Tạp chí Sông Hương - Số 392 (T.10-21)
Bài thơ Sagane của anh, Sagane và những mâu thuẫn trong tư tưởng thi ca của S. Esenin
09:06 | 26/11/2021


NGUYỄN THỊ TUYẾT

Bài thơ Sagane của anh, Sagane và những mâu thuẫn trong tư tưởng thi ca của S. Esenin
Ảnh: internet

1. Đã gần một trăm năm, kể từ ngày “nhà thơ cuối cùng của làng quê Nga”, Sergei Esenin (1895 - 1925) ra đi mãi mãi, nhưng trong lòng độc giả bao thế hệ vẫn thổn thức những tâm tình mà anh đã gửi lại trong thơ; bởi toàn bộ thơ trữ tình của Esenin là câu chuyện tự thuật của anh, mà nguồn mạch lớn cho nguồn thơ ấy dồi dào nhờ nó “sống bởi một tình yêu lớn - tình yêu đối với tổ quốc”.

Dẫu đời sống ngắn ngủi, nhưng vỏn vẹn ba mươi năm ở dương thế của Esenin lại là thời đại đang chuyển mình dữ dội, từ một nước Nga nông thôn đến một nước Nga công nghiệp. Và quá trình biến động của nước Nga cũng chính là quá trình nhận thức của nhà thơ về đất nước mình trong tư tưởng lẫn thơ ca. Bởi chính nước mẹ Nga đã hun đúc, nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo thơ ca Esenin, đổi lại, nhà thơ cũng dành cho quê hương tình yêu tuyệt đối. Điều này được chính nhà thơ thừa nhận: “Thơ tôi sống bởi một tình yêu lớn, tình yêu đối với tổ quốc. Tổ quốc là cảm hứng chủ đạo trong thơ tôi”(1). Tình yêu đối với nước Nga thì bất biến nhưng nước Nga trong thơ ông lại luôn luôn vận động. Nếu chia hành trình sáng tạo của Esenin làm ba thời kỳ trước cách mạng tháng Mười năm 1917, thời cách mạng và nội chiến (1917 - 1921) và thời kỳ sau nội chiến thì hình ảnh nước Nga trong thơ ông vận động từ nước Nga nông thôn, đến nước Nga cách mạng và nước Nga Xô viết.

Tập thơ đầu tiên Radunitsa (Nghi lễ cho người chết) xuất bản năm 1916 đậm chất lãng mạn, tâm linh, và mỗi bài thơ là một bức tranh phong cảnh của làng quê Nga trong đó hình ảnh cây bạch dương, ngôi nhà thông bằng gỗ trở thành biểu tượng của một nước Nga giản dị, thanh bình mà nhà thơ luôn khao khát. Ở đó nhân vật trữ tình hiện lên thật trong sáng, thành kính mộ đạo. Cách mạng tháng Mười đến Esenin hân hoan chào đón cách mạng với nhiệt tình lớn lao chào đón cái mới và niềm hy vọng “cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ tạo nên được một kiểu thiên đường mugic”(2). Tinh thần ấy được ông hun đúc vào các trường ca xuất bản trong các năm 1917, 1918 như Otchar, Oktoikh (Sách thánh ca), Inoniya (Thiên đường). Bằng cảm quan nhạy bén, Esenin nhận thấy từ trong niềm hân hoan của cuộc cách mạng vĩ đại, nhà thơ lại giằng xé về tương lai, giữa nước Nga có “ngôi nhà thông bằng gỗ” và nước Nga “con ngựa sắt”. Nhà thơ chủ trương bảo vệ nước Nga nông nghiệp. Tuy nhiên sự vận động của cách mạng và tiếp theo là nội chiến trái với những kỳ vọng của nhà thơ, khiến ông rơi vào trạng thái khủng hoảng. Đây cũng là thời kỳ thơ Esenin bước qua những yếu tố thanh thoát trong trẻo của văn hóa dân gian mà nhà thơ chịu ảnh hưởng trước đó, và chuyển sang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng thời thượng nhưng nặng nề và trừu tượng. Cùng với nhiều nỗi buồn, bất hòa trong đời sống hôn nhân với Zinaida Reich - người vợ thứ hai, đặc biệt là mối tình đam mê nhưng đầy tai tiếng và những khác biệt trong ngôn ngữ văn hóa (Isadora Duncan không biết tiếng Nga và Esenin không hiểu tiếng Anh) với vũ nữ lừng danh Isadora Duncan đã biến Esenin thành một con người khác: hoài nghi, loạn đả, đập phá. Trong hai năm cuối đời 1924, 1925, Esenin đã chuyển hướng, nỗ lực hòa nhập với hiện thực, dứt khoát với thế giới cũ, với các tác phẩm như Trở về tổ quốc, Nước Nga Xô viết, Nước Nga cũ đã đi qua,… Đây cũng là thời kỳ thơ ca Esenin lấy lại sự bình dị, trong sáng vốn có ở thời kỳ đầu. Tập thơ Những mô típ Ba Tư là tác phẩm tiêu biểu cho sự hồi sinh trong tâm hồn và ngòi bút của nhà thơ.

