Tạp chí Sông Hương - Số 404 (T.10-22)
Trở lại ý và từ bài thơ “Vọng Thiên Thai tự”
14:54 | 25/11/2022

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Thời Nguyễn Du làm quan triều, từ 1805, tước Du Đức hầu, có điều kiện thăm thú danh lam thắng cảnh đất thần kinh. Ngôi chùa Thiên Thai (Thuyền Tôn) là một trong những cổ tự mà cảnh và người từng gây ấn tượng mạnh trong tâm khảm thi hào khi ông đến viếng.

Trở lại ý và từ bài thơ “Vọng Thiên Thai tự”
Ảnh: internet

Vì thế năm sau Nguyễn Du trở lại thăm chùa vào mùa thu, khe thành sông nhỏ, đường đi cách trở, tưởng chừng khó tới. Đứng chờ bên bờ dòng chảy, Nguyễn Du nhìn lên ngôi chùa ẩn hiện trong đám lá vàng và ông đã cảm tác bài thơ chữ Hán, thất ngôn bát cú “望天台寺” (Vọng Thiên Thai tự) (Ngóng nhìn chùa Thiên Thai). Bài thơ này có nhiều nhà nghiên cứu bình giải, dịch nghĩa, dịch thơ, nói chung phần lớn thống nhất ý từ thi pháp. Tuy nhiên, với câu bốn của bài thơ, liệu những dịch giả từng dịch nghĩa, dịch thơ có đúng ý của tác giả bài thơ hay không? Dựa vào phép biền ngẫu, đăng đối trong thơ Đường luật, chúng tôi mạnh dạn trở lại ý từ của câu bốn nói riêng và của bài thơ nói chung.

Đường thần đạo kinh thành Phú Xuân, thời vua Gia Long, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nghiêng nam góc 30 độ. Một trục tâm linh khác của kinh thành là Kỳ Đài - Đàn Nam Giao, đúng hướng Nam Bắc. Vì thế núi, đồi, cổ tự,… cứ nằm về phía trái hai trục nêu trên đều được xác định ở phía đông kinh thành. Núi Thiên Thai thỏa điều ấy nên còn gọi là Đông Sơn. Ở núi Đông Sơn từng có Long Quang tự, nơi sư Phật Thanh - Huyền Khê (sư Liên Hoa hay Thiệt Thành - Liễu Đạt) khai sơn, vừa là nơi tu học Phật pháp mà cũng là nơi luyện võ (võ ta Ngọc Trản). Tại đây, Đoàn Trưng từng lập “Đông sơn thi tửu hội”… Giới thiệu vị trí núi này Nguyễn Du hạ bút: “天台山在帝城東” (Thiên Thai sơn tại đế thành đông) (Núi Thiên Thai phía đông thành vua).

Ở vùng Nam sông Hương trừ sông An Cựu hay Lợi Nông giang không có một con sông thứ hai, toàn là khe suối. Có con đường cổ từ bến đò Trường Súng đến Đông Sơn (Thiên Thai) phải qua khe, bằng cầu tre, gặp mùa mưa nước hỗn có thể ngập cầu, thế nên Nguyễn Du mới viết: “隔一條江似不通” (Cách nhất điều giang tự bất thông) (Cách dòng sông nhỏ không lẽ thua). Giang (江) là sông lớn, điều (條) là vật thể nhỏ và dài, điều giang (條江) là sông nhỏ. Đường rừng, đường núi trong mùa hạ gặp suối, khe (溪: khê, dòng suối) người ngựa đi lại dễ dàng. Cũng suối khe ấy vào mùa thu, mưa nhiều, nước hỗn, thì khe suối có thể trở thành sông nhỏ (điều giang). Điều giang mà Nguyễn Du nhắc đến chính là “Nam khê” mà sau này Miên Thẩm có nhắc đến trong các bài thơ “Nam khê” (Khe nam) hay bài “Kê minh đại ca” (Bài ca gà gáy gở). Khe này đổ ra sông An Cựu ở nơi hiện nay có cầu Thầy Niệm, kiệt 254, đường Phan Chu Trinh. Đường cổ vượt khe có cầu Trĩ, khi mưa nước có thể ngập cầu làm người ngựa phải dừng chờ mưa tạnh, mực nước hạ mới đi tiếp. Rõ ràng Nguyễn Du lên chùa Thuyền Tôn bằng ngựa hoặc bằng võng, có thể đáp ở bến Trường Súng, theo con đường cổ từ Lịch Đợi, vòng trước chùa Bảo Quốc, qua Trường Giang, Trường Cởi, tiếp con đường (nay là Duy Tân) để lên chân núi Ngự Bình, vào ngõ chùa Viên Thông và theo đường núi thẳng đến chùa Thuyền Tôn.

