Tạp chí Sông Hương - Số 402 (T.08-22)
Nghi thức trình diễn và vai trò của “Mười bản ngự” trong hệ thống Tiểu nhạc
08:51 | 06/09/2022

TRƯƠNG TRỌNG BÌNH

Nằm trong hệ thống Tiểu nhạc, mỗi bài trong “Mười bản ngự” đều có thể diễn tấu một cách độc lập nhưng khi liên kết và trình tấu liên tục “Mười bản ngự” trở thành một hệ thống bài bản liên hoàn thống nhất tựa như một bài bản lớn.

Nghi thức trình diễn và vai trò của “Mười bản ngự” trong hệ thống Tiểu nhạc
Ảnh: internet

Dưới đây, chúng tôi muốn giới thiệu đôi nét về nghi thức trình diễn và vai trò của “Mười bản ngự” để chúng ta có thể hiểu hơn về những giá trị di sản của loại hình nghệ thuật này.

1. Nghi thức trình diễn

Theo các nghệ nhân, trước đây khi diễn tấu bài bản này các nhạc công cung đình xếp hình vòng cung. Phương pháp diễn tấu bao giờ cũng liên quan chặt chẽ với bài bản, trong đó có giai điệu hoặc lòng bản, có cấu trúc, có nhịp điệu và hơi. Tuy nhiên, hiện nay do thực tế “Mười bản ngự” thường xuyên được trình diễn trên sân khấu để phục vụ du khách, do đó nó được phân thành hai nhóm đứng và ngồi khi trình diễn.

Các nhạc công đứng gồm: hai sáo, trống bản, phách một, tam âm, phách tiền.

Nhạc công ngồi gồm: tam, tỳ, nhị, nguyệt (thỉnh thoảng có thêm đàn hồ).

Trước khi trình diễn, nhạc công trống bản kiểm tra đội hình, sau đó phát hiệu lệnh vào bài. Ở đây trống bản giữ vai trò chỉ huy: vào bài, nhanh hoặc chậm, kết thúc bài. (Dàn nhạc này không có nhạc trưởng, nên các nhạc công đều tuân thủ theo tiếng trống bản để diễn tấu đúng tốc độ).

Khi diễn tấu “Mười bản ngự” mỗi nhịp trong bài được các nhạc công tuân thủ theo tiếng gõ phách một (ngoài tiếng trống bản điều khiển tốc độ). Mỗi tiếng gõ ứng với một nhịp (có thể là nhịp 4/4 hoặc 2/4 hoặc 1/4) gọi là “nhịp một, nhịp đôi, nhịp tư”. Theo GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh trong bài viết: Tương Đồng và Đa Dạng: “... có thể bắt gặp một khung thời gian được các nghệ nhân Huế gọi là “nhịp một”. Nếu ghi lại theo cách ghi Âu châu, mỗi nhịp một bao gồm bốn phách ở tốc độ vừa phải. Trong diễn tấu “Mười bài ngự” khung thời gian nhịp một này được đánh dấu bằng tiếng phách gõ vào phách đầu tiên của bốn phách. Khung thời gian này được sử dụng như những “Đơn nguyên nhịp điệu” để xây dựng các bài bản khác nhau. Trong Âm nhạc cung đình các nước: Trung Hoa, Thái Lan, Triều Tiên, Indonesia đều tìm thấy “Đơn vị bốn phách” này và nó cũng đóng vai trò “Đơn nguyên nhịp điệu” như ở “Mười bài ngự” ở Việt Nam. Điều này đã được công nhận như là một đặc trưng chung của Âm nhạc cung đình các nước nói trên tại Đại hội lần thứ V của Hội những nhà Dân tộc học Âm nhạc châu Á Thái Bình Dương (APSE), tổ chức ở Quezon, Philippin từ 17 - 24/02/2001”.

Ngoài trống bản, còn có tiếng gõ của phách một, tiếng gõ của Tam âm la, phách tiền... tất cả tạo nên âm sắc độc đáo góp phần tạo nên thành công cho dàn nhạc khi diễn tấu.

Khi trình diễn các nhạc công có hai lần cúi chào đó là, trước khi trình diễn và sau khi kết thúc “Mười bài ngự”.

Nghi thức trình diễn của “Mười bản ngự” được các nhạc công tấu lên từ nhịp điệu khoan thai của mấy bài bản Phẩm tiết, Nguyên tiêu lúc mở đầu, lần lần dồn dập qua các bài Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, rồi rộn rã từ Xuân phong, Long hổ đến náo nhiệt qua giai điệu như tiếng vó ngựa của bài Tẩu mã để kết thúc theo một chuỗi diễn tấu đúng với từng cấp độ khác nhau.

2. Vai trò của “Mười bản ngự”

Trong hệ thống các bài bản Tiểu nhạc, “Mười bản ngự” giữ vai trò chủ chốt và được xem như là đại diện của các bài bản Tiểu nhạc nằm trong hệ thống Nhã nhạc, vì đây là những bài bản thường xuyên được sử dụng trong các cuộc lễ, cũng như trong đời sống âm nhạc chốn cung đình.

+ Phẩm tiết

Phẩm tiết hay Phẩm tuyết? Theo bản ký âm bằng chữ Hán (1919) của cụ Hoàng Yến thì bài này có tên là Phẩm tuyết. Tuy nhiên, theo tác giả Văn Lang trong cuốn Ca Huế và ca kịch Huế (Nxb. Thuận Hóa, 1993), Phẩm tiết có nghĩa là tiết trời đẹp. Chúng tôi nghiêng về ý kiến của tác giả Văn Lang, nên vẫn chọn tên gọi Phẩm tiết.

Đây là bài đầu tiên trong “Mười bản ngự” (Thập thủ liên hoàn, dân gian còn gọi là Mười bản tàu). Bài gồm có 48 nhịp C được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ vừa phải. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, pha chút trữ tình.

Ngày xưa, Phẩm tiết được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều và yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong chương trình Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp 10 bài).

+ Nguyên tiêu

Đây là bài thứ nhì trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 32 nhịp C (không kể nhịp lấy đà) thường được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ vừa phải. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, pha chút trữ tình.

Ngày xưa, Nguyên tiêu được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong chương trình Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài).

+ Hồ quảng

Đây là bài thứ ba trong “Mười bản ngự” (Thập thủ liên hoàn, dân gian còn gọi là Mười bản tàu). Bài gồm có 14 nhịp C, được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ vừa phải. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, pha chút trữ tình.

Ngày xưa, Hồ quảng được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi Tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong chương trình Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp 10 bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi).

+ Liên hoàn

Liên hoàn hay Liên hườn?

Bản in năm 1919 của cụ Hoàng Yến cũng như Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam đều ghi Liên hườn. Tuy nhiên, theo quyển sách mang tựa đề Nhạc Tài Tử Nam Bộ của nhạc sĩ, soạn giả Nhị Tấn, thì nhóm nhạc Miền Tây Nam Bộ đã lấy mười bản của ca nhạc Huế đưa vào hệ thống nhạc Tài Tử Nam Bộ và đặt tên là Thập Thủ Liên Hườn để kỷ niệm tên của bốn ông thầy đờn là cụ Thập, cụ Thủ, Nguyễn Liêng Phong, Trần Quan Quờn. Bốn chữ Thập Thủ Liên Hườn là kết hợp chữ Thập (cụ Thập), Thủ (cụ Thủ), Liên (trong Nguyễn Liêng Phong bỏ chữ g) và Hườn (trong Trần Quan Quờn đổi chữ Q thành H). Do đó, theo chúng tôi tên chính xác phải là Liên hoàn!

Đây là bài thứ tư trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 38 nhịp C (4/4) được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ vừa phải. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, pha chút trữ tình.

Ngày xưa, Liên hoàn được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong chương trình Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi).

+ Bình bán

Đây là bài thứ năm trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 44 nhịp C (4/4) được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ vừa phải. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, pha chút trữ tình.

Ngày xưa, Bình bán được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi).

+ Tây mai

Đây là bài thứ sáu trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 23 nhịp C (4/4) được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ hơi nhanh. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, rộn ràng, pha chút trữ tình.

Ngày xưa, Tây mai được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong chương trình Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi).

+ Kim tiền

Đây là bài thứ bảy trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 26 nhịp C (không kể nhịp lấy đà) được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ hơi nhanh. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, nhộn nhịp, nghịch ngợm và pha chút vui vẻ.

Ngày xưa, Kim tiền được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong chương trình Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi). Kim tiền cũng là bài thứ nhì trong nhóm bốn bài hòa tấu (Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ), thường dùng để mở đầu cho chương trình Ca Huế.

+ Xuân phong

Đây là bài thứ tám trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 10 nhịp 2/2 không kể nhịp lấy đà (theo nhạc lễ), hoặc là 20 nhịp 2/4 (theo Ca Huế), được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ hơi nhanh. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, nhộn nhịp, nghịch ngợm và pha chút vui vẻ.

Ngày xưa, Xuân phong được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, cùng kết hợp với các bài bản khác, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế. Ngoài ra nó còn được hòa tấu trong Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi). Xuân phong cũng là bài thứ ba trong nhóm bốn bài hòa tấu (Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ), thường dùng để mở đầu cho chương trình Ca Huế.

+ Long hổ

Đây là bài thứ chín trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 7 nhịp 2/2 không kể nhịp lấy đà (theo nhạc lễ), hoặc là 14 nhịp 2/4 (theo Ca Huế), được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ hơi nhanh. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên phách thứ nhất của nhịp. Tính chất bài bản trong sáng, nhộn nhịp, nghịch ngợm và pha chút vui vẻ.

Ngày xưa, Long hổ được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, cùng kết hợp với các bài bản khác, bài bản này được dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế. Ngoài ra nó còn được hòa tấu trong Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi). Long hổ cũng là bài cuối cùng trong nhóm bốn bài hòa tấu (Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ), thường dùng để mở đầu cho chương trình Ca Huế.

+ Tẩu mã

Đây là bài thứ mười trong “Mười bản ngự”. Bài gồm có 68 nhịp 2/4 (theo nhạc lễ), hoặc là 136 nhịp 1/4 (theo Ca Huế) được thể hiện với hơi Bắc (hơi Khách) ở tốc độ hơi nhanh hoặc nhanh. Mỗi nhịp ứng với một tiếng gõ của cặp phách một, gõ ngay trên đầu mỗi phách của nhịp. Tính chất bài bản rộn ràng, nhộn nhịp, nghịch ngợm và pha chút vui vẻ.

Ngày xưa, Tẩu mã được phối hợp sử dụng trong mười bài bản nói trên khi vua ngự lãm thưởng ngoạn hoặc khi hồi cung sau khi tế Nam Giao, ngoài ra nó còn được dùng trong các buổi lễ tiếp sứ thần ngoại giao, lễ Thường triều, yến tiệc cung đình. Ngày nay, bài bản này được kết hợp với các bài bản khác dùng trong lễ Trai tăng hoặc lúc thỉnh thập loại cô hồn trong lễ Trai đàn Chẩn tế, ngoài ra bài bản này còn được hòa tấu trong Ca Huế (độc lập hoặc phối hợp mười bài, đôi khi chỉ hòa tấu tám bài kể từ bài Hồ quảng trở đi).

Một đặc điểm của bài Tẩu mã nhạc lễ là giai điệu ở sáp đầu của nó (gồm 16 nhịp 2/4 đầu tiên) đã được các nghệ nhân xưa điều chỉnh lại và chỉ dùng riêng cho ban nhạc lễ hòa tấu. Giai điệu này khác hẳn và không thể dùng để đệm cho làn điệu Tẩu mã trong Ca Huế.

Các bài bản Tiểu nhạc nói chung, “Mười bản ngự” nói riêng dưới thời nhà Nguyễn đã đạt được tính chuyên nghiệp cao ở nhiều mặt như: kết cấu âm nhạc, thang âm điệu thức, hơi nhạc, cấu trúc giai điệu, nhịp độ, tốc độ sắc thái và kỹ thuật biểu diễn. Sự phát triển của loại hình nghệ thuật này đã phản ánh tầm hiểu biết cũng như khả năng am tường của các quan bộ Lễ nhà Nguyễn trong lĩnh vực âm nhạc khi họ đã thành công trong việc đưa âm nhạc vào đời sống văn hóa cung đình.

T.T.B
(TCSH402/08-2022)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thân Trọng Bình, Các tổ chức hòa nhạc cung đình Huế, Tài liệu giảng dạy lớp nhạc công Nhã nhạc, Trường Đại học Nghệ thuật Huế.
2. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1968), Những đại lễ, vũ khúc vua chúa Việt Nam, Nxb. Hoa Lư.
3. Trần Văn Khê (2000), Trần Văn Khê và Âm nhạc dân tộc, Nxb. Trẻ.
4. Trần Văn Khê (2002), Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb. Trẻ.
5. Thụy Loan (1983), Lược sử âm nhạc Việt Nam - Nhạc viện Hà Nội, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.
6. Nguyễn Thị Nhung (1998), Nhạc khí gõ trống Đế trong Chèo truyền thống, Nxb. Âm nhạc.
7. Nội các triều Nguyễn (2007), Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
8. Trần Hữu Pháp (1996), Âm nhạc cổ truyền Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
9. Nguyễn Đình Sáng (1999), Khảo sát Nhạc lễ Cung đình Huế - Khóa luận tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Nghệ thuật Huế.
10. Phạm Công Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb. Thanh niên.
11. Lê Mạnh Thát (2001), Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
12. Tô Ngọc Thanh (1999), Tư liệu Âm nhạc Cung đình Việt nam, Nxb. Âm nhạc, Viện Âm nhạc.
13. Vũ Nhật Thăng (1998), Thang âm nhạc Cải lương - Tài tử, Nxb. Âm nhạc, Viện Âm nhạc.
14. PGS. TS. Lê Văn Toàn (2016), Bảo tồn, phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra (Hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nxb. Thuận Hóa.
15. TS. Nguyễn Phước Hải Trung (2016), Từ vai trò của Lễ nhạc trong lịch sử đến công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị trong bối cảnh hiện nay (Hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nxb. Thuận Hóa.
16. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam (2002), Âm nhạc Cung đình Huế - Kỷ yếu hội thảo.
17. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Viện Âm nhạc.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kẻ hách dịch (31/08/2022)
Lời ru (26/08/2022)