Tạp chí Sông Hương - Số 3 (T.10-1983)
Buồn vui của Huế
16:09 | 11/08/2010

HUY PHƯƠNG

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                      
                                          (Tố Hữu)

Buồn vui của Huế
Cây đa, bến nước, sân đình và dáng Huế xưa - Ảnh: hue.vnn.vn
Mỗi người Việt Nam đều có trong tâm hồn mình hình bóng một dòng sông. Tôi cũng có con sông của tôi: con sông Hương của tuổi ấu thơ và một phần tuổi trẻ. Dẫu về sau này trong cả quãng đời ngót ba mươi năm, tôi đã đi đến nhiều miền sông núi khác nhau của Tổ quốc, ở nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn tôi vẫn luôn là tiếng thì thầm của sóng nước một dòng sông ấy, nghe thiết tha như tiếng ru vẳng đến từ kỷ niệm:

Trước bến Văn Lâu. Ai ngồi ai câu. Ai sầu ai thảm. Ai thương ai cảm. Ai nhớ ai mong…

Lời ca tôi nghe thuở mới biết cắp sách đến trường ấy, không phải chỉ là lời tâm sự của một con người mà còn là tiếng thở dài cất lên từ một xứ sở. Nỗi đau khắc khoải của Huế là từ đâu? Cậu bé mới lên bảy lên tám là tôi hồi đó đã hiểu làm sao được, mà chẳng biết tiếp nhận như một món gia tài bẩm sinh của cái thành phố đã nuôi dưỡng nên mình. Lớn lên trong một gia đình trí thức nghèo, chông chênh vào buổi giao thời, tôi đã phải sớm làm quen với một nếp sống lẻ loi và tự lập. Tuổi niên thiếu của tôi cứ lặng lẽ mà trôi qua, năm này theo năm khác, trong một căn nhà cũ kỹ bên góc đường Thượng Tứ, nơi đó, mỗi đêm thức khuya để học bài, tôi có thể nghe rõ tiếng mọt nghiến kẽo kẹt trên những chiếc xà ngang nứt nẻ mà có cảm giác như cả ngôi nhà đang rung rinh và sắp sụp đổ lên hai vai mình cùng với tất cả cái không khí vắng lặng đến khô lạnh của Huế. Rồi tiếp theo những cơn mưa tối đất tối trời kéo dài hết mùa đông và còn dai dẳng đến nửa mùa xuân để lại dấu vết trên những mảng rêu lưu cữu cứ dày thêm mãi trên những bức tường vôi loang lổ quanh vườn, là những ngày hè chói chang, oi bức. Dòng sông Hương đón những cánh hoa phượng buông rơi xuống mặt nước cũng là lúc hai bên bờ vừa dựng lên những căn rạp cúng âm hồn. Mấy người đàn bà mù lòa, không biết từ đâu tới, ngồi bên đầu cầu Gia Hội hoặc dưới vòm cửa Đông Ba, cất tiếng kể bài vè Thất thủ kinh đô với một giọng buồn thảm điểm nhịp bằng tiếng gõ đều đều lên một chiếc âu đồng rạn vỡ. Trưa mùa hè bốc cháy, sẫm đặc trong lớp khói nhang lảng đảng che khuất những hàng cây. Và trong tiếng ve ran là tiếng hát vè, tiếng mõ, tiếng chiêng, tiếng kèn bát âm nấc lên từng nhịp lẫn trong tiếng ê a tụng kinh niệm Phật. Những âm thanh ấy cứ tăng dần lên, vang vọng khắp một vùng thành quách đền đài và chỉ lịm dần đi khi đêm xuống, bóng tối từ mặt sông dâng lên, nhảy múa chập chờn bên những đám lửa đốt vàng mà vẫn còn hừng hực cháy mãi cho đến sáng hôm sau.