Sagane của anh, Sagane là bài thơ xếp thứ ba trong tập thơ Những mô típ Ba Tư (gồm 15 bài); tập thơ được viết trong những năm cuối đời (1924 - 1925) của nhà thơ trẻ. Như một kẻ lãng du, nhà thơ đã phiêu lưu suốt hành trình ở nhân gian ngắn ngủi song trái tim nhà thơ chưa bao giờ thôi khao khát đặt chân tới những vùng đất mới. Anh đã đi khắp châu Âu và Hoa Kỳ nhưng phương Đông huyền bí vẫn là nỗi khao khát vô tận, Những mô típ Ba Tư là đứa con tinh thần của niềm khao khát ấy!

 

Nàng thơ Shagane người Batumi - Ảnh: internet

Sagane của anh, Sagane thường được biết đến như một bài thơ tình đẹp dịu dàng như sóng chiều biển lặng, như điệp khúc thầm thì mãi ngàn năm! Nhưng ai đã hiểu hết đường đi của sóng biển, (dẫu là sóng chiều êm dịu), và ai biết được cấu trúc của điệp âm với một niềm thấu hiểu? Esenin đã tổ chức bài thơ của mình như một mê cung với nhiều cánh cửa mở ra mời gọi…

Bài thơ là tình cảm thắm thiết mà Esenin dành cho cô gái kiều diễm, Sagane Talya, người mà nhà thơ đào hoa đã gặp tại Batumi(3), khi anh đến thăm vùng đất phương nam, Kavkaz(4). Niềm khao khát được đến Ba Tư(5) và trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ đã ló dạng trong hình ảnh về đất nước Ba Tư rực rỡ, huyền bí. Sagane là khách thể trữ tình xuyên suốt tập thơ, mang vẻ cuốn hút của người con gái phương Đông, chốn mà nhà thơ chưa từng đặt chân tới.

2. Ba Tư chốn nổi tiếng với những câu chuyện cổ tích, với đền đài thành quách và những tấm thảm diệu kỳ. Là một nhà thơ, anh sẽ hôn như là thi sĩ(6); và Esenin cũng dệt thảm với chất liệu đặc biệt: ngôn ngữ. Sagane của anh, Sagane được cấu trúc như một tấm thảm ngôn từ với những họa tiết độc đáo:



Bài thơ gồm năm khổ (số La Mã), mỗi khổ năm dòng (số Ả Rập), được tổ chức theo một chu kỳ: năm dòng thơ của khổ thơ thứ nhất lần lượt (và tuần tự) là câu đầu và cũng là câu cuối của các khổ thơ tương ứng. Cấu trúc ấy mang dáng hình của những con sóng gối tiếp nhau xô vào bờ, xô mãi, xô mãi tưởng không bao giờ kết thúc như chính tình cảm dạt dào của nhân vật trữ tình. Thêm nữa, câu thứ nhất (1) và câu thứ năm (5) của khổ năm (V) giống hệt câu (1) và câu (5) của khổ (I), điều này tạo cơ sở cho ta tin rằng vẫn còn khổ (VI), (VII),… với cấu trúc vừa lặp lại vừa phát triển không có lối ra hệt như một mê cung!

