Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-21)
Khế
16:12 | 08/10/2021

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

1.
Lên mười tuổi, tôi mới biết bà ngoại không phải là họ hàng. Điều này khiến tôi buồn bã tủi thân đến bỏ cả ăn uống học hành dù đang chuẩn bị thi hết cấp tiểu học.

Khế
Minh họa: Ngô Lan Hương

Đó là một buổi trưa, thức giấc lơ mơ giữa hai cơn sốt, tôi nghe bà Hạnh nói chuyện với chị mình trong bếp:

- Không biết cái đứa đẻ hắn ra rồi bỏ lại cho chị, chừ đã trôi dạt tới phương mô? E cũng mươi năm rồi chơ ít chi!

Giọng bà lúc nào cũng to, rổn rảng từng tiếng một, không như bà tôi chỉ rất nhỏ nhẹ, và ít lời.

- Dì nói nhỏ nhỏ một chút, thằng Xép nghe được thì mệt lắm đó! Với lại...

Tôi khuỵu xuống bên ngạch cửa, không biết bởi những gì vừa nghe hay vì cơn sốt còn váng vất.

Tôi khỏi bệnh với những giấc mơ dữ và buồn. Dỗ dành mãi không được, bà tôi đành phải kể, nhưng chưa hết những điều tôi muốn biết. Mẹ tôi trên di ảnh là có thật, nhưng người phụ nữ tươi trẻ dịu dàng đó chưa kịp lấy chồng. Lúc ấy bà tôi là nhân viên hỏa xa ở một ga xép phía nam thành phố. Một đêm tháng chạp không mưa nhưng lạnh buốt xương, căn phòng nhỏ bé của bà đón một (đúng ra là hai) người khách lỡ tàu. Cô ta còn rất trẻ, tay ôm đứa nhỏ chừng vài ba tháng tuổi, tay kéo nón che ngang mặt. Thấy tội nghiệp, bà tôi cho họ ngủ lại trong phòng. Giữa đêm, có tiếng trẻ khóc váng đòi sữa: thằng bé chỉ còn lại một mình. Tin đồn loan khắp từ xóm ga rồi xóm chợ. Ai cũng thương. Vài chị vừa ở cữ cũng trùm khăn đến cho đứa nhỏ bú nhờ. Có khi mấy đứa học trò tan trường về rủ nhau ghé qua đưa nôi ru, và ngồi lại trông nó đến khi bà xong việc ở quầy vé. Nhưng rồi nó cứ ốm đau dặt dẹo... Một năm sau, bà quyết định nghỉ việc, đưa đứa nhỏ lên thành phố, nơi có gian nhà xưa nhiều năm nay chỉ ấm hơi người mỗi kỳ chạp giỗ. Ở đó nó vẫn được mọi người trong họ hàng nhà ngoại thương yêu...

Chỉ người đó là không thương tôi. Tôi ứa nước mắt mỗi khi nghĩ vậy. Bà dạy tôi tập quên buồn giận. Thôi thì coi như chưa đủ duyên. Người ấy chắc cũng có nhiều cái khó... Tôi lớn lên, yêu quý và sùng bái bà như một vị thánh sống. Vị thánh ấy không chỉ nâng đỡ tôi mà còn ban phép mầu cho nhiều người...

Công việc của bà từ khi đưa tôi lên đây là làm đậu khuôn. Khách hàng không nhiều nhưng ổn định. Đó là vài thím lấy hàng sỉ ra bán ở chợ và mấy chị nấu cơm chay làm từ thiện ở bệnh viện. Ngoài hai kỳ giữa và cuối tháng âm lịch, bà tôi nhàn nhã hơn vì số lượng hàng không nhiều. Một buổi sáng rảnh rỗi, bà vừa xách giỏ ra cổng bỗng trở vào. Một đứa nhỏ bán rau hành vừa đi qua đang mời mua. Con bé cúi người đặt cái rổ to xuống thềm nhà, giở cái trẹc đậy phía trên ra. Bàn tay bé nhỏ xinh xắn thoăn thoắt nhón lấy một miếng thơm và mấy trái cà chua, vài ba cây hành lá kèm theo một ít rau răm và ngò rí. Tất cả đều tươi tắn và bắt mắt, thoảng mùi thơm dễ chịu. Nó nhẹ nhàng đặt tất cả vào cái rá nhựa bà tôi đưa sẵn và ngẩng đầu lên. Tôi sững sờ. Tuổi nó chắc cũng nhỏ hơn tôi. Nhưng giữa hai bím tóc thả dài đen nhánh là một khuôn mặt của... người già. Tôi nghĩ thế. Hai con mắt nhỏ cách nhau rất xa, và cái mũi tẹt kéo dài đến gần sát miệng, một cái miệng rộng vẩu nhiều về phía trước. Từ đó, thoát ra một giọng nói khàn đặc và như sắp hết hơi. May mà tôi kịp đưa tay lên bụm miệng và quay mặt đi.

