Tạp chí Sông Hương - Số 389 (T.07-21)
Chùm truyện ngắn của Minh Ngọc
14:31 | 06/08/2021


MINH NGỌC

Chùm truyện ngắn của Minh Ngọc
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Nằm nghe gió thổi   

1.
14g17p. Trời nắng. Tiếng u u của còi tầu. Liêu thấy trước mặt mình là ba mầu vàng đỏ trắng. Mọi thứ nhờ nhờ, âm thanh rục rịch quyện vào nhau, không bóc tách được, có cảm giác trước mặt Liêu là những vũng sơn đùng đục, loang ra.

“Ngay phút giây này, khi ánh sáng của thứ chói gắt trên đầu chiếu vào bịch nilon đậm mùi aspirin, khi mọi thứ sắc mầu ngoài kia cuồn cuộn chảy. Một ngắn ngủi chững lại. Ta bắt gặp sự - vô nghĩa.”

2.
“…

Đôi khi
ta như người leo núi rủi ro
không phải vì kém cỏi
không phải vì thiếu can đảm
nhưng mà núi lở
nào ai có thể bám vào khoảng không.
Đôi khi
thèm nhớ tuổi mười lăm
qua phà Bính
đi xe ngựa về Thủy Nguyên
hát những bài hát buồn
khi chưa biết nỗi buồn.”
(*)

Liêu không nhớ làm sao đọc được đoạn thơ đó. Chỉ có cảm giác (ngay lúc gặp những dòng chữ in trên mặt giấy sàn sạn ố vàng trong một tiệm sách cũ, khi chủ tiệm sắp dọn đi trong một con phố nhiều gốc xà cừ lẫn mưa nắng), nó thật buồn. Như gió thổi qua vai người, một người đã rất lâu và mong nhớ, nhưng không biết vì sao, không thể quay lại được. Cứ bước đi, những bước dài thật thà lầm lũi. Một kẻ trộm mà không biết trộm gì, một điều gì đắm đuối và mất mát sắp vuột mất. Hai nhịp điệu so le, chạy theo những rời rạc đơn lẻ, của mông lung riêng mình. Có thể sẽ mãi không khi nào còn vui vầy trong gặp gỡ một lần nào nữa.

Nương bảo: “Như nước mắt người mà không khóc được”.

Nằm nghe gió thổi, Nương và Liêu có chung một sở thích - có lẽ là duy nhất cho tới mãi sau này - nằm nghe gió thổi, ở bất cứ đâu khi lang thang cùng nhau. Có bữa ra sông Hồng đốt lửa, trời chiều đỏ lựng, điếu thuốc cứ cạn dần, Nương khe khẽ: “Vì gió thổi to quá”. Những sợi tóc của Nương chạy tràn trên mặt Liêu, mùi ngầy ngậy quyện với gió sông làm Liêu thiu thiu ngủ, giá mà nằm mãi thế này.

Mây chầm chậm, những hạt nước đầu tiên đậu trên mặt Nương, Liêu cứ để như thế. Một tiếng chim lạc vỡ cắm mặt sông. Nương mấp máy hôn Liêu. Cỏ màu xanh. Mưa mịn. Hơi thở Nương màu xanh. Liêu nhớ cảnh cuối trong phim “Cô lái đò” của Kim Ki Duk, những đám cỏ cuối mùa nửa xanh nửa vàng, chân trời đùng đục, gió lung lay mặt hồ. Yên lặng, chỉ còn tiếng rẽ nước người đàn ông đang bơi vào nơi chốn của cuộc đời mình. Liêu cũng như thế chăng! Cái cổ tay tròn trắng của Nương chập chờn ngòn ngọt. Bữa ấy mưa ở sông Hồng.

Những ngày hai đứa nằm tha thẩn dưới tán cây khi mùa thu lên đồi.

- Liêu có biết điều gì đẹp nhất ở những cái cây không?

- Sự im lặng đấy. (Con người chẳng bao giờ có được vẻ đẹp ấy. Họ ồn ào, phung phí thời gian, và khổ đau nhiều quá.)

