Tạp chí Sông Hương - Số 1 (T.6-1983)
Huế trong “Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở châu Á” của UNESCO
11:16 | 12/07/2010
LÊ VĂN HẢOTháng 12 năm 1979 tại thành phố Pitxanulôcơ (Pitsanulok) Thái Lan, ông Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã triệu tập một cuộc họp của những chuyên gia nhằm chuẩn bị cho một Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở châu Á. Chương trình này sẽ nhằm vào một số đô thành cổ kính đã từng đóng những vai trò có ý nghĩa trong sự phát triển và giao lưu của các nền văn hoá ở châu Á.
Huế trong “Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở châu Á” của UNESCO
Ảnh: cuocsongviet.com.vn
Cuộc họp quan trọng này đã nhấn mạnh rằng các đô thành lịch sử được đưa vào chương trình nghiên cứu sẽ được tìm hiểu phân tích lý giải trong bối cảnh địa lý, chính trị và kinh tế của chúng, cũng như trong những hoạt động văn hoá - theo nghĩa rộng nhất - của chúng (1). Các chuyên gia của UNESCO đã quyết định rằng chương trình nghiên cứu này sẽ huy động nhiều cuộc khảo sát liên ngành và đa diện dính dáng đến các nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học, xã hội học, dân tộc học, khoa học kiến trúc và quy hoạch đô thị, lịch sử mỹ thuật và mỹ nghệ, lịch sử tôn giáo, địa lý học, ngôn ngữ học, cổ tự học, cổ tiền học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, nghiên cứu văn học, nông học, địa chất học, địa hình học, thực vật học, âm nhạc học, sân khấu học…

Mục tiêu của chương trình là tăng cường sự hiểu biết của các nền văn hoá châu Á trong thời gian và không gian, vì thế công cuộc nghiên cứu sẽ không nhằm khảo sát phân tích từng đô thị riêng rẽ, ngược lại các đô thành cổ này sẽ được nghiên cứu trong bối cảnh chung của lịch sử và của văn hoá toàn châu Á. Một phương hướng nghiên cứu như vậy sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm về sự phân loại các đô thành và các nền văn hoá, về những tiến trình lịch sử của chúng, những giao lưu và ảnh hưởng qua lại giữa các đô thành và các nền văn hoá trong quá khứ cũng như những hậu quả của giao lưu văn hoá và tiếp biến văn hoá (2) trong tương lai.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, công cuộc nghiên cứu về mỗi một đô thành đòi hỏi sự hợp tác khu vực dưới hình thức hội thảo có sự tham dự của những chuyên gia đến từ các vùng khác nhau của châu Á nhằm có thể tiến hành so sánh đô thành ấy với các đô thành cổ khác ở châu này.

Các chuyên gia họp tại Pitsanulok cũng quyết định rằng các đô thành sẽ được chọn đưa vào chương trình sau khi đã tham khảo các quan điểm phát biểu từ các khu vực, liên khu vực và các dân tộc khác nhau ở châu Á.

Tiêu chuẩn lựa chọn sẽ liên quan đến ý nghĩa của những đô thành lịch sử trong quá khứ châu Á nhìn từ phương diện hiện đại và cả từ phương diện tìm hiểu khả năng của các đô thành trở nên những trung tâm tập hợp trí tuệ và phát triển văn hoá trong tương lai.

Sau cuộc họp Pitsanulok, một kế hoạch nghiên cứu 6 năm (1980-1985) đã được phác họa cho Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử được đặt dưới sự bảo trợ và tài trợ chính thức của UNESCO. Các đô thành sau đây đã được ghi vào trong chương trình:

- Nara, kinh đô cũ của Nhật Bản.

- Huế, kinh đô cũ của Việt Nam.

- Kanchipuram, đô thành cổ của Ấn Độ.

- Kyongju, đô thành cổ của Nam Triều Tiên.

- Bình Nhưỡng, thủ đô của Cộng hòa Nhân dân triều Tiên.

- Sukhothat, kinh đô cũ của Thái Lan.

- Taxila, đô thành cổ của Pakistan.

- Trường An, kinh đô cũ của Trung Quốc (3).

Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở châu Á đã được UNESCO giao cho Hội đồng Tư Vấn Nghiên cứu Đông Nam Á của UNESCO trực tiếp phụ trách triển khai. Hội đồng Tư Vấn này là một cơ quan khoa học có tính chất khu vực đặt trụ sở bên cạnh văn phòng văn hoá và văn phòng giáo dục của UNESCO ở châu Á và Thái Bình Dương tại Thủ đô Băng cốc của Thái Lan. Cơ quan ngôn luận của Hội đồng này là tập san thông tin của Hội đồng Tư Vấn nghiên cứu Đông Nam Á xuất bản thường kỳ bằng tiếng Anh tại Băng cốc từ 1980 đến nay.

Tập san thông tin của Hội đồng Tư Vấn Nghiên cứu Đông Nam Á tập 3 số 2 tháng 12 năm 1982 đã được dành để giới thiệu và sơ kết những hoạt động của chương trình nghiên cứu các đô thành cổ ở châu Á (trang 1-5) bên cạnh một số hoạt động văn hoá và nghiên cứu khoa học khác của UNESCO tại liên khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Tập san đã giới thiệu mục đích và phương hướng của chương trình nghiên cứu, danh mục các đô thành lịch sử đã được chọn và thông báo rằng một phần của chương trình bao gồm công cuộc nghiên cứu Huế kinh đô cũ của Việt Nam và Sukhothat kinh đô cũ của Thái Lan đã hoàn thành bước đầu trong những năm 1980-1981 và 1981-82 (4).

