Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-25)
Như cánh chim bằng băng qua bão tố
08:37 | 18/07/2025

TRẦN NGỌC TRÁC

NSND La Cẩm Vân mất năm 2014. Bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu NSND vào năm 2015. Dưới đây là những kỷ niệm của tác giả bài viết được NSND La Cẩm Vân chia sẻ lúc sinh thời.

Như cánh chim bằng băng qua bão tố
Cố NSND La Cẩm Vân - Nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Ảnh tư liệu Trần Ngọc Trác.

Gió rít lên từng cơn. Tiếng gió quất vào cánh cửa kính nhà sáng tác Đà Lạt, mỗi lúc mỗi rõ. Trong gian phòng không rộng, chỉ có hai chiếc giường, bàn viết và hai ghế gỗ. Gió rít và hơi lạnh bên ngoài vẫn len lỏi vào trong. Chị La Cẩm Vân, mặc một chiếc áo khoác màu sữa, choàng thêm một chiếc khăn voan, dường như cũng chưa đủ ấm. Tôi ngồi đối diện, nghe chị kể.

Giọt nước mắt trào ra, chị đưa vội chiếc khăn mùi soa lên chấm, như ngăn lại những dồn nén trong lòng. Tôi quay mặt đi, nhìn vào khoảng không, để chị kịp trấn an mình. Giọt nước mắt của người đàn bà. Lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Vốn là người phụ nữ kiên định, mạnh mẽ, từng chống chọi với biết bao khó khăn, thử thách sóng gió trong cuộc đời, tôi tin chị sẽ vượt qua. Chị miên man trong dòng suy tưởng.

Cha tôi là nghệ sỹ La Cháu, gọi bà La Thị Sơn, mẹ ruột của bà Hoàng Thị Cúc (Từ Cung) là cô ruột. Bà Từ Cung sinh Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại), chị em tôi gọi bà Từ Cung là bà cô. Chuyện tình của ông vua Khải Định với bà cô ruột của tôi là câu chuyện dài. Vốn biết, 5 đời họ La ở làng Hà Trung, huyện Phú Vang yêu nghề hát xướng, nên khi trở thành mẹ vua Bảo Đại, bà Từ Cung đã đưa cha tôi cùng gia đình vào trong cung, để đêm ngày được tập luyện múa hát và được tuyển chọn vào Thanh Bình Thự, nhà hát cung đình triều Nguyễn. Tôi cũng được sinh ra ở Tả Vu và lớn lên với không gian Hoàng thành Huế; nơi đó đã nuôi dưỡng tôi, giúp cho tôi am hiểu tường tận những gì mà di sản cha ông từng để lại, và tôi thật sự là người hạnh phúc khi được trực tiếp thực hiện        những điệu múa, lời ca ở chốn kinh thành.  

Từ một diễn viên múa cung đình, tôi vừa học chữ, học nhạc và ca múa, tập luyện võ thuật, chăm chút từng động tác múa hát hết bốn năm thì trở thành diễn viên chính thức (1965). Sau năm 1975 là đội trưởng đội diễn viên; đến năm 1984 được cử làm phó đoàn. Và 5 năm sau (1989) trở thành trưởng đoàn ca múa nhạc truyền thống cung đình Huế. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn lắng nghe những lời chỉ bảo của các thầy, của cha tôi mà lớn lên, trở thành Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế; mang theo lời ca điệu múa của cung đình đến với thế giới.                    

