Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-22)
Danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ
15:07 | 05/04/2022

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Danh xưng Thuận Hóa có từ năm 1307 khi vua Trần Anh Tông đổi hai châu Ô, châu Rí thành châu Thuận, châu Hóa và sai Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên hai châu này.

Danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ
Mộ của Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại ở Xuân Hòa

Còn danh xưng Quảng Nam có từ năm 1471 sau đại thắng của Đại Việt, do vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh Trà Toàn. Hai đơn vị hành chánh Thuận Hóa, Quảng Nam có khi gọi là châu, thừa tuyên, trấn, xứ, đạo và vùng đất Quảng Nam luôn mở rộng hay thu hẹp suốt trăm năm là do vua chúa kinh dinh và sắp đặt. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, kéo dài 200 năm, hai xứ này luôn là một phần của Đại Việt. Dẫu thời Lê - Mạc, các hoàng đế họ Lê ở Thăng Long chỉ còn hư vị nhưng các ngài vẫn là biểu tượng cho ý chí thống nhất giang sơn của dân Việt. Từ khi chống mệnh, các ngài luôn dày vò tìm kiếm danh xưng cho Đàng Trong sao cho “chính danh” để thu phục nhân tâm. Danh xưng cho Đàng Trong phải thuận lòng dân vì ý dân là ý trời; luôn tỏ rõ ý chí thống nhất giang sơn, nên nhiều anh tài từ Bắc chí Nam đã vượt núi, sông, biển đến phò các chúa. Các ngài luôn đưa vào danh xưng cụm từ Thuận Hóa Quảng Nam với nội hàm Đàng Trong mãi là một bộ phận của Đại Việt. Gần đây, trong cuộc tìm kiếm nơi nguyên táng của vua Quang Trung đã xảy ra tranh luận quanh danh xưng của Đàng Trong. Chúng tôi đề cập danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ, gọi tắt Thuận Quảng đẳng xứ qua bài viết này, dưới góc độ địa lý học lịch sử..

1. Giai đoạn chưa xuất hiện… đẳng xứ (trước năm 1648)

Từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã lệnh tiến hành lập bản đồ Đại Việt; công cuộc đang tiến hành thì do vua Trà Toàn của Chiêm Thành ngông ngạo, ton hót triều Minh, vu vạ và cướp phá Đại Việt nên nhà vua quyết định thân chinh đánh phá Chiêm Thành năm 1470, mở mang bờ cõi đến núi Đá Bia (Phú Yên). Đại Việt trước 1471 chỉ có 12 đạo thừa tuyên thì nay có thêm thừa tuyên Quảng Nam nữa. Đến năm 1490, khi vua Lê Thánh Tông cho xác định bản đồ toàn quốc Đại Việt, các thừa tuyên được gọi là xứ thừa tuyên, gọi tắt là xứ như xứ Thuận Hóa, xứ Quảng Nam. Sử chép: “Canh Tuất, [Hồng Đức] năm thứ 21 [1490]… Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 4, xác định bản đồ toàn quốc: 13 xứ thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường…” ([1], tr. 507). Khảo cứu thời vua Lê Thánh Tông đã có “xứ” nhưng sử quan chưa dùng “nhị xứ”, “lưỡng xứ”, “đẳng xứ” vì không có một sự kiện gì chung cho Thuận Hóa, Quảng Nam. Rà soát Đại Việt sử ký toàn thư từ năm 1471 đến năm 1495, thời vua Lê Thánh Tông trị vì Đại Việt chỉ có một sự kiện hai xứ này có quan hệ: “Ất Tỵ, [Hồng Đức] năm thứ 16 [1485],… Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 10, định lệnh nộp thuế của xứ Quảng Nam. Trước đó, xứ Quảng Nam không có thuyền, hằng năm quân dân khiêng gánh thường bị mất mát. Kể từ nay, mỗi khi đến kỳ nộp thuế, cho Thừa ty Quảng Nam chuyển giao thuế hiện vật cho ba ty Đô, Thừa, Hiến Thuận Hóa để sai người chuyển đệ nộp lên” ([1], tập II, tr. 494).