Các đô thành lịch sử khác là Nara, Kanchipuram, Kyongju, Bình Nhưỡng, Taxila, Trường An, đang được đang được tiếp tục nghiên cứu và dự đoán là vào khoảng 1984-85 chương trình nghiên cứu sẽ được hoàn tất.

Tập san thông tin của Hội đồng Tư Vấn Nghiên cứu Đông Nam Á tập 3 số 2 tháng 12 năm 1982 cũng trích đăng 3 trang về Di tích lịch sử Huế của Lê Văn Hảo (5) và 2 trang về Nghiên cứu đô thành lịch sử Sukhothat giới thiệu cuốn Đô thành lịch sử Sukhothat do M. Thaumcharoen, R. Topengpat và V. Boonak chủ biên với sự hợp tác của nhiều chuyên gia thuộc các trường Đại học Thái Lan.

Tập san cũng thông báo: Nhóm công tác của cuộc vận động Quốc tế nhằm bảo vệ và tôn tạo di sản văn hoá Huế đã họp phiên thứ nhất (24/11 - 2/12/1982) và sẽ họp phiên thứ hai (từ 24 - 29/10/1983) tại Hà Nội và Huế.

Tập san nhắc lại cho chúng ta biết: năm 1980 Đại hội đồng UNESCO đã bỏ phiếu thông qua một kế hoạch hành động nhằm tu sửa 17 di tích lịch sử của cố đô Huế, một trung tâm văn hoá và du lịch của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Việc UNESCO chọn Huế là một trong 8 khu di tích lịch sử trên thế giới để tu sửa và tôn tạo (6) trong kế hoạch sáu năm 1980-1985, rồi lại chọn Huế là một trong 8 đô thành lịch sử của châu Á để đưa vào kế hoạch sáu năm 1980-1985 của chương trình nghiên cứu vừa nói lên sự thừa nhận của quốc tế đối với ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Huế trong tiến trình lịch sử văn hoá châu Á.

Điều này cũng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với việc tìm hiểu Huế và góp phần xây dựng Huế thành một trung tâm văn hoá và du lịch của đất nước (7). Chúng ta hoan nghênh việc Đảng bộ và chính quyền thành phố Huế đã chủ trương nghiên cứu và biên soạn lịch sử Huế (8). Chúng ta cũng vui mừng và phấn khởi thấy nhiều cơ quan văn hoá, cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương như Viện Sử học, Viện nghiên cứu văn hoá … ngày càng quan tâm đến việc nghiên cứu lịch sử và văn hoá Huế, hỗ trợ đắc lực cho những cố gắng và nhiệt tình của nhiều nhà nghiên cứu địa phương, nhà văn và nghệ sĩ đã miệt mài với đề tài Huế trong những năm qua.

L.V.H.
(1/5&6-83)



-----------------
1. Nghĩa là bao gồm cả văn hoá vật chất, văn hoá xã hội và văn hoá tinh thần.
2. acculturation.
3. Tư liệu của Hội đồng Tư Vấn Nghiên cứu Đông Nam Á do Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam cung cấp.
4. Riêng về Huế, như chúng ta đã biết từ 1979 đến nay, UNESCO đã xuất bản các công trình sau đây:
- Di tích lịch sử Huế của Pierre Pichard, UNESCO xuất bản, Paris 1979, 100 trang.
- Châu Á vĩ đại và quang vinh, Trung tâm văn hoá châu Á của UNESCO (ACCI) xuất bản, Tokyo, 1981, 100 trang (bản tiếng Anh) có phần nói về cố đô Huế do Lý Khắc Cung biên soạn.
- Vì công cuộc bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hoá Huế, lời kêu gọi của ông Tổng Giám đốc UNESCO A.M.M’Bow, UNESCO xuất bản, 4 trang (bản tiếng Nga, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ả rập, Việt)
- Huế, một trung tâm văn hoá và du lịch của Việt Nam của Lê Văn Hảo và cộng tác viên, nhà xuất bản UNESCO Paris 1982, 44 trang (bản tiếng Nga, Pháp, Anh) do ông A.M.M’Bow đề tựa.
- Huế một bài thơ đô thị tuyệt tác, của Lê Văn Hảo và cộng tác viên, nhà xuất bản Đông Nam Á Paris 1982 ấn hành với sự tài trợ của Quỹ Quốc tế phát triển văn hoá của UNESCO, 200 trang (bản tiếng Pháp) do ông A.M.M’Bow đề tựa, đại sứ Vũ Trọng Kính giới thiệu.
5. Trích từ tác phẩm “Huế một bài thơ đô thị tuyệt tác”, sách đã dẫn.
6. Các khu di tích lịch sử khác là thuộc các nước Pêru, Haiti, Malta, Guaranitx, Xênêgan, Sri Lanka và Mauritania.
7. Xem thêm: Huế, một trung tâm văn hoá lớn của đất nước ta, từ hôm nay đến ngày mai, tập san văn nghệ Bình Trị Thiên, số 271, 1982 tr. 70-74.
8. Xem nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Huế lần thứ II (1982)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Món ăn Huế (07/07/2010)
Vô đề (26/03/2008)
Lá rụng (26/03/2008)