Đi trong mùa thu, qua những rừng cây vàng lá và tưởng tượng ngôi chùa Thuyền Tôn bị vùi trong một lớp áo vàng thu, thế nên nhà thơ viết: “古寺秋埋黃葉裏” (Cổ tự thu mai hoàng diệp lý) (Áo lá vàng, thu vùi chùa cổ). Mùa thu đã vùi ngôi chùa cổ trong lớp áo dệt bằng lá vàng chỉ là ẩn dụ. Tác giả có ý nói ngôi tổ đình này cũng từng nhiều lần bị hoang phế thời chiến tranh; đồ tự khí phần thì mất mát, phần phải chôn giấu mới bảo tồn…

Trước 1789, như nhiều chùa khác đều bị trưng dụng, chùa Thuyền Tôn không ngoại lệ; phần lớn sư sãi phải rời chùa, đồ tự khí đồng phải nộp. Nhưng sau năm 1789, triều Tây Sơn thay đổi chính sách, tạo điều kiện để sư Đại Huệ - Chiếu Nhiên và các đệ tử như Đạo Tâm - Trung Hậu, Đạo Tuyên - Chánh Tín, Đạo Minh - Phổ Tịnh trùng kiến chùa. Trong hoài niệm về những ngày cũ, sư trụ trì chùa là ngài Đạo Tâm - Trung Hậu (thủ tọa chùa trước 1803, trú trì chùa từ 1803), đàm đạo với Nguyễn Du vẫn thể hiện lòng tôn kính triều Tây Sơn. Sự kiện này gây cảm xúc cho một người mẫn cảm như Nguyễn Du nên thi hào viết: “先朝僧老白雲中” (Tiên triều tăng lão bạch vân trung) (Lòng mây trắng, sư hoài triều xưa). Chữ Lão (老) ở đây là động từ, nghĩa “tôn kính” để đối với động từ Mai (埋) với nghĩa “chôn vùi”. Một số dịch giả hiểu (老) (lão) là già khi dịch thơ, đơn cử vào web thivien.net: “Triều xưa sư lão trắng mây bay” (Hải Đà, 2007), “Sư già triều trước trắng mây lồng” (Nguyễn Văn Dũng, 2013), “Sư già triều cũ mơ màng trong mây” (Trương Việt Linh, 2014), “Sư già xưa giữa trắng mây lồng” (Lương Trọng Nhàn, 2018); hoặc “Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng” (Lê Phạm Trung Dung, 2009), “Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng” (Thanh Y Dao, 2019)…

Nghĩ về tấm lòng của những vị sư chùa Thiên Thai đối với “Ngụy triều”, Nguyễn Du “giật mình mình lại thương mình xót xa”. Vốn hưởng lộc triều Lê, giờ bạc đầu còn phải “làm quan”, thậm chí “đại quan” của triều Nguyễn; thực chất làm người “sai đâu đánh đó”, “vào lòn ra cúi”, “bó thân về với triều đình/ hàng thần lơ láo phận mình ra chi”. Được giao đi sứ bề ngoài có vẻ “oai phong” nhưng trong thâm tâm họ Nguyễn thì mình khác chi “cung khu dịch” (con ngựa cúi cổ mang chỉ dụ của nhà vua), quá cay đắng: “可憐白髮供驅驛” (Khả liên bạch phát cung khu dịch) (Thương đầu bạc vào lòn ra cúi).

Xót xa dẫn đến ân hận, tự trách mình đã không “trước sau như một” với điều mình thích, mình đã chọn. Sau khi chống Tây Sơn không thành, Nguyễn Du đã chọn con đường tiêu dao với núi xanh (Hồng Sơn liệp hộ) nghĩa là ẩn luôn, giờ đây mình đã phụ: “不與青山相始終” (Bất dữ thanh sơn tương thủy chung) (Chẳng thủy chung chi với non xanh). Muốn ẩn dật cho trọn tình với nhà Lê, nhưng rồi phải “bó thân” về với triều Nguyễn, cùng quì lạy ở điện Cần Chánh với những đồng liêu, thậm chí có những hàng thần Tây Sơn.

Cái cảm xúc hôm nay thực ra đã từng xao xuyến lòng khi năm trước Nguyễn Du viếng chùa Thiên Thai; chỉ một niên hiệu “Cảnh Hưng” được khắc trên chuông cổ làm thi nhân u hoài về một triều Lê “ân sâu nghĩa nặng: “記得年前曾一到/景興猶掛舊時鐘” (Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo/ Cảnh Hưng do quải cựu thời chung) (Năm trước một lần ta từng viếng/ Cảnh Hưng thời cũ khắc chuông chùa). Chuông cổ đúc thời Tổ sư Tế Hiệp - Hải Điện kế vị trú trì đời thứ 2. Quan chưởng Thái giám Đoán Tài Hầu Mai Văn Hoan pháp danh Tế Ý làm Hội chủ. Năm Đinh Mão (1747), chùa được trùng tu, mở rộng, làm biển hiệu chùa. Trong dịp này, Đoán Tài Hầu cùng Phật tử đã hợp lực chú tạo đại hồng chung nặng 855 cân cúng chùa, lạc khoản ở chuông đề năm “Cảnh Hưng bát niên” (1747), đời chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Xin kết lại bài thơ chữ Hán cùng phần phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ:

望天台寺.

