Tạp chí Sông Hương - Số 389 (T.07-21)
Biểu đạt giới trong Cánh đồng bất tận và Chúa đất - những tương đồng gặp gỡ
15:18 | 20/08/2021

HOÀNG ĐĂNG KHOA     

Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là truyện ngắn, viết về cuộc sống thì hiện tại tiếp diễn của cư dân vùng sông nước Cà Mau cực Tây Nam Bộ, còn Chúa đất của Đỗ Bích Thúy là tiểu thuyết, sản phẩm hư cấu trên nền cảm hứng về truyền thuyết xưa gắn liền với nhân vật chúa đất Sùng Chúa Đà và sự tích cây cột đá hành quyết ghê rợn nơi cao nguyên Hà Giang cực Đông Bắc Bộ.

Biểu đạt giới trong Cánh đồng bất tận và Chúa đất - những tương đồng gặp gỡ
Ảnh: internet

Thế nhưng, đi sâu khảo sát hai tác phẩm của hai nhà văn nữ thế hệ 7x nổi bật trên văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI nói trên, bước đầu trừu xuất được những điểm tương đồng gặp gỡ thú vị: lối viết nữ, cái nhìn/ quan niệm nghệ thuật về người nữ, cách biểu đạt giới...

Trong Cánh đồng bất tận, nhân vật Út Vũ - người đàn ông bị vợ bỏ, để rồi sau đó rắp tâm trả thù thế giới đàn bà - có thể được coi là nhân vật chính vì liên quan đến tất thảy nhân vật còn lại; và tác phẩm này còn khắc họa sinh động nhân vật “thằng Điền” - con trai của Út Vũ. Còn ở Chúa đất, tên tác phẩm được đặt theo tên nhân vật chính - chúa đất Sùng Chúa Đà, thần chết cai quản Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang, một kẻ hoang dâm vô độ nhưng lại bất lực tính dục; và tác phẩm này dựng khá sinh động nhiều nhân vật đàn ông khác như Lù Mìn Sáng, Thào Chá Vàng, Thào Chá Pó. Ấy nhưng, có một thứ hấp lực bất khả cưỡng đã dẫn dụ ngòi bút của hai tác giả về phía những người đàn bà, để rồi chính những người đàn bà mới là nhân vật trung tâm của tác phẩm, mới là nơi kết tinh thăng hoa bút lực của hai nhà văn. Cả Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy đều đã xây dựng xuất sắc những nhân vật nữ bằng tất cả ấm áp yêu thương, run rẩy trắc ẩn của trái tim đàn bà nơi mình.

Không hẹn mà gặp, truyện ngắn Cánh đồng bất tận và tiểu thuyết Chúa đất đều là những khúc bi ca về thân kiếp đàn bà, những khúc hoan ca về khoái lạc và tinh thần nổi loạn, những khúc tụng ca về nhân vật nữ tận thiện tận mĩ…

1. Khúc bi ca về thân kiếp đàn bà

Đến với truyện ngắn Cánh đồng bất tận, người đọc có cơ hội gặp những người đàn bà mà kiếp họ là kiếp nạn. Họ nổi nênh, cô đơn, nhục tủi, bi đát trong một thế giới đói nghèo, tăm tối với những cánh đồng “trống trơn” giữa “mùa hạn hung hãn”, những con kênh hoặc “khô trơ lòng” hoặc “nước đã sắc lại thẫm một màu vàng u ám”(1)

Đó là người má của hai đứa trẻ Nương và Điền với “tiếng thở thườn thượt, nghe buồn mênh mông, chảy từng giọt như nước mắt”. Chị thở dài những lúc ngồi vá những bộ quần áo cũ, những lúc “tay bối rối nắn vào hai túi áo mỏng xẹp lép”. Trước mỗi chuyến đi mới của chồng - Út Vũ, chị lại hỏi câu hỏi con trẻ: “Đi chuyến này nữa là đủ tiền mua tivi màu, phải hôn anh?”. Chị cùng những người đàn bà lam lũ quê mùa ngày ngày trông ngóng chiếc ghe của người đàn ông bán vải dạo. “Tất cả họ đều trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn, rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối ngậm ngùi, thấy mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hớt bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. Cả đời, cái bồ lúa luôn làm lòng họ đau đáu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gả chồng cho con cái”.

Đó là những người đàn bà trước khi đến với Út Vũ chưa một ngày được làm vợ đúng nghĩa. Bởi những ông chồng “thích uống say”, “thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền”, “có khi cả đời, không nói với phụ nữ một câu yêu thương tử tế”. “Họ không biết vuốt ve, âu yếm, khi cần, lật cạch người phụ nữ ra và thỏa mãn, rồi quay lưng ngủ khò”…

Đó là người đàn bà Bàu Sen bị chồng bỏ để chạy theo nhân tình trẻ. Rát tê trước sự thay lòng, “chị te tái cắp nón đi suốt, tìm ông thầy này bà cốt kia, để thỉnh bùa chú cho ông chồng quay lại”. Kết quả là “…chồng chị bỏ ngay cô nhân tình này và trớ trêu, anh ta chạy theo… cô khác. Ba mùa lúa rồi chị ra đồng một mình. Một mình nuôi con. Một mình nhìn gương, tự ve vuốt và yêu lấy mình”. Và những tưởng số phận đã mang an ủi chị người đàn ông khác, nào ngờ… Chị cứ “…buộc mình tin rằng sự chọn lựa (rất nhanh, mặt tở mở và rạng rỡ, gần như không suy nghĩ gì) của mình là đúng, tình yêu của mình xứng đáng được đánh đổi. Xóm làng, ngôi nhà, vườn tược trôi tuột lại phía sau. Và đứa con gái”. Nhưng than ôi, ngày vui ngắn chẳng tày gang, chị bị người đàn ông (tưởng) của mình bỏ lại, khi vừa đi được một đoạn đường...

