Tạp chí Sông Hương - Số 4 (T.12-1983)
Để hiểu hai câu hò cổ ở Bình Trị Thiên
15:23 | 07/09/2010
VÕ XUÂN TRANGỞ Bình Trị Thiên có hai câu hò cả nước đều biết, nhưng lâu nay được ghi theo nhiều cách khác nhau.
Để hiểu hai câu hò cổ ở Bình Trị Thiên
Phá Tam Giang
Cuốn “Dân ca Bình Trị Thiên” (1) ở trang 204 thì ghi:

1. Thương em, anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

2. Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm…

- Cuốn “tự điển Việt Nam” (2) quyển thượng, phần phụ lục ở trang 47, thì lại ghi:

1. Nhớ em, anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang

2. Phá Tam Giang ngày rày đã lặng
Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên.

- Gia phả của họ Nguyễn Khoa ở Vĩ Dạ (Huế) thì ghi:

1. Thương anh, em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

2. Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên
Thương anh, em phải vô liền
Trong ni cơm gạo, của tiền thiếu chi


Trước hết, chúng ta hãy xét câu hò thứ nhất. Sự khác nhau chủ yếu trong các cách ghi của câu hò này là ở hai chữ “Thương em” “thương anh”. Còn sự khác nhau ở các chỗ thương, hay nhớ, sợ hay ngại là không quan trọng vì chúng không ảnh hưởng đến nội dung của câu hò. Ghi thương em thì nội dung câu hò, cách hiểu về câu hò sẽ hoàn toàn khác với ghi thương anh.


Cuốn “Tự điển Việt Nam” ghi là “Nhớ em, anh cũng muốn vô” thì cho rằng, câu hò này liên quan đến một câu chuyện tình trắc trở giữa anh hàn sĩ xứ Nghệ với cô lái đò trên sông Ô Lâu. Tương truyền, người ta kể rằng, ngày trước có một anh hàn sĩ xứ Nghệ vào kinh thi hội đã đem lòng thương yêu cô lái đò xinh đẹp ở bến cây đa trên sông Ô Lâu. Sau khi thi đậu trở về, hai người hẹn ước với nhau sẽ kết nghĩa trăm năm. Và chiều theo ý nàng, chàng đã để lại một chiếc áo để làm tin:

Ra về để áo lại đây
Để đêm em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng.

Nhưng khi về đến Nghệ An, thì chàng không thực hiện được điều ước hẹn của mình vì cha mẹ quyết không cho chàng lấy vợ xa. Chàng đành chịu bó tay và đau xót nhắn tin vào cho nàng biết nhưng lại nói dối là:

Nhớ em, anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang


Như vậy, câu hò này chính là lời của anh hàn sĩ xứ Nghệ nhắn vào với cô lái đò trên sông Ô Lâu.

Qua cách ghi của gia phả họ Nguyễn Khoa “Thương anh, em cũng muốn vô” và đặc biệt là có thêm câu: “Thương anh, em phải vô liền. Trong ni cơm gạo, của tiền thiếu chi” thì nhiều người lại hiểu câu hò thứ nhất là lời của một người vợ ở các tỉnh phía ngoài truông nhà Hồ nhắn vào với chồng đi lính đang ở vùng phía trong truông nhà Hồ.

Hai cách ghi có hai cách hiểu. Do đó, đây là hai câu hò khác nhau chứ không phải là hai biến thể (dị bản) của một câu hò. Trong hai câu hò này thì người nhắn hoàn toàn khác nhau nhưng nội dung nhắn thì lại giống nhau. Tất cả đều “Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Tại sao “truông nhà Hồ” và “phá Tam Giang” lại trở thành những biểu tượng rùng rợn đối với nhiều người đương thời như vậy. Để hiểu câu hò này, chúng ta cần tìm hiểu thêm đôi nét về truông nhà Hồ và phá Tam Giang.

Truông nhà Hồ hiện nay nằm về phía Bắc thị trấn Hồ Xá (huyện Bến Hải) và kéo dài dọc đường quốc lộ 1A ra đến gần xã Vĩnh Chấp. Xưa kia, đây là một vùng rừng rú rậm rạp và hoang vắng. Bọn cướp thường tập trung ở đoạn truông này để giết người cướp của. Chúng ngang nhiên hoành hành, cướp phá ở đây nên “truông nhà Hồ” đã trở thành mối đe dọa và ám ảnh nhiều người.

Phá Tam Giang thuộc địa phận Thừa Thiên. Ngày trước do cửa phá thông ra biển quá hẹp nên sóng ở đoạn cửa phá thường rất dữ dội. Sóng to đến mức làm cho thuyền bè ra vào cửa thường bị chìm và người ta cho đó là sóng thần.

Ngày xưa, muốn đi vào hai châu Ô, Rý thì chỉ có đường bộ và đường thủy. Đường bộ thì phải qua truông nhà Hồ và đường thủy thì phải vào phá Tam Giang. Nhưng cả truông nhà Hồ và cả phá Tam Giang đều trở thành những mối đe dọa và uy hiếp đến tính mạng, tài sản của những ai muốn vào vùng này. Trong suốt một thời gian dài, truông nhà Hồ không chỉ là mối đe dọa đối với dân thường mà còn là mối đe dọa cho cả nhà nước. Hàng hóa, lương thực của nhà nước chở qua truông cũng bị cướp. Nếu tránh đường bộ qua truông nhà Hồ mà đi đường thủy vào phá Tam Giang thì lại bị sóng nhận chìm. Thời đó, người ta “sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” là vì vậy.

Chúng ta chuyển sang tìm hiểu cách ghi và cách hiểu câu hò thứ hai. Đây là nội dung chính mà bài viết này muốn đề cập đến. Khác với câu hò thứ nhất, câu hò này có hai cách ghi khác nhau và tạo ra hai biến thể:

- Biến thể 1:

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm


- Biến thể 2:

Phá Tam Giang ngày rày đã lặng
Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên


Hai biến thể này có hai chỗ khác nhau: cạnlặng, cấm nghiêm dẹp yên. Nhưng chỗ khác nhau chủ yếu để tạo nên hai biến thể của câu hò là ở chữ cạn và chữ lặng. Do đó, cách ghi:

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên


Như gia phả họ Nguyễn Khoa, chúng tôi cũng không coi là biến thể thứ ba.

Như vậy, vấn đề đặt ra là trong hai cách ghi trên đây thì cách nào đúng hơn. Nói một cách khác, chúng ta phải xác định biến thể nào là chuẩn.


Biến thể 1, ghi: “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn” theo chúng tôi là không đúng. Sự thật có phải lúc đó phá đã cạn đi so với trước không? Và vì sao phá cạn lại không còn nguy hiểm nữa? Chúng tôi đã tìm gặp nhiều người am hiểu về Bình Trị Thiên để hỏi về nội dung câu hò và những câu hỏi nói trên thì đều không được giải thích và trả lời một cách thỏa đáng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, đây là một trường hợp “tam sao thất bản” thường thấy trong văn học dân gian. Do đó, chúng tôi phải đi sâu tìm hiểu biến thể 2 và cố gắng tìm cách lý giải nó. Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung câu hò, có một điểm đáng lưu ý là cả hai biểu tượng rùng rợn một thời về “truông nhà Hồ” và “phá Tam Giang” đều đã bị xóa bỏ và việc xóa bỏ hai biểu tượng đáng sợ đó lại có quan hệ với nhau. Vì vậy, để hiểu câu hò này, chúng ta cần tìm hiểu thêm một số chi tiết lịch sử có liên quan đến nội dung câu hò. Cả hai biến thể của câu hò đều có nhắc đến hai chữ “nội tán”. Nội tán là một chức quan của chúa Nguyễn và quan nội tán mà câu hò nói đến chính là quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng.

Nguyễn Khoa Đăng là người thông minh nổi tiếng. Năm 18 tuổi ông đã ra làm quan cùng với cha nên mới có câu “phụ tử đồng triều”. Ông là một người cương trực, một ông quan có tài xử kiện cáo nhưng rất công minh nên được người đời gọi ông là “Bao Công Việt Nam”. Ông là người có công rất lớn trong việc dẹp yên bọn cướp ở truông nhà Hồ và trị được sóng thần ở phá Tam Giang. Sau khi cho người nghiên cứu cách hoạt động của bọn cướp ở truông nhà Hồ ông đã nghĩ ra cách để trừng trị bọn chúng. Ông bố trí một đoàn xe chở lúa gạo và hàng hóa qua truông. Ông bố trí một người lính được ngụy trang và bí mật ngồi trong thùng xe. Đáy thùng xe có đục thủng một lỗ nhưng tạm thời được nút kín. Theo kế hoạch định trước khi xe bị cướp thì người lính ngồi trên xe bắt đầu kéo nút ra để lúa rải ra dọc đường và cứ thế kéo về tận sào huyệt của chúng. Sự việc diễn ra hoàn toàn đúng như ông dự đoán. Nhờ có lúa rải dọc đường mà ông tìm ra sào huyệt bọn cướp và bố trí bắt gọn. Sau vụ đó thì truông nhà Hồ trở nên yên ổn. Và như vậy thì “Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên” mới đúng, chứ không phải “Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm”. (3)

Để trị sóng thần trên phá Tam Giang, ông cũng cho nhiều người về cửa phá nghiên cứu thật kỹ và đi đến kết luận. Sóng dữ ở phá Tam Giang thực chất không phải là sóng thần như người ta đồn đại. Sóng dữ ở đây chủ yếu là do địa hình cửa phá tạo ra. Nhưng vì nhân dân đã tin như vậy nên quan nội tán cũng dùng mê tín để trị mê tín. Ông đã tổ chức một buổi lễ bắn sóng thần công khai trên phá Tam Giang có đông đảo nhân dân hai bên bờ chứng kiến. Sau khi làm lễ gọi “sóng thần” lên ông liền bắn vào ba ngọn “sóng thần” hung dữ nhất. Ông đã bí mật bỏ rất nhiều gói phẩm điều vào trong tay áo thụng. Sau khi bắn xong, ông liền tung hết phẩm điều ra giữa phá làm cho nước phá đỏ ngầu. Ông cho quân lính reo hò và báo cho nhân dân hai bên bờ biết là sóng thần đã bị bắn chết và máu của thần đã chảy ra đỏ cả nước phá. Sau khi bắn sóng thần xong ông liền huy động nhân dân mở rộng cửa phá, nạo vét những chỗ cần thiết để sóng không còn dữ dội như trước nữa.

Sự thật là nhờ mở rộng cửa nên sóng ở phá Tam Giang mới lặng đi. Nhưng vì có cái lễ bắn sóng thần rất oai phong do ông diễn nên nhân dân cứ tin tưởng là sóng thần đã bị quan nội tán bắn chết. Như vậy, cùng với việc dẹp yên bọn cướp ở truông nhà Hồ, quan nội tán cũng đã dẹp yên nạn “sóng thần” trên phá Tam Giang.

Vì thế nên người ta mới hò:

Phá Tam Giang ngày rày đã lặng” chứ không phải “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn”.

Tóm lại, bằng trí thông minh và những hiểu biết một cách khoa học, quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã góp phần không nhỏ vào việc xóa tan hai biểu tượng khủng khiếp về “truông nhà Hồ” và “phá Tam Giang” từ lâu đã ám ảnh mọi người.(4)

Dân gian đã ghi nhớ công lao của quan nội tán bằng cách đặt một câu hò và câu hò đó phải ghi như sau mới đúng:

Phá Tam Giang ngày rày đã lặng
Truông nhà Hồ nội tán (5) dẹp yên.


Qua thực tế tìm hiểu nội dung ý nghĩa câu hò trên đây, chúng ta thấy rằng, để hiểu một câu hò cổ không đơn thuần chỉ dựa vào câu, chữ mà cần phải có những hiểu biết nhiều mặt, trong đó, những hiểu biết về lịch sử là vô cùng quan trọng.

V.X.T.
(4/12-83)




--------------
1. NXB Văn học, Hà Nội, 1967.
2. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
3. Chuyện này, cuốn Đại Nam liệt truyện tiền biên, cũng như cuốn “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, tập III của Nguyễn Đổng Chi đều chép khác nhau.
4. Ông còn nhiều chuyến xử kiện thể hiện sự quan tâm của ông đối với nhân dân trong vùng, trong đó chuyện “đánh thần đá bắt khai tên bọn trộm cướp” là chuyện đặc sắc hơn cả… Chúng tôi sẽ trình bày kỹ các chuyện nói trên trong bài “Bao công Việt Nam” vào một dịp khác.
5. Do ảnh hưởng của tiếng Huế nên gia phả họ Nguyễn Khoa đã ghi ‘nội tán’ thành ‘nội táng’. Ghi như vậy là không đúng.






Các bài mới
Trên bờ sông (15/09/2010)
Hô-vi-lô (08/09/2010)
Các bài đã đăng
Người cha (01/09/2010)