Cấu trúc tuần hoàn ấy tạo nên tính nhạc cho bài thơ, một sự cân đối, hài hòa thống nhất đến bất ngờ. Như một tấm thảm được thêu dệt tỉ mỉ, với những họa tiết và biểu tượng nổi lên sinh động, tưởng như thay đổi một sợi tơ thôi cũng đủ làm toàn bộ kiến trúc công phu của bài thơ bị xô lệch… Như những sợi chỉ màu chủ đạo, câu thơ “Sagane của anh, ơi Sagane!” được lặp lại bốn lần, và các câu “Có lẽ bởi anh đến từ phương bắc”, “Anh muốn kể về cánh đồng lúa mạch”, “Về sóng lúa rập rờn dưới ánh trăng quê” mỗi câu ba lần... Tính chất điệp khúc ấy chi phối âm điệu và gia tăng nhạc tính cho bài thơ. Có lẽ, đây là cơ sở để bài thơ dễ dàng được phổ nhạc(7) và nhanh chóng trở thành bài hát phổ biến ở nước Nga. Dường như đặc tính tự thân của mỗi bài thơ Esenin cũng là một bài hát.

Cấu trúc thơ mộng của bài thơ còn được tạo dáng bởi sự lặp đi lặp lại từ vựng, hình ảnh (vầng trăng, mái tóc xoăn, cánh đồng lúa mạch,..) trong tương quan so sánh giữa phương nam và phương bắc, giữa Sirat và Riazan, giữa Sagane và người bạn gái hiền lành nơi phương bắc, giữa sự hiện diện và sự khiếm diện, giữa tình yêu và nỗi đau… trong một trường liên tưởng bất tận. Trong nghệ thuật dệt thảm, những sợi chỉ màu chỉ có thể tạo dáng trên một phông nền khác màu khác chất, cũng vậy, Esenin đã khắc tạc dáng hình tư tưởng bằng chính sự đan xen giữa sự hiện diện và khiếm diện của nhiều chủ đề trong mê lộ tư tưởng của đứa con nhiều bi kịch, trưởng thành trong thời đại bi kịch.

3. Những mô típ Ba Tư được viết trong giai đoạn sáng tạo chín muồi, với tâm thế của người con xa quê luôn khao khát trở về và cả của một kẻ lãng du với nhiều tội lỗi, nên tiếng thơ của Esenin sâu sắc hơn trong sự giản dị tự thân. Sau những chuyến đi phương Tây(8), trở về với tâm trạng mệt mỏi, chán chường, và xứ sở phương Đông kỳ bí đã nuôi lại giấc mơ dang dở trong anh… Dẫu chỉ đến bằng tưởng tượng, thì tâm hồn nhà thơ cũng đã sống với chốn đền đài, thành quách và người đẹp hoa hồng(9), bằng sự chân thành tha thiết đến độ mà dịch giả Đoàn Minh Tuấn(10) gọi là “thấm lòng”.

Theo chúng tôi, ở Những mô típ Ba Tư nói chung và bài thơ Sagane của anh, Sagane nói riêng có ba mô hình không gian: 1/ không gian thực (miền Nam, Kavkaz); 2/ không gian vọng tưởng (phương Đông - Ba Tư, Sirat), 3/ không gian trực tâm (miền Bắc, Riazan). Trong đó, không gian thực là miền nam nước Nga, nơi nhà thơ đang sống (thảo nguyên Kirghiz, vùng Kavkaz,..) song không gian thực hầu như không xuất hiện, không gian vọng tưởng trở thành không gian trữ tình xuyên suốt, quán chiếu không gian vọng tưởng lại là không gian trực tâm. Đọc tập thơ, ta lại thấy Esenin làm một phép hoán vị: không gian vọng tưởng được kéo gần trở thành không gian thực (Đây xứ sở màu xanh, Em đẹp lắm Ba Tư…) không gian trực tâm lại hiện lên trong tâm thế của một người xa xứ. Có lẽ phương Đông hay phương Tây đều không giữ được bước chân của chàng du ca lãng tử, song nước Nga đã trở thành chiếc la bàn trong trái tim nhà thơ.