Trải qua các triều vua Lê, từ 1490 đến 1527 và thời Lê-Mạc thì Thuận Hóa, Quảng Nam vẫn còn là các xứ. Hai xứ này gộp chung, do một người thống suất khi Thượng tướng Trịnh Kiểm dâng biểu cử Nguyễn Hoàng kiêm luôn xứ Quảng Nam. Sử chép: “Canh Ngọ, [Chính Trị] năm thứ 13 [1570]… Tháng giêng, Thượng tướng dâng biểu tâu vua cho Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, thống suất binh tượng, thuyền bè, và trấn phủ dân địa phương để cõi phiên trấn được vững mạnh…] ([1], tập III, trang 139).

Khi Nguyễn Phúc Nguyên kế thống, vẫn giữ chức “Trấn phủ kiêm hai xứ Thuận Quảng”, chưa xuất hiện “…đẳng xứ”. Sử chép: “Ất Sửu [Vĩnh Tộ] năm thứ 7 [1627]… Tháng 12… Viên trấn phủ kiêm hai xứ Thuận Quảng là Nguyễn Phúc Nguyên nghe mưu của Đào Duy Từ, từ năm này không nộp cống phủ và đắp lũy ở bờ Nam cửa bể Nhật Lệ để tự thủ…” ([1], tập III, tr. 329].

Hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam trở thành một “đơn vị hành chánh” được tổ chức với những lệ luật thống nhất từ 1570 cho đến khi Nguyễn Hoàng qua đời [1613]. Các sử gia vẫn sử dụng từ “hai xứ Thuận Quảng” khi chép: “Quý Sửu [Hoằng Định] năm thứ 14 [1613]…. Tháng 6, Nguyễn Hoàng kiêm trấn phủ 2 xứ Thuận Quảng…” ([1] tập III, tr. 316). Cụm từ “hai xứ Thuận Quảng” được các sử gia lập lại khi chép: “Ất Sửu [Vĩnh Tộ] năm thứ 7 [1625]… Tháng 12… Viên trấn phủ kiêm hai xứ Thuận Quảng là Nguyễn Phúc Nguyên nghe mưu của Đào Duy Từ, từ năm này không nộp cống phú và đắp lũy ở bờ nam cửa bể Nhật Lệ để tự thủ…” ([1], tập III, tr. 329).

2. Giai đoạn xuất hiện… đẳng xứ (sau năm 1648)

Khi Công Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan qua đời, thuộc hạ tôn thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa và Hiền Vương đã dâng tôn thụy có dùng cụm từ Thuận Quảng đẳng xứ. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Mậu Tí, năm thứ 13 [1648]… Ngày Tân Mão, về tới phá Tam Giang, băng ở thuyền ngự. Ở ngôi 13 năm, thọ 48 tuổi. Thế tử khóc bảo chưởng cơ Tôn Thất Trung rằng: “Nay cha tôi về chầu trời, con không thể gánh vác việc lớn được, xin chú nối ngôi cho yên nước nhà”. Trung cố từ chối, nói: “Cha con truyền nhau là đạo thường xưa nay. Thế tử nên vâng nối đại thống cho thuận ý trời và lòng người”. Bấy giờ thế tử mới lên ngôi, đem bầy tôi dâng tôn thụy là Đại nguyên soái thống suất Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ chưởng quốc chính Uy Đoán Thần Vũ Nhân Chiêu Vương. An táng ở núi An Bằng”([3], tr.59). Như thế “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ” bắt đầu xuất hiện năm 1648, trong tên thụy của chúa Nguyễn Phúc Lan.