Cũng như nhiều bạn bè khác, tôi lớn lên trong cái khung cảnh gần như huyền hoặc của một thành phố mang đầy dấu vết của dĩ vãng. Nói cho đúng thì đó cũng không hẳn chỉ là dấu vết, mà chính là quá khứ vẫn còn hiển hiện trong cuộc đời của mỗi người dân Huế. Lịch sử của Huế ít có được những ngày quang đãng. Con sông Hương chỉ một lần ghi nhận hình ảnh của người anh hùng Tây Sơn lên ngôi Đế trước ngày lên đường ra Bắc đại phá quân Thanh. Nhưng rồi chẳng bao lâu lại phải chứng kiến cái cảnh giang sơn thay thầy đổi chủ. Các triều đại vua Nguyễn có công xây dựng Huế thành một kinh đô của cả nước, chưa kịp đem đến cho nơi thủ phủ này chút hào quang nào thì đã bắt nó phải trông thấy cảnh suy vong không những chỉ của một giòng họ nhà vua mà còn là của cả một quốc gia. Cung điện, lăng tẩm, đền đài, dẫu có khoác lên thành phố này cái vẻ uy nghiêm của một cố đô, vẫn không khỏi để lộ cái dấu ấn nhẫn nhục của một thuở vàng son gắng gượng.

Lớp người trẻ tuổi chúng tôi hồi ấy sống vô tư, thanh thản hơn và cũng như ở bất cứ thời nào họ không được sự tin cậy của lớp cha ông đi trước. Cha tôi nhìn những chồng sách chữ Pháp trên bàn học của tôi với một đôi mắt lo ngại. Vốn kiến thức Tây học của ông dừng lại ở Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu (1) và ông chẳng ngần ngại gì xếp tất cả các thứ sách vở phương Tây kể từ sau đó, vào hạng văn chương lố lăng, vô đạo. Ông tự hào về cái đức tính khẳng khái của những con người vùng sông Lam của mình nhưng lại quyết chỉ sống nốt tuổi già ở miền sông Hương núi Ngự này có lẽ chỉ vì ở đây ông mới tìm thấy được một ít bạn bè tri kỷ. Bạn bè của ông là những ai, tôi không biết hết. Một vài vị khoa bảng, một vài nhà Nho trong giới quan trường, cũng như ông đang bất bình vì cái cảnh vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan. Nhưng thường được ông nhắc đến với giọng trân trọng hơn cả quanh quẩn cũng chỉ có hai người: Đó là “cụ Tiếng Dân”, một ông già bé nhỏ, có chòm râu lơ thơ dưới cằm, lâu lâu lại từ ngoài phố Hàng Bè che chiếc ô đã bạc thếch, ghé vào thăm cha tôi và nhà chí sĩ họ Phan, hồi ấy đã về Huế, sống trong một nếp nhà gỗ đầu dốc Bến Ngự. Tôi chưa bao giờ thấy cụ Phan đến nhà tôi. Chỉ thỉnh thoảng vào dịp đầu Xuân cha tôi mới viết một phong thư trên giấy hồng điều bảo tôi cầm sang Bến Ngự với giòng chữ chân phương “Phan tiên sinh nhã giám” đen nhánh màu mực Tàu viết ở mặt phong bì. Tôi còn nhớ cây mai vàng rực rỡ bên đầu hồi ngôi nhà bé nhỏ của nhà chí sĩ và hình ảnh của vị lãnh tụ Đông Du quắc thước trong chiếc áo dài trắng, nét mặt trang trọng của người khi cầm lấy phong thư từ trong tay tôi.

Vào thời kỳ đó ở hiệu sách Hương Giang, đôi lúc đã thấy bày bán những tập văn luận chiến của J. Jôrex, phóng sự của A. Viôlit và cả Người Mẹ của Gorki bên cạnh các tập tiểu thuyết của Rôlăng và BacBuyx… Lúc ấy, chúng tôi đâu có biết anh Nguyễn Khoa Văn là một chiến sĩ cộng sản. Một đôi lần, tha thẩn trong cửa hàng để ngắm sách, tôi trông thấy anh đứng sau quầy, mái tóc đen dày rủ xuống trên đôi mắt rất sáng thường nhíu lại nhìn bọn học trò chúng tôi như tủm tỉm cười và thầm nhắn nhủ một điều gì.

Tất cả đều như bất động trong cái nếp sống tĩnh mạc của Huế. Mặc dầu ở nơi sâu thẳm của tâm hồn mỗi người thuộc mọi thế hệ có những đợt sóng ngầm đang xô đẩy. Ánh đèn phòng thủ thụ động, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra ở bên kia bán cầu, chỉ làm cho các đường phố của Huế thêm cái vẻ bâng khuâng hoài cổ. Và tiếng súng quân Nhật chiếm đồn Mang Cá chỉ có thể làm cho người Huế phải một đêm mất ngủ. Lá cờ vàng được thay bằng lá cờ quẻ Ly. Những ông thượng thư lọm khọm già nua được thay bằng các ông Bộ trưởng mặc âu phục và đi xe gọng vàng xì xồ nói tiếng Pháp. Nhưng trên ngai vàng vẫn là một ông vua ấy, một ông vua mê săn thú và đánh cầu hơn là chính sự mà người dân chỉ có thể trông thấy mặt ba năm một lần, ngồi ngất nghễu trên chiếc kiệu rồng trong đám rước Nam Giao. Dẫu sao, tiếng súng đêm ấy cũng là tiếng sấm giữa bầu trời yên tĩnh của Huế, báo hiệu cơn giông sắp đến. Và cơn giông đã đến. Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, bất ngờ như một hiện tượng thiên nhiên. Trong một đêm, những ông giáo dạy trường tư hiền lành đã trở nên các chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng, những cậu học sinh cần mẫn bên chồng sách học thi đã trở nên đại đội trưởng và chính trị viên các đội dân quân.

Tôi gặp lại hầu hết bạn bè của tôi trong cuộc mít tinh lớn trước cửa Ngọ Môn, mừng Cách mạng thành công và chứng kiến lễ thoái vị của nhà vua. Chúng tôi bắt tay nhau, ôm chầm lấy nhau mừng rỡ như sau một chuyến đi xa lâu ngày. Mấy tháng hè năm ấy là vụ nghỉ hè kỳ lạ nhất trong đời học sinh của chúng tôi. Chúng tôi chia tay nhau như những cậu học trò vô tư và đa cảm, và chẳng bao lâu chúng tôi lại gặp nhau, chợt như đã trở nên những con người khác, với gương mặt dầu dãi vì nắng gió, với cái nhìn trang nghiêm đầy tự tin, hơi ngượng ngùng một chút khi thấy nhau trong bộ đồ ka ki màu cỏ úa, với chiếc kiếm Nhật hay khẩu súng lục đeo ở thắt lưng, nhưng lại càng hiểu nhau và quý nhau hơn. Thế nhé, cuộc gặp mặt hôm nay coi như là buổi kết thúc những trăn trở, những cuộc tranh cãi bất tận giữa chúng mình, về triết lý, về lẽ sống. Cuối cùng chúng mình đều đồng ý với nhau tất cả, có phải thế không!

Và Huế, lần đầu tiên trong cuộc đời của mình cũng đang tìm thấy một lẽ sống. Huế của những triều vua, Huế của những ông Hoàng lỡ vận, của những ông quan cuối mùa đã trở thành Huế thực sự là của chúng tôi, những người con bình thường của Huế.

Chẳng ai còn có một chút thì giờ để nghỉ ngơi. Trong khi lớp người cách mạng đàn anh, từ các nhà tù trở về đang phải lo liệu trăm nghìn công việc liên quan đến cuộc sống của cả cái thành phố này, thì chúng tôi, bọn trẻ từ nhà trường mới bước ra, bọn trẻ vô danh vốn là thợ điện, thợ mộc, phu xe, và cả những chị bán cháo, bán chè hôm qua còn đi rong trên hè phố, chúng tôi cũng có công việc của chúng tôi. Niềm vui giục giã chúng tôi. Nỗi lo thôi thúc chúng tôi. Bọn Tàu Tưởng với những bộ mặt phù thủng ùn ùn kéo vào thành phố trên những đoàn tàu chở hàng dài mút mắt. Và thay chân bọn chúng ít lâu sau là bọn lính Pháp, sau gần một năm vắng mặt, nay lại trở về với một vỏ bên ngoài hùng dũng, oai vệ hơn, trang bị đến tận răng bằng các loại vũ khí Mỹ. Kẻ thù đã trở lại, sớm hơn chúng tôi dự kiến rất nhiều và chúng tôi chịu đựng điều đó như một điều xúc phạm.

Chúng tôi đi vào cuộc chiến đấu với một tâm trạng gần như nhẹ nhõm, như đón nhận một tất yếu mà chính mình đang mong mỏi, mặc dầu không mấy ai nghĩ là có thể giữ được thành phố thân yêu của mình. Không biết có nơi nào trên trái đất, có những người lính đã bước vào chiến tranh với những tình cảm lạ lùng như thế?

Và cuộc chiến đấu đã tỏ ra không cân sức. Khẩu đại bác 75 li duy nhất của Trung đoàn đã bị tê liệt trong một cuộc đấu pháo trực diện với ba khẩu đại bác tự động 57 li của địch. Súng moóc-chi-ê đã hết đạn. Sau những trận tấn công ít hiệu quả bằng lựu đạn và cả bằng rơm toót vào các vị trí cố thủ của Pháp, chúng tôi bây giờ không phải đánh qua trận tuyến bên kia sông của địch bằng mã tấu và dao găm. Những quả bom hai mươi cân phóng đi bằng cách nhồi thuốc súng vào nòng các khẩu thần công han rỉ chỉ có thể gây nên những tiếng nổ để đối đáp với tiếng súng dòn dã của kẻ thù.

Một lần thứ hai Huế lại thất thủ. Chúng tôi rút ra khỏi khu thành cổ khi những gọng kềm của địch từ hai hướng Đông và Tây đã khép lại ở những điểm yết hầu trên đường quốc lộ. Chúng tôi rút đi một buổi sáng để lại sau lưng những đám cháy, khói bùng lên từng cụm che kín cả mặt sông. Nhưng chúng tôi không hề có cái ý nghĩ là những người thất trận. Thành phố Huế vẫn đó bên sông Hương. Nhưng linh hồn của Huế thì đã theo những đứa con của mình, đi vào một cuộc chiến đấu chỉ vừa mới bắt đầu.

***
Ba mươi năm đã đi qua, kể từ cái buổi sáng mùa đông ủ mây và lạnh buốt ấy …

Tôi trở về thành phố cũ, chẳng có gì để mang theo với mình, ngoài những kỷ niệm đang còn nguyên vẹn cho đến hôm nay. Nhưng có thể nào đo bước đi của lịch sử bằng những kỷ niệm của riêng mình.

Bề ngoài, tất cả đều như không có gì thay đổi. Vẫn những hàng phượng ấy bên sông Hương, vẫn cái nhà ga bé nhỏ ấy, nay nhìn lại như càng nhỏ hơn, cắt ra từ một tấm hình chụp từ mấy chục năm trước, vẫn những nhịp cầu Tràng Tiền bên lối đi vẫn còn có thể nhận ra từng vết rạn trên những phiến bê tông. Vẫn cái giọng nói nhẹ nhàng của những cô gái trong bộ quần áo trắng. Màu trời ấy, dòng sông ấy. Giống đến nỗi đến khó tin là thật.

Huế thật quen mà cũng thật lạ có lẽ chính vì cái điều bí ẩn ấy. Có gì đâu, đó chẳng qua là vì Huế vẫn quen lặng lẽ dấu nỗi đau vào đáy lòng mình. Ở nơi vùng đệm này giữa hai miền Nam Bắc có thành phố nào trên đất nước đã phải chịu đựng đến bấy nhiêu chấn động của hai cuộc chiến tranh. Với cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân, Huế đã phải đổ bao nhiêu máu để trả giá cho những ngày tự do ít ỏi. Rồi những cuộc xuống đường của Phật tử, của sinh viên… Tất cả đều bị dìm trong bom đạn hoặc bằng sức mạnh của lưỡi lê và dùi cui cảnh sát. Nằm trong tầm đại bác của hai trận tuyến, trong ngần ấy năm, Huế không có được một ngày yên ổn. Huế vẫn luôn luôn là đường hành lang trên đó có thể đi qua, lúc gần, lúc xa, nhưng luôn luôn có mặt như một ám ảnh trong từng bữa ăn, giấc ngủ của người dân Huế. Cái ý nghĩ ấy cứ lảng đảng mãi trong tôi trong ngày trở về đầu tiên khi đi bên bờ sông Hương, trong cái vườn hoa nay còn ngổn ngang những dây kẽm gai và vỏ đạn nhìn qua những cổng thành sạt nóc nom trơ trụi như những tổ mối khổng lồ.

Những người quen biết cũ của tôi ở Huế chẳng còn lại là bao. Tôi đến thăm chị Cửu, chị một anh bạn thân hồi còn đi học. Ngôi nhà vẫn ở nguyên chỗ cũ bên ngã tư âm hồn, với cái cổng có hai trụ xây tưởng chừng như lớp vôi xanh chưa hề nhạt màu đi chút nào trong mấy chục năm qua. Chỉ có người thiếu phụ duyên dáng và nhỏ nhắn năm xưa thì nay đã là một người đàn bà luống tuổi, mắt nheo lại đằng sau đôi kính lão.

“Em đây mà, chị không nhận ra em à?” Tôi thốt lên khe khẽ khi bước vào nhà, “Trời ơi, Khuê, em đã về đó à?” Chị Cửu kêu lên, đưa hai cánh tay gầy guộc choàng lấy hai vai tôi. Tôi cảm thấy có một cái gì bóp chặt trên trái tim mình và tôi nắm lấy bàn tay chị lắc khẽ “Không, em đây mà, em là bạn Khuê, chị quên em rồi…” Tôi nghĩ là chị Cửu sẽ ngơ ngác buông tôi ra sau cái phút nhầm lẫn nặng nề ấy. Nhưng không, chị vẫn ôm chặt vai tôi và đột nhiên, chị thốt lên nức nở: “Không chị không quên, chị không quên một em nào hết. Trời ơi, em khác đi nhiều chị nhìn không ra. Còn Khuê, bây giờ nó ở đâu em có gặp nó không?”.

Mãi đến khi vào Đà Nẵng tôi mới gặp Khuê. Anh đến thăm tôi trên một chiếc xe gíp có gắn hai ngôi sao ở đầu mũi xe và kể cho tôi nghe cuộc truy kích của sư đoàn anh từ đường 21 về đến Phan Rang, bắt sống tên tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi. Chiếc xe anh đang đi là của chính tên Nghi. Và tôi, tôi kể cho anh nghe về ngôi nhà của anh, về người chị của anh ở Huế. “Thế là mình vào miền Nam trước cậu mà cuối cùng vẫn về nhà sau cậu”. Khuê nói bằng một giọng thẫn thờ. Dưới nước da dầu dãi, rám nắng mang những nếp răn là dấu vết của nhiều năm lăn lộn ở chiến trường, gương mặt của anh vẫn là gương mặt hiền lành của cậu học trò năm xưa, ngồi làm toán bên ngọn đèn bàn màu xanh hắt ánh sáng ra một khu vườn vắng vẻ bên ngã tư âm hồn. Đêm ấy, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau rất khuya, nhắc đến những người bạn cũ cùng nhau hoạt động trong nhóm Thanh niên cứu quốc đầu tiên ở nội thành Huế, và cùng ra đi một lần sau khi thành phố bị chiếm. Có người bị địch bắt rồi mất tích, có người trở về hoạt động ít lâu rồi bị bắn chết trong một cuộc chạm trán với bọn an ninh ngụy, có người hy sinh từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở biên giới Việt Lào. Những người còn lại đang sống rải rác ở nhiều nơi, chúng tôi ít khi gặp họ. Nhưng có điều chắc chắn là không có một ai phản bội hoặc dừng lại ở giữa đường.

Những người con của Huế, như Khuê, như tôi và các bạn tôi đã mang theo những gì của Huế trên bước đường rất dài và không ít gian nan của chúng tôi mấy chục năm qua? Sau bấy nhiêu năm tháng, hình như bây giờ, ở vào cái tuổi năm mươi này, tôi lại thấy như tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu về những con người ở cái thành phố tưởng chừng như đã hết sức quen thuộc này.

Trong những năm tôi đi xa, gia đình tôi đã chuyển đến một ngôi nhà ba gian bên dốc Nam Giao. Cha tôi đã mất từ lâu, các em tôi theo chồng vào Đà Nẵng, Nha Trang và khi tôi trở về thì đó chỉ còn là một ngôi nhà vắng chủ gửi nhờ hàng xóm trông coi. Trong ngôi nhà trống và lạnh lẽo như một miếu đường này, cha tôi đã chờ đợi đứa con trai đi xa hàng mấy chục năm trời. Không phải chỉ là như thế mà thôi. Mà tôi có cảm tưởng như cha tôi vẫn gắng gỏi chờ đợi một điều gì đấy chưa bao giờ xảy đến trong suốt cả cuộc đời của ông. Có thể nào tôi lại vô tâm đến nỗi không hiểu nổi điều ấy? Là cái điều ông gởi gắm vào chính tôi khi tiễn tôi ra đi năm xưa và mong mỏi tôi sẽ mang trở về hôm nay cùng với bạn bè và đồng đội của tôi. Nhưng có lẽ chúng tôi đã trở về quá muộn, có phải thế không. Tất cả những gì tôi có thể tìm thấy được trong ngôi nhà này chỉ là những chồng sách cũ kỹ bằng chữ Hán, xếp cẩn thận trong một chiếc tủ kiểu án thư kê ở giữa nhà. Tôi phủi bụi lần dở từng trang sách với hy vọng nhận ra một dấu vết gì có thể nói với tôi về cuộc đời của cha tôi và gia đình tôi trong bấy nhiêu năm. Nhưng thức đến trắng đêm tôi vẫn chẳng tìm được gì giữa những trang sách viết bằng thứ chữ mà tôi không thể nào đọc được ấy. Cuộc đối thoại giữa thế hệ của cha tôi với thế hệ hôm nay đến ngày trở về của tôi có thể coi như đứt quãng. Tôi chẳng tìm thấy gì hơn ngoài một bức ảnh còn sót lại ở tận cùng một ngăn tủ chụp cha tôi trong ngày lễ cưới của em gái tôi với hình vóc gầy mòn và đôi mắt buồn bã tư lự như tôi vẫn thấy ở cha tôi, luôn luôn như thế, hồi tôi còn nhỏ. Một cuộc đời thanh bạch không thay đổi, một say mê không hề thay đổi chỉ còn biết gởi vào sách vở và văn chương. Bất chấp những giông tố của thế sự, bất chấp nghịch cảnh. Cuộc đời của cha tôi là như thế. Như một mảnh đời của Huế.

***
Có phải thành phố này, với núi Ngự và sông Hương, với mỗi con người của nó, từ hàng thế kỷ nay vẫn mang trong lòng một niềm ẩn ức. Trên cái làng Phú Xuân xưa kia êm ả này, lịch sử đã đặt lên mình nó một kinh đô và từ đó phó mặc cho những rủi may của thế sự, phải hứng chịu bao nhiêu tấn bi kịch của lịch sử đất nước phải chăng đó là cái điều sâu kín đã gieo vào lòng mảnh đất này một niềm tâm sự chưa bao giờ giải tỏa.

Trong lần về thăm Huế gần đây nhất tôi gặp anh T.H. một nhạc sĩ, một người bạn cũ, cũng là trong lớp học ra đi từ Huế một lần, nay là một cán bộ lãnh đạo của Tỉnh. Bên ấm chè mạn pha vào một buổi sáng chủ nhật ở nhà anh, anh nói với tôi về hiện tại và tương lai của Huế, về cái mô hình kinh tế của Bình Trị Thiên cân đối giữa hai vế công và nông nghiệp. Huế là một trung tâm văn hoá và du lịch của miền Trung, chắc chắn như thế rồi. Nhưng bây giờ thì cần phải hiểu thêm, cái nguồn sữa nuôi sống Huế không chỉ có là lúa Phong Điền và “quít Hương Cần”, không phải chỉ có là “cau Nam Phổ” và “trầu chợ Dinh”, du dương như trong câu ca xưa. Mà còn là dòng điện phát từ Đông Hà, là xi măng Long Thọ, là hồ tiêu Vĩnh Linh, là mỏ sắt Quảng Trị, là vùng đánh cá từ Đồng Hới đến Thuận An, là những xưởng chế biến thực phẩm, đúc đồng, làm hàng thêu, hàng mỹ nghệ… Huế vẫn tự hào về quá khứ nhưng phải dám dứt mình ra khỏi những bóng tối của dĩ vãng. Người Huế của mình sống đậm đà tình nghĩa, trọng nghĩa khi tài, và cũng là những con người nhiều chí khí lắm tài năng. Huế có cách làm ăn của Huế, nhưng dẫu sao đó cũng phải là cách làm ăn xã hội chủ nghĩa. Như nàng tiên trong câu chuyện cổ, Huế sẽ bước ra khỏi giấc mơ muôn thuở để sống cuộc đời thực, đầy tự tin trên cái hướng đi tới tương lai mà Cách mạng đang mở ra cho Huế.

Câu chuyện đơn giản trao đổi với anh T.H. sáng hôm ấy làm tôi hiểu rõ thêm một điều gì lâu nay vẫn trăn trở trong lòng. Nỗi buồn cô đơn của Huế, cái không khí bảng lảng, u uẩn trùm trên dòng sông Hương, cái màu sắc hư ảo trong màu sương chiều xao động theo nhịp chuông chùa dọc đường Nam Giao… những cái gì sương khói và muôn thuở ấy nói cho cùng, vẫn lại bắt nguồn từ những điều rất thực, rất đời đặt ra trong tầm nghĩ, tầm nhìn của mỗi người Huế hôm nay.

Mỗi lần ra Huế, bên cạnh nỗi niềm lưu luyến, tôi vẫn có cái cảm giác ray rức như mình có lỗi đối với cái thành phố đã cho tôi một khối óc và một tâm hồn từ những thuở ấu thơ. Ra đi tôi nhớ những bữa ăn với bè bạn trong những cái quán bên một góc vườn rực rỡ màu hoa mẫu đơn nhìn xuống hồ sen hay chênh vênh trên mặt sông Vĩ Dạ. Tôi nhớ một buổi sáng trong Tĩnh Tâm và cái giọng đọc thơ sang sảng của Xuân Hoàng bạn văn chương và bạn học. Tôi nhớ một buổi chiều tàn đủng đỉnh cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường trên dốc Nam Giao, nghe anh lim dim đôi mắt mà ngâm nga “Ôi, bao giờ ta tìm lại được tâm hồn ta chiều nay” (2).

Không, chẳng có nơi nào đâu ta có thể tìm được tâm hồn ta như trong một buổi hoàng hôn của Huế. Nhưng ra đi, lần nào cũng thế, tôi chỉ càng thấy yêu hơn và tin hơn ở Huế của tôi. Tâm hồn ấy, tâm hồn của con người Huế ung dung, tự tại sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Chỉ có cung bậc và màu sắc của những buồn vui thì chắc chắn sẽ chẳng còn như xưa mà sẽ sôi nổi hơn, sáng hơn và đậm nét hơn trong những ngày đang tới. Như dòng sông ấy, tưởng chừng như phẳng lặng mà đời đời vẫn chuyên chở trong lòng một niềm chung thủy và vẫn thường nổi sóng, lấp lánh với hàng triệu đốm sáng, đôi khi, vào những buổi sáng mùa hè đỏ rực ánh mặt trời và màu hoa phượng.


Hà Nội, 6-1983.
H.P.
(3/10-83)


-------------
(1). Rousseau, Montesquieu: những “nhà Bách khoa” Pháp, thế kỷ 18.
(2). Thơ của De Noailles, nhà thơ Pháp.


 

 

Các bài mới
Ngã ba đường 9 (18/08/2010)
Các bài đã đăng