Nước Nga thật đặc biệt, người phương Tây không nhận Nga thuộc về mình, cũng vậy phương Đông cũng không thể, bởi nó quá rộng lớn và khác biệt! Chiếm 1/6 diện tích thế giới và địa hình nằm trên liên lục địa Á-Âu nên nước Nga lại dung chứa trong mình những đặc trưng của hai cõi tưởng như không bao giờ gặp nhau. Con người Nga là kết tinh của tâm hồn đất đai và sự dung hợp hiếm có ấy. Sergei Esenin, người danh dự được Viện quốc gia Duma tuyên xưng: “Esenin chính là nước Nga, là tâm hồn Nga, là trái tim Nga,… là Kinh thánh của tâm hồn Nga”. Và thơ anh là cây đại phong cầm nhịp lên những điệu thuần khiết của ruộng đồng quê hương, của hương hồn dân tộc; phải chăng, vì vậy mà khi bay vào vũ trụ Yuri Gagarin(11) đã mang theo thơ anh như sợi dây tinh thần gắn với Mặt Đất yêu thương?

Sinh ra và lớn lên trong một thời đại nhiều biến động lịch sử không chỉ riêng nước Nga mà cả trên quy mô toàn thế giới (Chiến tranh Thế giới thứ nhất, 1914 - 1918, Cách mạng tháng Mười Nga, 1917, Nội chiến 1918 - 1922,…), nên cắt nghĩa thế giới tư tưởng Esenin là một việc chưa bao giờ xong xuôi. Nửa sau thế kỷ XIX, nước Nga không biết đi theo hướng nào, sang phương Tây, châu Âu hay sang phương Đông, châu Á; tới những thành phố nhân tạo, văn minh hay trở về thảo nguyên với những ngôi nhà gỗ thông vàng óng. Esenin và thơ ông là hiện thân của những bi kịch ấy của thời đại! Một thời đại mất gốc và lầm lạc: giữ gìn bản sắc Slave hay học tập phương Tây? Hành trình tư tưởng của Esenin cũng là hiện thân mê lộ của thời đại.

Ở bài thơ Sagane của anh, Sagane không gian thực, tưởng như không xuất hiện, nhưng đặt trong trật tự logic ngôn ngữ ta lại thấy bóng dáng của phương nam (miền nam nước Nga): khi nhân vật trữ tình tâm sự với người bạn gái, “Có lẽ anh đến từ phương bắc”. Khi nói “anh đến từ phương bắc” là đặt trong thế tương quan với phương nam - nơi nhà thơ đang sống khi sáng tác tập thơ. Tuy nhiên, không gian vọng tưởng là vẻ đẹp văn hóa phương Đông xa xôi, nơi nhà thơ chưa bao giờ đặt chân tới(12), lại hiện lên rõ mồn một: Sirat đẹp tuyệt trần và người con gái Sagane quyến rũ. Phải chăng sự vọng tưởng chỉ là thủ pháp của nhà thơ đồng quê giản dị, trong sáng, hay về bản chất, nó phản ánh một loại mâu thuẫn trong nhận thức của Esenin?

Trong thơ Esenin, phương Tây gắn với hình ảnh “con ngựa sắt” (đoàn tàu) là biểu tượng cho cuộc sống hiện đại (hiện tại) và phương Đông là biểu tượng của quá khứ, nhưng ở bài thơ này nói riêng và tập Những mô típ Ba Tư nói chung, phương Tây nay trở thành quá khứ và nhà thơ đang đắm mình trong không gian văn hóa phương Đông (hiện tại). Không-thời gian trong bài thơ này, từ mọi chiều và hướng, quyện chặt vào nhau như một tấm thảm, và đó cũng là hình chiếu của những xung khắc chưa thể hòa giải trong tâm hồn Esenin.