Có lẽ được bà tôi dặn trước, nên cứ vài hôm con bé lại nách rổ rau ghé vào bán. Một lần sau khi chuyện trò với nó dăm ba câu, đến trưa đang ăn cơm bà tôi bỗng buột miệng:

- Thiệt là tội!

Thấy tôi tròn mắt muốn hỏi, bà thở dài:

- Cái con bé Khế. Ôi chao!...

Rồi bà tôi im lặng, có vẻ như đang nhìn thấy một ai, một cái gì đó ở một nơi rất xa. Nên tôi không dám hỏi thêm.

Ít hôm sau con bé đến nhưng không bán rau. Người phụ nữ đi cạnh nó chợt dừng lại ở thềm, đưa mắt nhìn vào vẻ ngần ngại. Cái nón cũ úp trước ngực khẽ động đậy theo nhịp đưa của hai tay, lấy hơi mát cho khuôn mặt xương xương và mái tóc xơ rối.

- Hai mẹ con vào nhà kẻo nắng! - Bà tôi hiện ra giữa khung cửa, tươi cười và thân thiện.

Tôi lảng ra trước bể cạn, nhìn qua ngõ chè tàu phủ vàng những dây tơ hồng. Lũ chim sẻ lích rích nhặt những vụn bánh tráng trên sân gạch chỗ tôi ngồi lúc nãy. Tiếng vui ríu rít nhưng tôi lại thấy khó chịu. Tôi không muốn ai chung chia niềm yêu thương từ bà.

2.
Hai mẹ con họ đến ở hẳn với chúng tôi, chỗ căn buồng nhỏ lâu nay vẫn bỏ không cạnh chái bếp nhìn ra vườn. Khu vườn rộng chỉ lổ đổ bóng nắng lúc giữa trưa. Sau khi quét sạch lá khô trên các lối đi trong vườn, un lại thành đống để đun nước dưới cái om kiềng bằng sắt, con bé Khế rất thích ngồi dưới gốc cây vả chi chít trái. Nó cũng rất thích bẻ ngọn lá vả đội đầu che nắng. Hôm bà bảo nó hái vả vào nấu với xương heo, nó cứ trầm trồ mãi:

- Ôi chao, vỏ ngoài thô nhám rứa mà trong ruột lại mịn như nhung. Đẹp thiệt bà ơi!

Bà tôi nhìn nó, ánh mắt vui nhưng lại quay sang phía khác thở dài.

Dì Thà phụ việc với bà tôi, chỉ để làm thêm một số khuôn đậu cho con bé Khế nách đi bán kèm với rổ rau của nó. Thời gian còn lại, dì quét nhà, lau chùi mấy bộ bàn ghế gỗ chạm và những cánh cửa bàn khoa. Điều bà ngoại nói nhỏ vào tai tôi giải thích về khuôn mặt Khế khiến tôi rùng mình. Nhưng tôi đã thôi khó chịu, và dần dà chấp nhận cho nó được gọi bà tôi là bà ngoại. Có khi tôi còn chia cho nó vài ba cuốn vở hay cây bút để nó tiếp tục đi học lớp chiều và tối ở một Trung tâm Giáo dục thường xuyên, theo sự thu xếp của bà. Khế là đứa bé gái dịu dàng, chịu thương chịu khó, lại thật thà và lành tính. Điều đó làm tôi, và tôi chắc là người trong xóm, lâu dần không còn thấy ngạc nhiên và khó chịu về khuôn mặt và giọng nói của nó nữa. Rồi tôi thi đỗ đại học. Vào ở với bà Hạnh để theo học một ngôi trường danh giá ở Sài Gòn là tôi đã đem đến cho bà ngoại niềm hãnh diện lớn lao. Nhà bà Hạnh khá giả, nhưng tôi cũng làm thêm ngoài giờ học để có tiền mua sách vở tài liệu và đóng học phí. Tôi thích thế. Bà tôi biết vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn gửi tiền vào cho tôi và một ít quà cho bà Hạnh. Mỗi năm hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và nghỉ hè, tôi lại ra thăm nhà. Nơi ấy bà tôi bớt hiu quạnh vì có mẹ con dì Thà; nhưng cũng chỉ đến năm tôi chuẩn bị ra trường. Tết đó tôi về thì chỉ còn mình bà. Dù vui vì có tôi về ăn Tết, nhưng trông như bà già đi nhiều hơn. Và cũng buồn hơn: dì Thà đã mất sau khi Khế lấy chồng chỉ mấy tuần...

