Tạp chí Sông Hương - Số 387 (T.05-21)
Một chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946
15:00 | 18/05/2021

PHONG LÊ   

Bốn tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, 25 triệu người dân Việt Nam bước vào năm 1946, năm mở đầu kỷ nguyên Dân chủ - Cộng hòa, bằng một sự kiện vang động lịch sử: Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước, vào ngày 6/1/1946.

Một chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946
Ảnh tư liệu

Đó là ngày “Hội non sông” - nói như nhà thơ Xuân Diệu. Đầu năm là thế. Còn cuối năm là tiếng súng Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, vào ngày 19/12/1946, mở đầu một cuộc trường chinh gian khổ của dân tộc suốt hơn 30 năm sau.

Một năm với dồn dập các sự kiện lớn, đánh dấu những chuyển động chưa từng diễn ra trong lịch sử. Đó là sự kiến lập nền Dân chủ - Cộng hòa, và sự chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua bao ghềnh thác để giữ cho được chủ quyền độc lập, dưới sự lãnh đạo anh minh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa của lá phiếu do mỗi người dân tự ghi và tự bỏ vào thùng phiếu được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bức thư gửi toàn dân, ngày 5/1/1946:

“Ngày mai, là một ngày nó đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù; về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu có sức lực một viên đạn”(1).

Lúc này Nam Bộ đã bị Pháp trở lại xâm lược, từ 23/9/1945. Thế nhưng việc bầu cử vẫn thực hiện thành công, với hơn 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, để có 403 đại biểu, trong đó 333 đại biểu được bầu, và 70 đại biểu được Chính phủ liên hiệp mời tham gia, không qua bỏ phiếu (gồm 50 người thuộc Việt Nam Quốc dân đảng và 20 người thuộc Việt Nam Cách mạng đồng minh hội); trong đó công nông binh chiếm 87%, với 10 đại biểu là phụ nữ; và Hồ Chí Minh đạt số phiếu cao nhất - 98,4%. Từ Quốc hội, bầu ra Chính phủ chính thức thay cho Chính phủ liên hiệp lâm thời được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu trước ngày Tổng khởi nghĩa.

Trở lại năm 1946 - đó là năm dân tộc đứng trước những nhiệm vụ cực kỳ khẩn thiết: vừa phải giành và giữ cho được chủ quyền dân tộc trong một tình thế vô cùng phức tạp về chính trị; đồng thời là nhiệm vụ kiến thiết để hồi sinh và xây dựng đất nước, sau nạn đói 1945; và xây dựng ý thức công dân sau hơn 80 năm dưới ách nô lệ. Tất cả được Chủ tịch Hồ Chí Minh thâu tóm trong ba nhiệm vụ: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Cả ba đều quyết liệt, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải sắp xếp theo trật tự như trên. Giặc đói - sau trận đói lịch sử 2 triệu người chết đầu 1945. Giặc dốt - 95% số dân mù chữ. Và giặc ngoại xâm, khi chủ quyền dân tộc đang bị uy hiếp nghiêm trọng bởi thù trong, giặc ngoài. Thù trong - nhiều đảng phái chính trị lăm le tranh giành quyền lợi. Giặc ngoài - cả giặc Tưởng và giặc Pháp nấp bóng Đồng minh. Cả ba, phải được ứng phó bởi một trí tuệ sáng suốt và tỉnh táo. Nạn đói dần dần được khắc phục nhờ vào phong trào Tăng gia sản xuất, Tấc đất tấc vàng, Hũ gạo tiết kiệm, và những bức thư kêu gọi nhà nông. Giặc dốt được thanh toán bởi phong trào Bình dân học vụ, cuốn hút mọi tầng lớp trí thức tham gia. Và ngoại xâm, bằng những đối sách rất linh hoạt, qua Hiệp ước sơ bộ 6/3, Tạm ước 14/9, cùng với chuyến đi Pháp 4 tháng, trong tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một năm - nhà cách mạng, vị lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc vượt lên mọi khó khăn, thử thách, bởi chính Người là hiện thân tuyệt vời nhất cho lòng yêu nước và khối đoàn kết toàn dân, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, và giai cấp… Một khát vọng, một ý chí, một tầm vóc, một bản lĩnh gần như được đúc kết trọn vẹn trong bài Trả lời các nhà báo, chỉ 141 chữ, vào tháng 1/1946:

“Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng mệnh quốc dân ra trước mặt trận.

Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em nhỏ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Năm 1946 cũng ghi dấu một sự kiện riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - năm xác định ngày sinh nhật là 19 tháng 5. Do có sự xác định ấy, nên không tránh khỏi có những cuộc “chúc thọ bất ngờ” của các đại diện cho mọi đoàn thể. Nói “bất ngờ”, vì hẳn là có một bí ẩn gì đó của tình thế khiến Bác phải công bố ngày sinh; và do công bố, nên phải tiếp khách, thế nhưng nội dung của tất cả các cuộc tiếp lại không phải là câu chuyện riêng của tuổi tác và sức khỏe.

“Anh chị em đến chúc thọ tôi phải không?

Đó là câu hỏi đầu tiên của Chủ tịch khi cụ vào phòng khách. Sau khi vui vẻ mời chúng tôi ngồi, cụ tiếp ngay:

- Cái ông nhà báo nào công bố ngày sinh của tôi thật đáng phạt. Trước hết tôi chưa thấy cái già là gì, ngoài 50 tuổi chưa gọi là già. Sau nữa, chúng ta đang ở thời kỳ công tác, chưa phải lúc cần đến hình thức lễ nghi như chúc thọ.

Thế là, rất nhanh chóng, câu chuyện giữa chủ và khách bỗng chuyển sang nội dung cuộc vận động Đời sống mới, và khẩu hiệu Cần, Kiệm, Liêm, Chính…”.(2)

Năm 1946 kết thúc bằng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946; sau bao vất vả tìm kiếm hòa bình, nhưng không thể, vì thực dân Pháp quyết thực hiện dã tâm xâm lược. Sau Tuyên ngôn độc lập - 2/9/1945, đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao, kết tinh ý chí, nguyện vọng của dân tộc, qua một đại diện, rồi sẽ là linh hồn, là Tổng tư lệnh tối cao trong hai cuộc kháng chiến gối liền nhau, suốt 30 năm.

“… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ (…).

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Từ thời điểm này, chỉ sau hơn 10 ngày sẽ bắt đầu một năm mới, năm Đinh Hợi - 1947, năm thứ hai kỷ nguyên Dân chủ - Cộng hòa. Từ chiến khu Việt Bắc, cả dân tộc sẽ được nghe lời chúc Tết đầu tiên của vị Chủ tịch nước, trong một khổ thơ 8 câu 8 chữ “phơi phới như buồm căng thẳng gió” (Hoài Thanh):

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập nhất định thành công!


Và từ đây, hàng năm, cho đến tận 1969, là năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cả dân tộc Việt sẽ có hạnh phúc trong tâm thế ngóng đợi để đón nghe thơ xuân chúc Tết của Bác Hồ.

P.L  
(TCSH387/05-2021)

--------------------
(1) Tất cả các trích dẫn và số liệu trong bài này được rút từ Hồ Chí Minh. Tuyển tập; Tập I; Nxb. Sự thật; 1980.
(2) Bài của Chính Tâm (tức Nguyễn Huy Tưởng) trên Tạp chí Tiên phong; số 12 (1/6/1946).  




 

 

Các bài mới
Kịch câm (15/06/2021)