Trải qua thời kỳ trị vì Đàng Trong của các chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu, phía Nam của Đàng Trong đất đai được khẩn hoang đến tận biên giới Chân Lạp. Việc nội trị, võ bị, giáo dục được củng cố và phát triển tốt. Đàng Ngoài tuy có vua Lê nhưng quyền bính ở trong tay chúa Trịnh. Chúa Nguyễn Phúc Chu muốn tách riêng Đàng Trong thành một nước độc lập. Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Hoàng Thần và Hưng Triệt mang quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa cầu phong nhà Thanh nhưng việc cầu phong không có kết quả. Chúa Nguyễn Phúc Chu giao hiếu với Lưỡng Quảng rất “mặn mà”. Phủ biên tạp lục chép: “Năm Ung Chính thứ 2, Giáp Thìn, tháng 5, Tộ Quốc công lại có thư gởi lễ đến cho tuần phủ Quảng Đông rằng: “An Nam đẳng xứ Tiết chế thái phó Tộ Quốc công Nguyễn Phúc Chu bái thư gởi Thiên triều Quảng Đông tuần phủ…” ([2], tr 282). Khi quan tổng đốc Lưỡng Quảng họ Dương qua đời, chúa Nguyễn Phúc Chu có gửi thư điếu tế quan tổng đốc; trong thư có danh xưng Đàng Trong: “An Nam Thuận hóa đẳng xứ Tiết chế thái phó Tộ quốc công Nguyễn Phúc Chu kính dâng…” ([2], tr.283).

Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, trong thư ngoại giao chúa đã định hình danh xưng vương quốc Đàng Trong là Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ. Phủ biên tạp lục chép: “Thời Hiểu quốc công xưng vương hiệu, người Phúc Kiến là bọn Lý Văn Quang làm loạn ở Gia Định, bắt được đầu sỏ và đồ đảng đưa về nội địa Trung Quốc, công văn gởi cho quan tổng đốc rằng: “An Nam quốc Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ tư mục Nguyễn Bất nịnh bái thư gởi Thiên triều Mân Chiết tổng đốc…” ([2], tr. 284).

Năm 1765 Võ vương Nguyễn Phúc Khoát qua đời, Nguyễn Phúc Thuần kế thống vẫn dùng danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ cho Đàng Trong, kéo dài đến những ngày cuối cùng của vương quốc. Năm Giáp Ngọ [1774], tháng 10, quân Lê Trịnh do thượng tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh, truyền hịch cho hai xứ Thuận Quảng. Phủ biên tạp lục chép: “Năm ấy, tháng 11, Nguyễn Phúc Thuần tiến dâng đồ phương vật, có biểu văn như sau: “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ biên thần Phúc Thuần cẩn tấu hoàng thượng vạn vạn tuế...,” Lời khải rằng: “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ biên thần Nguyễn Phúc Thuần cẩn khải…” …Lại thư trả lời Việp công rằng: “Thuận Quảng đẳng xứ thiểm quốc thích Nguyễn Phúc Thuần kính trình…” ([2], tr. 311).

3. Danh xưng Đàng Trong trên bia thật

Danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ, chỉ Đàng Trong thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, được tìm thấy trên bia mộ của ngài khai canh làng Xuân Hòa. Bia dựng năm 1921, ở chính giữa có khắc dòng chữ Hán:

本 土 户 部 兼 兵 部 尙 書 行 下
順 化 廣 南 等 處 黎 貴 公 之 墓

“BỔN THỔ HỘ BỘ THƯỢNG THƯ KIÊM BINH BỘ HÀNH HẠ
THUẬN HÓA QUẢNG NAM ĐẲNG XỨ LÊ QUÝ CÔNG CHI MỘ” .

Bia ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ có danh xưng “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ”

Sau một thời gian đi điền dã, tìm các họ Lê, thuộc danh gia vọng tộc ở Huế, chúng tôi phát hiện họ Lê của làng Xuân Hòa, gần chùa Thiên Mụ, có ông tổ của họ từng giữ chức Hộ Bộ kiêm Binh Bộ. Chúng tôi rà soát Đại Nam thực lục tiền biên thì chỉ có 5 vị từng giữ chức Hộ Bộ kiêm Binh Bộ thời chúa Nguyễn: Trần Đình Hy, Nguyễn Thừa Tự, Lê Quang Đại (thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát), Lê Xuân Huyên (thời Định vương Nguyễn Phúc Thuần) và Phạm Ngọc Uẩn (thời Gia Long). Xin trích một đoạn trong Đại Nam Nhất Thống Chí: Lê Quang Đại: Người huyện Phú Vang, vì là người có văn học, đầu bổ Văn Chức viện, năm thứ 10 đời Túc Tông, thăng cai bạ Quảng Nam, ít lâu triệu về, thăng cai bạ phó đoán sự ở Chính Dinh, năm thứ 6 Thế Tông xưng vương, Đại được thăng Hộ Bộ kiêm Binh Bộ. Chết tặng Chính Trị Thượng Khanh”. Như thế đọc và hiểu dòng văn bia trên: “Mộ của ngài họ Lê, người làng, chức Hộ Bộ kiêm Binh Bộ thượng thư, làm việc ở [vương quốc] Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ”.