Trong những ngày sau. Khi Nương không còn nữa. Liêu bị lạc. Không phải nhớ, chỉ điều gì tiêng tiếc, một cơn mưa đi qua mà Liêu chưa kịp lành lạnh ướt. Nương đã để lại những thứ như thế. Đôi lúc người ta thấy mình xơ xác mà chẳng bởi điều gì.

3.
Buổi chiều, trời oi. Liêu đi cắt tóc. Tiệm có biển hiệu đề “T.L đệ nhất…”, phải chờ gần một tiếng mới đến lượt mình. Gã thợ trẻ đảo tay quay kéo liên tục, những nhát lách tách trên đầu. Liêu chỉ cười, một thói quen nghề nghiệp, có khi để luyện những chiêu làm hàng điệu nghệ thế này mất thời gian hơn cả học lấy nghề chính. Nhưng để làm gì (ít ra là với Liêu). Liêu không còn thói quen để tóc ngang vai, mỗi khi trời nắng vục nước lên đầu chạy xe loăng quăng ngang phố nghe nắng thủy tinh. Có vẻ tất cả đã lùi lại, một vạt màu quá vãng mà Liêu đã cố tình bỏ quên.

Giờ Liêu nghe tất cả, có vẻ chấp nhận vài thứ mà trước kia chỉ lác đác thấy là Liêu đã nổi cáu. Cất những điều hơi điên điên vào đâu đó (mà ngay bản thân không biết liệu có còn quãng nào trong đời sống để đánh thức nó dậy không?). Có chăng là một thứ bình bình như bao người, không phải dễ sống hơn - nó là cảm giác tầm thường và buồn cười, nó làm Liêu đôi khi chán cả mình, bần thần, bạc nhạc. Nếu giờ ngồi ở một hội nghị hay phiên tổng kết hoạt động xã phường, để chọn lấy một gương mặt, gương mặt không giống ai, một thứ gì đó chung chung vô hại, không là ai cả mà lại là tất cả, Liêu nghĩ mình sẽ được chọn.



- Bơ vơ, bơ vơ đồng nghĩa với lạc lõng, thất bại, không có tiền thì chẳng làm được gì cả.

Nương nói những điều đó với Liêu, những thứ mà Liêu từng nghĩ Nương phải khác! Một tạo vật tách biệt, lạ lẫm, mong manh, chẳng khi nào có thể thốt ra những thứ đó. Nhưng giờ Nương đứng trước mặt Liêu, những tiếng nói khô lại, lả tả, rơi vỡ, như vôi vữa ở mảng tường bong tróc ngày nào Liêu cũng ngồi dựa lưng uống trà nhìn phố đong đưa vào buổi sáng. Tiền, Liêu cũng cần tiền. Nhưng cái cần của Liêu là chưa đủ, ít ra là với đồng nghiệp, bè bạn, những gương mặt xung quanh. Liêu có lương đều đặn lĩnh vào ngày làm việc cuối cùng mỗi tháng, ăn hai bữa chính, bữa sáng xôi, bánh mì sữa hay cái gì đó vào quãng 7g30p, tiền xăng xe điện thoại, thi thoảng bỏ ra một khoản cho sách vở hay những thú vui mà giờ Liêu vẫn còn giữ. Thế là đủ, Liêu cần có thế vào lúc này, khi chưa vợ con, cha mẹ chưa quá già yếu, chưa phải tất bật với điều gì.

- “Nhưng em định làm gì?”. Liêu lơ đãng hỏi.

- Em không biết, lúc này thì không biết. Nhưng không thể ở lại với anh nữa. Gần anh, em không còn biết ước mơ. Em trẻ quá, mà không ước mơ thì khác gì chết.

