Tạp chí Sông Hương - Số 5 (T.2-1984)
Hoa Kim Anh
10:11 | 08/10/2010
XUÂN HOÀNGHuy đang nói chuyện với mấy người bạn trẻ viết văn cùng quê thì Trường, anh bạn làm thơ trẻ người dân tộc ở phòng bên nghe tiếng, vui vẻ chạy sang.
Hoa Kim Anh
Hang Pác Bó - Ảnh: internet
Sau vài ba câu chuyện thăm hỏi, Trường như sực nhớ ra một điều:

- Ở đây, có người nhắc đến anh đấy.

Chưa kịp chờ Huy phản ứng, anh nói luôn:

- Một cô bạn miền núi.

Huy ngơ ngác:

- Làm gì mình có bạn miền núi giữa thủ đô Hà Nội này?

Trường trở nên sôi động:

- Thì anh cứ theo tôi. Người ta cũng ở gần đây thôi.

- Ít nhất, cậu cũng phải cho mình biết tên cô ta chứ!

Trường vẫn cười bí mật:

- Không nói tên đâu! Đến đó khắc biết!

Khi chủ nhân gian phòng được đánh động là có “khách phương xa tới thăm” vừa bước ra cửa đón tiếp, Trường đã đon đả giới thiệu ngay:

- Đấy, ông bạn miền Trung cô hay nói chuyện với tôi hôm nay đã xuất hiện đấy!

Chủ nhân gian phòng nhận ra khách, mừng rỡ thốt lên:

- Gớm, tưởng anh quên Việt Bắc rồi!

Nhưng Huy vẫn chưa nhớ ra thật, nếu không nói là quên! Trước mặt anh là một cô gái, trên dưới ba mươi tuổi khuôn mặt miền núi bầu bĩnh và chất phác, được những đường nét thanh tú ở khóe miệng và vừng trán làm tăng thêm vẻ duyên dáng. Mái tóc phi-dê đem lại cho cô cái vẻ ngoài của một cô gái Hà Nội, duy đôi mắt là vẫn rất hiền, đượm chút mơ mộng thường gặp ở các cô gái vùng cao.

Thấy Huy ngập ngừng, sắc mặt cô bạn đột nhiên tái đi. Trường cũng đâm ra lúng túng, anh gợi ý khéo:

- Người cũ Pác Bó đẹp lên, nên nhà văn không nhận ra chứ gì!

Hai chữ Pác Bó rạch nên một tia chớp rực rỡ. Huy bàng hoàng kêu lên:

- Ôi, cô Diên đấy ư?

Và tất cả, trong anh bỗng trở nên sáng tỏ: Hang Pác Bó. Suối Lê-nin. Nắng chiều trên núi Mác. Rừng trúc, gốc ổi, hoa Kim Anh… Và bên cạnh anh là người bạn thơ miền núi quê ở Hòa An, là cô thuyết minh trẻ tuổi lớn lên trên đất Cao Bằng với hai con mắt mở to khi thấy người khách tham quan khu di tích Pác Bó, đang đứng ngẩn ngơ bỗng nhiên sụp quì xuống bên bàn đá, chỗ Bác Hồ ngồi dịch lịch sử Đảng ngày xưa, ôm mặt khóc nức nở…

***

Ngày đó, cách đây đúng mười năm!

Sau bốn mươi ki-lô-mét cùng đạp xe từ huyện Hòa An về đến Pác Bó thì trời đã ngả chiều, An, anh bạn làm thơ người miền núi đưa Huy vào ngay phòng khách nhà bảo tàng di tích Bác Hồ. Đồng chí phụ trách chính đi vắng. Cô Diên, nhân viên trẻ vừa mới ra trường, niềm nở tiếp đoàn. Nhà thơ miền núi vốn là người quen cũ của cô. Khi nghe anh đề nghị cho vào thăm hang Pác Bó theo yêu cầu của ông khách miền Trung từ xa đến (anh vừa cười vừa vỗ vào vai Huy thân mật giới thiệu Huy với cô), cô vui vẻ nhận lời ngay.

Đường từ làng vào hang độ hai cột số. Nắng chiều nhuộm vàng các mỏm núi cao làm lòng thung lũng như bị thu hẹp lại, các mái ngói âm dương như đen thẫm thêm trong khi các cột điện chạy dọc dãy dài theo con đường làng như trắng rỡ ra, ngời sáng lên.