4. Thoạt tiên, đọc bài thơ ta thấy dư vị của một bài thơ tình tha thiết, dành cho người con gái may mắn Sagane. Sự đằm thắm kéo dài trong âm điệu: “Sagane của anh, ơi Sagane”, trong lời giới thiệu, trò chuyện và tình cảm chân thành của nhân vật trữ tình. Nhưng đến cuối bài thơ, ta bất ngờ khi nhà thơ nghĩ về cô bạn gái hiền lành nơi quê nhà giống hệt “em” (Sagane) đang “ngóng đợi anh về…”. Bất ngờ không phải vì tình cảm nhà thơ dành cho Sagane không còn trọn vẹn, mà bất ngờ bởi sự chân thực tới đáy trong suy tưởng của người thơ. Có lẽ còn bất ngờ vì một lẽ khác, quan trọng hơn: chủ đề tình yêu không phải hoa văn chủ đạo trên tấm thảm thơ “Sagane của anh, ơi Sagane”. Người bạn gái hiền lành nơi phương bắc chỉ là một cô bạn gái, hay đã trở thành biểu tượng của quê hương trong sự vận động của cảm xúc, hình tượng và tứ thơ xuyên suốt bài thơ? Và tại sao người con gái phương nam và phương bắc lại giống hệt nhau “cả tính tình, dáng vóc”?

Có thể nhà thơ thật hữu duyên khi gặp và yêu hai người con gái giống hệt nhau, nhưng cũng thật trớ trêu, bởi tuy hai mà lại là một, vừa dễ lựa chọn vừa không biết chọn ai. Như tâm thế của kẻ giữa dòng với những đắn đo và do dự, nhà thơ đã chân thành phơi mở những giằng xé của cõi lòng.

Bài thơ không giới hạn ở tình yêu quê hương, không giới hạn ở tình yêu nam nữ của nhà thơ mà mở rộng ra lòng người nói chung, trước những lựa chọn của đời sống. Ở đây, tâm điểm của mê cung chính là tâm hồn nhà thơ, chủ đề tình yêu đất nước đã chảy tràn vào chủ đề tình yêu đôi lứa và có lẽ trở thành chủ đề chủ đạo khi hình ảnh người bạn gái phương bắc thường trực trong trái tim nhà thơ, người bạn gái phương bắc trở thành biểu tượng của quê hương.

Trong tập Những mô típ Ba Tư, nếu Sagane là khách thể trữ tình, cùng nàng dạo chơi và thầm thì những lời nồng nàn như “hoa hồng đang tan chảy trên môi” thì hình ảnh người con gái phương bắc cũng luôn khiến nhà thơ buồn, nhớ, thổn thức… Và cho đến cuối tập thơ:

Sagane của anh đã yêu kẻ khác,
Sagane ôm hôn kẻ khác rồi!

            (Tại vì đâu - Tạ Phương dịch)

Dẫu cho vấp ngã, đớn đau nhà thơ vẫn còn bến đỗ để trở về, là nước Nga yêu mến:

Đã đến lúc tôi về lại nước Nga
Ôi Ba Tư! Với người xin từ giã
Đến muôn năm tôi với người chia xa
Vì tình yêu muôn đời cho quê mẹ
Đã đến lúc tôi về lại nước Nga.

            (Những cánh cửa ở Khorasan - Nguyễn Viết Thắng dịch)

Xuyên suốt bài thơ “Sagane của anh, ơi Sagane!” là hình ảnh: “sóng lúa rập rờn dưới ánh trăng quê”, nhưng hình ảnh ấy xuất hiện trong cấu trúc truyện kể câu chuyện tình yêu: “anh muốn kể em nghe…”. Bằng nghệ thuật so sánh đòn bẩy nhà thơ đã vẽ nên cảnh trí quê hương:

Mà vầng trăng xứ ấy sáng vô ngần,
Mà Sirat nơi đây dù đẹp tuyệt trần,
Cũng khôn sánh Riazan bát ngát.


Riazan thanh bình bát ngát ánh trăng, và quan trọng hơn nơi ấy nhà thơ gắn bó máu thịt như lúa mạch mọc lên từ đất: trong trường liên tưởng, cánh đồng lúa mạch rì rào gợn sóng dưới ánh trăng vàng như chính mái tóc xoăn bồng bềnh của thi sĩ, mái tóc và đôi mắt xanh biếc của Esenin, khiến nàng vũ công lừng danh, Duncan Isadora(13), lần đầu gặp gỡ gọi anh là “thiên thần” (angel), và chính mái tóc ấy đã để lại trong lòng nữ giới niềm yêu mến, và gọi anh một cách ngọt ngào là “nhà thơ tóc vàng”.