Ừ, ước mơ, đã bao lâu rồi Liêu quên mất mình đã từng mơ ước gì! Hay ước mơ là thứ khác những điều Liêu nghĩ. Một gì đó hiển hiện, cho con người ta mục đích rõ ràng để hướng tới. Một mảnh đất, một cái nhà, một căn hộ chung cư mua trả góp ở một thành phố ngó lên không thấy màu xanh và trời một mùi nồng đậm khói bụi, một chiếc xe vài chấm hàng hiệu phiên bản mới chào hàng. Hay một chỗ đứng ở đâu đó những công sở bề thế luôn phát ra vẻ lành lạnh mà Liêu vẫn đi qua. Nếu vậy, Liêu thấy ai cũng có mơ ước thật - trần tục, hồ hởi, như đích đến rõ ràng trong các cuộc thi chạy cự ly ngắn vẫn xem (mà gần đây nhất có người đạt mốc 9s77 cho 100 mét chạy của mình), cái 9s77 ấy là gì nhỉ? Có phải điều Liêu cần không?

“Khi những người tưởng chừng không thể tách rời, cũng đến đoạn phải nói vào nhau những lời chua chát thế”(**). Liêu nhớ, đó là một câu thơ của Vũ. Không có gió thổi qua vai vào hôm ấy.

4.
(Làm sao có đủ sức lực cùng thời gian, chạy đuổi để biết hết sắc màu trong những đam mê của kẻ khác.)

Liêu thấy ai cũng mang trong mình một nơm nớp sợ hãi, điều gì đó, cái gì đó, một hình thù, hay có thể chỉ là khái niệm nhỏ nhặt mông lung, qua kinh nghiệm một lớp người mà đôi khi hình hài họ ra sao giờ Liêu cũng không mường tượng được.

Như cha mẹ Liêu, những người sống cả thời trai trẻ trên quê hương cằn cỗi, lảng vảng mùi đạn bom, hầm hố, kênh đào. Cằn cỗi tình yêu, cằn cỗi giấc mơ, cả niềm sợ hãi cũng nhang nhác đến cằn cỗi.

Thấp thỏm sợ muộn giờ làm khi còn trẻ là điều vẫn ám ảnh trong cuộc đời cha mẹ Liêu, ngay trong những giấc mơ tới bây giờ. Bà kể trước khi tiếng kẻng được đánh bằng thanh sắt nhẵn bóng vào vỏ bom, một biểu tượng im lặng không biết nói năng nhưng mang nặng dấu tích thời đại, treo trước cổng ty giáo dục, vang lên 10 phút, ông - cha của Liêu, luôn xuất hiện với tiếng bước chân đều đặn bất kể nắng mưa.

- Cả cuộc đời công tác của tao, 25 năm, chưa khi nào muộn giờ, bất kể lên lớp hay khi làm việc ở ty giáo dục. Ông hùng hồn tuyên bố.

Liêu không biết việc ông cố gắng với điều mình nghĩ có một ý nghĩa nào không? Anh trai Liêu, một bản sao kiên định, quyết tâm, và hoàn hảo của cha. Cũng trong 25 năm thực hiện nghĩa vụ quân nhân, chưa khi nào đi làm muộn, dù chỉ một phút. Lần duy nhất trước giờ làm Liêu nhờ anh đưa đến trường, có cảm giác Liêu ngồi sau một vùng âm u tròn tối đang âm thầm với nỗi niềm biết đâu khoảnh khắc đó sẽ làm cái khát khao bền bỉ đang duy trì đều đặn của anh trai mình sứt mẻ - không đi làm muộn một buổi nào trong đời.

Cha mẹ muốn Liêu lắng nghe, nhận ra và chấp hành những quy tắc nào đó. Một bản sao nữa của cha, đẽo gọt, không tì vết, và thi thoảng được ngợi khen về khả năng tuân thủ của mình, trước hết là về giờ giấc.

Liêu thích sự à ơi, ai cũng có quyết tâm, nỗi niềm hối hả, một vài mục tiêu có thể cao cả hay nhỏ bé, thậm chí tầm thường để hướng tới. Liêu thì làm để mình ở giữa, đi giữa những lằn ranh, không vượt ra quá xa, cũng không chìm sâu vào đâu cả.

- Có nghĩa Liêu không xác định gì? Không thể rõ ràng điều gì? Trong cả tình yêu với em?

