Tạp chí Sông Hương - Số 52 (T.11&12-1992)
Ý kiến nhỏ về Cần Vương
14:42 | 14/03/2022

NGUYỄN TÚ

Nhân đọc bài "Sứ mệnh kẻ sĩ trước nghĩa Cần Vương'' đăng trong Tạp chí Sông Hương số 4, tháng bảy - tám 92, tôi xin có một ý kiến nhỏ gọi là góp phần tìm hiểu.

Ý kiến nhỏ về Cần Vương

Như tác giả Lê Quang Thái đã trích dẫn thì hiện còn nhiều nhà viết sử chưa thống nhất với nhau về thời gian lịch sử của phong trào Cần Vương: người thì "tính đại khái nghĩa văn thân bốn mươi ba tháng; người thì nói "từ khi Gia Định thất thủ" v.v...và V.V....(1)

Theo ý riêng của chúng tôi thì:

1. Kể từ tiếng súng xâm lược của Pháp nổ ra ở cửa Đà Nẵng (1858) đến khi Kinh thành Huế thất thủ (5-7-1885), và sau đó, vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, trải mấy triều vua, đây là lần đầu tiên triều đình Nhà Nguyễn chính thức đứng lên chống Pháp. Chiếu Cần Vương của Hàm Nghi là tiếng nói của một Nhà nước công khai chống xâm lược, tỏ rõ thái độ dứt khoát và trách nhiệm trước toàn dân. Do đó, khi Chiếu Cần Vương ban bố ra khắp toàn quốc, nó liền được nhân dân hưởng ứng, trước hết là tầng lớp trí thức, - kẻ sĩ - những thân hào, thân sĩ, văn nho, khoa bảng hưởng ứng; họ mang danh hiệu "giúp Vua" vận động nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước!

Cái xóm Thác Đài huyện Tuyên Hóa, chỗ vua Hàm Nghi đóng quân, tuy là một nơi rừng rú hẻo lánh, vẫn là "Kinh đô Cần Vương" của thời đó! Nguyễn Phạm Tuân, tri phủ Đức Thọ, nghe tin kinh đô lọt vào tay giặc, nhà vua xuất bôn, treo ấn từ quan quyết đi tìm vua, được nhà vua cử làm chủ sự Cần Vương, trông coi công việc "giúp vua cứu nước" trên toàn cõi Việt Nam.

Phong trào Cần Vương ngày càng phát triển mạnh, rộng, trong toàn quốc là do nó mang tính chất Nhà Nước kháng chiến, nó có danh chính ngôn thuận, nó là trào lưu chính nghĩa của một ông vua đại diện cho ý chí bất khuất của dân tộc, và, cũng qua đó mà những kẻ sĩ lãnh đạo các địa phương chống giặc cũng mang đậm khí thế, tiết "nghĩa Cần Vương", quên mình vì nước, hy sinh vì dân, như tác giả Lê Quang Thái đã nêu lên trong bài viết của mình.

Đó là một phong trào tự giác khác với những cuộc nổi dậy tự phát trước đó.

Vậy thì, vấn đề Cần Vương chỉ có thể xảy ra khi có lời kêu gọi của chính ông vua đó, của chính Nhà nước đó, triều đình đó yêu cầu nhân dân giúp vua cứu nước.

Giả thiết rằng, vua Hàm Nghi cũng không dám đánh lại Pháp để bảo vệ Tổ quốc độc lập như vua Tự Đức hoặc chịu đầu hàng Pháp như vua Đồng Khánh sau đó, thì lịch sử chống Pháp xâm lược Việt Nam chẳng bao giờ có chiếu Cần Vương, và, dĩ nhiên, cũng chẳng có phong trào Cần Vương có tổ chức, có lãnh đạo từ trung ương xuống, mặc dầu tổ chức ấy chưa thành hệ thống, lãnh đạo ấy không thành công.

Trước Hàm Nghi, không có ông vua nào ra chiếu kêu gọi "trung thần nghĩa sĩ toàn quốc, nghĩa dân hảo hán bốn phương (...) hãy mau mau cùng nhau đứng dậy phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu nước... (2)

Thiết nghĩ, đứng về mặt nhà nước mà nói, chiếu Cần Vương này không khác gì Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Cho nên, chúng tôi cho rằng, phong trào Cần Vương nên tính từ khi có chiếu Cần Vương trở về sau, cũng như ngày nay, chúng ta tính toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp phản động cũng tính từ khi Hồ Chủ tịch "phát động" chiến tranh vệ quốc (tháng 12-1946) mà không tính từ ngày 23-9-1945, giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ.

2. Theo tác giả Lê Quang Thái trích dẫn của giáo sư Phan Quang đặt mốc thời gian Cần Vương "tính từ Gia Định thất thủ, nhiều kẻ thân hào trong sáu tỉnh Đồng Nai hiệu triệu quần chúng giúp của để chống đánh kẻ xâm lăng..." thì tôi nghĩ rằng không thể gọi đây là phong trào Cần Vương nếu chúng ta đều đồng ý rằng Cần Vương là tiếng gọi giúp vua cứu nước. Vì sao thế? Xin thưa, vì, suốt trong thời gian Pháp xâm lược ta, kể cả khi mất Nam Bộ rồi lần lượt mất Bắc Bộ, đến mất kinh đô, các đời vua từ Tự Đức đến Dục Đức, Kiến Phước, Hiệp Hòa, không có ông vua nào dám ra mặt đánh Pháp. Đặc biệt là đời vua Tự Đức thì không dám đánh giặc, sợ đánh giặc thì mất ngai vàng. Bản thân Tự Đức đã không kêu gọi ai giúp mà còn chống lại việc nhân dân đứng dậy chống Pháp. Những cuộc nổi dậy của thân hào, quan lại, nhân dân cùng nhau chống Pháp ở Nam kỳ sau khi Gia Định thất thủ là những cuộc nổi dậy tự phát do nỗi đau mất nước, do lòng căm thù giặc chứ không do yêu cầu của vua kêu gọi, mặc dầu giúp vua cứu nước cũng là yêu nước, căm thù giặc sinh ra. Do đó, vấn đề Cần Vương trong giai đoạn vua Tự Đức chưa được đặt ra như một sự kiện lịch sử.

3. Trong khi dẫn Từ Nguyên về ngữ nghĩa "Cần Vương" là giúp vua tác giả Lê Quang Thái còn viện thêm Pháp ngữ, Cần Vương nghĩa là: "Servir le pays à travers le roi" mang định nghĩa: "Phục vụ xứ sở thông qua nhà vua", nó nghiêng về phía người hưởng ứng, người phục vụ, nó tự giới hạn trong phạm vi "nghĩa Cần Vương” mà tác giả nêu lên ở đầu bài.

Ngược lại, chúng tôi muốn bàn với tác giả Lê Quang Thái mở rộng vấn đề Cần Vương ra phía người chủ đạo, phía người xuống chiếu, người kêu gọi Cần Vương thì mới có thể dứt điểm về mốc thời gian lịch sử của phong trào Cần Vương.

Như vậy, theo hướng mở rộng của chúng tôi đề nghị trên đây, thì, câu Pháp ngữ: "Servir le pays à travers le roi" sẽ trở thành: “Servir le pays à l’appel du roi” (phục vụ xứ sở theo lời kêu gọi của nhà vua) mới sát đúng ý niệm và thời điểm Cần Vương trong bối cảnh lịch sử khi vua Hàm Nghi xuống chiếu kêu gọi toàn dân giúp vua cứu nước.

N.T
(TCSH52/11&12-1992)

-------------------
(1) (2) Trích trong bài đã dẫn.

 

Các bài mới
Lưỡi dao (13/05/2022)
Các bài đã đăng