Ra trường, tôi may mắn có việc làm trong này. Rồi công việc cuốn hút, tôi ít về thăm nhà. Bà cũng luống tuổi, không làm đậu khuôn nữa và thỉnh thoảng vào thăm gia đình bà Hạnh. Tôi lại được gặp bà. Nhưng sau đó thì thưa dần những chuyến vào... Ngày bà mất, tôi không kịp về nhìn mặt bà lần cuối. Bị cảm nặng và kẹt lại ở một thị trấn vùng cao, khi công trình đang chạy gần về đích. Tôi về chỉ thấy bà cười trong khung ảnh. Tôi khóc tiễn bà bằng những dòng nước mắt nóng, vật vã và nghẹn thắt. Từ sau cơn sốt năm lên mười, đây là lần đầu tiên trong đời tôi khóc nhiều và buồn nhiều. Và thấy đớn đau vì từ nay mới thật sự đơn độc...

3.
Rời taxi, tôi đi bộ trên con đường rợp bóng phượng dọc hộ thành hào. Hương sen thơm dễ chịu dù nắng đã lên nhanh và gay gắt. Tiếng ve ran khiến tôi ngước nhìn lên. Phượng đỏ cả chặng dài và bầu trời xanh trong, nhưng không cao vời như ngày xưa tôi mải mê theo mấy thằng bạn trong xóm thả diều. Đi đến cuối đường, rẽ qua một khu phố nữa mới vào đến xóm nhà cũ, nhưng tôi muốn được tận hưởng những giây phút yên tĩnh thật sự khi trở về thành phố của tuổi thơ tôi. Từ sau lần giỗ mãn tang bà, cũng đến mấy năm rồi tôi chưa trở lại. Lần này bà Hạnh không ra do đau khớp chân, mấy dì cũng bận, đủ thứ bận bịu của cuộc sống ở một thành phố lớn. Thằng cu con mới thôi nôi lại ấm đầu nên hai mẹ con cô ấy cũng không đi cùng tôi được... Dịp này, ngoài việc hương khói cho bà để nhớ ngày, tôi còn phải ở lại khá lâu kêu người sửa sang và chăm sóc nhà cửa, sân vườn. Mấy lúc gần đây, ông Ky cứ đau ốm mãi, xứ này lắm nắng nhiều mưa nên nhà cũ ẩm dột nhiều nơi, không thể bỏ mặc.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá gần đường, vừa lúc một gánh đậu hũ đang đi tới. Mùi đậu nóng thoảng lại gần làm tôi nhớ bà nhiều hơn, và bất giác đưa tay ra hiệu cho chị hàng rong dừng lại. Không phải đợi khách yêu cầu, chị đã đặt vội đòn gánh xuống. Thoăn thoắt vờn múa cái muỗng thiếc mỏng, tròn và phẳng vào sâu trong ghè kêu xoèn xoẹt, chị thả nhẹ nhàng từng lát đậu kết tủa mỏng mịn trắng ngà, sóng sánh vào cái chén sứ hoa văn xanh. Cho vài muỗng đường trắng và vắt chút chanh tươi, chị nâng chén đậu dậy mùi thơm dễ chịu bằng cả hai tay đưa cho khách. Cái nón cũ che sùm sụp, quai nón buộc bằng chiếc khăn vải gấp chéo, tiện lợi che nắng bụi gần hết khuôn mặt như những phụ nữ lao động vẫn thường dùng. Tuy vậy đôi mắt còn lại khiến tôi chú ý. Một giây sửng sốt khi tôi đưa tay đón lấy chén đậu khiến chị bỗng nhìn lên:

- Ủa trời! Anh cu Xép... À không, anh Thành! Phải anh Thành không?