Đó là những người đàn bà sau này của Út Vũ - những con thiêu thân khác tự nguyện lao vào anh ta. Với họ, Út Vũ “tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng, và bỏ rơi họ đúng lúc”. “Có người vừa bán xong cái quán nhỏ của mình. Có người vừa nói xong những lời dứt tình với chồng con. Có người vừa phũ phàng chia xong gia sản, có cô gái sắp về nhà chồng, củi to củi nhỏ chất thành giàn ngoài chái... Hết thảy đều cun cút tin và yêu. Cha mang họ đi một quãng đường vừa đủ để người ở lại nhìn rõ chân dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ. Con đường quay về bị bịt kín”. “Nỗi bẽ bàng của những người đàn bà bị cha tôi bỏ rơi (và cộng thêm niềm đau vỡ của những người quây quanh họ) đã thấu qua những tầng mây”...

Đó là người đàn bà can tội “làm đĩ” bị đồng loại trừng trị theo kiểu kinh dị thời trung cổ. “Môi chị sưng vều ra, xanh dờn. Và tay, và chân, và dưới cái áo mà tôi đã đắp cho là một cái áo khác đã bị xé tả tơi phơi những mảng thịt người ta cấu nhéo tím ngắt. Và những chân tóc trên đầu chị cũng đang tụ máu. Người ta đã lòn tay, ngoay chúng để kéo chị lê lết hết một quãng đường xóm, trước khi dừng chân một chút ở nhà máy chà gạo. Họ giằng ném, họ quăng quật chị trên cái nền vương vãi trấu. [...] Họ dùng chân đá vói vào cái thân xác tả tơi kia bằng vẻ hằn học, hả hê. [...] Họ dùng dao phay chặt mái tóc dày kia, dục dặc, hì hục như phạt một nắm cỏ cứng và khô”. Và, kinh hãi thay, “người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị”... Rồi chị đã gặp Út Vũ cùng hai đứa trẻ. Trước sức quyến rũ của người đàn ông tứ tuần, trước tình yêu thương, sự quyến luyến của hai đứa nhỏ thiếu mẹ, chị đã “cun cút tin và yêu”, cun cút hướng thiện. Những tưởng sẽ có riêng bến bờ để neo đậu thuyền em rách nát, nhưng… “Cha đưa chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt, ‘Tôi trả cho hồi hôm’… Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt”. Và tiếp theo là giấc ngủ cùng tiếng thở “sao mà đều, sao mà thơ thới” của người tưởng đã là của mình khi chị làm phép thử mang thân đi “đổi chác” với hai ngài cán bộ ấp xã. Sau cuối, chị tan nát quay đi. “Chân vướng dấp dúi vào cỏ. Con đường nhỏ dầm chan trong màu hoa mua tím”. Tím như nỗi ê chề bẽ bàng của chị - người tưởng chừng bao quản lấm đầu kiếp thân lươn...

Đó là rất nhiều người phụ nữ giống “chị đĩ”. Họ “chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê, cất cái quán nhỏ, giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt, thực chất là làm nghề”. “Cứ mỗi mùa gặt, họ lại dập dìu trên đê, lượn lờ quanh lều của những thợ gặt, những người đàn ông giữ lúa và bọn nuôi vịt chạy đồng. Họ cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão, nhìn kỹ phát ứa nước mắt. Đêm đến, sau các đụn lúa, họ thả tiếng cười chút chít, tiếng thở mơn man… lên trời, làm nhiều người đàn bà đang cắm cúi nấu cơm, cho con bú trong lều thắt lòng lại”...

Đó là những người đàn bà cùng bầy con “nheo nhóc bu quanh nồi khoai luộc trong nhập nhoạng nắng chiều” giữa khi người đàn ông của họ dốc kiệt túi tiền để mua cơn hoan lạc ngắn ngủi nơi những người đàn bà thị thành cùng đường xuống quê “làm nghề”...

Đó là Nương cùng những cô gái mới lớn mà sắc đẹp trời phú cũng chẳng biết để làm gì. “Ở cái xó quê này, có đẹp mai mốt cũng phải lấy chồng, đẻ một bầy con nheo nhóc, cũng ra ruộng ra vườn làm lụng đến hết đời, xẹp lép như xác ve”. “Suốt những tháng năm sống tù đọng trên đồng, tôi có biết ai ngoài những người đàn ông quê mùa cũ kỹ. […] Tôi biết lấy ai trong số đó? Lấy một người cắm mặt xuống đất, mệt nhừ với vườn ruộng để mỗi khi giáp hạt, tôi nghe tiếng cạo cháy của con, tiếng muổng dừa vét gạo dưới đáy thạp mà rát bỏng trong lòng? Hay tôi sẽ chọn một người chăn vịt, mê mỏi với chuyến đi xa, sống cuộc sống hờ hững tạm bợ, thấp thỏm với rủi ro, và đến một lúc nào, tôi ôm con nghe đêm của mùa gặt thật dài với tiếng rúc rích của chồng cùng cô điếm già nua. Tôi lấy ai bây giờ, một người thợ gặt? Một anh chạy đò? [...] Tôi không chắc mình có đủ kiên nhẫn sống cuộc sống nghèo túng, nhàm chán ấy suốt đời, hay nửa chừng bỏ dở”...