Hình ảnh mái tóc được lặp lại hai lần (Mái tóc anh kết từ sợi mạch đen, Em cứ nhìn mái tóc quăn xum suê), trong cấu trúc so sánh chuỗi với cánh đồng lúa mạch gợn sóng dưới ánh trăng như chính sự hiệp nhất giữa con người và Đất Mẹ. Quê hương trở thành một phần máu thịt, gắn với những kỷ niệm đẹp và những ký ức Esenin không muốn thức dậy bao giờ:

Về sóng lúa rập rờn dưới ánh trăng quê
Em cứ nhìn mái tóc quăn xum suê
Trên đầu anh mà cợt cười mặc sức,
Nhưng hãy chớ gợi trong anh ký ức
Về sóng lúa rập rờn dưới ánh trăng quê.


Như Esenin từng nhận định, toàn bộ thơ anh là tự truyện về cuộc đời mình, anh vừa là mục đồng của làng quê nhưng cũng là một kẻ du đãng, anh là ca sĩ của nỗi buồn đồng ruộng và cũng là tên ẩu đả nơi quán hàng… song kẻ lãng du ấy đã nhiều lần tự vấn và tự thú. Anh muốn quên đi ký ức đau buồn bằng cách tự ý thức về nó, liệu anh có quên được nó khi tất cả ký ức ấy đều gói gọn trong hình ảnh đẹp đẽ của quê hương: “Về sóng lúa rập rờn dưới ánh trăng quê”? Có lẽ ký ức ở đây không còn là ký ức của riêng nhà thơ, mà là ký ức về nước Nga nông thôn, đã không còn nữa:

Ôi, nước Nga thân thiết của tôi ơi,
Nhà gỗ thông khoác áo choàng tượng Chúa

            (“Xin chào Người, nước Nga thân thiết của tôi” - Thúy Toàn dịch)

Esenin là đứa con cuối cùng của đồng ruộng. Và thơ anh đã ngợi ca và luyến tiếc quá khứ với cùng một nỗi đam mê nhiệt thành.

Có lẽ vẻ đẹp huyền bí của phương Đông cũng không đủ sức quyến rũ nhà thơ mà phương Tây thì thi sĩ đã từ khước sau những hành trình đau đớn, chỉ hình ảnh quê hương đẹp hơn thiên đường(14) là sống mãi trong lòng nhà thơ, nhưng hình ảnh ấy chỉ còn là ký ức.

Trong trường ca Nước Nga Xô viết, Esenin đã thể hiện những nhận thức của anh về sự thay đổi của thời cuộc, nhà thơ đã tự nguyện hiến dâng cả tâm hồn mình, nhưng tiếng thơ anh chỉ dành chôn giấu những tâm sự riêng của mình, những xung đột trong tư tưởng của mình:

Với tháng Mười và tháng Năm
Tôi xin hiến dâng cả tâm hồn
Duy cây đàn thơ, tôi không trao tặng.


Bởi trái tim nhà thơ luôn hướng về nước Nga trong quá khứ, nước Nga “nhà gỗ thông khoác áo choàng tượng Chúa”, trong những dòng cuối cùng của bản trường ca, bằng cách gọi cổ xưa “Russ”, Esenin một lần nữa lại khẳng định nguồn sống của thơ mình là tình yêu nước Nga:

Bằng tất cả sự tồn tại trong con người thi sĩ
Tôi sẽ ngợi ca
Một phần sáu trái đất
Mang cái tên ngắn gọn: “Nước Nga”

            (“Nước Nga Xô viết” - Thúy Toàn dịch)