Ra khỏi đám ruộng nhỏ trước bìa làng đã là núi. Đến một khoảng đất hẹp có dòng nước chảy qua, Diên trỏ vào các đám cải soong xanh rờn hai bên bờ mương, bắt đầu công việc giới thiệu của mình:

- Đây là giống cải soong Bác ươm. Trước kia, đồng bào miền núi không quen ăn cải soong. Bây giờ quen rồi. Thấy mát và bổ, bà con trồng thêm. Nay phát triển ra nhiều, ăn hoài không hết!

Con đường mòn tiếp tục xuyên qua bờ bụi, khe núi. Một mùi hương thoảng đưa, mùi hương dễ chịu của núi rừng. Đang là mùa xuân, hoa kim anh khắp nơi nở trắng. Lên đến một chỗ cao khá thoáng, Diên đột nhiên trỏ vào mảng nắng xanh rung rinh trước mắt:

- Kia là rừng trúc Bác trồng. Ánh nắng từ núi hắt xuống. Nhìn từ xa rừng trúc lấp lánh như cảnh vẽ trong tranh sơn mài. Càng đến gần, tiếng gió càng xôn xao. Diên dẫn đoàn tham quan lách vào rừng. Những cây trúc mảnh dẻ, khỏe và chắc, san sát bên nhau, lao xao khua lá. Tự nhiên mọi người đều im lặng. Anh bạn miền núi, vốn vui tính, bỗng trở nên ít lời. Huy chợt bàng hoàng nhớ đến những đoạn hồi ký cách mạng kể lại thời kỳ Bác về làm việc ở hang Pác Bó. Chao ôi, rừng trúc Bác trồng là đây! Dạo đó, Bác chỉ trồng mấy bụi mà bây giờ trúc đã thành rừng. Không biết bụi trúc nào ngày xưa Bác đã chiết lấy một cành làm cần câu cá?

Qua khỏi rừng trúc, họ gặp lại dòng suối Lê-nin. Dòng suối đến đây lởm chởm những đá, hẹp chỉ vừa mấy tầm nhảy, nước trong văn vắt. Huy cúi xuống, vốc một vốc vào lòng bàn tay, uống luôn mấy hớp. Nước mát thấm tận gan ruột. Anh cười, quay sang bảo bạn:

- Nước nguồn đây, cậu ơi!

Diên nghiêm trang chỉ vào phiến đá dưới bóng một tán cây rừng.

- Bác thường ngồi câu trên phiến đá nầy đây!

Bác Hồ ở hang Pác Bó - Ảnh: internet


Nước ở đây khá sâu. Một chút lá rừng rơi xuống mặt suối, vẽ một vòng gương nước rung động. Làn rêu xanh im lìm trên phiến đá như vô tình không nghe tiếng chân bước. Huy thử soi lên mặt nước, nhưng anh chỉ thấy bóng dáng đầu tóc của mình khẽ rung rinh trên bước đi yên tĩnh của buổi chiều. Trong im lặng thiêng liêng của núi rừng. Huy nói khẽ với Diên như nói với chính mình:

- Những đêm nằm hầm dưới tầm bom B.52, tôi từng ao ước sẽ có ngày được ngồi lên phiến đá Bác ngồi câu cá ở hang Pác Bó …

Hình như Diên đọc được sự xúc động trên mặt Huy. Cô cũng xúc động thật sự. Cô biết, trước mắt cô là một nhà văn từng trải qua nhiều thử thách ác liệt trên chiến trường. Những ngày B.52 cả thế giới đều xúc động theo dõi. Những căn hầm chữ A ngột ngạt khói đèn dầu. Những trận đấu pháo qua về trên sông Bến Hải. Những bài thơ rực lửa chiến đấu vang lên trong tiếng thơ đài phát thanh tiếng nói Việt Nam… Cô hỏi rất khẽ:

- Ở trong ấy, những năm đánh Mỹ, chắc khổ lắm phải không anh?

Huy lắc đầu:

- Không khổ đâu cô Diên ạ. Dữ dội thì có! Gian khổ thì có! Nhưng phải nói là chúng tôi rất yên tâm! Trời đã khá chiều. Diên đưa mắt nhìn về phía mặt trời, lên tiếng giục dã:

- Chúng ta sang chỗ bàn thạch rồi còn vào hang! Phải khẩn trương một tí kẻo mặt trời tắt, vào hang tối lắm.

