đó là lời nói sau cùng của ông - dù có là một thằng khốn thì cũng không được hèn.

Tuy ước vọng không thành, nhưng tên tuổi của Che vẫn lan tỏa khắp Mỹ Latinh và cả thế giới. Che Guevara đã trở thành biểu tượng của đấu tranh, của tinh thần nhân ái, của hy sinh thân mình chống lại áp bức và nghèo đói.

Tại lễ tưởng niệm ở Rosario, quê hương nơi ông ra đời, linh mục Hernán Benítez đã nói: “Hai phần ba nhân loại bị áp bức chấn động vì cái chết của Che. Một phần ba còn lại thuộc về Che hoàn toàn. Che đã đón nhận cái chết với tất cả đặc trưng của những anh hùng thần thoại, những người sống mãi trong lương tâm nhân loại...”. Còn với Fidel Castro: “Đó là một con người chân chính, một người bạn tuyệt vời và là người mà ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể”. Với Jean Paul Sartre: “Là con người hoàn thiện nhất trong thời đại chúng ta”. Với Nelson Mandela: “Cuộc đời của Che là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người yêu tự do. Chúng tôi sẽ luôn tôn vinh anh ấy trong ký ức”.

Từ La Habana, cả đi lẫn về hơn 600km, nhưng tôi nhất định đến thăm cho được Santa Clara, nơi có tượng đài vinh danh người anh hùng Che Guevara, lăng mộ chứa hài cốt của ông, bảo tàng lưu giữ những kỷ vật về cuộc đời ông, công viên Vidal, đoàn tàu bọc thép của quân tiếp viện Batista bị du kích quân do Che chỉ huy đánh lật nhào… Tôi đặc biệt xúc động với tượng đài Che Guevara: cũng đôi mắt ấy, cũng dáng đứng ấy; Che ở trên cao, lồng lộng giữa trời xanh mây trắng.

Năm 1959, cách mạng giành thắng lợi, Fidel Castro trở thành thủ tướng, trên thực tế là nhân vật nắm quyền lực tối cao của Cuba. Trước mắt ông là nhân dân Cuba bị đàn áp, bóc lột, nghèo đói, thất học, bệnh tật… Trong lúc thủ đô La Habana là thiên đường của những tay trọc phú, trùm tham nhũng, trùm cờ bạc, trùm nhà thổ, trùm băng đảng, những tay chơi hảo hạng, v.v. Để thực hiện lý tưởng vì nước vì dân, Castro đã tiến hành nhiều biện pháp như tịch thu bất động sản tư nhân, quốc hữu hóa các cơ sở công cộng, đóng cửa ngành công nghiệp sòng bạc, trục xuất nhóm những ông trùm người Mỹ, tử hình những quan chức tham nhũng thời Batista… Chính phủ Mỹ bắt đầu có thái độ không tốt với Cuba. Tháng 4 năm 1959, Fidel Castro bay sang Washington DC nhưng không được Tổng thống Mỹ Eisenhower tiếp đón.

Tháng 10 năm 1959, Castro công khai tuyên bố tình cảm của mình với Chủ nghĩa cộng sản, dù ông không phải là một người cộng sản. Tháng 3 năm 1960, thỏa thuận viện trợ đầu tiên được ký với Liên Xô. Hoa Kỳ coi đó là một mối đe dọa và lập kế hoạch lật đổ Castro. Sau Sự kiện Vịnh Con lợn tháng 4 năm 1961, Castro quyết định bắt tay làm đồng minh với Liên Xô vào tháng 5 năm 1961, tuyên bố Cuba là một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, và ông là một người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sau gần nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro, Cuba vẫn tồn tại như là biểu tượng của tự do, hòa bình, và lòng nhân ái, còn Fidel Castro thì vẫn sống sót qua bao sóng gió hiểm nguy - sách Kỷ lục Guinness ghi nhận ông là người bị ám sát nhiều nhất: 638 lần, chủ yếu do Tình báo Trung ương Mỹ CIA tiến hành. Về điểm này, ông từng đùa “Nếu sống sót sau các vụ ám sát cũng được trao huy chương Olympic, thì tôi nhất định sẽ giành huy chương vàng”.