Một khó khăn cho chúng tôi là ở làng Xuân Hòa ngày xưa từng xảy ra sự tranh kiện họ Lê hay họ Nguyễn là khai canh của làng? Theo sự điều tra của chúng tôi thì miếu Khai canh làng Xuân Hòa xưa kia ở vào một vị trí khác. Miếu hiện nay là do họ Lê làng Xuân Hòa cúng cho làng dựng miếu khai canh. Phần đất hương hỏa họ Lê, do cụ Lê Quang Chiêm, hậu duệ của ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ, đang ở, là phần còn lại sau khi đã cắt một phần cúng cho làng dựng miếu khai canh, trong đó có mộ phần của ông tổ Hộ Bộ kiêm Binh Bộ. Khi soạn lại gia phả, bộ phả Lê đại tôn tộc phả hiện nay đang thờ ở nhà thờ họ Lê, thì cụ Lê Hy Đỗ, từng đỗ Phó bảng, làm việc ở viện Cơ Mật triều Nguyễn, dựa vào một đoạn ghi chép về Lê Văn trong “Ô châu cận lục” và cho rằng ông tổ mình là người Hà Khê, tiền thân của làng Xuân Hòa, bạn vua Lê Thánh Tông. Đoạn chép về ông Lê Văn:

“Lê Văn:

Ông người Hà Khê, huyện Kim Trà, khi Lê Thánh Tông chưa làm vua, ông là bạn đồng học. Một hôm Thánh Tông phê đùa vào quyển thi của ông một dòng chữ như sau: “Định hôm nay cất Lê Văn làm Thượng Thư”. Văn đem quyển vở ấy về cất đi.

Khi Ngài lên làm vua, ông đem quyển ấy dâng lên, liền được cử làm chức ấy.”

Con cháu họ Lê Xuân Hòa nói riêng và một phần dân làng Xuân Hòa đã thống nhất dựng bia ngài khai canh vào năm Khải Định lục niên (1921). Họ đã thêm vào Hộ Bộ kiêm Binh Bộ từ thượng thư, với hàm ý ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ là Lê Văn thượng thư thời Lê Thánh Tông. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát chưa dùng Hộ Bộ kiêm Binh Bộ thượng thư. Tra cứu Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thời Quang Thuận, Hồng Đức không có vị thượng thư nào là thượng thư Bộ Hộ kiêm luôn Bộ Binh. Như vậy ông Lê Văn được hàm thượng thư chứ không từng giữ chức thượng thư kiêm hai bộ quan trọng thời vua Lê Thánh Tông. Hơn nữa, về mặt văn bản học, danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ được khắc trên bia mộ nói trên là danh xưng chỉ Đàng Trong, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và chúa Nguyễn Phúc Thuần, không có vào thời Lê Thánh Tông. Lại thêm không ai khắc lên dòng giữa bia nơi đi công tác của một vị thượng thư kiêm hai bộ vào thời thịnh trị như thời Lê Thánh Tông. Một vị thượng thư thời Lê Thánh Tông, làm việc ở kinh đô Thăng Long, lại hành hạ ở Thuận Hóa Quảng Nam và được khắc vào dòng chính của bia mộ thì quá vô lý, trừ khi viết bài minh. Do đó có nhà nghiên cứu Hán Nôm ở Huế, trong một hội thảo khoa học, đọc và hiểu dòng văn bia trên: “Mộ ngài họ Lê, người làng, chức Thượng thư Hộ Bộ kiêm Binh Bộ, xuống làm việc ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam” [theo lệnh vua Lê Thánh Tông?]

4. Danh xưng Đàng Trong trên bia giả

Do sự nhầm lẫn nêu trên, ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại trở thành người có mộ bị thất lạc!

