Tạp chí Sông Hương - Số 393 (T.11-21)
Chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2021 và vấn đề hậu thực dân
09:39 | 07/12/2021

CHU ĐÌNH KIÊN   

Vượt qua nhiều nhà văn tên tuổi được bạn đọc trên toàn thế giới mong đợi được gọi tên như: Annie Ernaux (Pháp), Margaret Atwood, Anne Carson (Canada), Haruki Murakami (Nhật Bản), Ludmila Ulitskaya (Nga), Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya)… năm nay, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố quyết định trao Giải Nobel Văn học năm 2021 cho nhà văn Abdulrazak Gurnah (1948).

Chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2021 và vấn đề hậu thực dân
Nhà văn Abdulrazak Gurnah

Mặc dù, ngày từ đầu cuộc bình chọn, thăm dò của các độc giả khắp nơi thì Abdulrazak Gurnah không nằm trong danh sách nào cả. Như vậy, ông là nhà văn châu Phi thứ sáu nhận giải thưởng danh giá này sau Wole Soyinka (Nigeria), Nagib Mahfuz (Ai Cập), Nadine Gordimer và John Maxwell Coetzee (Nam Phi), Jean-Marie Gustave Le Clézio (Mauriti-Pháp).

Abdulrazak Gurnah sinh ra trên đảo Zanzibar thuộc Tanzania, một vương quốc Hồi giáo, một quốc gia nghèo đói ở Đông Phi, đến Anh tị nạn vào cuối những năm 1960 để thoát khỏi sự đàn áp của người Ả Rập trong Cách mạng Zanzibar. Những năm 1960, ở quê hương ông bị bao trùm bởi không khí chính trị căng thẳng, bạo lực diễn ra khắp nơi, rất nhiều người bị bắt và bỏ tù. “When I left was very dangerous place then. People were being jailed. There was very little room for manoeuvre, for people to work, to prosper, or even to speak and to speak openly about their discontent” [5]. Bối cảnh trên sau này được Gurnah phản ánh sâu sắc trong tiểu thuyết By the Sea (2001).

Không nằm trong vùng dự đoán của độc giả, giải thưởng Nobel Văn học 2021 trao cho nhà văn thuộc một quốc gia châu Phi (Tanzania). Như lời hứa của Viện Hàn lâm Thụy Điển về việc “mở rộng địa lý” đối với chủ nhân giải Nobel Văn học, không còn “châu Âu hóa” nữa, giải thưởng đang thực sự hướng đến các vấn đề nhân loại hơn là phạm vi địa lí và gây bất ngờ lớn cho bạn đọc Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.

Năm 1960, Abdulrazak Gurnah đến Anh tị nạn, nên chủ đề bao trùm trong sáng tác của ông là vấn đề hậu chiến và người tị nạn, lưu vong. Ông có nhiều bài viết liên quan đến chủ nghĩa thực dân, các quốc gia ở vùng châu Phi thời kỳ hậu thuộc địa. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu các công trình về văn học châu Phi. Từ 1980 đến 1982, ông giảng dạy tại Trường Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Sau đó, chuyển đến Trường Đại học Kent (Anh), nơi ông lấy bằng Tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Giáo sư kiêm Trưởng khoa Tiếng Anh. Là một học giả, ông đã cống hiến hết mình để nghiên cứu về tiểu thuyết thời kì hậu thuộc địa và các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa thực dân/hậu thực dân, đặc biệt là liên quan đến châu Phi, Caribe và Ấn Độ.

Năm 2015, thế giới xót xa, bàng hoàng khi chứng kiến Alan Kurdi, một cậu bé 3 tuổi người Syria bị chết đuối trên bờ biển Địa Trung Hải trong cuộc chạy trốn khỏi cuộc nội chiến và tị nạn đến đảo Kos của Hy Lạp với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có văn chương đi sâu khai thác, làm rõ bi kịch con người thế kỉ XXI - vấn đề thời kì hậu chiến. Thế giới đang đối diện với vấn đề tị nạn gay gắt, quyết liệt. Chưa bao giờ phía sau bức màn chiến tranh lại trở nên khốc liệt như lúc này.

Vậy điều gì đã giúp cho Abdulrazak Gurnah giành giải thưởng Nobel Văn học năm 2021? Theo chúng tôi, có ba lí do cơ bản.

Thứ nhất, đó là văn chương của Abdulrazak Gurnah đề cập đến vấn đề toàn cầu hóa. Chúng tôi xin trích lời nhận xét của Viện Hàn lâm Thụy Điển để nhấn mạnh: tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah giành giải thưởng Nobel 2021 “vì sự thâm nhập kiên định và giàu lòng trắc ẩn của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân, cũng như số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và các lục địa” [1]. Chủ tịch Ủy ban Nobel cho biết các tiểu thuyết của ông, từ tác phẩm đầu tay Memory of Departure (1987) đến tác phẩm gần nhất Afterlives (2020) đều “tráng lệ”, khiến người đọc mở rộng tầm mắt về nền văn hóa Đông Phi vốn còn xa lạ với thế giới. Như vậy, điều đầu tiên để giúp Abdulrazak Gurnah được xướng tên trên bục vinh quang này chính là tác phẩm của ông phản ánh bối cảnh không gian rộng lớn. Vượt qua ranh giới địa lí của một hòn đảo Zanzibar, một Đông Phi, văn chương của Abdulrazak Gurnah khái quát bức tranh toàn vẹn đời sống nghèo đói, khắc nghiệt của châu Phi nói riêng và thế giới nói chung.

Thứ hai, tác phẩm của Abdulrazak Gurnah chạm đến vấn đề thời sự nóng bỏng nhất của thế giới thế kỉ XXI: chiến tranh, tị nạn, lưu vong và sắc tộc... Đến nay, ông có khoảng 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn, tiểu luận, phê bình. Tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể đến Paradise (1994), Desertion (2005), By the Sea (2001), Gravel Heart (2017), Afterlives (2020)… Nhà phê bình văn học Bruce King1 nhận xét rằng, tiểu thuyết của Gurnah đặt các nhân vật ở Tanzania nói riêng châu Phi nói chung trong bối cảnh quốc tế rộng lớn (Africans have always been part of the larger, changing world [3]). Trong Admiring Silence, By the Sea Desertion, các nhân vật của ông là những kẻ cô đơn, bị xa lánh, ruồng bỏ sau nhưng lần di cư (the alienation and loneliness that emigration can produce and the soul-searching questions it gives rise to about fragmented identities and the very meaning of ‘home’ [2]). Vấn đề ý nghĩa đích thực của cuộc đời là gì? Đâu là ngôi nhà/quê hương thực sự của những kẻ tị nạn? Đây là các câu hỏi mà Abdulrazak Gurnah gay gắt đặt ra để kiếm tìm. Các nhân vật của Gurnah bị kẹt giữa các nền văn hóa và lục địa châu Phi và châu Âu. Họ luôn sống trong trạng thái bất an, lo lắng. Cuộc sống phải liên tục thay đổi để thích nghi với môi trường mới, các nhân vật của Gurnah dung hòa giữa nơi ở mới và quá khứ bản địa, không khuất phục hoàn cảnh mà vươn lên mạnh mẽ để tự hoàn thiện các giá trị đẹp đẽ.

So với nhà văn Nam Phi John Maxwell Coetzee (Nobel Văn học 2003) thì tác phẩm của Abdulrazak Gurnah có nhiều điểm tương đồng. Đó là đều phản ánh chân thực nhất thực trạng châu Phi trong và sau cuộc chiến tranh phân biệt chủng tộc. Thế giới lầm tưởng rằng, chủ nghĩa sắc tộc hẹp hòi không còn tồn tại ở châu Phi những năm cuối của thập niên 90 của thế kỉ XX. Thực tế, Châu lục Đen này đang đối mặt với hậu cuộc chiến có vẻ gay gắt hơn trước đó và những thảm họa nhân đạo mới. Nghèo đói, phân biệt chủng tộc, sự thờ ơ, giả tạo của chính quyền mới, tị nạn… đã đẩy con người rơi vào hoàn cảnh bi thảm, đối diện với lựa chọn ở lại quê hương nghèo đói bạo lực hay là tìm kiếm vùng đất mới với hi vọng mong manh. Tuy nhiên, so với Coetzee - nhà văn da trắng phản ánh thực trạng châu Phi bằng thái độ ngoại cuộc, dửng dưng lạnh lùng đến ngột ngạt thì Abdulrazak Gurnah lại viết bằng chính những trải nghiệm bên trong người da đen.

Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông gồm Memory of Departure (1987), Pilgrims Way (1988) là những ghi chép trải nghiệm, chứng kiến của bản thân ông và những người nhập cư ở Anh. Với tư cách là người trong cuộc, tác phẩm của ông đã phản ánh chân thành nhất bức tranh cuộc sống của những người tị nạn ở Anh cuối thế kỉ XX. Cả hai tiểu thuyết đều được kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện phải lựa chọn giữa sự im lặng che đậy họ và bảo vệ họ khỏi những định kiến phân biệt chủng tộc.

Thứ ba, tác phẩm của Abdulrazak Gurnah phản ánh những ngõ ngách bi kịch khốc liệt của người dân châu Phi với hi vọng về cuộc sống tươi đẹp trong tương lai. Các nhân vật trong sáng tác của ông luôn có khao khát thoát khỏi mảnh đất nghèo khó, bạo lực và chiến tranh để du hành đến miền đất hứa. Nhưng tất cả đều rơi vào bi kịch của phân biệt chủng tộc, đẳng cấp và tị nạn. Châu Âu chưa bao giờ khoan nhượng và có thái độ công bằng với người da đen châu Phi nhập cư. Ở đây bạo lực và phân biệt cũng kinh khủng như bản địa, nơi họ sinh ra. Các nhân vật của Gurnah trôi dạt trong hai thái cực: RỜI BỎ và BỊ BỎ RƠI.

Memory of Departure (tạm dịch: Ký ức khởi hành, 1987) là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Abdulrazak Gurnah được đánh giá là khốc liệt, hài hước và sắc sảo. Sống với gia đình tại một ngôi làng ven biển nghèo khó, Hassan Omar, 15 tuổi bị bủa vây bởi một vòng xoáy bạo lực và tuyệt vọng. Cảm giác tuyệt vọng của cậu khi chứng kiến những mảng màu u tối xung quanh. Một người cha nghiện rượu, độc tài, phóng túng; một người em gái phải làm nghề mại dâm; một người anh trai phóng đãng, bị kẻ gian lừa dối và cuối cùng chết trong một tai nạn kinh hoàng; và cuối cùng, mẹ của anh, người đã cam chịu đến chết vì bị chồng bạo hành. Sự xuất hiện của Độc lập mang đến những biến động mới cũng như sự phản bội lời hứa về tự do. Chính phủ mới lo sợ về một cuộc di cư lớn và không khuyến khích những người trẻ tuổi đi du lịch nước ngoài. Cuối cùng, Hassan đến Nairobi để ở với một người chú giàu có, với hy vọng ông ta sẽ giải quyết phần thừa kế hợp pháp của mẹ mình. Ở đây, cậu khám phá ra một thế giới rộng lớn hơn, trong đó chứa đựng phần nào sự tàn ác nhưng cũng là hy vọng và cách cứu vãn cuộc sống quá khứ và lòng ân hận giằng xé, không thể nguôi ngoai. Cuộc chạy trốn khỏi nghèo đói và bạo lực của Hassan ở một vùng đất khác bế tắc, tuyệt vọng. Sự va chạm giữa quá khứ nghèo đói, bạo lực và hy vọng tương lai, sự kết hợp của nỗi sợ hãi và thất vọng, vẻ đẹp và sự tàn bạo, tạo nên một câu chuyện khốc liệt về sức mạnh không thể phủ nhận.

Hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Abdulrazak Gurnah là Pilgrims Way (1988) và Dottie (1990) phản ánh tàn nhẫn về cuộc sống lưu vong của người da đen nhập cư ở châu Âu. Daud trong Pilgrims Way phải đối mặt với không khí phân biệt chủng tộc ở Anh và cố gắng tìm cách che giấu quá khứ của mình để tồn tại trên miền đất hứa. Dottie trong Dottie sinh ra ở Leeds, Anh, không đến từ Zanzibar, lớn lên nghèo khó trong một gia đình có nguồn gốc không rõ ràng. Cô cảm thấy không có nguồn gốc quê hương ở Anh, đất nước cô sinh ra và lớn lên. Dottie cố gắng tạo ra không gian và bản sắc của riêng mình thông qua sách báo và tiểu thuyết. Đọc sách cho phép cô có cơ hội xây dựng lại hình ảnh bản thân mình trong tiềm thức về bản địa.

Paradise (tạm dịch: Thiên đường, 1994) là tiểu thuyết tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Abdulrazak Gurnah. Đây là tác phẩm được đề cử trong hai giải thưởng văn chương danh giá là Booker Prize, Whitbread Prize for Fiction và là cú đúp giúp ông nhận giải thưởng Nobel Văn học năm nay. Cuốn tiểu thuyết sống động và bạo lực kể về câu chuyện của Yusuf, một cậu bé 12 tuổi sinh ra ở thị trấn Kawa ở Tanzania vào đầu thế kỷ XX. Cha của Yusuf là một ông chủ khách sạn và đang mắc nợ một thương gia Ả Rập giàu có và quyền lực tên là Aziz. Để trả nợ cho cha mình, Yusuf buộc phải trở thành đầy tớ không công cho thương gia Aziz. Yusuf tham gia đoàn lữ hành của Aziz khi họ đi đến các khu vực của Trung Phi và Công-gô - lãnh thổ mới được giao thương trong thời gian gần đây, trước đó nhiều thế hệ hoạt động này chưa diễn ra. Tại đây, đoàn thương nhân của Aziz gặp phải sự thù địch từ các bộ lạc địa phương, động vật hoang dã và địa hình hiểm trở. Khi đoàn lữ hành quay trở lại Đông Phi, Thế chiến thứ nhất bắt đầu và Aziz chạm trán với quân đội Đức khi họ càn quét Tanzania. Aziz buộc phải nhập ngũ cho đội quân của Đức. Tiểu thuyết này được viết sau một chuyến đi nghiên cứu ở Đông Phi vào khoảng năm 1990 của Abdulrazak Gurnah. Đây là câu chuyện về quá trình trưởng thành và một chuyện tình buồn của Yusuf trong thế giới khác biệt và va chạm, xung đột những hệ thống niềm tin của con người. Tiểu thuyết là một chuyến du ngoạn, phiêu lưu xuyên lục địa cùng với cuộc sống tự nhiên và cuộc xung đột với các bộ tộc mà họ gặp phải trên đường. Tạp chí The New York Times đánh giá đó là cuốn tiểu thuyết về bản chất của tự do và những mất mát về số phận Yusuf nói riêng và lục địa châu Phi nói chung: “a poignant meditation on the nature of freedom and the loss of innocence, for both a single sensitive boy and an entire continent” [4].

Mỗi tiểu thuyết của Gurnah đều tập trung vào câu chuyện của những người bình thường, nhỏ bé, số phận đơn lẻ rất dễ lãng quên trong thế giới rộng lớn. Đó là những chủ cửa hàng, nội trợ, người lính địa phương phục vụ trong quân đội thuộc địa, sinh viên và người tị nạn, lưu vong… Viết về họ, Gurnah đi sâu vào số phận, bị kịch của họ để nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người đều đáng được ghi nhớ, cần được bảo vệ. Tiếng nói văn chương của ông không có tính chất tuyên ngôn đanh thép mà đó là tiếng nói kiên trì, bền bỉ nhưng không kém phần dữ dội, khốc liệt nhằm thay đổi số phận người da đen châu Phi trên bản đồ Nhân quyền thế giới.

Afterlives (2020) được xem là phần tiếp theo của cuốn tiểu thuyết Paradise được đề cử giải thưởng Booker năm 1994 của Gurnah. Tiểu thuyết thứ 10 này được đánh giá là một câu chuyện được kể bởi một lời kể dịu dàng về sự phi thường của cuộc sống bình thường. Câu chuyện được lấy bối cảnh giữa cuộc xung đột thuộc địa ở châu Phi, nơi người Đức, Anh, Bỉ và Pháp đang đấu tranh để giành quyền kiểm soát. Trong Afterlives với sự xuất hiện của nhiều mảnh đời bình thường, nhỏ bé, các mối quan hệ tưởng chừng như vặt vãnh… nhưng vượt lên tất cả, Gurnah ca ngợi tính chất cộng đồng thông qua sự liên kết giữa các nhân vật, cuộc gặp gỡ, giúp đỡ vượt qua hoàn cảnh của họ với nhau. Các sự kiện lịch sử trong Afterlives của Gurnah được chắt lọc, dồn nén tột độ thông qua những trải nghiệm của bản thân ông. Các sự kiện được diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên đôi chỗ ông kể khá chậm rãi, nhất là những chi tiết liên quan đến mối tình của Hamza và Afiya khiến cho câu chuyện trở nên lãng mạn, nhẹ nhàng. Văn chương của Abdulrazak Gurnah có khi vừa biến hóa nhanh chóng, có khi rất điềm tĩnh, chậm rãi. Bên cạnh những trang viết khốc liệt, dữ dội vẫn xuất hiện những đoạn văn đậm chất lãng mạn, nhẹ nhàng, nhất là những chi tiết miêu tả khung cảnh thiên nhiên vùng biển Địa Trung Hải đẹp đến nao lòng.

Trong những năm gần đây, khi một loạt cuộc khủng hoảng nhân đạo buộc người nghèo khổ tuyệt vọng ở châu Phi phải liều mạng với hy vọng có được sự ổn định hơn và tương lai tốt đẹp hơn ở châu Âu, văn chương của Gurnah đã gây được tiếng vang lớn có sức tác động, ảnh hưởng đến bạn đọc trên toàn thế giới. Trong một bài phỏng vấn năm 2001 trên tờ The Guardian, một lần nữa Abdulrazak Gurnah nhấn mạnh mối quan tâm lớn của ông tới các vấn đề tị nạn, hi vọng về vùng đất mới và những xung đột sắc tộc văn hóa: “The debate over asylum is twinned with a paranoid narrative of race, disguised and smuggled in as euphemisms about foreign lands and cultural integrity”.

Một trong những vấn đề đau đáu trong sự nghiệp của Abdulrazak Gurnah chính là việc sử dụng ngôn ngữ. Mặc dù là một giảng viên/trưởng khoa Tiếng Anh, một nhà văn dùng tiếng Anh để sáng tác, nhưng cội nguồn tiếng Swahili (đây là ngôn ngữ chính thức của 4 quốc gia: Tanzania, Kenya, Uganda và Cộng hòa dân chủ Công-gô) của quê hương luôn thường trực trong tiềm thức của ông. Gurnah thường sử dụng các từ và cụm từ tiếng Swahili trong tác phẩm của mình. Chính những âm thanh của tiếng Swahili được đánh dấu trong các tác phẩm của Gurnah đã có tác động mạnh đến bạn đọc ở quê hương ông. Cảm thức về ngôn ngữ bản địa được xem là tiếng nói phản kháng chiến tranh đồng hóa của thực dân phương Tây trong văn chương của Abdulrazak Gurnah.

C.Đ.K  
(TCSH393/11-2021)

-------------------------------
1. Bruce King là nhà phê bình văn học người Mỹ sống ở Paris, đã giảng dạy tại các trường đại học ở Anh, Scotland, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nigeria, New Zealand và Israel. Ông còn là một nhà biên kịch, nhà soạn nhạc viết trên nhiều thể loại như: jazz, châu Phi và Caribe.  


Tài liệu tham khảo:

1. Press release, The Nobel Prize in Literature 2021, https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2021/press-release, ngày truy cập 7/10/2021.
2. Hand, Felicity (2012). “Becoming Foreign: Tropes of Migrant Identity in Three Novels by Abdulrazak Gurnah”. In Sell, Jonathan P. A. (ed.). metaphor and Diaspora in Contemporary Writing. Palgrave Macmillan. pp. 39 - 58.
3. King, Bruce (2006). “Abdulrazak Gurnah and Hanif Kureishi: Failed Revolutions”. In Acheson, James; Ross, Sarah C.E. (eds.). The Contemporary British Novel Since 1980. New York: Palgrave Macmillan. pp. 85 - 94.
4. https://www.nytimes.com/2021/10/07/books/abdulrazak-gurnah-books.html.
5. Samir Jeraj. Abdulrazak Gurnah on Afterlives and Colonial Hypocrisy. https://www.thelondonmagazine.org/essay-abdulrazak-gurnah-on-afterlives-and-colonial-hypocrisy/. Jan 20, 2021.  



 

 

Các bài mới
Về nhà (08/12/2021)
Các bài đã đăng
Chân ái (03/12/2021)
Ngày mồ côi… (20/11/2021)