Fidel Castro mất ngày 25/11/2016, sau khi đã chuyển giao quyền lực cho Raul Castro mười năm trước. Chẳng lạ gì khi cái chết của ông người khen nhiều nhưng người chê cũng không ít. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - người chủ trương bình thường hóa quan hệ hai nước, nói: “Lịch sử sẽ ghi nhớ tác động to lớn của con người đặc biệt này đến thế giới xung quanh mình”. Riêng cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan nói: “Hôm nay tôi thương tiếc cho sự mất mát của một người bạn, cố lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Đảm bảo các phúc lợi cho nhân dân Cuba và sự độc lập của đất nước là định hướng chính trong suy nghĩ của Fidel Castro và nhiều hành động của Ngài. Cho dù ai đó có đồng ý với quan điểm chính trị của ông hay không, Fidel Castro vẫn là một trong những lãnh đạo đáng chú ý của Mỹ Latinh. Trong cuộc đời lâu dài của mình, ông đã vượt qua vô số nghịch cảnh, dù ông có thể chọn vô số con đường khác dễ dàng và thoải mái. Tôi đã gặp Fidel Castro nhiều lần trong những năm qua và đánh giá cao trí tuệ phi thường, đầu óc sắc bén của ông, và khả năng của ông để tham gia vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Vĩnh biệt Fidel!”.

Từ José Martí, đến Che Guevara, đến Fidel Castro tinh thần dân tộc, bản lĩnh kiên cường, và lòng nhân ái luôn tỏa sáng trên đảo quốc Cuba. Thăm Quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana, bạn rất dễ nhận ra José Martí, bởi ngay giữa trung tâm quảng trường là tượng đài rất lớn của ông. Đối diện với tượng đài José Martí, phía bên này quảng trường là hình khắc Che Guevara. Riêng Fidel Castro thì không - sau khi chết ông muốn được hỏa thiêu và không để lại gì: không lăng mộ, không tượng đài, không bảo tàng, không tên đường, không trên trường… không cả tài sản riêng dù chỉ một đô la. Có phải thế không mà ở đâu trên đất nước Cuba kiêu hùng này cũng tưởng như còn có Fidel Castro; ở đâu trên thủ đô La Habana xinh đẹp và thanh bình này cũng tưởng như thấp thoáng hình bóng Fidel Castro.

Tôi chia tay La Habana lúc thành phố vẫn còn chưa thức. Giai điệu Guantanamo theo tôi suốt chặng đường ra phi trường - “Hỡi em người con gái Guantanamo. Tôi là người chân thật đến từ những hàng dừa. Thơ của tôi sáng xanh và rực lửa. Tôi không trồng gai góc. Tôi trồng hoa hồng trắng”...

Trong những thành phố tôi từng đi qua, thú thật La Habana là nơi tôi rất thường hay nhớ về. Có người nói La Habana là “Trái tim của Cuba”, “Thành phố di sản”, “Thành phố kỳ quan”, “Thành phố của tình yêu và những điều kỳ diệu”, “Thành phố màu sắc lưu giữ ký ức của thời gian”, “Thành phố của xì gà và cocktail”, “Thành phố của tình yêu và nỗi nhớ”… Tôi thích gọi La Habana là “Thành phố của tình yêu và nỗi nhớ”.

Giờ thì tôi tin giữa cái trần gian chia biệt và lọc lừa này, vẫn còn có một nơi như thế: kiêu hùng, tươi đẹp, thanh bình, thân thiện, lương thiện, ấm áp tình người - đó là thủ đô La Habana.

N.V.D
(TCSH385/03-2021)



 

Các bài mới
Qismati và Nasibi (29/04/2021)
Các bài đã đăng