Nương đã đôi lần dữ dội như thế khi hai đứa bỗng dưng bị vướng vào câu chuyện về một tương lai. Tương lai (có thể là từ ngữ để biểu lộ rõ hơn ước mong của con người). Ai cũng chứa đựng một vài điều, quẩn quanh và đau đáu với nó. Có thể những khuôn mẫu và quy tắc ai đó đang gắng dựng xây và muốn hiểu - đó là nền móng cho một vài tương lai. Nhưng cũng có thể sau tất cả chỉ là những thứ viển vông, chẳng biểu đạt một ý nghĩa gì, nhạt thếch, vô vị.

Nhưng rốt cuộc tương lai là gì? Một vùng tưởng tượng dành riêng cho con người? Liêu tránh không nghĩ đến nó. Bởi có thể ngay đến hiện tại giờ đây Liêu còn thấy mơ hồ, thì tương lai nói đến để làm gì.

- “Trong tình yêu anh cũng phải tranh đấu, giành giật, và quyết tâm nữa, để có em. Để xây dựng cuộc sống cho chúng mình. Nhưng anh không làm gì cả, không gì cả, em không biết mình có một giá trị nào dù nhỏ nhoi trong anh không?” Những lời nói của Nương vẫn văng vẳng đâu đó.

Có thật Liêu là kẻ lưỡng lự với cuộc đời mình? Nhưng tình yêu mà cũng cần mục tiêu và đích đến sao? Chẳng phải yêu thương được nhau đã là hạnh ngộ của hai cuộc đời. Liêu nghĩ con người khi thử soi sáng tình yêu bằng lý trí, bằng thứ lạnh lùng của ý thức bản thân, có lẽ họ đã tước mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Một người (đang) thảnh thơi vui sống nhưng đến tháng ngày phải mang vác quá nhiều những gồng gánh không tên cho vài thứ trách nhiệm, vài thứ nghĩa vụ. Họ biết làm gì ngoài việc gục ngã, và sau đó là đớn đau của mất mát được đặt tên.

Đó là lần cuối Liêu ngồi bên Nương, trời chiều, tiếng giục giã khàn đục của còi tầu, đại lộ loang lổ nắng. Có gì đó như cả hai vừa làm rơi mất!

5.
23 Tết, mưa nặng hạt, dự báo thời tiết các quận nội thành là 6 độ C. 6 độ C, Liêu thấy nó quá sức chịu đựng của mình, không còn gì có thể chống lại cái lạnh này. Xưa, những ngày chưa lâu lắm, Liêu có thể trốn vào đâu đó trong cuộc đời này, âm thầm, thích thú, không sợ hãi, như trò chơi trốn tìm mà biết rằng mình đi tìm ai đó và ai đó cũng bước từng bước thơ trẻ thơm tho đều đặn tìm mình; một hơi thuốc khề khà đợi gió mùa đông bắc, những góc quán hiu hiu mùa đông hít hà cái hơi thở âm ấm nhìn Nương co ro thu người nhấp từng ngụm rượu, bên ngoài mưa, mưa lâu lắm, mà hai đứa chẳng thiết làm gì, những con mắt đen tròn rơi vào đáy chén, thế là say, dìu nhau về gác trọ. Nương sẽ hỏi sao Liêu nghe những bài hát buồn, hát những bài hát buồn, cuộc đời hai đứa rồi có buồn không? Làm sao Liêu trả lời được những điều mình chưa biết, lúc đó Liêu đang yêu! Yêu thì chẳng rõ ràng được điều gì. Liêu chỉ mang máng cái điều rạn vỡ sẽ đến, như biết về cơn bão sắp đi qua khi thấy mình ở quá lâu trong (những thứ) bình yên. Có thể một đoạn lầm tưởng hạnh phúc nào đó đang trôi (mà mình sắm vai ở đó) chỉ là bước chuyển, một dự cảm cho những vùng mất mát sắp ùa về. Tất cả chỉ có thế, nếu nó đến, có níu giữ cũng để làm gì.

Giờ Liêu còn lại gì? Liêu trốn vào đâu?