Múa cung đình Việt Nam có từ đời Tiền Lê. Qua đời Lý, hình thức múa có bước phát triển qua sự kiện Lý Thánh Tông, trong cuộc Nam chinh, đưa hơn một trăm cung nữ Chiêm Thành giỏi múa hát khúc Tây Thiên đem về Thăng Long (1044). Đến đời Trần, hình thức múa hát tập thể đã khá phổ biến ở cung đình. Đời Lê, qua các điệu múa Bình Ngô phá trận Chư hầu lai triều được biểu diễn vào năm 1456 nhân khi vua Lê Nhân Tông đến Lam Kinh bái yết lăng miếu, thì múa hát đã phát triển đến hình thức Tổ khúc. Giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, họ Nguyễn vào trấn đất Thuận Hóa, lập một giang sơn riêng biệt. Đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ vì xuất thân từ con nhà xướng hát không được đi thi, phẫn chí vào Nam giúp chúa Nguyễn. Chính Đào Duy Từ là người đầu tiên xây dựng cho múa cung đình Huế (Thuận Hóa) những cơ sở đào tạo nghệ thuật múa đầu tiên. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ lập ra Hòa Thanh Thự luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Hòa Thanh Thự gồm ba đội, mỗi đội có 120 người đều thuộc quyền viên phó quản điều khiển. Vũ sinh tuyển cả con trai và con gái. Đội nhất và đội ba trông coi về nhạc, đội nhì trông coi về ca và vũ. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), đoàn múa hát cung đình gọi là Tiểu Hầu, có thêm khúc Thái liên (hái hoa sen). Đến đời nhà Nguyễn chỉ còn lại 14 khúc. Diễn viên vừa múa vừa hát, các bài hát toàn bằng chữ Hán Việt, chỉ trừ múa Tứ Linh là không hát nhưng có nhạc phụ họa. Mười một vũ khúc đó là: Bát dật, Lục cúng, Song quang, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Vũ phiến (múa quạt), Nữ tướng xuất quân, Tam quốc - Tây du, Lục triệt hoa mã đăngTứ linh. Đào Duy Từ có công sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ, đặt ra điệu múa Song quang, Nữ tướng xuất quânTam quốc - Tây du, dùng khi quốc gia đại lễ. Trong khi biểu diễn các vũ điệu cung đình, ban nhạc Thiều được sử dụng. Nhạc khí có: trống lớn (trống cái), trống con, trống tiểu bồng, trống yên cổ, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nguyệt, hồ, nhị, sáo, kèn, sênh tiền, tam âm, chuông, khánh, đàn sến, đàn cầm, đàn tranh, mõ, song lang… Ban nhạc có y trang dành cho đại lễ và ngày thường.

Sang đời vua Gia Long (1802 - 1820) đoàn có tên là Tiểu Hầu trong Việt Tường Đội. Đến đời Minh Mạng, đoàn ở trong biên chế của Thanh Bình Thự với tổng số 381 người (Thanh Bình Thự được xây vào thời Minh Mạng và gần đây đã được tu sửa lại). Năm Thành Thái nguyên niên (1889), đoàn ở trong Võ Can Thự. Qua đời Khải Định, đoàn có tên là Ba Vũ. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến năm 1954, đoàn vẫn được duy trì dưới sự giúp đỡ thường xuyên của bà Từ Cung và hưởng quỹ lương của Hội đồng Nguyễn Phước Tộc. Từ năm 1970 đến năm 1975, đoàn lại thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa. Các điệu múa còn lưu truyền có thể chia làm ba nhóm: múa nghi lễ, múa chúc tụng và múa theo tích, sử, truyện. Sau này, đến đời Tự Đức, có bà Từ Dũ sùng bái đạo Phật, đã tuyển các vũ sinh nam, nữ khoảng 12 đến 14 tuổi hóa trang đẹp gọi là “tiên đồng,      ngọc nữ” để tập múa và cúng dâng Phật lễ vật. Múa cung đình Huế chú trọng đến lễ thức và chúc tụng,     không có hình thức vũ hội như ở Âu Châu, chủ yếu là do vũ sinh biểu diễn. Dưới thời Lý, Trần, vua và các quan đều cùng tham gia múa hát. Song triều Nguyễn, vua quan chỉ là người thưởng ngoạn. Tính chất dân tộc vẫn được coi trọng và bảo trì (Ấn Độ), tuy vay mượn đề tài, nội dung, nhưng đã được tái tạo thành những hiện tượng múa độc đáo Việt Nam là những chứng minh cụ thể. Động tác múa cung đình Huế có quan hệ hỗ tương với động tác múa tuồng. Mười tám khúc hát múa trong Tam quốc - Tây du đã cách điệu hóa động tác sinh hoạt, võ thuật Việt Nam, làm phong phú thêm về mặt tạo hình và luật động...

Sau năm 1975, Đoàn Ba Vũ đổi tên là Đoàn múa hát truyền thống với hai nhiệm vụ múa và diễn Tuồng; nhiều lần tưởng đã giải thể đoàn, bởi không ít người lúc đó cho rằng, bộ môn này chỉ để phục vụ cho “giai cấp phong kiến”. Đất nước đổi mới, văn hóa dân tộc được chăm sóc, phục hồi, bảo tồn. Từ năm 1990 về sau, được sự quan tâm chỉ đạo và tài trợ của lãnh đạo tỉnh, nhất là UBND tỉnh, Bộ Văn hóa - Thông tin, Sở Văn hóa… tôi được giao trách nhiệm phục hồi bộ môn nghệ thuật truyền thống Huế mà nhiều người quen gọi là nghệ thuật cung đình…

Cố NSND La Cẩm Vân với cha - cố NSƯT La Cháu. Ảnh tư liệu Trần Ngọc Trác.


Bỗng nghệ sĩ La Cẩm Vân ngừng kể, chị đăm chiêu nhìn về chốn xa xôi trong khoảng không gian tĩnh lặng giữa núi rừng Tây Nguyên huyền ảo. Ngoài kia, gió vẫn lay từng cành thông xào xạc, hạt sương vẫn chảy dài trên tấm kính của cửa sổ. Chị hoài niệm về một thời, và trong giọng nói của chị không còn mạnh mẽ nữa. Tôi cảm giác, dường như chị đang khóc, tiếng khóc đã lận vào bên trong. Chị không còn xưng “tôi”, mà chuyển sang xưng tên, tâm tình như một người bạn, người cùng thấu hiểu với mình.

Cuộc đời Vân cũng thăng trầm cùng với nghệ thuật này. Sau 1975, đất nước khó khăn, không mấy ai quan tâm nghĩ đến văn hóa nghệ thuật cổ truyền. Đoàn của Vân không trụ nổi ở thành phố, phải lưu diễn nơi xa; có khi ra tận Quảng Bình, thành phố Vinh tháng này sang tháng khác. Ban ngày thì lo tuyên truyền quảng cáo, đêm đến nhiều khi các nghệ sĩ chỉ ăn một cái kẹo Cu Đơ trước giờ biểu diễn; có khi ra bờ biển diễn cho bà con ngư dân xem. Do di chuyển đến nhiều nơi, việc chăm lo cho cả đoàn ngày càng vất vả, Vân đã để mất một người con vì không có sữa cho con.

Nói đến đây, chị im lặng. Tôi biết chị đau đớn lắm. Nước mắt trong tôi cũng bỗng ứa ra lăn xuống làm nhòe mắt kính. Nhưng chị cũng kịp nhận ra, vội thanh minh: - Mong anh thông cảm, tôi không muốn nói điều này. Rồi, chị tiếp tục:

Rất may, tình hình khó khăn cũng dần qua, Vân được giao làm trưởng đoàn và trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật. Người nước ngoài, đặc biệt là một số nhà nghiên cứu Pháp rất coi trọng nghệ thuật biểu diễn cung đình của Việt Nam, bởi vì nó rất Huế, rất Việt Nam nên cần phải giữ lấy cái chất “tinh ròng” đó. Nhờ vậy mà Vân và anh chị em nghệ sĩ trong đoàn tiếp tục khai thác, phục hồi và phát huy nghệ thuật ca múa nhạc cung đình (bao gồm bộ môn ca múa cung đình Huế, tuồng Huế và nhạc lễ cung đình Huế), thể hiện tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam về tình yêu Tổ quốc, gia đình và tính cộng đồng nhân loại, xây dựng thành một phong cách đặc trưng của một đoàn nghệ thuật truyền thống mang màu sắc văn hóa Huế. Đoàn khôi phục vốn cổ, dàn dựng mới 45 vở múa cung đình, 16 tiết mục múa dân gian dân tộc, 10 tiết mục lễ nhạc cung đình. Nhất là có các vở múa như: Nữ tướng luyện quân ra trận, Lân mẫu xuất lân nhi, Tam tinh chúc thọ, Phụng vũ, Phiến vũ, Trình tường tập khánh, Tam quốc, Tây du, Bát tiên hiến thọ, Lục triệt hoa mã đăng, Lục cúng hoa đăng, Song phụng… được khôi phục hoàn toàn đúng theo nguyên bản cổ. Bên cạnh đó, đoàn còn phục hồi được 30 tiết mục ca Huế và lý Huế, 8 vở tuồng dài và 18 trích đoạn tuồng (tuồng đồ, tuồng sử tuồng pho, tuồng ngự). Đoàn liên tục đi biểu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh; tham gia các kỳ liên hoan hội diễn sân khấu chuyên nghiệp của khu vực và toàn quốc và có nhiều tiết mục đoạt giải cao. Ngoài ra, đoàn còn tham dự các giải quốc tế và biểu diễn giao lưu văn hóa ở một số nước như: Liên Xô, Nhật Bản, Lào, v.v. Nhờ sự quan tâm nhiều hơn của ngành, lãnh đạo tỉnh và thành phố Huế, hoạt động của đoàn ngày càng có hiệu quả cao hơn. Trước đây, một năm chỉ tiêu của đoàn chỉ dựng một vở tuồng và đi biểu diễn theo mùa. Khác với những năm trước, đoàn cũng phải lưu diễn nhiều nơi, vất vả tốn kém mà tiền thu không đủ trang trải các khoản chi, nên đoàn chỉ tập trung biểu diễn tại Huế và một số xã vùng ven thành phố, ven biển, đầm phá, thế mà số lượng buổi biểu diễn tăng hẳn lên - khoảng 150 buổi, trong đó có 87 buổi diễn theo hợp đồng. Nhất là sau Festival Văn hóa Việt - Pháp, nhiều đoàn khách nước ngoài đã tự tìm đến với đoàn, có khi phải đăng ký trước 3 ngày hoặc một tuần khách mới được đáp ứng nhu cầu. Hình thức biểu diễn của đoàn bây giờ cũng đã thoáng hơn, phù hợp hơn với từng đối tượng, đôi khi chia thành tốp nhỏ, khách ít cũng được đáp ứng yêu cầu. Nhờ thế, tổng thu của đoàn tăng hẳn, đời sống diễn viên được cải thiện, có thu nhập ngoài lương.

Nghệ sĩ La Cẩm Vân miên man trong dòng suy tưởng của mình. Những năm tháng gắn bó với Đoàn, nghệ sĩ La Cẩm Vân đã dành tâm huyết cả cuộc đời mình để phục hồi lại nguyên bản - tuy vất vả nhưng đó là điều rất cần thiết phải làm - như phục trang, đạo cụ, ký âm lại phần nhạc, thu băng những điệu hát và thu hình lại các động tác múa, các điệu múa… trước khi những nhân chứng lịch sử là các nghệ nhân, các vị trong Hoàng tộc còn sót lại qua đời. Những gì còn lại hôm nay về múa hát cung đình Huế còn lưu lại trong các kỳ Festival Huế là có sự đóng góp không nhỏ của nghệ sĩ nhân dân La Cẩm Vân - một con người, một cuộc đời thầm lặng đã tận hiến cho nghệ thuật cung đình Huế. Chị như cánh chim bằng băng qua bão tố, chen đua với không gian, với thời gian để khôi phục, lưu giữ, phát triển những gì cha ông đã để lại một di sản to lớn về nghệ thuật Tuồng Huế, múa hát cung đình Huế.

Đêm đã dần khuya, vẫn trong căn phòng của nhà sáng tác trên cao nguyên, chị La Cẩm Vân chậm rãi kể cho tôi nghe về những kỷ niệm, những ngày tháng thăng trầm cùng với anh chị em trong nhà hát phục dựng những vở Tuồng cung đình, những lời ca điệu múa cung đình Huế; nhớ những lúc một thân một mình với chiếc xe đạp cọc cạch lặn lội từ trong Đại Nội ngược lên Kim Long, Linh Mụ, Văn Thánh để tham gia giảng dạy múa hát cung đình và nghệ thuật tuồng Huế cho các bạn trẻ ở trường Văn hóa Nghệ thuật Huế khi mưa gió bão bùng; những chuyến đi lưu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh mà không lấy làm buồn. Dẫu có trải qua bao đoạn trường, cánh chim bằng ấy vẫn bay qua muôn trùng sóng bão để về với nhân dân, về với mảnh đất yêu thương mà chị được sinh ra, lớn lên và tận hiến.

T.N.T
(TCSH57SDB/06-2025)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Kim Loan (14/07/2025)
Cô Nhạn (11/07/2025)
Đàn bầu (07/07/2025)