Sang với tiểu thuyết Chúa đất, người đọc cũng gặp một thế giới đàn bà là hiện thân của những người khốn khổ. Họ bị cầm tù trong chốn địa ngục trần gian, bị biến thành vật sở hữu, thành nô lệ của những trận cuồng dâm bất tận của tên chúa đất quái đản; và sau cuối là họ bị chết oan uổng thương tâm…

Đó là bà Cả, mười sáu tuổi “như bông hoa đào vừa nở ở đầu cành, bị vặt một phát, ném luôn vào sân nhà chúa đất”(2). Ba mươi năm làm vợ chúa đất nhưng mãi cứ là… trinh nữ, sau trước là thân gác cửa kho bạc cho hắn ta. Mặc dù là nhân vật quyền uy dưới một người trên muôn người nhưng bà lại như “cái váy rách trong xó buồng”, như “cái chum đựng muối bên cạnh bếp lửa” trong dinh thự chúa đất. “Bà như cái vũng nước dưới vực, tít dưới đáy sâu, tối tăm, câm lặng. Một cái vũng nước không ai nhìn thấy, không ai động đến, kể cả gió, kể cả mặt trời”. Đời bà là triền miên những đêm mất ngủ ngồi nhìn qua khe cửa xem đứa gái nào từ buồng chúa đất về buồng mình lúc mờ sáng. Sự ghen tuông, mệt mỏi, sầu muộn dần ăn mòn hồn xác bà. Một ngày, bà đi đến quyết định tự kết liễu đời mình ở một khúc sông.

Đó là Vàng Chở, một thiếu nữ rạo rực, đẫy căng, phóng túng, tự do nhưng xuân thì lại bị giam cầm trong dinh thự - thực ra là nhà tù - của chúa đất, phải chung chạ với người chồng bất lực tính dục, chịu hết nổi bởi những trận vờn đuổi cắn xé của y. Chở cảm thán: “Chết thôi mà, có gì tiếc”. “Làm gì có ai không muốn sống. Nhưng sống mà khổ hơn chết thì sống làm gì?”. Và Chở đã chết thật, chết trên cây cột đá man rợ - đòn trừng phạt của chúa đất dành cho kẻ dám cả gan lăng loàn phản bội y. Thân thể của Chở đẹp đẽ là thế lại phải làm mồi cho bọn quạ đen bẩn thỉu.

Đó là biết bao nhiêu cô gái khác, cứ lần lượt bị “bắt” về làm vợ chúa đất nhưng không được làm đàn bà, chỉ làm gối, làm chăn đệm thơm tho, mềm mượt cho chúa đất gác chân, làm miếng thịt, làm cái bánh thơm ngậy vừa nướng xong cho chúa đất giày vò, ngấu nghiến không bao giờ thỏa mãn. Họ là những hạt giống tốt nhưng bị gieo vào mảnh đất chết nên đều “từ từ thối rữa, mục nát, không thể nảy mầm”.

Đó là Say, là “nhiều vô kể” những đứa ở gán nợ trong nhà chúa đất, ở mãi, “thành gái già, thành bà già”.

Như vậy, phận của tất thảy nhân vật đàn bà trong hai tác phẩm Cánh đồng bất tận Chúa đất đều bạc như vôi, đều đau đớn thay.

2. Khúc tụng ca về nhân vật nữ tận thiện tận mĩ

Nhân vật nữ trong Cánh đồng bất tận Chúa đất đều được khắc họa với tất cả những gì đẹp nhất từ trong ra ngoài - vẻ đẹp mang bản sắc giới, mang thiên tính nữ.

Đó là Nương trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận.

Khi “chị đĩ” bị đám người dốc hết bản năng hoang rợ của mình để “trừng phạt” thì cô bé Nương đã “háo hức thấy mình nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên”, “lồm cồm xô ghe dạt khỏi bờ, sợ hãi và sung sướng”, “cầm sào chống thục mạng ra giữa sông, mắt không rời đám người đang tràn ra mé bờ chực lao xuống, nhảy nhót điên cuồng”, rồi “bò vào trong ghe, lấy áo đắp lên người chị, sao cho che được đôi vú rách bươm và khoảng đùi rướm máu”.

Nương mang trong mình trái tim non run rẩy trắc ẩn yêu thương. Run rẩy trắc ẩn ngay cả với những con vịt vô tội bị chôn sống “đau đớn vì những cái cổ gãy, rối quặt quẹo”. Một ngày trong chuỗi đời du mục, Nương đã nghe câu nói của một người con trai: “Ước làm sao trước lúc má tui chết, bà được tắm một bữa đã đời”. “Câu nói này làm tôi thương anh ta quá chừng”. Hay Nương đã run rẩy trắc ẩn trước câu nói của “chị đĩ”: “Mắc cười quá, tới mấy con cá quỷ này còn chê chị”. “Câu nói nghe tỉnh bơ bâng quơ mà tủi vô phương”. Nương và Điền kể câu-chuyện-của-chúng “để chị không phải ray rứt gì với thân phận làm đĩ”. Khi chị bị Út Vũ cự tuyệt, Nương “hối hận vì đã cứu chị và mang chị đi cùng”. Nương cảm giác mình “nắm tay kéo chị lên khỏi một vũng lầy để đẩy chị vào một vũng khác, cũng sâu”. Nương “chực khóc” khi thấy chị dường như “đang chết” vì không thể ngờ người đàn ông (tưởng đã là) của mình lại có thể “thơ thới” ngủ khi mình cố tình làm phép thử mang thân đi “đổi chác”. Nương “đắng đót thầm trong lòng một cái vẫy tay” khi chị tan nát quay đi. Nương biết đặt mình vào người đàn bà Bàu Sen để cùng chị trải nghiệm nỗi bất an phấp phỏng, “thấy hơi lo khi cha sắp hoàn thành chiếc tủ áo cuối cùng”; run rẩy trắc ẩn khi thấy chị “ủ ê, suốt buổi giằm đũa vào chén cơm nguội ngắt”; “bất giác ứa nước mắt” khi thấy chị gật đầu với tất cả vẻ “tở mở và rạng rỡ, gần như không suy nghĩ gì” trước lời mời đi theo cùng đầy “rắp tâm” của cha. Bằng trải nghiệm bi kịch của chị em mình, Nương run rẩy trắc ẩn trước đứa con nhỏ bị chị bỏ lại: “Cuối cùng, chị đưa nhỏ con về chơi bên ngoại, và trong lòng chị em tôi bùi ngùi tiễn nó đi như đưa tiễn một cuộc đời. Mai nó vẫn sống, nhưng mà sống khác”. Nương run rẩy trắc ẩn trước cái “thảng thốt” của chị khi vừa đi được một đoạn đường bất giác bị cha bỏ lại. Nương “thắt thẻo” “mỗi lần cha nhìn đăm đắm và mỉm cười với một người đàn bà mới”, muốn ngăn “nhưng không cách nào ngăn được”. Nương “đắng đót” khi cảm giác cha quắp lấy người ta, “vùi mặt vào da vào thịt ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt”. Trái tim non của Nương nát vỡ vì “nỗi bẽ bàng của những người đàn bà bị cha bỏ rơi (và cộng thêm niềm đau vỡ của những người quây quanh họ) đã thấu qua những tầng mây”.

Nương thương những người đàn bà, thương luôn cả cha, vì thấu triệt tâm can cha, thấu tận cùng con người thật của cha. “Cha giống như đồ vật bằng gốm vừa qua cơn lửa lớn, vẫn hình dáng ấy nhưng đã rạn nứt, nên chúng tôi chỉ dám đứng từ xa mà nhìn, mủ mỉ nâng niu, nếu không thì vỡ mất”.

Với Điền, Nương không chỉ dốc hết tình cảm của một người chị mà còn như thể dốc thay tình cảm của một người mẹ. Nương đã chăm sóc Điền bằng tất cả thiên tính nữ của mình: “Hay tại tôi ngồi bắt chí cho thằng Điền? Hay tại tôi càng lớn càng giống má? Có bữa, nửa đêm thằng Điền thức giấc, nhìn thấy tôi day lưng lại lui cui vá áo, nó thảng thốt kêu: ‘Má ơi!’”.

Giàu trắc ẩn giàu yêu thương, Nương còn là một cô gái mới lớn rất đỗi xinh đẹp. Đẹp đến nỗi Điền phải thốt lên: “Đẹp làm chi dữ vậy, Hai?”. Đẹp đến nỗi “đám thanh niên lúc nào cũng kiếm cớ lảng vảng” khiến Điền phải khuyến cáo: “Anh kia, lượm con mắt lên, anh nhìn vậy, chị tôi mòn còn gì”. Đẹp đến nỗi lũ thằng Hận trầm trồ “Con nhỏ đẹp quá” trước khi thực hành cái bản năng hoang rợ của mình.

Đó là bà Cả, là Vàng Chở, là Sùng Pà Xính, là Say, là những cô gái có tên và không tên trong tiểu thuyết Chúa đất.

Như một con thiêu thân, một vật hiến tế, bà Cả tự nguyện tự giác dâng tặng vô điều kiện đời mình cho chúa đất. “Người mà bà yêu cho đến chết. Chính là chúa đất”. Bà sẵn sàng đánh đổi tất cả để nhận về mình những khoảnh khắc được gối đầu lên cánh tay của người đàn ông mà bà đã yêu thương suốt ba mươi năm. “Chúa đất là linh hồn của bà, là hơi thở của bà, là máu của bà”. “Chỉ cần được ngồi trong bóng tối yên lặng, ngắm người đàn ông này đang ngủ, mắt nhắm nghiền, sẽ thấy thời gian không trôi đi nữa. Và bà sẽ quên sạch bao nhiêu điều tàn bạo, ác độc mà ông ấy đã gây ra”. Những phút cuối trước khi rời khỏi dinh thự để đi ra bờ sông, bà ấp iu cái gối mà chúa đất đã gối đêm trước. “Bà nhắm mắt lại. Nhắm mắt thì mới ngửi được mùi của người đàn ông mà bà luôn nghĩ đến trong cả lúc ăn cả lúc ngủ. Cái mùi không giống ai, còn nguyên trên gối. Thứ duy nhất bà muốn mang theo ra khỏi đây, chỉ có chiếc gối này thôi. Nhưng bà sẽ không mang theo nó. Cũng không mang theo gì khác. Bà trả hết lại cho chúa đất. Bà tặng cho chúa đất tuổi trẻ của bà, sự xinh đẹp rực rỡ của bà, tình yêu của bà”.