天台山在帝城東 ,
隔一條江似不通 。
古寺秋埋黃葉裏 ,
先朝僧老白雲中 。
可憐白髮供驅驛 ,
不與青山相始終 。
記得年前曾一到 ,
景興猶掛舊時鐘 。

Phiên âm:

Vọng Thiên Thai tự

Thiên Thai sơn tại đế thành đông,
Cách nhất điều giang tự bất thông.
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý,
Tiên triều tăng lão bạch vân trung.
Khả liên bạch phát cung khu dịch,
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo,
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.

Dịch nghĩa:

Ngóng nhìn chùa Thiên Thai

Núi Thiên Thai nằm ở phía đông Kinh thành Phú Xuân,
Cách một dòng sông nhỏ, tưởng chứng khó có lối đến núi.
Ngôi chùa cổ (bị) mùa thu vùi trong áo lá vàng,
Triều vua trước (được) sư hoài nhớ với lòng mây trắng.
Thương mình tóc bạc mà phải còn vào lòn ra cúi (chốn triều đình)
Chẳng cùng với núi xanh giữ vẹn thủy chung.
Nhớ năm trước ta đã từng một lần viếng (chùa),
Còn thấy niên hiệu cũ Cảnh Hưng khắc trên chuông đồng.

Dịch thơ:

Ngóng nhìn chùa Thiên Thai

Núi Thiên Thai phía đông thành vua,
Cách dòng sông nhỏ không lẽ thua.
Áo lá vàng, thu vùi chùa
cổ,
Lòng mây trắng, sư hoài triều xưa.
Thương đầu bạc vào lòn ra cúi,
Chẳng thủy chung chi với non xanh
.
Năm trước một lần ta từng viếng,
Cảnh Hưng thời cũ khắc chuông chùa.

Sinh thời, nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy từng viết bài “Đi tìm giòng sông trong bài thơ “Vọng Thiên Thai Tự” của Nguyễn Du, đăng trên web Chim Việt cành Nam, có nêu 3 vần đề cần giải mã: Dòng sông nào trong bài thơ? Cụ Nguyễn Du nói về vị sư nào của triều trước? Lịch sử chuông cổ ở chùa có niên hiệu Cảnh Hưng? Chúng tôi nghĩ rằng dòng sông nhỏ là “Nam khê”, có cầu Trĩ bắc qua, mùa mưa ngập cầu nên “khê” biến thành “điều giang”. Còn vị sư trú trì chùa mà Nguyễn Du nhắc đến là sư Đạo Tâm - Trung Hậu trú trì chùa từ năm 1803, từng cùng sư phụ trú trì Đại Huệ - Chiếu Nhiên giúp triều Tây Sơn việc Phật sự. Thơ, nhạc khi tác giả nào dùng cụm từ “bạch vân” (mây trắng) là để nói về nhớ nhà, nhớ quê hương hay hồi ức quá khứ. Lời bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng: Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương”. Lời bài hát “Con đường mây trắng” của Mai Thu Sơn: “Trên lối quen tan trường rợp ngàn mây trắng bay”. Lời bài hát “Mây trắng bay về” của Dương Thụ: “Mây trắng bay bay về nơi ấy. Nơi bao nhiêu thương.”… Thế thì “bạch vân trung” không thể hiểu chùa Thuyền Tôn (Thiên Thai) ở núi cao, mây trắng thường xuyên làm “phông nền” cho cảnh chùa, chẳng hạn: “Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã”! Thế thì “trong mây trắng” ở đây là “trong hồi ức thời dĩ vãng”, sư trú trì chùa vẫn còn trân quí những “công quả” mà triều Tây Sơn từng đóng góp ở chùa. Sự kiện này làm cho Nguyễn Du rất đỗi ngạc nhiên, vì lúc bấy giờ đa phần dân chúng ngả theo triều mới, phủ định triều “Ngụy Tây”, và thi hào cảm thấy nhà chùa rất thủy chung, không theo thời mà biến thái. Thói đời “yêu nên tốt ghét nên xấu”, không chỉ chùa Thuyền Tôn mà còn nhiều chùa nữa, vào thời đầu Tây Sơn ở Phú Xuân, do nhu cầu phục vụ chiến tranh, được trưng dụng làm kho than, diêm tiêu nhưng không bị tàn phá đến mất dấu; sau chiến tranh các chùa được tôn tạo. Còn một số chùa như Long Phúc (Pháp Vân), Long Quang (ở Thiên Thai ngoại) hoàn toàn bị xóa sổ sau cuộc khởi nghĩa Đoàn Trưng, không ai nhắc. Quốc sử quán triều Duy Tân, thường dùng “cụm từ” “Sau binh hỏa” với ý nghĩa sau cuộc loạn Đoàn Trưng thì có người hiểu “sau cuộc đánh nhau giữa quân Cảnh Thịnh với quân Nguyễn vương” vô tình hay cố ý đã “bóp méo” sự thật lịch sử, làm sử học thiếu khách quan.

T.V.Đ
(TCSH404/10-2022)

-----------------
Tài liệu tham khảo từ thivien.net - trang thơ Nguyễn Du.

 

 

Các bài đã đăng
Chị Linda (25/11/2022)
Nhà nội… (15/11/2022)