Đi ngược lên bờ suối, ba người đến một chỗ nhiều phiến đá ngổn ngang trên mặt đất. Không biết những phiến đá đó tách vách núi lăn xuống đây từ bao giờ? Và cũng không biết từ bao giờ mưa gió đã mài mòn những cạnh sắc của đá. Không ai bảo ai, cả Huy và An đều bước mau đến chỗ những phiến đá được xếp chồng lên nhau như hình một chiếc bàn con bên cạnh một phiến nhẵn hơn, dùng làm ghế, được xếp thấp hơn một chút. Cảnh trí ở đây trang nghiêm, thanh nhã lạ lùng. Trùm lên dòng suối đang chảy là bóng núi đồ sộ. Một vài con chim rừng nghe động, giật mình bay đi, để lại trong thinh không những tiếng kêu vui với những vết nắng lấp loáng trên đôi cánh mềm mại.

Giọng Diên như lắng xuống:

- Những phiến đá nầy chính tự tay Bác cùng một số đồng chí hoạt động bí mật thời bấy giờ dựa vào chỗ thuận lợi của thiên nhiên mà sắp xếp lại, làm thành bàn đá, có thể ngồi viết được vào những ngày mát trời…

- Diên ơi đừng nói nữa, điều đó tôi đã được biết cả rồi!

Huy tự nhiên thầm kêu lên trong im lặng.

Như cảm thông được ý nghĩ của anh, đột nhiên Diên cũng lặng im. Cô cảm thấy những lời giới thiệu của mình bây giờ là thừa. Và trong im lặng, Huy nghe ra tiếng rừng đang nói, dịu dàng, thắm thiết:

- Đồng chí biết đấy! Đồng chí đang đứng trước bàn đá của lịch sử. Cái bàn bằng đá mà không là của thời kỳ đồ đá. Ở đây, Bác đã ngồi dịch sử Đảng sau những cơn sốt. Sau lưng Bác là những biến động của gần cả một thế kỷ đầy đau khổ nhưng cũng đầy hy vọng. Và chính Bác cũng đã làm lịch sử thay đổi từ những bước đi ban đầu, ở cái bàn đá giản dị nầy, bằng trí tuệ và trí thức của mình, bằng khát vọng và tâm hồn của mình. Theo Bác, cả một dân tộc đã vươn mình đứng dậy. Pác Bó … Tân Trào… Hà Nội… Điện Biên Phủ… những ngày đánh Mỹ hôm qua… Phút giờ yên tĩnh hôm nay…

Không nén được cảm xúc, Huy bỗng quỳ xuống đất, gục xuống mặt bàn đá mát lạnh nức nở khóc.

Tôn trọng sự xúc động của bạn, An cũng đứng lặng yên. Lát sau, Huy ngẩng lên, anh bỗng bắt gặp hai giọt nước mắt đang lặng lẽ rung rinh trong khóe mắt của Diên, chập chờn nửa muốn tan đi, nửa muốn rời lăn xuống má. Diên ngượng ngùng quay đi, lấy mù soa lau nhanh nước mắt.

- Em đã đưa nhiều khách tham quan đi thăm Pác Bó. Đến chỗ bàn đá này, ai cũng cảm động… Bây giờ đến lượt An giục:

- Chúng ta vào hang thôi! Núi sắp ăn hết mặt trời rồi!

Đêm đó, trở về phòng khách, Huy hỏi mượn Diên tất cả các tập lưu niệm đã có ở nhà bảo tàng, ngồi đọc cho đến khuya. Xong đâu đấy, anh lấy bút ngồi ghi những cảm tưởng của mình dưới dạng một chùm tứ tuyệt vào cuốn lưu niệm gần nhất. Anh đâu biết, ở phòng trên, cô hướng dẫn cũng bắt đầu chú ý đến người tham quan đã thức gần trắng đêm sau một ngày đi đường, đạp xe và leo núi vất vả.

Sáng hôm sau, trên đường về, mải trò chuyện với An, anh ít có dịp nói chuyện với cô bạn mới quen. Chả là Diên đi xe đạp đường xa không bằng cánh đàn ông nên cứ bị tụt lại. Mỗi khi lên dốc, Huy và An lại phải xuống xe đứng đợi. Một lần, đợi Diên lên đến nơi, An trêu:

- Con gái Việt Bắc gì mà lên dốc kém thế!

Và Huy đã bênh vực Diên:

- Bây giờ bỏ xe, leo núi, chúng mình chưa chắc đã theo kịp cô ấy!

Có một lúc, Huy để cho An đạp lên trước, lùi xuống kèm Diên một đoạn đường, bắt chuyện với Diên để có dịp hiểu thêm về đời sống một cô cán bộ miền núi.

Qua chặng đường đó, Huy được biết Diên có một quãng đời rõ ràng và trong sáng như nhiều cô gái miền núi khác lớn lên sau cách mạng tháng Tám: bé, học ở trường làng, tốt nghiệp cấp hai ở trường huyện, tiếp tục học chuyên nghiệp ở tỉnh rồi đi cán bộ. Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, cô xin đi sâu vào ngành bảo tồn bảo tàng và chuyên trách giới thiệu các thời kỳ hoạt động của Bác ở Việt Bắc. Cô gái Nùng hai mươi tuổi ấy chưa có người yêu…

Câu chuyện chỉ dừng tới đó. Và cũng chỉ chừng đó. Huy biết ở Diên, một trong nhiều người anh từng tiếp xúc, trên đường dài công tác của mình.

Về đến Cao Bằng họ chia tay nhau. Anh bạn trở về trường vừa dạy vừa làm ở huyện, Diên theo công việc ở ty Văn hoá, còn anh, anh phải ra bến xe ô-tô lấy vé đi Lạng Sơn để từ đó xuôi tàu về Hà Nội. Đợt đi Cao Bằng đã mang về cho anh một chùm thơ cùng vài kỷ niệm nhẹ nhàng…


Giờ thì đây, trước mắt Huy là cô bé thuyết minh hồn nhiên dễ thương mười năm về trước. Cô bé ấy đã lớn lên nhiều đến nỗi anh không nhận ra.

- Cô Diên vẫn công tác ở nhà bảo tàng Pác Bó từ ấy đến nay chứ?

- Nhiều thăng trầm lắm anh ạ. Không ngờ rồi chỗ chúng em cũng bom đạn như vùng đất anh ở hôm qua. Tất nhiên là không ác liệt bằng chỗ các anh trong ấy.

Trong óc Huy bỗng hiện lên những ngày tháng hai, tháng ba năm 79. Bọn phản động Bắc Kinh hùng hổ xục quân đánh phá một số tỉnh ở biên giới phía Bắc. Chúng đã đặt chân đến vùng Hà Quảng, Hòa An, đã xúc phạm vùng di tích Pác Bó … Mốc biên giới 108, chỗ Bác dừng chân trên đường về nước bị chúng bứng đi đem chôn vào chỗ khác để lấn đất. Từ đấy, đại bác của chúng câu vào Bó Bũm, bản Hoàng… Máu đã loang bờ suối Lê-nin. Nhà bảo tàng Pác Bó bị đánh sập!

- Dạo đó chúng em phải sơ tán một phần nhà Bảo tàng về tận dưới Hà Nội. Còn thiếu chi là khó khăn gian khổ hở anh! Nhưng rồi cũng xong tất. Ngay cả tấm bàn thạch cũng được dời đi. Cả mẩu tượng Mác, Bác khắc ở trong hang đá. Nay đã lại chuyển trở về trên ấy một ít. Dù không được hoàn chỉnh như thời anh về thăm, Pác Bó vẫn phải là Pác Bó chứ anh!

Ngừng một lát. Diên kể tiếp:

- Sau đợt sơ tán lịch sử đó- chúng em vẫn gọi đùa với nhau đó là một cuộc sơ tán của lịch sử - em được ty Văn hoá Cao Bằng giới thiệu lên Bộ theo học lớp chuyên tu nầy.

Bỗng như sực nhớ, anh quay sang hỏi Diên:

- À, mà cô Diên nầy, dạo này hoa kim anh vẫn còn nở nhiều trên đường vào hang Pác Bó đấy chứ?

Đôi mắt Diên trở nên mơ màng:

- Nó vẫn nở đấy, anh ạ! Thứ hoa kể cũng thật lạ - Nó nở khắp nơi. Trắng núi, trắng rừng. Trên bụi bờ, trên mặt đất, mặt đá. Ngày xưa, lúc Bác về, nó đã nở. Cứ đến mùa xuân, nó lại nở. Nó sẽ nở hết năm này qua năm khác… Chúng em vẫn gọi hoa Kim Anh là hoa mùa xuân đấy mà…

Trên đường tiễn Huy ra về, Trường đi sát bên anh, nhỏ giọng:

- Anh biết không? Chuyện anh khóc trước bàn đá ở hang Pác Bó, cô Diên đã kể hết cho tôi nghe. Và cô cũng đã tự thú với tôi như thế nầy: Chính anh, anh đã làm cô ấy yêu thêm nghề của mình, một điều mà chắc chắn anh không hề ngờ tới?

Huy không trả lời bạn. Anh thong thả bước từng bước dài. Trước mắt anh núi rừng Pác Bó đang sáng rực trong nắng chiều sắc hoa Kim Anh.

X.H.
(5/2-84)




Các bài đã đăng