Vàng Chở là “bông anh túc rực rỡ nhất nhì thung lũng Đường Thượng”. Và tất thảy cô gái xuất hiện đậm nhạt trong tác phẩm đều như những bông hoa đào, những bông hoa anh túc, những bông hoa bạch yến “đang tỏa mùi mật ngọt”. Trong số này, không thể không kể đến Sùng Pà Xính. Xính như một “bông tuyết vừa trắng vừa thơm”. “Mười ba mười bốn tuổi bọn trai Mông đã đứng đầy ở cổng mỗi phiên chợ, đợi Xính cùng mẹ đi chợ thì bám theo như đàn ong bám theo bông hoa đầy mật. […] Mẹ không bao giờ cho Xính mặc váy đẹp. Nhưng cho dù Xính có mặc váy cũ, váy rách thì ở đâu Xính cũng như mặt trăng vừa nhô lên khỏi đỉnh núi. Tiếng hát của Xính trong “như tiếng họa mi, như tiếng suối chảy”, “như giọt sương đang rơi từ trên ngọn lá xuống lừng chừng núi”. Xính chăm lam chăm làm. Xính vị tha, giàu đức hy sinh. Biết chúa đất rắp tâm bắt mình về dinh thự, Xính quặn thắt thương người yêu của mình, thương cha mẹ mình nhiều hơn là thương thân. “Cái thân Xính này, cũng là xương là thịt thôi, sống chết Xính chẳng nghĩ nhiều. Nhưng Xính thương Thào Chá Vàng lắm. Càng yêu Vàng thì càng thương nhiều hơn. […] Thân Xính này đâu phải tự dưng mà có. Là do cha mẹ sinh ra, do cha mẹ nuôi lớn, do yêu thương mà thành. […] Xính muốn bố mẹ vui vẻ, hy vọng vào một ngày việc tốt sẽ đến, không phải buồn phiền lo sợ vì sắp mất Xính. […] Nước mắt này, nếu đem đổi được tự do cho Xính, đổi được ngày mai cho Xính ở bên Vàng, ở bên bố mẹ, thì Xính khóc suốt năm này qua năm khác cũng được”.

Như vậy, cả hai tác phẩm Cánh đồng bất tận Chúa đất đều xây dựng những nhân vật nữ như tấm lụa đào, hiếu đễ đủ đường.

3. Khúc hoan ca về khoái lạc và về tinh thần nổi loạn

Thế giới nhân vật cả trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận lẫn trong tiểu thuyết Chúa đất đều là nhân vật tính-dục-bản-nguyên.

Trong Cánh đồng bất tận, đó là người vợ của Út Vũ, là người đàn bà Bàu Sen, là “chị đĩ”… Người vợ của Út Vũ - người đàn bà có “cái cười làm lấp lánh cả khúc sông” - thường “thở dài khi tắm, khi nước trôi dài trên làn da trắng như bông bưởi” trong những ngày dài chồng đi chuyến. Và rồi một ngày, chị đã oằn uốn người dưới tấm lưng của người đàn ông bán vải dạo. “Họ cấu víu. Vật vã. Rên xiết”… Người đàn bà Bàu Sen bị chồng bỏ để đi theo vợ bé, ba năm vắng bóng đàn ông, “một mình nhìn gương, tự ve vuốt và yêu lấy mình”. Giữa mùa-đại-hạn ấy, một buổi chiều, anh thợ mộc Út Vũ như cơn mưa rào bất chợt đến. Chiêm ngưỡng trộm cảnh Út Vũ tắm với nước mỏng tang tràn qua những thớ thịt đỏ au, “chị chợt giật thót người, cài vội chiếc nút áo bung ra vì không chịu nổi đôi vú căng tức”. Chiến dịch giữ chân con mồi bắt mắt được thực hiện. Chị “không để ý gì nữa, chị đang ưng bụng, ngây ngất tràn trề trong mắt”. Rồi những lúc bưng nước ra, những lúc kêu “Nghỉ tay ăn bánh, anh thợ à” là “… tiếng bào trượt trên ván ọt ẹt ngừng lại, buổi trưa im phắc. Và đống dăm bào bị giẫm tạo ra âm thanh lạo xạo lao xao lào xào”… Còn “chị đĩ”, sau chuỗi ngày bướm chán ong chường, vẫn “…cần nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều khủng khiếp, tưởng như chị có thể ngốn ngấu bào mòn tất cả đàn ông trên thế gian này. Lúc đầu là kiếm sống, nhưng lâu dần, sự chung đụng của thể xác làm chị nghiện”. Ngày đầu dừng chân nơi quán trọ Út Vũ, chị đã bị hớp hồn bởi anh ta. “Chị ngó về phía người đàn ông đang vồng lưng trong nắng sớm, chếnh choáng: ‘Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ’…”. Thế là chị tìm mọi cách để sà vào. Và rồi trong cái chòi nhỏ trên bờ, nơi có người đàn ông tuổi tứ tuần ấy, đã phát ra tiếng sột soạt rạo rực khi chị táo tợn tách hai đứa nhỏ cùng chiếc ghe để lên đó. “Chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai. Sự ưng ý, mãn nguyện lấp lánh trên khóe mắt. Khuôn mặt chị tràn ngập ánh sáng. […] Rồi chị giành nấu cơm. Chị xắn tay áo lên hì hụi thổi lửa. […] Trông chị như bà vợ tảo tần”…

Trong Chúa đất, đó là Vàng Chở. Trông Chở “lúc nào cũng như bó đuốc đang cháy”. Hai má rực đỏ. Mắt long lanh “như mắt người vừa uống được nửa bát rượu”. “Chiếc váy trắng tinh, xòe ra như cây nấm. Cái eo lưng bé tí. Cặp vú mẩy căng ních trong mấy lớp áo, rung rinh sau mỗi bước đi”. “Chúa đất Sùng Chúa Đà là người thế nào chứ? To như gấu, khỏe như hổ báo, ác như rắn hổ mang, của cải thì ăn ba bốn đời không hết. Một người như thế mà… chẳng làm đàn ông được, thì dùng làm gì?”… Thế là Chở quặp lấy thằng trai chăn ngựa ngay trong dinh thự của chúa đất, thỏa mãn, thăng hoa.

Không đủ kiên nhẫn sống cuộc sống nghèo túng nhàm chán suốt đời, không cam chịu để cho xác thịt của mình đói khát, đó là tâm thế sống chung của thế giới đàn bà trong Cánh đồng bất tận cũng như trong Chúa đất, làm nên âm-hưởng-nữ-quyền chủ đạo của cả hai tác phẩm.

Cánh đồng bất tận, người vợ Út Vũ không cam chịu tình trạng hai túi áo quanh năm “mỏng xẹp lép”. Những người đàn bà quê mùa khác không cam chịu cảnh những ông chồng “thích uống say, thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền”, cả đời “không biết nói một câu yêu thương, một lời tử tế”, khi cần thì “lật cạch” mình ra thỏa mãn “rồi quay lưng ngủ khò”. Những người đàn bà thành thị không cam chịu cảnh đói rũ, chấp nhận xuống quê “làm nghề”, cái tín điều đói sạch rách thơm hóa vớ vẩn. Người đàn bà Bàu Sen không cam chịu cảnh “thiếu đàn ông”...

Còn ở Chúa đất, sau cuối, bà Cả - cái “váy rách” ấy, cái “hũ muối” ấy, cái “vũng nước” ấy - “muốn nói tiếng người”. Bà nổi loạn, giải thoát cho người, tự giải thoát cho mình. “Thực ra bà chẳng sợ gì hết. Chết cũng được. Chấm dứt ba mươi năm làm thân gác cửa kho bạc, chấm dứt những đêm mất ngủ ngồi nhìn qua khe cửa xem đứa gái nào về buồng lúc mờ sáng, chả tốt sao”. Vàng Chở cũng thế, “không biết sợ, không biết ân hận là gì”. Không yên thân an phận làm bà Tư, Chở dám làm những việc “đến ông trời cũng phải giật mình”. Chỉ vì muốn được làm đàn bà thật sự mà Chở đã liều lĩnh mạng sống, quặp lấy thằng chăn ngựa ngay trong dinh thự của chúa đất. Một ít ấm ấp mà thằng trai đó mang đến cũng đủ để an ủi những ngày làm bà Tư lạnh lẽo đen tối của Chở. Những cô gái khác cũng vậy, sẵn sàng làm tất cả để được tự do, được ở bên cạnh người mình yêu thương, được vui vẻ hạnh phúc theo cách mà mình muốn, cho dù nó chỉ đến trong chớp mắt.

Tất thảy nhân vật nữ trong Cánh đồng bất tận Chúa đất đều không việc gì phải tỏ ra biết thân biết phận. “Chị đĩ” sau khi bị đánh ghen tả tơi bầm dập, được cứu vớt, vẫn bộc lộ nhu cầu chính đáng là được tắm ở nơi “nước không nổi váng phèn”, vẫn “tìm mọi cách để sà vào” người đàn ông tuổi tứ tuần có “khuôn mặt chữ điền ngời ngợi” “đẹp trai dễ sợ” để dừng bước giang hồ, neo đậu thuyền em rách nát mà hướng thiện. Khi ai đó hỏi “Làm nghề gì?”, chị dõng dạc trả lời “Làm đĩ”, như thách thức, như tuyên chiến... Và Vàng Chở cũng vậy, bình thản tỉ mẩn làm cho mình thật đẹp trước khi bị treo lên cột đá hành quyết. “Chở chậm chạp cởi khăn, gỡ tóc, chải thật cẩn thận, vấn thật cẩn thận. Xong cái tóc, còn tỉa lông mày nữa. Cuối cùng mới thay váy áo, xà cạp, và lấy đôi giày thêu hoa cúc ra, cẩn thận xỏ vào chân. Xong xuôi hết, Chở ngồi để đến giờ ra cột đá”. “Vàng Chở nó sống như thế đấy. Còn một ngày trên đời thì nó cũng cố tình làm theo ý của nó”…

Như vậy, những người đàn bà trong hai tác phẩm đều không vô minh tự rán mình bằng vạc lệ, mà biết chủ động cựa quậy bứt phá đổi đời. Nhưng hỡi ôi, nếu như trong Cánh đồng bất tận, bi kịch của những người đàn bà được họ gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi, họ “thoát vũng lầy này lại sa vào vũng lầy khác”, thì trong Chúa đất, sự nổi loạn của những người đàn bà đều bị trả giá bởi cái chết.

4. Những điểm tương đồng gặp gỡ khác

Ngoài những điểm tương đồng thú vị đã điểm, hai tác phẩm Cánh đồng bất tận Chúa đất còn có sự gặp gỡ ở những điểm bất ngờ khác.

Chẳng hạn như, cả hai tác phẩm, thông qua bút pháp nhuốm màu kỳ ảo, đều đặt con người trong tương quan đối sánh với con vật, từ đó phơi lộ cái sự không-bằng-vật của con người, phản ánh và cảnh tỉnh sự băng hoại, đánh mất nhân tính của con người. Trong Cánh đồng bất tận, rõ ràng người thua vịt. Vịt “cười nhạo” người. Vịt “nhạy cảm khủng khiếp”, có thể nghe được “tiếng trái tim người”, trong khi đó con người bất lực trong việc nghe nhau, kề cận nhau nhưng vẫn là những vũ trụ ngút ngàn cô đơn. “Thế giới của vịt mở ra. Không ghen tuông, hờn giận, chắc tại cái đầu vịt nhỏ quá nên chỉ đủ cho yêu thương”. Vịt cứ thảng thốt hỏi nhau câu hỏi thiên nan vấn “Vì sao tụi-người-ta lại ác?” Vịt “chẳng bao giờ cưỡng đoạt và gạt gẫm nhau”. Còn nét mặt con người thì lại “tràn ngập những rắp tâm”, chưa gặp nhau đã “tính chuyện phụ phàng”. Trong sự hoan lạc của những con vịt “đầy ắp thứ gọi là tình yêu”. “Khoảng thời gian trước khi con trống trèo lên con mái rất thật, mềm mại, êm đềm”. Ấy nhưng, “nhạt nhẽo hơn cả quan hệ theo mùa, theo bản năng”, trong con người “không còn một chút cảm xúc nào”, con người chỉ biết “vùi mặt vào da vào thịt ngấu nghiến mà lòng lạnh ngắt”. Tương tự như vậy, trong Chúa đất, hai “nhân vật phụ” là con chó Vàng - bạn thân của bà Cả - và con chim Sùng Cắt - bạn thân của chúa đất - được khắc họa sinh động xuất thần. Khả năng tri âm đồng cảm tận nghĩa tận tình của chúng đối với chủ, đặt trong thế tương quan đối sánh với con người, nhất là với chúa đất, với Ly Chứ Dia… có thể coi là một cách, thế mà tác phẩm giễu nhại cái sự không bằng con vật của con người. Trong dinh thự chúa đất, với bà Cả, “chỉ có duy nhất một con chó già hiểu bà”; ánh mắt của nó “lúc nào cũng đầy yêu thương, tin cậy, trung thành”. Và sau cuối, khi bà Cả “gieo mình xuống hủm nước; nước đen thẫm, lạnh buốt, nuốt chửng lấy bà” thì con chó già đã “ngửa cổ tru lên thảm thiết, nước mắt chảy ra thành dòng trên mặt nó”. “Con chó nằm ra đất, úp cằm lên đôi giày mà bà Cả để lại. Nó sẽ nằm ở đấy, không ai bắt đi đâu được, không mưa gió nào khiến nó bỏ chạy được. Nó nằm, để đợi đến lúc đi cùng với bà Cả”. Còn con chim Sùng Cắt - kẻ trung tín tuyệt đối của chúa đất - trước đó, đã “bay theo bà Cả ra tận bờ sông, lượn mấy vòng như từ biệt rồi mới quay về”. Và sau đó, Sùng Cắt đã không để cho ông chủ của mình phải chết một mình. Điên cuồng trong đám lửa đang cháy ngùn ngụt, những chiếc xà nhà đang lừ lừ rơi xuống, Sùng Cắt tìm mọi cách để cứu chúa đất. Chẳng thể nào khác, Sùng Cắt chết trong đống lửa, không oán thán, không ân hận, cùng với ông chủ.

Hay chẳng hạn như, trái tim nhân hậu bao dung của cả hai tác giả đều không chỉ dành niềm yêu thương vô tận cho những thân phận đàn bà, mà còn đủ chỗ đủ sức ôm chứa cả những bất hạnh đàn ông, dẫu đó có khi là nhân vật phản diện như chủ ý xây dựng của tác phẩm. Bằng cái đầu lạnh và con tim nóng, tác giả Cánh đồng bất tận cũng như tác giả Chúa đất đều đọc vị được cái mặt nạ đa nhân cách, cái nguồn cơn và quá trình tha hóa, cái bản diện thiện của Út Vũ và chúa đất. Khi thực hiện thành công việc bỏ rơi người đàn bà cốt để cho chị ta “nếm thử niềm đau” như mình đang gặm một khối vì bị phản bội, Út Vũ cười, cái cười “…vừa dữ dội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước”. Sau những màn vui gượng kẻo là khi có mấy đồng loại thăm chòi, Út Vũ chỉ còn lại là “xanh xao, lạnh lẽo đến ngơ ngác và cô đơn”. Đằng sau “khuôn mặt chữ điền ngời ngợi” của anh ta là “nỗi đau sâu hoắm”, là “một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân”, là “vết thương cũ mở miệng toang hoác, không da thịt nào có thể lấp đầy”… Cũng vậy, có một dòng mạch chất người âm ỉ chảy bên trong con ác thú chúa đất. Sùng Chúa Đà, xét cho cùng, là một người đàn ông bất hạnh. Bất hạnh của Đà là không có khả năng làm một thằng đàn ông thực thụ. Sự hung ác hoang dâm không mang lại cho Đà hạnh phúc. “Đêm nào có một đứa gái bị gọi lên, rồi lại vừa lê vừa bò về buồng, thì ngày hôm sau chúa đất cũng giống như con mèo bị quẳng ra bãi tuyết. Mắt sâu hoắm, cằm nhô ra, râu mọc như lông nhím”. Ẩn ức tính dục, mặc cảm giới tính, nỗi hận đời bất công, căm đàn bà phản bội… dần biến Đà thành con thú bệnh hoạn tàn độc. Đà với tiếng thở khi thì “sâu hút như gió thổi dưới vực”, khi thì “rất dài, nặng như kéo theo cả một cái cối xay ngô”. “Một người tàn ác lúc thức, nhưng hiền lành như một con mèo lúc ngủ”…

5. Những khác biệt

Tuy nhiên và tất nhiên, Cánh đồng bất tận Chúa đất có nhiều điểm khác biệt đáng kể. Chẳng hạn như quan niệm thẩm mĩ về người nam. Cánh đồng bất tận vẫn trượt theo quán tính thẩm mĩ, vẫn rập theo những cái khuôn đã được mặc định khi miêu tả Út Vũ, rằng đây là tuýp người đàn ông có khả năng hấp dẫn phụ nữ, có năng lực tình dục cao, biểu hiện thấy rõ về hình thức là anh ta sở hữu “khuôn mặt chữ điền ngời ngợi”, “đẹp trai dễ sợ” cùng với những “thớ thịt đỏ au” “vồng lên trong nắng”. Trong khi đó, Chúa đất đã kháng cự lại quán tính, làm lung lay sụp đổ những công thức mặc định nói trên. Bởi cuộc đời vốn muôn hình vạn trạng. Hình thức không phải bao giờ cũng tương thích với nội dung, hiện tượng không phải lúc nào cũng trùng khít với bản chất. Có ai ngờ một người đàn ông với “gương mặt vuông vức đẹp đẽ”, cao lớn cường tráng, vâm váp khỏe mạnh như hổ như gấu là chúa đất lại không có khả năng với “một đứa gái nào”, trong khi đó một đứa trai xấu xí, “nhỏ người, da đen trũi” là Lù Mìn Sáng thì lại thừa khả năng làm cho một đứa gái căng mẩy rạo rực như Vàng Chở lên đến tột đỉnh thăng hoa. “Sáng như cái cối xay, quay một cái là ngô thành bột ngô hết”.

*
Đau đớn thay phận đàn bà. Thân em vừa trắng lại vừa tròn, thân em như tấm lụa đào nhưng phận sao phận bạc như vôi… Những khúc than thân, khúc phản kháng kiểu này tưởng đã là chuyện của ngày xửa ngày xưa, thuở ca dao và văn học trung đại, nhưng có ai ngờ nó vẫn cứ đang vang ngân khắc khoải hôi hổi tính thời sự trong văn học đầu thế kỉ XXI.

Cánh đồng bất tận Chúa đất, thông qua lối viết nữ, cái nhìn nghệ thuật về giới, cách biểu đạt giới, là những tiếng nói văn chương ám gợi về giới, về vấn đề nữ quyền nói riêng và nhân quyền nói chung. Tư tưởng nhân văn hiện sinh xuyên suốt cả hai tác phẩm: Sẽ là bất hạnh thay cho những ai sinh ra, sống ở trên đời mà không sở hữu quyền-được-là-người-bình-thường, được là thằng đàn ông, con đàn bà thực thụ, được tự do, được thỏa mãn những nhu cầu rất người. Hai tác phẩm văn chương mang-gương-mặt-nữ-giới này có thể coi là những khúc bi ca về cái đẹp cái thiện bị dập vùi, tự do bị cướp đoạt, tính dục bị ẩn ức, nhưng đồng thời là khúc hoan ca về sự nổi loạn của cái đẹp, của tính dục, của tự do.

Bằng nhãn quan sinh thái (tự nhiên và tinh thần), phân tâm học, nữ quyền luận, nhân học văn hóa…, truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy đã trình ra những diễn ngôn về con người với tất cả tình yêu thương và niềm tin không tắt vào tính bản thiện của con người. Đọc hai tác phẩm, người đọc thêm cơ hội nhận diện đầy đủ tính hiện đại của văn học Việt Nam, thêm cơ hội tự thanh tẩy để gần người hơn.

H.Đ.K  
(TCSH389/07-2021)

------------------------
1. Từ đây, nguồn của mọi trích dẫn truyện ngắn Cánh đồng bất tận đều từ: Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Từ đây, nguồn của mọi trích dẫn tiểu thuyết Chúa đất đều từ: Đỗ Bích Thúy (2015), Chúa đất, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Tú Anh (20/08/2021)