Esenin được xem là “Puskin của thế kỷ XX”. Suy tôn này không chỉ khẳng định địa vị cao quý và đóng góp to lớn của nhà thơ đối với tiến trình thơ ca, văn học Nga. Họ còn giống nhau trong tình cảm thiết tha vô bờ dành cho nước Nga; cái chết của họ ở độ tuổi sung sức, viên mãn nhất là hiện thân của tình yêu vĩnh cửu ấy. Cuộc đời và cái chết của Puskin và Esenin là biểu tượng của những khủng hoảng và bi kịch của nước Nga ở thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Tuy nhiên, nếu Puskin là “mặt trời thi ca Nga”, là “khởi đầu của mọi khởi đầu” thì Esenin lại là bản lề - giao thời của hai thế kỷ. Chính tính chất giao thời và những biến động của thời đại được cộng hưởng bởi một tâm hồn thơ tinh tế, nồng nhiệt và một tài năng thơ thiên phú đã tạo nên bản sắc thơ ca Esenin. Một bản thể thơ trần thế đầy va vấp, mê lộ và khủng hoảng, và vì vậy, cảm quan về nước Nga trở thành “sợi chỉ Ariadne” trong hành trình thơ ca Esenin.

N.T.T
(TCSH392/10-2021)

-------------------------------
1. Dẫn theo Nguyễn Đức Tuấn, “S.A. Esenin - Người thơ”, in trong Sergei Esenin Tiến trình thơ ca Nga, (Lê Từ  Hiển chủ biên, 2015), Nxb. Khoa học xã hội, tr.224.
2. Bằng Việt, Mục Esenin in trong Từ điển thuật ngữ văn học (bộ mới, Đỗ Đức Hiểu chủ biên), Nxb. Thế giới, Hà  Nội, tr.475.
3. Batumi là một thành phố ven biển, bên bờ Biển Đen, ở phía tây nam Gruzia, trước đây thuộc Liên bang Nga.
4. Kavkaz là một khu vực ở biên giới của châu Âu và châu Á, nằm giữa biển Đen và biển Caspian.
5. Ba Tư là quốc gia lâu đời đại diện cho một nền văn hóa cổ đại rực rỡ, từ năm 1935 đổi tên thành Iran.
6. Ý thơ của Esenin, trong bài “Em kể chuyện Saadi”.
7. Bài thơ được nhà soạn nhạc nổi tiếng Gregory F. Ponomarenko (1921-1996) phổ nhạc. Ông cũng đã phổ nhạc  rất nhiều bài thơ khác của Esenin và A. Blok.
8. Khoảng thời gian 1922 - 1923, Esenin đi lưu diễn cùng với vợ, Duncan, gần như khắp châu Âu và Hoa Kỳ.  
9. Đối với người Ba Tư, bản thân hoa hồng được xem là có tâm hồn, là người vợ chưa cưới yêu quí và tâm hồn nhà  thơ vùi sâu vào tâm hồn của hoa hồng... Theo http://www.thivien.net/Sergei-Aleksandrovich-Yesenin.
10. Đoàn Minh Tuấn, Những dòng thơ như là số phận, trong Thơ X. Esenin, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.174.
11. Yuri Alekseievich Gagarin (1934 - 1968), người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ trên con tàu Phương Đông, năm 1961.
12. Theo tiểu sử và hồi ký, nhà thơ chưa bao giờ tới Ba Tư, như một bài thơ, Esenin cũng viết: “Chưa bao giờ anh từng đến Bospho”. Đây là một eo biển chia cắt phần thuộc châu Âu (Rumeli) của Thổ Nhĩ Kỳ với phần thuộc châu Á (Anatolia) của nước này.
13. Duncan Isadora (1878 - 1927) vũ công nổi tiếng người Mỹ gốc Pháp, là người vợ thứ hai của X. Esenin (anh có tất cả 3 người vợ chính thức, hai người khác là: Zinayda Raikh và Sofia Tolstaya.
14. Ý thơ Esenin:
Ôi nếu như thiên thần lên tiếng gọi
Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường!
Tôi sẽ đáp: “Thiên đường xin để đấy
Cho tôi xin ở cùng Tổ quốc yêu thương”.

                    (“Xin chào Người, nước Nga thân thiết của tôi” - Thúy Toàn dịch)   




 

 

Các bài đã đăng