Tạp chí Sông Hương - Số 401 (T.07-22)
Nhà thơ, dịch giả Hay János: Tôi không tin ở sự “bất khả liên thông” giữa các nền văn hóa
09:30 | 05/08/2022


KONCZ TAMÁS thực hiện

Nhà thơ, dịch giả Hay János: Tôi không tin ở sự “bất khả liên thông” giữa các nền văn hóa
Nhà thơ Hay János

Nhà thơ, dịch giả Hay János chia sẻ: “Càng có ít những lớp sơn văn hóa phủ lên một tác phẩm, thì nó càng gần gũi với tôi hơn.” Chính vì thế mà ông thích những bài thơ trong sáng, tối giản, giàu suy tưởng của nhà thơ Việt Nam Trương Đăng Dung. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tôi và Hay János, người đã dịch tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung sang tiếng Hungary. Bản tiếng Hung của tập thơ do Nxb. Europa ấn hành năm 2018.



- Ông đã biết tới thơ Trương Đăng Dung bằng cách nào, và điều gì trong những bài thơ của ông ấy đã khiến ông để ý tới?

+ Việc đó xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Đại sứ Hungary tại Hà Nội - ông Őry Csaba - và Viện Balassi đã liên hệ với tôi, họ bảo đây là một nhà thơ đang nổi ở Việt Nam và bản dịch nghĩa cũng đã có, rồi hỏi tôi nhận lời chuyển thành thơ được không. Tôi đọc bản dịch nghĩa và nhận ra trong đó những cảm xúc tinh tế và sự thông thái. Chính vì vậy, mà bằng cách nào đó tôi sẽ phải tìm ra phương thức tiếp cận chúng.

- Ông đã đọc các bài thơ đó lần đầu tiên qua bản dịch của ai?

+ Ông Giáp Văn Chung - một dịch giả Việt Nam sống ở Hungary - đã dịch nghĩa (prose) tập thơ này. Rất tiếc là tôi không có bản dịch tập thơ ở một ngôn ngữ khác, vì nó có thể làm cho công việc trở nên dễ dàng hơn. Ơn Chúa, tôi và Giáp Văn Chung có thể cộng tác với nhau rất tốt và linh hoạt.

- Các ông chuyển ngữ một tập thơ đã xuất bản, hay làm một tuyển tập các bài thơ đã sáng tác cho tới khi đó của tác giả?

+ Nội dung bản in tiếng Hungary chính là nội dung bản gốc của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng đã xuất bản trước đó mấy năm của Trương Đăng Dung, nhưng có thêm một số bài mới, nghĩa là bản tiếng Hungary có dung lượng lớn hơn bản tiếng Việt. Có thể coi đây là phần sáng tác chủ yếu của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Trương Đăng Dung. Ông làm thơ không nhiều.

- Trương Đăng Dung ít được biết tới ở Hungary. Ở đất nước của mình, nhà thơ được yêu thích như thế nào?

+ Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam thơ cũng không phải là thể loại được đọc nhiều nhất. Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung đã nhận được giải thưởng cao quý (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2011 - ND), và đã có rất nhiều bài phê bình viết về nó.

- Trương Đăng Dung biết tốt tiếng Hungary, ông ấy từng học đại học Hungary, đã nghiên cứu ở đây trong những năm tám mươi (thế kỷ trước). Nhà thơ có giúp được gì ông trong công việc dịch tập thơ?

+ Đầu tiên tôi chỉ làm việc với người dịch nghĩa, sau đó gửi bản dịch gần hoàn chỉnh cho nhà thơ Trương Đăng Dung. Ông đề nghị sửa đổi nhiều chỗ mà tôi hiểu sai ý, hoặc tôi đã diễn đạt quá xa bản gốc. Có những chỗ chúng tôi thống nhất được với nhau, có những chỗ tôi giữ nguyên bản dịch của tôi, vì có những sắc thái ý nghĩa mà người nước ngoài dù giỏi tiếng Hungary cũng không nhận ra. Cuối cùng, về cơ bản nhà thơ rất hài lòng, những bài thơ của ông đã được tái sinh trong ngôn ngữ Hungary. Xét cho cùng thì đó là mục đích, ngay cả khi ta mong muốn đáp ứng sự đòi hỏi của bản gốc. Ông còn vui hơn khi cầm trong tay tập thơ đã xuất bản. Ông ấy là người dễ mến và tinh tế.

- Những thử thách về mặt chuyên môn và ngữ nghĩa là gì? Dù thông điệp các bài thơ của Trương Đăng Dung có thể hiểu được đối với bất kỳ cộng đồng nào, chắc chắn có những mô-típ xa lạ đối với bạn đọc Hungary.

+ Các bài thơ gắn liền với Việt Nam, nhưng có thể cảm nhận được ảnh hưởng mạnh của văn hóa châu Âu, vì tác giả đã sống ở Hungary những năm tháng nhạy cảm nhất của ông về mặt tinh thần. Đối với tôi, những câu chuyện đau thương trong chiến tranh Việt Nam có tác động mạnh nhất. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không phải đi quá xa để tìm đến những hồi ức về sự hi sinh và sự tàn phá. Tôi phải nói thêm rằng, một trong những sự kiện thế giới quan trọng nhất thời niên thiếu đối với tôi là cuộc chiến tranh Việt Nam và các phong trào phản đối cuộc chiến đó. Tôi có biết đôi chút điều gì đã xảy ra, nhưng trước hết còn lại trong tôi là sự đồng cảm. Công việc (dịch tập thơ này) đã đến đúng lúc.

- Các bài thơ trong tập Những kỷ niệm tưởng tượng có nhịp điệu chậm, với các chương suy tưởng độc thoại về mối quan hệ giữa cái tôi cá thể và tự nhiên, nỗi cô đơn và nỗi buồn của sự phôi pha. Có bao nhiêu phần là giọng điệu của Trương Đăng Dung, và bao nhiêu là của Hay János? Bắt nhịp với hình thức trò chuyện nội tâm ấy có khó khăn lắm đối với ông không?

+ Điều khó khăn nhất là tôi phải nhận ra được về mặt hình thức, các bài thơ này sẽ vận hành như thế nào. Thi ca phương Đông thường là đơn âm, tiếng Việt cũng vậy, nhưng Trương Đăng Dung không đi theo một hình thức thơ truyền thống nào. Có thể nói đây là những bài thơ tự do có nhịp điệu. Khác với tiếng Hung, tiếng Việt gồm những từ đơn âm ngắn, đó là sự khác biệt lớn - tôi nghĩ tới những từ tiếng Hung rất dài và các trọng âm ở đầu, hơn nữa thi ca Hungary bảo thủ (konzervatív), nhiều khi nó khăng khăng giữ các hình thức, nhạc điệu tẻ nhạt đến khó chịu. Tôi phải lưu ý đến cả điều này nữa, và tất nhiên cả việc tôi có thể coi hình thức nào là của riêng mình. Thế là tôi quyết định cách cấu trúc câu vừa có vần nhẹ nhàng, vừa có nhịp điệu, cũng là đặc trưng cho nhiều bài thơ của tôi.

- Đôi chỗ, trong một vài hình tượng, tôi cảm thấy ảnh hưởng của các nhà thơ Hungary, hay ít ra là trong bản dịch. Trong bài Thành phố phía chân trời, câu “một căn phòng một cái giường hai chiếc gối” gợi nhớ tới Pilinszky; bài Anh không thấy thời gian trôi khiến tôi nhớ tới một bài thơ buồn giọng khôi hài của Petri - bài Mặt trái của đổi thay; đôi khi cả Kemény István cũng ẩn hiện. Có thể Trương Đăng Dung chịu ảnh hưởng của thi ca Hungary?

+ Sự gợi nhớ tới Pilinszky và Petri là trò chơi của tôi, nhưng tôi có khả năng lựa chọn điều này, vì nó phù hợp về mặt nội dung. Đưa các câu đoạn của người khác vào, như một phương pháp, là việc tôi không khi nào quan tâm, nhưng dù không muốn thế thỉnh thoảng chúng ta vẫn bật ra các “mảnh vụn” trích dẫn, các biến thể. Tôi phát hiện ra nhiều “mảnh vụn” của các ca khúc nhạc pop, trong khi đọc lại và chốt văn bản cuối cùng.

- Các tác phẩm của Trương Đăng Dung chuyển tải chân lí mang tính phổ quát, giữa chúng và những điều bình thường chỉ cách nhau sợi tóc - nhưng nhà thơ không bao giờ bước qua sợi tóc đó, trong khi nêu ra những vấn đề nghiêm túc nhất: Có thế giới này không/ nếu con người ngừng cấp cho ý nghĩa? (Lưu ý). Là người dịch, để giữ được sự tối giản này có khó không?

+ Tôi rất thích sự tối giản. Đối với tôi trạng thái thi sĩ đích thực nhất là của người sáng tác dân ca. Càng ít chất kem được bôi trát lên một tác phẩm, thì tôi càng dễ chấp nhận, và chính tôi cũng muốn đi theo hướng đó, nơi mà các sự việc hiện diện ở mức độ cơ bản nhất - các bài thơ của tôi hướng tới thứ ngôn ngữ tối giản và khám phá con người như là thực thể sinh học. Thơ Trương Đăng Dung nhiều chất thơ và cảm xúc hơn. Có người nói, tâm hồn tôi rộng mở hơn trong quá trình dịch. Để rồi xem.

- Ông cảm thấy bài thơ nào trong tập thơ là quan trọng nhất?

+ Bài Anh không thấy thời gian trôi. Có lẽ vì một lí do thực dụng, đó là bài thơ đầu tiên mà tôi dịch, nó giúp tôi trải nghiệm niềm vui về sự thành công sẽ đến của bản dịch.

- Trương Đăng Dung cho rằng, ngay trong những quan hệ gần gũi nhất vẫn có những giới hạn chia rẽ chúng ta: Giữa những cái bắt tay/ có một bức tường (Những bức tường). Bằng công việc dịch thuật, ông có thể phá vỡ những bức tường tới mức nào?

+ Tôi không tin ở sự “bất khả liên thông” giữa các nền văn hóa. Cả điều này nữa, ngoài sự khác biệt với người khác, chúng ta không hề muốn hòa tan vào nhau một chút nào. Rõ ràng đây là một trong những nỗi bất an cơ bản của tồn tại: người khác sẽ ảnh hưởng tới tôi đến mức nào, và ảnh hưởng đó liệu có hủy hoại cá tính của tôi. Vì thế mà con người mãi mãi ở thế bập bênh: vừa muốn trở thành một phần của kẻ khác, vừa muốn chạy trốn khỏi nó. Người phương Đông ít coi trọng bản ngã hơn, đối với họ đời sống cộng đồng được đề cao. Dù tác giả có nói tới những bức tường, thì đối với họ, trách nhiệm hay sự giúp đỡ gia đình, bè bạn là lẽ tự nhiên. Có thể điều này đang mất dần đi từng giờ từng ngày, vì lòng tham không cùng của thế giới phương Tây sẽ làm hỏng đi những con người đang ứng xử khiêm nhường hơn với đời sống.

Giáp Văn Chung dịch
từ nguyên bản tiếng Hungary trong ÚJ KÖNYVPIAC
(TCSH401/07-2022)

 

 

 

Các bài mới
Người con trai (18/08/2022)
Tàn sen (15/08/2022)
Chùm thơ Lê Nhi (11/08/2022)
Các bài đã đăng