Tạp chí Sông Hương - Số 403 (T.09-22)
Lời tiễn đưa nhà văn Hồng Nhu
16:16 | 14/10/2022

Chiều ngày 6/9/2022, Lễ Truy điệu nhà văn Hồng Nhu đã diễn ra trang trọng và xúc động. Thay mặt Liên hiệp Hội, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đọc lời tiễn biệt.

Lời tiễn đưa nhà văn Hồng Nhu
Trang bản thảo Vịt trời lông tía bay về và cây bút nhà văn Hồng Nhu từng viết nhiều tác phẩm

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Có những nhà văn khi rời khỏi hành trình dự phần trên thế gian đã để lại cho những người đồng hành hai di sản lớn: Nhân cách nhà văn và tác phẩm. Nhà văn Hồng Nhu trước khi từ giã chúng ta cũng đã để lại hai di sản quí báu ấy. Ông là một nhà văn hiền lành, sống hết sức giản dị, bao dung, khiêm tốn, ít khi cao đàm khoát luận với ai. Ngày nắng cũng như ngày mưa, nhà văn với chiếc xe đạp cổ lỗ chầm chậm rong ruổi, vai đeo cái túi xách đen và mái tóc trắng bềnh bồng trên các nẻo đường phố Huế, tạo nên hình ảnh nhà văn Hồng Nhu khiến nhiều người nhớ. Nhà văn chung thủy với cây bút đã cùng ông viết nên hàng ngàn trang sách đem lại cho ông nhiều giải thưởng danh giá, nhưng cao hơn thế, đó là di sản văn chương ông để lại cho đời. Khi nhắc đến tên nhà văn Hồng Nhu - chúng ta nhận ra đang nhắc đến một người cầm bút thừa lòng bao dung, sự thấu hiểu, với khát vọng dấn thân một cách thầm lặng, không tuyên ngôn và vì thế mà quyết liệt vô ngần…

Một số kỷ vật của nhà văn chuẩn bị đưa vào Phòng truyền thống Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế


Suốt 91 năm trong cõi đời bình dị, ông đóng góp lặng thầm cho quê hương, đất nước. Ông đi bộ đội chống Pháp, làm cán bộ thủy lợi, làm văn nghệ, rồi nghỉ hưu; dẫu ở cương vị nào, chúng ta vẫn thấy hình ảnh ông cắm cúi đọc và viết. Ông được mệnh danh là “nhà văn đầm phá” bởi hiện nay, chưa ai có những trang văn về cuộc sống người dân đầm phá hết sức sống động như ông. Các truyện ngắn làm nên tên tuổi ông như: Vịt trời lông tía bay về, Lễ hội ăn mày, Cổ tích làng, Giếng loạn... đã tái hiện lại không gian đời sống tâm linh ở vùng đầm phá Thừa Thiên Huế với bao nhiêu câu chuyện huyền ảo lạ lùng cùng những nhân vật đậm chất huyền thoại của dải đất bên sóng nước Tam Giang… Chúng không chỉ làm nên tên tuổi của nhà văn Hồng Nhu, mà còn đóng góp lớn cho văn chương hiện đại Việt Nam. Nhà văn Hồng Nhu từng là một lãnh đạo của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012. Cuộc đời văn nghiệp và những trang văn của ông làm cho chúng ta kiêu hãnh.

Bài thơ “Uống cùng Huế” được nhạc sĩ Việt Hoàng phổ nhạc đăng trên SH số đặc biệt tháng 9-2020

Văn chương Hồng Nhu giàu trầm tích văn hóa đầm phá và những vỉa tầng văn hóa khác, cung cấp nguồn năng lượng cho tâm hồn con người. Đọc văn và thơ ông, chúng ta học được rất nhiều bài học quý báu về cách dự phần giữa thế gian, về nhân cách sống và sự chung thủy với nghề văn... Văn thơ của ông chuyển tải tư tưởng về nhân cách làm người, góp phần vẽ nên bức chân dung của thời đại. Đó cũng chính là chính kiến rạch ròi, bản lĩnh sống và viết của ông, trong đó tình yêu Tổ quốc và Nhân dân luôn cháy bỏng, là động lực khiến ông dấn thân suốt cuộc đời, làm nên bút lực mạnh mẽ của ông.

“Tôi nhìn ngọn lá vèo rơi
Thấy con mắt lạ một thời Huế xa
Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi
Ôi thu thu lỡ thu rồi
Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An”

Bài thơ “Uống cùng Huế” nổi tiếng của Hồng Nhu có những câu thơ định mệnh như thế: Hôm nay, cũng một ngày mùa thu, ông bay đi; hay cũng có thể nghĩ rằng ông đã bay về quê nhà Mỹ Lợi nằm bên chân sóng cùng đàn vịt trời lông tía thoát bay từ trang văn của ông. Ngày mai, gia đình và bạn bè, các thế hệ cầm bút của Huế sẽ tiễn đưa ông không phải về đồi Thiên An mà là lên núi Thiên Thai. Dẫu ở đâu, ông cũng nằm trong lòng đất mẹ xứ Huế. Ông sẽ tồn tại mãi trong đời sống của chúng ta, trong niềm tự hào của chúng ta.

Trong giờ phút đau buồn này, xin cúi đầu tiễn biệt ông.

H.Đ.T.N
(TCSH403/09-2022)

 

 

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Khét (28/10/2022)
Các bài đã đăng