Thay lời kết

Chọn một danh xưng cho “vương quốc” Đàng Trong sao cho “danh chính ngôn thuận” là một việc mà các chúa và bề tôi có khi trái ý nhau. Sau khi xưng vương khoảng 16 năm với danh xưng của vương quốc Đàng Trong là “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ”, khoảng năm 1751, nhân có sự kiện ngoại giao với triều Thanh, Võ vương sai Nguyễn Quang Tiền thảo thư; xưng vương quốc Đàng Trong là An Nam quốc, bỏ “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ”. Như các văn thư ngoại giao với các nước mà Đàng Trong coi là nhỏ như Xiêm, Chân Lạp,… Nguyễn Quang Tiền là quan Hàn lâm, tước Thạc Đức hầu không chịu thảo nên bị cách chức về làng 15 năm. Phủ Biên tạp lục chép: “Hai xứ Thuận Quảng thuyền bè nước Bắc giao thông, thời trước có công văn đưa trả người và tra bắt giặc biển, thường xưng là “An Nam quốc Thuận-Quảng đạo tiết chế thái phó quốc công Nguyễn, kính trình với mỗ quan của Thiên triều”. Đến thời Hiểu quốc công xưng vương hiệu, chợt có văn thư cần đáp lại, muốn xưng là An Nam quốc vương, Quang Tiền cho là không được, nói rằng hoàng đế ở Kinh do Thiên triều sách phong, làm vương tước, xứ này nguyên là phiên thần, còn phải vâng theo chính sóc, nay xưng là quốc vương, nếu bị Trung quốc hỏi vặn thì trả lời thế nào, kiên trì không chịu thảo. Quang Tiền bị đuổi về làng 15 năm. Nhưng công văn cuối cùng vẫn dùng chức cai bạ trấn thủ để trả lời. Đến khi Nguyễn Phúc Thuần kế lập mới phục chu Quang Tiền chức cũ.” ([2], tr. 261]). Họ Nguyễn Đàng Trong dẫu xưng vương nhưng có tính cách nội bộ, vẫn tuân chính sóc của vua Lê (chỉ hư vị) là có tính chiến lược. Khi thất thế, Định vương Nguyễn Phúc Thuần vẫn xưng “Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ biên thần Phúc Thuần cẩn tấu hoàng thượng vạn vạn tuế...”. Với danh nghĩa ấy, những “đồ đồng” họ Nguyễn từng đúc như 10 cái vạc thời Phúc Tần, chuông chùa Thiên Mụ,… không bị quân Lê Trịnh nấu chảy để đúc tiền; dẫu có người dâng thơ có câu: “Tân hình nhược chú Thương vương tệ/ Cựu khí ưng tiêu Nguyễn thị đồng” (Tiền Thương khuôn mới chì đem đúc/ Đồng Nguyễn đồ xưa phải phá tung)”.

Mặt trước và mặt sau của bia phụng lập, khác bia thờ chủ nhân, ở lăng Ba Vành, có danh xưng Đàng Trong (được khắc và băm nát). Lăng Ba Vành có hai bia

Ngoài ra, nhờ danh xưng trên bia mộ ở miếu khai canh làng Xuân Hòa, giúp chúng tôi tìm ra manh mối của “vụ án lịch sử” trong đó người đã lập hồ sơ giả để đưa ngài Lê Quang Đại làm chủ nhân của lăng Ba Vành. Tính đến nay, lăng Ba Vành chưa có chủ nhân. Đến nay nơi nguyên táng của vua Quang Trung vẫn chưa tìm được, trong khi lăng Ba Vành hội đủ yếu tố của một lăng vua bị quất phá, bị trị tội, bị trấn yểm và bị người đời sau che giấu. Thế thì việc thao tác khảo cổ học ở lăng Ba Vành không thể bỏ qua đối với giới nghiên cứu và các cơ quan hữu trách!

Huế, tháng Giêng, Nhâm Dần
T.V.Đ
(TCSH44SDB/03-2022)

-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1]: Viện KHXH Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, Hà Nội 1992.
[2]: Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH, Hà Nội 1977.
[3]: Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện sử học, Đại Nam thực lục tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2006.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng