Tạp chí Sông Hương - Số 397 (T.03-22)
Khúc
08:06 | 19/04/2022

CÁT LÂM

1.
Cảm giác thức giấc phải đối mặt với lo sợ hoặc buồn phiền thật là khó chịu. Giấc mơ đêm qua không nhớ nổi mình mơ gì.

Khúc
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Trong đầu lởn vởn, lẫn lộn giữa thực và mơ. Thế mà cái cảm giác ấy đã đeo đuổi tôi cả tuần nay. Nó khó chịu, nó day dứt. Cảm giác lười cả trong ý nghĩ. Cảm giác sức lực không còn. Cảm giác ê ẩm mình mẩy. Cảm giác nghẹn ngào ứ đọng nơi cổ họng. Cảm giác có tiếng khóc thảm thiết của ai đó bên tai. Cảm giác, vô vàn cảm giác tôi phải đối diện mỗi lần tỉnh giấc. Cứ thế. Mệt mỏi. Tôi lại nằm dài ra giường. Cứ nằm đấy và nhìn xoáy sâu vào con nhện đang làm tổ nơi góc màn.

Xin cho tôi gọi người đàn ông ấy là bố khi còn vắng mặt. Bởi trước sự hiện diện và thần sắc, bởi sự lặng im, lạnh lùng, bởi thứ cảm giác mơ hồ không rõ đang gần hay xa của ông đã làm thui chột bản lĩnh thể hiện tình cảm của đứa con riêng là tôi mà ngay cả chính ông cũng ngỡ ngàng và bất ngờ.

Bóng dáng ông cứ hiện lên trong đầu tôi rõ rệt. Khuôn mặt hao gầy, ngăm ngăm đen có một vết chàm rộng nơi góc má trái. U buồn. Mệt mỏi có phần chịu đựng. Vẻ ít nói, vẻ lạnh nhạt lúc nào cũng thế. Khuôn mặt u ám tôi chỉ dám nhìn nghiêng. Ông hơi gầy, hơi gù, dấu vết của tuổi thơ không bằng phẳng. Dấu vết của tuổi thơ gánh gồng một mình chuyện mưu sinh. Người đàn ông, tôi thèm khát và muốn gọi là bố, tôi muốn được lặp đi lặp lại nhiều hơn trong một ngày với không khí thoải mái, tự nhiên. Mặc dù ông với tôi không cùng huyết thống. Người đàn ông cho tôi bài học biết cách tự vệ hơn là làm lá chắn. Ông cho tôi biết một ơn huệ nhiều hơn sự hận thù giận dỗi từ mẹ mang lại. Người đàn ông có cặp mắt giấu kín trong mái bờm dài lờm xờm chẳng bao giờ vén lên và lúc nào cũng như ẩm ướt. Mỗi lần tôi đối diện với ông mà như tôi và ông đang đứng hai bên bờ của dòng sông không có một cây cầu nào bắc qua. Khuôn mặt tai tái ẩn chứa nhiều u buồn. Người đàn ông trấn áp sự ngỗ ngược, phá phách của tôi bằng những bài học không lời, bằng dáng ngồi bên chén rượu khuya. Chỉ cần thế thôi tôi như cây nến gặp phải lửa, tan chảy và nguội ngắt.

Căn nhà trước đó với tôi lúc nào cũng như bé nhỏ mỗi lần ông ở nhà, chẳng biết trốn vào đâu nay trở lên mênh mông.

Mưa. Mưa nhiều. Nước mưa lênh láng chảy lên tận cửa nhà. Cánh cửa tôi đã cố tình không khép để sẵn sàng chờ bố về bất cứ lúc nào với rất nhiều chuẩn bị và dự định. Ông cần một phích nước nóng nếu như trở về mà trời vẫn mưa để rửa mặt, hay ăn một gói mì tôm cho đỡ đói hay một bát cháo tía tô khi bị cảm lạnh. Ông cần một bộ quần áo thoải mái để thay chắc chắn người ông ướt hết. Vượt qua được những điều ấy tôi hứa sẽ cầm kéo cắt cho ông mái tóc khi ông đang ngủ và cắt móng tay cho ông thật nhẹ nhàng.

Biển vỗ mạnh. Sóng tựa hò reo. Đau thương như chưa bao giờ có. Chỉ găm lại lòng người như một vết đinh ba. Thôi không nhắc đến cơn bão nữa. Nên quên đi cô công chúa sang trọng, khó tính và xa xôi. Càng quên thì càng nhớ, cái cảm giác không sao tả nổi, có gì đó bứt dứt trong lòng, đứng ngồi không yên.

Trước đó, trong nhà bỗng xuất hiện hai con bướm ma rất to đậu trên ban thờ. Đuổi mấy cũng không đi. Đêm nào chim lợn cũng kêu váng tai không ngủ nổi. Âm thanh u u, rùng rợn váng vất bên tai đến khổ sở. Người ta bảo nghe thấy con đó kêu là điềm chẳng lành. Nó chỉ kêu ở nơi nào nó ngửi thấy mùi máu và xác chết.

Sáng đó, ông lại đi, đi như mọi lần. Tôi muốn gọi để giữ ông ở nhà, tôi muốn kéo ông ở lại nhưng rồi ông đóng sầm cánh cửa buồng lại, chốt khóa và đi. Căn buồng như lãnh địa cấm, chưa bao giờ tôi được bước chân vào.

Cánh cửa bằng hai tấm phản vênh, ghép bản lề, đóng lại chẳng bao giờ khít. Khóa cửa cũng không có gì đặc biệt. Nó đã cũ và rỉ vàng. Cũng không khó để tìm đáp án bên trong. Đã có lần tò mò muốn xem trong đó có gì. Nhưng nghĩ đến ánh mắt của ông, sắc mặt của ông, sự trừng phạt của ông khiến tôi không đủ dũng cảm làm điều ấy. Ông sẽ quắc mắt nhìn tôi đằng sau mái tóc rậm. Và im lặng. Tôi thấy mình như kiến đen gặp nước. Trôi nổi. Mông mênh. Hoang mang. Và tôi đã không dám vượt qua sự sợ hãi. Không đủ dũng cảm.

Tôi tự hỏi cuối cùng thì ông nghĩ gì về mẹ tôi. Tại sao ông cứ như đợi chờ và không cho mình lấy cơ hội thoải mái? Yêu thương còn nhiều trong giận hờn lòng ông còn đau đớn và day dứt. Tôi biết những câu hỏi ấy quá ngây ngô và dại dột. Tôi biết thừa sự có mặt của mình là mấu chốt để đẩy họ xa nhau. Nhưng sự có mặt của tôi đâu có quyết định sự thủy chung của mẹ? Tôi không biết, tôi không muốn trả lời cũng từ khi mẹ bỏ về hướng biển đi theo người đàn ông Đài Loan trong buổi sớm lành lạnh sương muối dày đặc. Bước ba bước chân muốn níu lại, tóm lại là sương giăng.

Ông đã chạy theo để đi tìm nhưng mẹ tôi và vạn vật khác chìm vào sương buông. Ông đã vẫy vùng với biển như đòi mẹ. Như biển đã có lỗi lầm khi để mẹ đi. Ông lặn ngụp với biển, nhiều lần đòi vượt biển để đi tìm nhưng biển lại đẩy về. Và ông như kẻ thất bại.

2.

Trước mắt tôi là vạn vật mờ ảo biết uốn mình.

Nhiều lần, tôi đã khát khao được ông ấy ôm vào lòng. Nhiều lần tôi thèm thuồng tự tay ông vuốt lên mái tóc để được cảm nhận sự ấm áp từ bàn tay. Đôi khi chỉ thế thôi. Vậy mà thành xa xỉ.

Nhiều lần tôi đã nghĩ và chuẩn bị cho mình một đám tang. Ý nghĩ đó cứ quanh quẩn và bám riết lấy tôi. Cảm giác thích thú, mãn nguyện, cảm thấy mọi thứ trong đầu nhẹ nhõm và thoải mái hơn nhiều. Tôi nên chết ở tư thế và cách nào thì tốt? Tốt nhất là chết với nước. Có thể tôi may mắn tìm được mẹ về cho bố. Hay đơn giản là dễ dàng nhìn thấy bố hơn bất kỳ nơi đâu. Biết đâu, bằng cách ấy tôi lại được vào một thế giới khác, một thế giới hồi nhỏ tôi vẫn mụ mị mình.