Buổi trưa mịt mùng Liêu ở ngoài đường. Cái lạnh cắt xẻ, đóng băng, không ai nhìn ai, lầm lũi ủ dột thành dòng, co cụm. Có chăng, những sầu não đang hiện diện trước mặt, ồ ạt, không cơn cớ, và Liêu chẳng còn đủ sức để hiểu điều gì đang diễn ra. Thế mới thấy, con người có vỗ ngực phô diễn đến mấy cũng chẳng là gì trước trời đất, thịnh nộ của trời đất, tháng ngày bốc đồng của trời đất. Liêu co người trên xe máy, có thể máu Liêu đã ngừng chảy, đông lại một dòng lệt sệt màu mận tươi đỏ tím mẹ hay mua rồi rửa sạch bày trong rổ vào mỗi mùa hè. Liêu nghĩ nếu ngã xuống lúc này, giữa đường, giữa cơn mưa dai dẳng chẳng cách nào ngừng nổi, Liêu sẽ lộp độp vụn thành từng mảng, rồi từng mảng lại vụn thành vô kể hạt li ti trắng muốt, vương vãi, tan đi trước khi một ai đủ sức nhặt nhạnh gom góp lại. Liêu không hiểu sao mình không chết vào lúc đó.

Hai bên đường là bùn đất, một barie ở gác chắn chờ tầu - gầy guộc - chỏng chơ, vung lên như cái vẫy tay tiếc nuối đầy níu giữ những điều không thể đến, một nét phác thô vụng mảnh khảnh hay niềm trơ trọi sửa soạn để gục ngã. Cái ngày Nương lìa bỏ thế giới không biết có thế này, một dòng sông, một bờ đất, hay quãng nào lúp xúp những chùm hoa dại nở nốt để tàn mùa.

Liêu dừng lại ở một ngã tư chưa đặt tên (mà nếu có thì một ngã tư mang tên có ý nghĩa gì khác với một ngã tư không tên?), sỏi đá, những đoạn cống đúc bằng bê tông vương vãi, những bờ đất mới đào giờ đang hòa thành dòng đục vàng nhờ nhờ tràn xuống mặt đường đen xạm, một người thanh niên bê bết đang cố giãi bày với viên cảnh sát về đống máy móc hoen rỉ chằng buộc đằng sau, anh ta đang làm gì ở đây? Người cảnh sát đang làm gì ở đây? Và Liêu, Liêu làm gì ở đây?

6.
Buổi sáng, Liêu biết mình đang sống những tháng ngày của thực tại, không phải một tương lai không có Nương, hay những quá khứ thi thoảng về lại trong một trí nhớ lãng đãng phai màu. Nhưng sáng nay Liêu buồn, buồn thật! Có chắc là những chuyện không đâu? Hay có lẽ do Liêu già, Liêu có thêm một chút tuổi tác, để Liêu có vẻ lớn lên, nên nó thế? Xưa, là con trẻ, Liêu chẳng bị thế bao giờ. Cái ngày xưa của Liêu, cái ngày chưa hề có sự hiện diện của Nương, hay những thứ đau đầu buồn nản xô đến như sáng nay, Liêu ở trong căn nhà bé nhỏ của mẹ, thi thoảng nắng mưa, Liêu ngó ra khu vườn ở cuối ngõ và đợi, những cơn bão cùng đám mây đen thường lầm lũi bò trườn lên từ đó, lấp các nóc nhà, lấp những hàng rào và dây điện, lấp những khoảng trời nho nhỏ màu xanh, lấp những cánh chim nâu mỏi cùng tiếng hót như cửa sổ đóng sập một ngày. Liêu chỉ ngồi và đợi, bởi mông lung chẳng biết sẽ có gì đang đến, những thứ xung quanh có thật buồn không, hay chỉ là những man mác thơ ấu mộng mơ. Có thể Liêu đã từng có cả một kho báu, kho báu đó chưa hề tồn tại nỗi buồn - những nỗi buồn thực sự, và biết đâu việc lớn lên, theo một nghĩa nào đó là minh chứng cho đánh mất, những hao cạn dần của kho báu, thế chỗ vào đó là cằn cỗi, khoảng trống, và mỗi lần lấp đầy nó bằng một thứ vô nghĩa, con người sẽ lại nhận ra chẳng có tương lai nào cho sự đánh mất.

Buổi sáng, tháng 6, lốm đốm mưa. Liêu chạy xe trên đường, không biết trước khi người nhạc sĩ viết “Những con mắt trần gian”, cái thời điểm đó, ông nghĩ gì? Hay dõi suy con mắt mình vào đâu?  

----------
(*) Thơ Ý Nhi.
(**) “Khi người mình yêu/ Nói vào mặt mình những lời ti tiện”, hai câu thơ của Lưu Quang Vũ.   



Đâu đó sương mù    

1.
Thụy sẽ viết gì tiếp. Thụy thấy một vết nứt. Một trống trải loang dần như cánh cửa mà đằng sau là hun hút bóng tối. Thụy mở nó ra nhìn trân trân mà không bước vào, không dám bước vào thì đúng hơn. Thụy nhớ mình đã gặp cảm giác này vài lần. Mập mờ. Chập chờn. Thụy dập dềnh trôi mà không dò ra phương lối. Có điều gì đứt gãy Thụy sờ nắn được trong mình, không phải nỗi niềm thể xác, Thụy biết nó, nhưng để mường tượng rõ ràng thì Thụy chịu. Tựa cái quãng khi bất thần chẳng làm gì mà trời chiều sa xuống một hoàng hôn, Thụy sẽ thấy chung quanh là những đong đợi vô nghĩa, tất cả bải hoải vữa ra, nhòe nhoẹt, xô dạt. Niềm tin. Tình yêu (nếu đó là điều mong mỏi có thật). Sự hoài vọng, trông mong một nỗi niềm ánh lên nhỏ nhoi nào đó luyễnh loãng trôi đi. Thụy thấy một sinh vật đơn côi tựa á thần tắm dưới vàng vọt hoàng hôn và biết hồi chuông rung lên để dõi theo cánh cửa thiên đàng đang khép dần, để lại một xác thân đã bỏ quên đôi cánh cũ kỹ già nua đâu đó trong trần gian lác đác này bằng thời gian sống của một kiếp người.

Thụy thường dứt ra những suy nghĩ ấy khi cắm cúi lang thang trên đường. Một cuộc rượt đuổi tít tắp bất tận bằng gió bụi. Xa xa mờ xanh một sương mù. Mặt trời lụi tắt. Thụy râm ran tìm thấy tiếng nói trong mình tha thiết chạy vụt vào bóng đêm. Bóng đêm chầm chậm mở. Thụy nghĩ nó thuộc về mình.



Sa thì thầm bảo con người là loài vật xấu xí. Xấu xí nhất trong những giống loài Sa gặp. Thụy nghe điều ấy khi những ngón tay thơm mịn của Sa rẽ trong màn nước, khi Thụy chúi đầu vào ngực Sa trong tiếng cười. Vỡ ra. Bay lên. Bên ngoài ngập nắng.

2.
Cải tạo thế giới. Phải dùng nó để cải tạo thế giới”.

Câu nói bỗng lặp đi lặp lại trong đầu Thụy, thi thoảng trong bữa cơm, những cuộc gặp bạn bè, hay bất giác ngó vào màn hình tivi. Thụy thử thống kê xem bao nhiêu người đã nói câu ấy, trong diễn văn, các cuộc mít tinh trước đông đảo một biển người; nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, trước thời điểm Thụy đang đứng bây giờ, ngay trong lúc Thụy đang đứng bây giờ, và sau này khi Thụy không còn ở đây nữa. Thụy thấy rối rắm. Rộng lớn. Lờ mờ khó hiểu. Cũng có thể thế giới của họ rộng lớn nhưng giản đơn, có thể thay đổi hay cải tạo theo ý mình thế nào tùy thích như xới đất một khu vườn, bỏ cái hàng rào cũ đã mục và thay bằng hàng rào mới, trồng lại vài cái cây trước nhà vào mùa Xuân.

Đó là thế giới riêng ở đâu đó, không phải của Thụy. Thụy thích mọi thứ như thế này, chẳng cần cải tạo gì cả.

Có những điều phải nhận ra bằng thời gian, chỉ thời gian thôi. Không thể bằng thứ gì khác. Thụy ngồi giữa một sương mù, một nơi nào đó vào tháng 3, thời gian cũng lãng đãng. Bao nhiêu mây tan ra lấm tấm thả xuống những bọt nước. Thụy nghe văng vẳng từ góc quán The thrill is gone, tưởng tượng bên trong những cửa sổ mờ mờ bụi người đàn ông da màu chầm chậm chầm chậm so lại dây đàn, tiếng người cựa quậy khi ông ta ngồi xuống chiếc sofa ấm nóng màu vàng sữa. Chiều sạm dần. Bức tường loang lổ nắng. Những âm thanh đang chờ đợi nín bặt, pha lẫn là khoảng trống, một chững lại mù mờ mà Thụy không diễn tả được bằng lời. Khoảng không ở đó mọi hình ảnh, chuyển động, thanh âm, hương vị, sắc màu bị ngưng đọng. Những mảng miếng chỉ trôi, trôi và trôi. Thụy quan sát tất cả, lãng đãng đi qua những thứ đó. Chờ đợi.

Bập bùng, nhạc dội lên, tiếng ca bèn bẹt kéo giãn cái hộp màu đang chững lại đó, chúng méo mó xô lại chạm đập vào nhau, tất cả bùng nhùng những mảnh vỡ xanh úa, thời gian. Tiếng ca là là bay lên, BB King thả những giai điệu lấp ló chậm rãi, mơ tưởng, lạc lõng, Thụy thấy mình bước những bước đầu tiên vào cuộc tình với Sa.

3.
Thụy chưa khi nào nhìn thấy hoa gạo ngoài đời. Thụy nghĩ tới con đường dài thật dài tít tắp, mình thì ở giữa không sao phân biệt đâu là đi hay đến, vây quanh bởi sương mù, những lớp sương dày đặc cô lại bất động không bay đi đâu, cũng không biết trôi từ đâu đến. Thụy có lần đã bảo muốn ôm Sa và ngủ trong màu trời xốp ẩm, lướt thướt ấy. Sa chỉ quay đi, rướn người vào đâu đó, một mối bận tâm khác đang tìm đến Sa. Hay với Thụy, Sa là một đâu đó sương mù.

...

“Xa xưa. Thời người ta còn qua lại giang hồ bằng chân trần và ngựa, nếu hai kiếm thủ chạm mặt mà đọ tài được mất, mỗi đường kiếm sẽ rạch vào cái màn lấm tấm mờ mịt nước một nét vẽ. Sâu. Sắc lạnh. Lởm chởm. Khi trận chiến kết thúc, một kẻ vô danh lủi thủi bỏ đi, một kẻ vô danh chống mảnh sắt còn lại nhìn máu mình vương những giọt chấm tròn gai vỡ trên cái phông nền trắng mờ mà bần thần yên lặng, (chắc hẳn không phải là một - yên lặng thở dài!) kiếm thủ ấy buông mình lại để thấy giây phút một sắc hoa hiện diện. Một bông gạo nhỏ. Thắm dần. Rơi lại. Lần cuối giữa không trung.”

Một đoạn trong bản thảo đang loay hoay của Thụy. Sa ít khi đọc những ý tưởng khởi phát, nàng thích cái gì đó chỉn chu, gọt giũa, có vẻ gì đó đạo mạo, góc cạnh và thơm mùi mực in. Một cuốn sách đã được biên tập chỉnh sửa, vẽ bìa, bày bán trên giá các tiệm sách Thụy hay nhìn ngó qua lớp kính dày trước cửa; mà mỗi khi cố gắng bước qua đều lập cập phần vì một điều gì mơ hồ đang đến, phần như ai đó dò xét mình. Thụy không thể tự nhiên khi giáp mặt, khi thứ đối diện lòe xòe dáng vẻ an toàn và đạo đức.

Thụy không biết việc chỉnh sửa bóp nặn các ý tưởng với ai đó có hay ho không, có cho họ niềm hứng khởi về trách nhiệm một công việc hay đơn giản cắt đi một mẩu đất nặn màu này, dính vào đó một mẩu đất nặn màu khác, có thể với ai đó một vật biểu hiện bởi nhiều lòe loẹt sẽ thu hút độc giả hơn. Những người đọc mà thường mỗi con mắt sẽ tưởng tượng câu chuyện được viết ra theo lối gần gũi với đời sống của họ, mất mát của họ, thi thoảng là vài vụn vặt họ bắt gặp sự trùng lặp rải rác đây đó.

Sa có cách nhìn mọi thứ trực diện, thực tế (có nghĩa nó có cần cho mình ở thời điểm này và vài thời điểm tiếp sau không), và nhiều khi quá giống bề ngoài của sự việc. Việc đến với Thụy là ngẫu hứng khập khiễng. Nhưng có phải mọi con người đến với nhau trong đời sống này đều khập khiễng, đều bởi một thứ gì đó bồng bột, một sai lầm hay nhỏ nhắn tội lỗi. Và vì thế họ cần nhau. Sa hát, không mượt mà theo lẽ thường - những chất giọng thịnh hành Thụy vẫn nghe lác đác ngóc ngách buồn tẻ nào đó. Thụy mê Sa cũng bởi âm thanh ấy. Xương xước, dịu nhẹ, hun hút một màu tối. Thụy không nghĩ Sa là người không thể mộng mơ, hay “vì mơ mộng nhiều”, mà đi quá xa. Sa sợ, Sa nhìn cái biên giới mong manh đứt lìa sẽ đến bất cứ lúc nào. Sa cứ chạy mà không ngoái đầu, bỏ quên tất cả. Cả Thụy, đôi cánh mềm mại, cái chốt chặn lỏng lẻo níu giữ cuối trước khi Sa dứt bỏ những gì đang gọi tên thanh xuân này. Sa thì thầm hát, không cánh chim nào bay lên, không giọt sương nào bay lên. Chỉ có Thụy, Thụy bay lên.

4.
Thụy nhớ lần cuối nói chuyện với Sa, mặt trời lên muộn, đâu đó một đầu dốc quán xá sương mù, những sương mù cằn cỗi.

- Em hết thời gian rồi.

Thụy lơ đãng. Thời gian? Ai cũng có từng ấy thời gian sống, để bơ vơ nhận ra một vài điều, bỏ qua một vài điều. Rồi thấy mình lạc qua bao nhiêu năm tháng.

- Em sẽ quên anh, nhanh thôi. Có nhiều thứ làm mình nhòe nhoẹt. Tan đi. Chẳng để lại gì. Cả bóng hình và kỷ niệm, hôm nay và những hôm qua, sẽ không gì minh chứng để nhớ chúng mình đã bên nhau, trên bàn ngổn ngang cà phê và ly tách. Những nỗi buồn nữa, chúng cũng nhỏ bé khô héo dần và chui vào đâu đó, ngăn nắp lãng quên.

Thụy thấy một làn hương bay lên, từ tay Sa. Thụy ngỡ mình trong sương mù. Thụy nghe mùi đất, mùi vôi vữa từ bức tường mùa hạ bay đầy lá khô, mùi cơn giông chạy trên con đường thân thuộc tan học về nhà. Lãng quên? Ai rồi cũng lãng quên mình, có khi được lãng quên không phải là hạnh phúc (bởi đâu ai biết cầm nắm hạnh phúc là gì!), được lãng quên là may mắn. Sẽ không phải gánh gồng một trách nhiệm nào, ưu tư nào, đôi khi là những so đo tháng ngày cứ trôi mãi, và dần vô nghĩa.

- Thụy sẽ làm gì nếu vắng em.

Sa bần thần hỏi. Những quầng sáng đầu tiên, lá thẫm và đằm mình xanh tối. Thụy sẽ làm gì nhỉ! Sẽ trồng cây, những cây giống cổ thụ, ăn quả, thông, và vài loại hoa trái. Thụy sợ cái khung cảnh khi sương mù năm tới trở lại, chúng sẽ giăng mắc vào đâu.

M.N   
(TCSH389/07-2021)





 

 

Các bài mới
Chùm thơ Tú Anh (20/08/2021)
Các bài đã đăng