Chất giọng lạ lùng đó tôi đã từng rất quen. Chén đậu hũ trong tay tôi chao động:

- Khế!

Dường như bầy ve cũng bặt tiếng. Tôi nghe rõ niềm vui đập mạnh từ trái tim mình, và cả Khế. Hai phận đời lưu lạc, tự nhiên gặp lại hôm nay như một đẩy đưa xếp đặt. Khế lật nón ra, quạt mấy cái làm món tóc bết mồ hôi trên trán ráo dần:

- Thiệt là mừng quá đi!

Rồi ngồi hẳn xuống ghế đá, quạt cái nón sang phía tôi:

- Anh Thành ăn đậu cho mát! Xong ghé qua nhà em dùng bữa trưa, rồi anh em mình cùng về bà. Em tính mai mốt chi đây tới dọn vén ngoài sân vườn. Sắp tới ngày kỵ bà rồi.

Gọi là nhà chứ thật ra không gian chưa tới mười mét vuông tuềnh toàng này được che chắn hai phía bằng vải bạt, hai mặt tường kia là góc lõm phía sau của một ngôi nhà lớn có vườn rộng. Có vẻ như trước đây đã dùng làm quán sửa xe hay cắt tóc, gội đầu gì đó.

Tôi đặt ba lô lên mặt bàn gỗ tạp có nhiều chai hũ xếp sát vào tường, cạnh cái bếp ga nhỏ. Cái giường nhỏ kê sát tường, vài bộ quần áo phụ nữ và trẻ em vắt trên sợi dây phơi. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ nhà có đàn ông. Thấy tôi nghiêng ngó một hồi, Khế xếp vội hai đầu gióng của gánh đậu sát vào mái hiên rồi giải thích:

- Anh nghỉ tạm một chút, em nấu cơm xong sẽ chạy đi đón cháu về. Ở trường mẫu giáo gần đây thôi.

Bữa cơm đạm bạc qua chóng vánh. Con bé trông sạch sẽ nhưng có vẻ xanh gầy, ngoan ngoãn ngồi ăn cơm, nhỏ nhẻ và gọn gàng. Tôi cũng ăn rất ngon miệng, có lẽ vì món canh tập tàng nhiều thứ rau tươi và đậm đà vị ngọt của ruốc Huế. Khế hỏi thăm về gia đình bà Hạnh, cả gia đình nhỏ của tôi, nói chẳng biết bao giờ mới được vào trong ấy. Khế dọn mâm ra hiên rửa xong thì trời nổi gió, mây đen sầm và cơn mưa vội vã trút xuống. Mưa tạt vào hiên, bắn những bụi nước đến chân bàn chỗ tôi ngồi. Tôi khép hờ cánh cửa, kiếm mẩu gạch vỡ chèn phía dưới trong khi Khế ngồi cạnh đứa bé đã thiu thiu ngủ. Có tiếng sấm nổ đùng đoàng rất gần làm nó giật mình, người mẹ lại nằm xuống ôm lấy con vỗ về. Chờ con bé ngủ say, Khế mới ngồi dậy, hai tay bó gối nhìn tôi rồi nhìn ra hàng cây đang oằn mình vật vã dưới mưa. Giọng nói cũng trầm đục như tiếng mưa bên ngoài...

4.
Vợ chồng anh Thà bỏ làng dạt tới đất này khi làng quê xa lắc ấy liên tiếp mất mùa đói kém. Cất lều tạm cạnh bãi rác cuối xóm, đôi vợ chồng son mưu sinh bằng nghề luộc trứng lộn. Lúc đầu là xách giỏ trứng đi bán dạo. Thấy cũng dễ kiếm lời nên luộc nhiều hơn, vừa dọn bán vỉa hè vừa bỏ sỉ cho các mối hàng. Vài năm mà khấm khá lên rất nhanh. Chị Thà đã có thể dành dụm chút vốn, đêm đêm mơ đến một ngôi nhà nhỏ cho đứa bé sắp chào đời. Anh Thà chẳng biết khi nào đã có thói quen ngồi lai rai vài ly mỗi chiều với cánh đàn ông phong lưu, hoặc học đòi phong lưu. Rồi tập tành cá độ. Có vui thật. Nhưng những cơn vui ồn ào hơi men cháy nhanh như một thứ giấy bổi, tất nhiên cũng bốc hơi rất nhanh cùng với những gói ghém dành dụm mà nhiều đêm vô mùng rồi, chị Thà còn trở dậy lấy ra nhìn ngắm, rồi đếm và tính toán... Những ngày tháng tiếp theo là của nợ nần, cãi vã. Đêm chị Thà chuyển dạ vượt cạn, nhờ gọi tìm mãi không thấy anh. Nhưng chị không kịp giận hờn thì đã bàng hoàng đến điếng người khi đứa bé chào đời có khuôn mặt xấu xí và tiếng khóc khàn đục, là âm thanh chị vẫn thường nghe từ những trại vịt quen thuộc. Hàng xóm vài người tốt bụng đến thăm, không nói cho chị hay về người đàn ông nhảy cầu trốn nợ đêm qua...

Con đường bê tông mở rộng chạy dài tới cuối xóm, căn lều cũng may mắn được nâng nền lên cao ráo hơn, mưa lụt không còn sợ cảnh rắn rết lượn lờ. Chị bỏ hẳn nghề, thử đi thu gom ve chai lây lất qua ngày. Con bé Khế học được vài năm thì bỏ lớp, chỉ ru rú trong nhà. Nghèo và không có bạn, nó hay cúi mặt nhìn xuống đất, lâu dần thành thói quen...

Chỉ khi hai mẹ con gặp bà, nó mới thực sự cảm nhận được thứ tình thân ấm áp như một gia đình. Nó nghe bà giải thích cho mẹ Thà biết thế nào là nhân quả, là nghiệp báo. Nhưng chỉ có thể nghe lơ mơ tai nọ lọt qua tai kia. Nó chỉ thích được đi học, ước mơ được giỏi giang như anh Thành. Mẹ Thà thường nhắc nhở nó “cố mà học hành làm lụng, dù không ai lấy thì cũng tự mình lo cho mình...”.

Một dạo Khế thấy người đó thường đi cách sau nó mấy bước mỗi khi từ chợ về, hỏi vài câu bâng quơ. Nó cũng trả lời bâng quơ. Nhưng nhiều ngày sau nó bỗng có tật hay quay đầu tìm kiếm. Mất mấy bữa không thấy là lại có ý trông chờ. Một người phụ nữ tìm tới, mau mắn hỏi thăm mẹ con nó. Thế là một khởi đầu suôn sẻ. Khế lấy chồng dễ dàng hơn mẹ Thà nghĩ. Mẹ con người đó đến nhà, bảo ông cố đang hấp hối nên xin được làm đơn sơ. Mâm tiệc do nhà trai hào soạn đưa đến, có đủ áo mới và nhẫn cưới, nhưng không mời ai. Niềm vui chỉ gói gọn không xa quá cổng ngoài. Ở nhà chồng, cả trăm thứ việc đều không khỏi qua tay Khế. Gọn gàng ngăn nắp từ nhà trên xuống nhà bếp. Lại gánh hàng ra trạm xe buýt cho mẹ chồng. Bà này đi bán chợ xa, vài ba ngày mới về nhà một lần nhưng thấy vậy cũng ưa ý. Mấy đêm đầu người đó không về nhà, bảo rằng bạn bè gọi mời chia vui ở bên ngoài. Mà nếu mãi như vậy có lẽ còn hay hơn. Khế vẫn rùng mình mỗi khi nhớ lại những đêm người đó ở nhà, với Khế. Hắn không mở đèn “để khỏi thấy mặt cô”, và đấm đá cấu xé điên cuồng cả mặt mày đến thân thể Khế. Nhiều lần như thế. Hoảng loạn và uất nghẹn, một lần Khế chống đỡ và bỏ chạy một mạch về nhà giữa đêm. Nhưng chỉ ngồi thụp xuống bên ngoài hàng rào. Cô không muốn hai người phụ nữ thân yêu nhất thấy bộ dạng cô lúc này. Đưa tay ôm lấy khuôn mặt tươm máu và buốt rát vì nước mắt, cô thất thểu từng bước quay về. Ô cửa sổ phòng còn sáng đèn. Giọng mẹ chồng rất nhỏ, cố rít giữa hai hàm răng:

- Đã nói rồi, một vừa hai phải thôi! Mi làm quá, hắn bỏ về như con Lê thì coi như xong. Tiền thuê người làm việc nhà cũng mấy chục triệu một năm, ít chi!

Khế đưa hai tay bịt tai lại, lần này thì bỏ chạy một mạch về nhà. Thấy Khế đau đớn ê chề, mẹ Thà hết ôm con vỗ về lại đưa tay đấm ngực:

- Tại tui cả. Răng trời bắt con tui chịu hết ri đây? Trời ơi là trời! Cho tui chết đi trời ơi!

Và… người mẹ bất hạnh đó một buổi sớm không thức dậy. Bà ngoại giúp Khế đưa mẹ đi cấp cứu, nhưng ra khỏi cửa là không trở về. Đúng hơn là trở về trong một đám tang đơn sơ nhưng không thiếu phần chu đáo do bà ngoại lo liệu.

Rồi Khế rời đi, không muốn bên đó đến làm phiền bà. Bước chân vô định trong đêm, cô không biết mình đã đi rất xa. Chưa kịp nhận ra mình đang ở đâu thì cơn đói từ nhiều ngày qua đã cồn cào khiến cô hoa mắt choáng ngã.

Ông cụ chủ khu nhà vườn vốn ít ngủ, phát hiện và gọi mọi người ra giúp. Rồi cụ cho cô nương náu ở góc vườn này. Con gái cụ sau đó đã nhanh chóng lo cho cô được chân thu gom rác ở tuyến phố gần nhà... Một đêm khuya, gần cuối ca làm, cô nghe tiếng trẻ khóc ngằn ngặt cạnh thùng rác. Khế ôm đứa bé bọc trong mớ khăn vải đi trình báo, nhưng chờ mãi vẫn không ai nhận. Cô thôi đi làm đêm để chăm nom đứa nhỏ. Chắt chiu, dè sẻn từ chút vốn giắt lưng khiêm tốn, cô nuôi con bé khá chật vật. Cũng vì vậy cô không còn thời gian để buồn. Nhớ bà ngoại, cô tìm về thăm và mong một lời khuyên. “Đã là phận số thì chẳng đổi thay vá víu được số phận. Con cứ sống cho lành thì cũng qua thôi...”. Rồi bà mất sau đó không lâu. Đêm đêm cô ru con ngủ, và cô thì chập chờn trong lời ru đó của bà...

Khế thôi kể, ngước nhìn sang phía tôi. Không hiểu sao từ sáng đến giờ tôi không chú ý nhìn kỹ khuôn mặt Khế. Khuôn mặt của một người phụ nữ, đành rằng không có nhan sắc, nhưng vẻ dị dạng đã không còn nhiều. Có thể do thời gian qua lâu, hay do sức chịu đựng và lòng yêu thương đã ban cho em ấy chút lành lặn hiệu quả và tự nhiên hơn cả nhiều cuộc can thiệp thẩm mỹ? Tôi làm sao biết. Nhưng tôi lại nhớ đến bà tôi ngày ấy và những lời dạy thiện lành.

Cơn mưa đã dứt từ lâu, chỉ còn vài tiếng sấm ì ầm đuổi nhau chạy về nơi xa, xa mãi. Phía ấy đang sáng lên những màu sắc lấp lánh của cầu vồng, là con lẹm ra ăn mây, ngày xưa bà ngoại bồ tát của chúng tôi vẫn gọi thế.

Bây giờ và mãi mãi về sau, chúng tôi vẫn tin như thế.

N.T.D.S
(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gửi Huế (07/10/2021)
Mạ Bảy (07/10/2021)
Khi mùa thu sang (28/09/2021)