Những lần bị mẹ bỏ một mình trong căn nhà tối. Không gian u uẩn mà tôi vẫn sợ cho đến tận bây giờ. Có lần tôi đã từng nghĩ, mình sẽ lén đi ra biển, quăng mình xuống đó. Sẽ là cách để mẹ ân hận suốt đời. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để bước ra khỏi cái bóng tối tưởng chừng như mênh mông vậy.

Những lần trước biển, tôi luôn nghĩ, dưới kia còn một thế giới khác cũng như thế giới của con người. Nhưng vui nhộn hơn. Ít hận thù hơn. Một ngày tôi sẽ bị ai đó họ nhà cá, cua chồm lên bắt xuống. Để làm gì ư? Thứ tôi cần nhất lúc này là một sự quan tâm.

Tôi nghĩ đến tôi trong đám tang. Ai sẽ khóc, ai sẽ buồn, ai sẽ tiễn đưa. Nếu ông trở về, tôi chỉ mong ông đặt lên trước di ảnh của tôi một cành hoa sa lem trắng. Đương nhiên không cần nhiều người tiễn đưa, chỉ cần ông là đủ. Tôi cũng không mong mình được chôn cất trang hoàng. Tôi không muốn mình nằm trong chiếc quan tài quá lâu. Tôi muốn mình chơi với lửa và xác mình được thả ra biển. Nếu có thể tôi sẽ tìm mẹ về cho ông.

Nếu tôi chết, những điều ấy tôi có cảm nhận và nhìn thấy được không? Liệu có thế giới nào khác cho tôi tồn tại không. Điều có lý nhất trên cuộc đời này là tôi không nên tồn tại. Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Nó đã phá vỡ đi hy vọng của một người đàn ông. Trở thành gánh nặng của nhiều người khác. Và cả ước mơ một người đàn bà chưa bao giờ hết tham vọng cuộc sống giàu sang.

Con thạch sùng con bám ngược trên tường phát tiếng kêu ran chuyển mình.

Tôi có tới ba chiếc đồng hồ. Đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn và đồng hồ đeo tay. Cùng lúc chúng không thể lên được dây cót. Cùng lúc chúng ngừng chạy. Ý niệm về thời gian dần dần mất đi. Trời cũng không còn nắng. Mưa cũng ngớt dần. Sắc trời chuyển sang màu mực loãng.

Kìa người phụ nữ ấy lại đến sau bốn ngày vắng bóng. Cô ấy đến trong cơn mưa. Cô ấy đến với cái áo màu đen. Mái tóc dài buông xuôi.

Người đàn bà tìm đến bố như một nơi trú ngụ ấm áp, như là muốn trả ơn, như là ân nhân, như là bình yên mà không đòi hỏi kể từ lần cô ấy được bố cứu sống từ biển.

Hôm đó trời mưa rất to. Bố hối hả vác người phụ nữ về. Cả hai đều ướt. Người phụ nữ tím tái, gần như không còn cơ hội sống sót. Tôi đã chạy ra đón và hoảng sợ. Một phản xạ của tôi rất không lịch sự mà tôi không sao khắc phục được. Nhận thấy tử khí là tôi nôn mửa và say sẩm mặt mày, cơ thể như bị thị tháo hết các khớp. Ông đã không cho tôi đến gần. Những điều ấy không thể thắng nổi trí tò mò cũng như sự lo lắng hiển hiện trong lòng. Qua ô cửa sổ tôi thấy dáng hình bố rất bận bịu.

Như là thủy thần đã mang cô ấy đi. Bố đã làm đủ cách. Bố ép bụng cô ấy vào bả vai, vác cô ấy chạy vòng quanh nhà nhưng không ăn thua. Gần như ông cũng bất lực. Mái tóc bù xù đã ướt nhèm mồ hôi. Ông gục đầu mệt mỏi, bất lực, chán trường bên cạnh người phụ nữ đang nằm còng queo ở chiếu dưới nền nhà. Ông đưa tay lật cô ấy nằm ngay ngắn. Đưa tay vén, vuốt mái tóc rồi buồn vương trên khuôn mặt. Khuôn mặt xanh xao nằm đó mà còn ứ đọng nhiều đau khổ.

Còn tôi khóc không thành tiếng sau những cơn nôn ọe đến quặn ruột quặn gan. Đau đớn.

Bố lại tiếp tục vác người đàn bà ấy lên và chạy… Người phụ nữ bắt đầu nôn mửa ra nước. Bắt đầu trong những cơn ho. Cơ thể ấm dần lên.

Suốt một đêm sốt nóng lại đến sốt rét ông ấy đều ở bên và tận tụy. Duy chỉ có việc thay quần áo. Ông lấy chúng từ ngăn tủ của mẹ, đặt lên bàn, quay đi mới bảo tôi vào thay giúp.

3.

Đã ba tháng theo đuổi kể từ ngày đó, cô ấy vẫn nhận được sự lạnh lùng, không chứa chấp phũ phàng của bố. Cô ấy cũng chưa biết mệt mỏi chịu đựng để chinh phục bố. Người phụ nữ thời trang, diện trên mình những thứ tân thời, có vẻ sắc sảo, nét từng trải trên khuôn mặt còn vương vết phấn son nhưng lại dại dột trước bố.

Phải chăng tình yêu như mạng con nhền nhện, như sương giăng hay như không?

Cô ấy cứ theo dịt lấy bố mà chẳng đòi hỏi gì. Tình yêu của cô ấy chỉ đơn giản là đứng nhìn bố ngồi trước biển và nối gót khi trở về rồi lại ngồi một góc rất nhỏ ở cửa chờ đến sáng hôm sau. Đã có lúc tôi chán ngán thay cô ấy, người đàn bà chưa mảy may một chút mệt mỏi.

Cô ấy đến hàng đêm khi ông còn ở nhà. Không đòi hỏi nhiều chỉ một góc hiên, đủ để cô ấy ngồi thu mình trước cửa buồng của bố tránh những đêm mưa. Ngày của cô ấy cứ nhịp nhịp trôi qua.

Không bao giờ bố biết được, bí mật của tôi và cô ấy là bố. Chủ đề giữa tôi và cô ấy là bố. Chúng tôi kể cho nhau những khoảnh khắc, từng thói quen và nhiều thứ khác về bố. Đề tài ấy cứ ngày nối ngày mà cả tôi và cô ấy không bao giờ biết chán.

- Tại sao cô yêu bố cháu? - Tôi hỏi.

- Đôi mắt.

- Cô được nhìn thấy à?

- Thấy rồi, thấy rất nhiều lần. Nó đẹp và rất hiền. Trong đó, những điều ẩn chứa chen chúc nhau thể hiện. Có yêu, có hận, có chịu đựng, có bao dung.  

Còn bảy ngày nữa mới đến rằm, trăng vương mảnh, cũng đã tròn bảy ngày bố không về nhà kể từ cái đêm ông đòi vượt biển ấy. Tôi cố đuổi theo nhưng không kịp. Bóng ông hun hút trong đêm. Rồi con thuyền hứa hẹn chở ông vượt biển cũng bé nhỏ dần trong những con sóng. Rồi biến mất không dấu tích. Đêm đó bão về.

Bão đi qua ngôi làng bé nhỏ, để lại những đổ nát. Làng dặt những tiếng tỉ tê, buồn thảm. Nhiều người đi biển cũng không kịp về và bị bão biển nuốt trọn. Làng không một tiếng nói cười. Họ lần lượt kéo nhau ra biển, mong ngóng vào nơi vô cùng.

Tôi và người đàn bà cũng trong đoàn người ấy.

Ông không có lấy một bức ảnh để thờ nếu điều xấu nhất xảy ra. Người ta bảo phá cánh cửa ấy ra biết đâu lại có. Tôi đã không để họ làm thế. Cô ấy cũng dứt khoát không cho họ đặt ảnh ông lên ban thờ. Hương không được thắp. Cô ấy tin, sức bố dẻo dai, bao nhiêu lần ngâm mình với biển không chết thì không thể chết sớm thế được. Nếu chết nhất định ông vẫn sẽ về.

Cô ấy đã tin như thế, một mực như vậy. Cô ấy cho mình toàn quyền gào hét và quyết định việc đặt ảnh hay không. Người ta đã thua sự gàn dở của cô và bỏ mặc, trong đó có tôi.

Những tia sáng luồn qua mái ngói xuyên dọc xuyên ngang. Ngày xưa mẹ thường dọa tôi đó là mắt cáo. Cáo sẽ cắn rốn đứa nào không chịu ngủ ngoan. Người đàn bà có đôi mắt biết cười và mê mị người khác tài tình. Cặp mắt ấy vương vào lòng bố, vương vào lòng tôi như một dải lụa hồng.

4.

Trăng bàng bạc và lẩn khuất trong mây. Không khí ẩm ướt, lành lạnh còn vương quanh quẩn. Mưa tạnh từ chiều rồi. Từ những vũng nước vắng người qua lại đã trong ánh lên điểm vàng.

Những móng tay của tôi bắt đầu như lão hóa. Những ngón tay như muốn rụng rơi. Từng ngón một gãy đôi. Ban đầu nó xước ra. Vô tình mắc vào sợi màn làm nhăn nhúm, vô tình làm chầy da tôi. Rồi nó gãy đôi. Thế là từ bao giờ, cắn móng tay đem lại cho tôi một khoái cảm mà quên đi vô vàn thứ khác. Tôi đã thấy được sự khác rõ rệt của cơ thể. Cảm giác năm đầu ngón tay còn tồn tại đã biến mất. Tôi từ từ di chuyển để tìm cảm giác nhưng nó không có tác dụng. Rõ ràng nó vẫn còn. Tôi biết chắc điều ấy.

Cô ấy vẫn ngồi đấy. Vị trí ấy. Vẫn tư thế ấy. Cô ấy đã nhìn chăm chăm vào hai cánh cửa đóng kín ấy từ rất lâu. Cặp lông mày chau lại. Hình như còn thở to hơn. Cô ấy có quyền di chuyển hoặc đơn giản nằm tạm xuống bên cạnh tôi, ít nhất cũng đỡ mỏi lưng. Nhưng không. Cô ấy ngồi đó. Vẻ trầm ngâm, suy tư.

Cô co chân chuyển tư thế. Trăng di chuyển về hướng Tây. Cô đặt cằm lên đầu gối. Trong bóng tối cô trở thành một hình khối vô nghĩa.

Dáng cô ấy bắt đầu chập chờn trước mắt tôi. Căn nhà có mặt ông lúc nào cũng như bé nhỏ. Có những lúc tôi chẳng biết phải trốn vào đâu cho khỏi phải đụng mặt ông. Nay trở thành thênh thang, bước một bước trong bóng tối như lặn ngụp xuống đáy sông nhớp nhúa.

Giá mà cô ấy châm một chiếc đèn dầu lên thì tốt. Sẽ có một khoảng sáng. Sẽ có sinh khí hơn. Giá mà có ánh đèn, những cảm giác tôi sẽ dễ dàng khẳng định hơn.

Tôi hỏi cô về con chuột. Con chuột loanh quanh trong nhà cũng lâu rồi. Nó lục lọi chán đống cơm nguội, đống nồi xoong không rồi lại men theo bờ tường, leo lên xà ngang trên nóc nhà. Tôi thấy nó lớn từng ngày. Quen cả cái bụng khi nào nó đói. Khi nào nó no. Có thể cô không thích sự ồn ào của nó. Có thể cô sợ nó sẽ mang bệnh. Nó vốn là động vật chẳng ai ưa bao giờ và cũng chẳng sạch sẽ gì.

- Lần sau bắt chuột, cô cứ bật đèn lên đừng ngại. Bắt bằng đèn dầu khó lắm.

- Nhà này có chuột đã may. Chuột đâu mà bắt.

- Thế đêm, cô châm đèn rọi vào tủ làm gì.

- Buồn còn không hết, làm gì còn tâm trí mà đuổi chuột nữa cháu.

Tôi bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình, nghi ngờ các giác quan, nghi ngờ về tuần tự thời gian khi ba chiếc đồng hồ cùng nhau thôi tích tắc. Bởi những điều diễn ra trước mắt khi thực khi hư. Không biết đâu mà lần.

Tôi đã chắc chắn tối qua bố đã về. Tôi còn nhớ từng giây từng phút trôi qua. Ông về trong im lặng, nhẹ nhàng. Ông về trong bộ dạng ướt át, gầy hao và rách rưới. Vẫn cái áo màu nâu đậm mùi gió biển. Nó đã rách ngang bả vai. Hai cánh tay buông cúc còn không cài. Gấu quần ống thấp ống cao. Chân không đi dép. Ông đứng rất lâu trong góc tường, nơi tối tăm nhất, bóng trăng không thể rọi tới. Khuôn mặt ông mờ nhạt có vẻ mệt mỏi cho đến khi tôi bị con mèo động ngộ nhà ai làm thức giấc. Nó kêu như đứa trẻ khát sữa, ăn vạ. Ông ấy thèm một cốc nước pha đường với chanh. Ông ấy đã đợi rất lâu. Nhưng tôi lại làm nó rơi và vỡ tan tành khi vừa pha xong vì sợ tiếng con mèo ấy kêu. Thảm thiết. Ám ảnh. Nhưng ông ấy vẫn mỉm cười. Nụ cười rất hiền hậu và còn tặng tôi một chiếc cặp mái có nơ chấm bi màu hồng. Ông cười thật sự rất đẹp. Chứa đựng đầy bao dung, ấm áp. Ông quay ra nhìn cô ấy một lúc rất lâu. Cô ấy vẫn ngồi đó, bó gối ngủ. Ông ấy bước đi. Rõ nét nhất là cái lưng gù, dáng ngồi lộ rõ vẻ cô đơn. Ông ấy đã ngồi bên cô ấy rất lâu, còn kề vai cho cô ngủ ngon lành.

- Chắc phải mở cửa. Sắp một tháng rồi. Tuần đầu không được miếng gì, hương tàn nhang lạnh. Bố cháu sẽ đói và tủi thân. Còn phải bắc cầu, làm dấu, gửi tiền đò mời bố về nhà nữa.

- Nếu ông lại về thì sao?

- Về thì mua đồ mới. Người sống thì muốn gì chả có. Đêm qua cháu thấy ông rách tươm, người ướt hết. Đói và khổ lắm.

Cô ấy buông tiếng thở dài thườn thượt. Nhìn vào mênh mông. Và gật đầu rất nhẹ.

Cái khóa đã rỉ vàng đến chảy nước và ăn hẳn vào trong. Không tốn nhiều sức để phá khóa. Cô ấy xểnh tay làm rơi nó xuống nền gạch. Rất đanh. Cô ấy giật mình. Ngẩn người rất lâu.

Ánh sáng tràn vào không gian tối tăm. Mùi của ẩm mốc lâu ngày không có ánh sáng. Mùi của chuột và gián. Khăm khắm, nồng nồng, hôi hám.

Đẩy toang cửa bước vào. Con chuột nhắt đang tìm đường tẩu thoát. Nó chạy ngược lại chạy xuôi trên giường của bố. Rồi nó phi thẳng lên mái nhà chạy mất.

Cô ấy đã khóc lớn khi nhìn thấy không gian này. Tôi cũng chết điếng với những gì đang đập vào mắt mình. Hai cặp lông mày cô nhíu lại. Mặt tím tái. Tim như ngừng đập.

Một đám tang hình như ông đã chuẩn bị sẵn từ rất lâu rồi.

Không có quá nhiều đồ trong căn phòng để phải tìm tòi và ngó nghiêng. Trọng tâm chỉ có một góc nơi ông ngủ. Những cái áo của mẹ bỏ lại. Ông xếp rất ngay ngắn trên đầu giường. Có cả đồ lót đặt bên cạnh một chiếc áo của bố đã bị chuột và gián cắn tan. Bức ảnh của mẹ bị xé đã được ông gắn lại và đóng khung tử tế. Bức ảnh chân dung đen trắng chụp người phụ nữ ngồi nghiêng còn vương một nụ cười. Đôi mắt sắc. Nhìn xoáy sâu vào đó, càng nhìn lại càng mê. Nó đặt cạnh bức ảnh của ông. Cũng là ảnh đen trắng nhưng sao ra từ chứng minh thư. Khuôn mặt của tuổi mười sáu hao gầy, ngây ngô, sợ sệt, lo lắng, nghiêm trọng còn đó. Vết chàm không chỉ ở bên má trái. Nó còn lên cao đến tận trán và một nửa mắt trái của ông. Đôi mắt buồn. Buồn dữ dội.

Ông đã tự làm bàn thờ cho mình và mẹ. Nhang thắp cũng đã nhiều và hình như còn rất đều. Lọ hoa sa lem tím đã khô còn trên đó. Đau đớn, day dứt như kiến bò trong người. Nghẹn ngào như đang phải nuốt một viên sỏi nơi cổ họng.

Cô ấy không nói gì. Cô ấy ngồi rất lâu trên giường của bố trầm tư. Cô ấy ngồi thu mình rất lâu. Chốc chốc buông tiếng thở dài.

- Cô còn yêu bố cháu nữa không?

- Còn chứ, còn yêu nhiều hơn.

- Tại sao?

- Yêu là yêu thôi. Yêu như ông ấy yêu mẹ cháu ấy.

Đôi mắt thâm quầng vương vết màu thời gian đợi chờ nay còn ngân ngấn nước. Xuống sắc. Tôi đã để cô thoải mái trong thế giới của cô nhưng thực lòng, tôi muốn cô dựa vào vai mình và khóc như đứa trẻ khát sữa ăn vạ, có lẽ sẽ dễ chịu hơn. Hoặc cô có thể ngang tàng quậy phá. Nhưng giọt nước mắt của cô lăn dài trên má.

Thế rồi, cô ấy thắp cho hai bức ảnh ấy một nén nhang. Còn chuẩn bị cả muối và trứng rất chu đáo. Cô đốt thêm bốn bộ vàng mã. Hai bộ của bố, hai bộ của mẹ tự tay cô ấy làm.

- Cố chấp cũng chẳng được gì. Nhỡ đâu… - Người đàn bà ngưng lại, đoạn rồi thốt ra. - Nhỡ đâu ông ấy đi thật còn có cái mà dùng. Nếu ông ấy trở về, coi như như mình khao chúng sinh.

Chiều muộn, cô gom hết đồ đạc trong số đó toan ném ra sông. Từ những bộ áo quần cho đến chiếc chiếu và cả mùng màn. Mọi thứ sắp xếp xong, ý cô cũng đã quyết. Căn buồng nhìn lại trống trơn. Rỗng rễnh và lênh đênh.

Tôi theo chân cô ra tận bờ sông. Hình như cô còn điều gì suy tính. Quẩn quanh mãi, có vẻ tính toán. Cô quay sang nhìn tôi như muốn hỏi rồi lại thôi. Rồi thở dài và tự mình quyết.

Cô mở chiếc hộp đựng quần áo và lấy ra chiếc áo duy nhất của bố bị chuột cắn nham nhở. Những thứ còn lại quẳng ráo xuống sông. Dòng sông lững lờ vẫn đủ sức cuốn chúng đi. Chiếc chiếu kịp chìm ngay sau đó, còn cái hộp quần áo vẫn lênh đênh.

Người đàn bà không nói gì, không ngoái lại nhìn mà quay về.

Cô lại thắp thêm tuần nhang mới cho hai bức ảnh, khấn vái, lẩm nhẩm điều gì đó rồi lấy chiếc áo của bố cô đã cặm cụi khâu suốt buổi, gối lên đầu nằm trên giát giường đã kẽo kẹt suy nghĩ điều gì nung lắm, rồi nói với tôi:

- Từ nay, cô cháu mình dựa nhau mà sống. Ở đây thôi, để nếu bố có trở về đỡ phải đi tìm.

Tiếng bước chân quen bỗng trở về trước hiên nhà. Ông vẫn đứng đó và lặng thinh như nhiều ngày về trước. Tôi chắc chắn một điều, mình không hề mơ. Tôi đã chủ động tiến về phía bố, lật đật mang theo chiếc đèn để nhìn rõ hơn. Người đàn bà thấy thế cũng vùng dậy bước theo.

Ông ngập ngừng rồi nắm tay tôi bước vào trong nhà. Bao nhiêu nỗi buồn như ném cả vào biển kia.

Ông ngại ngùng lấy từ trong túi ra hai chiếc áo mới. Một cho tôi, một cho người đàn bà.

Đêm đó trăng rất sáng. Bầu trời rất trong.

C.L
(TCSH397/03-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng