Tạp chí Sông Hương - Số 144 (Tháng 2)
Viết vào xuân Tân Tỵ
11:21 | 23/04/2008
Rồi thì năm 2000, năm chuyển giao giữa hai thế kỷ và hai thiên niên kỷ cũng đã qua, để cho thế kỷ XXI chính thức khai mạc vào xuân Tân Tỵ này.

Nhân loại cũng đã chuẩn bị cho thế kỷ mới bằng sự nhận thức về yêu cầu của một nền kinh kế trí thức trong bối cảnh văn minh thứ ba - văn minh trí tuệ. Và sự toàn cầu hoá như một mệnh lệnh thời đại do hiệu quả của cuộc cách mạng thông tin, mà không ai, không cộng đồng nào, dân tộc nào, khu vực nào có thể đứng ngoài.
Nhân loại cũng đã nhận ra những thách thức khổng lồ đặt ra cho tất cả, không trừ ai. Thách thức về chiến tranh khu vực. Về sự phân cực giàu nghèo. Về sự tàn phá môi sinh. Và về hội chứng “con tầu say”, khiến cho con người rất dễ mất căn cước, mất bản đồ, mất điạ bàn trong những cuộc lên đường mới, ra khơi mới. Những cuộc lên đường mất địa bàn khiến cho không ít dân tộc lại đứng trước nguy cơ nhoà mờ hoặc mất đi bản sắc riêng của mình.
Thế nhưng khi vấn đề đã được đặt  ra, khi các nguy cơ và tai hoạ đã được nhận thức thì cũng là lúc các khả năng giải quyết nó sẽ được đặt ra. Xét riêng cho mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, và xét chung cho toàn nhân loại thì hướng giải quyết phải là làm sao chuyển được cho nhân dân cái quyền được quyết định số phận của mình. Nói cách khác, là sự thực thi triệt để quyền dân chủ của nhân dân. Ý tưởng này được ngài Federico Mayor, cựu Tổng giám đốc UNESCO, trình bày như sau: “Chỉ khi nào chúng ta tìm được phương cách đem lại cho hàng triệu triệu con người nhẫn nhịn cái khả năng thực thi quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận thì lúc ấy chúng ta mới được chứng kiến cảnh những quyết định của kẻ mạnh phải khuất phục trước cái quyền lực duy nhất được coi trọng: “quyền lực của nhân dân” (1).
Toàn cầu hoá như một yêu cầu, một sức mạnh không cưỡng được cho bất cứ ai, cho bất cứ cộng đồng nào - toàn cầu hoá, nói theo ngài Mayor: “không thể chỉ hạn chế trong các mạng, không thể chỉ là việc riêng của viễn thông, của những máy điện toán, của thế giới phương tiện truyền thông hay các thị trường, mà phải dựa trên sự củng cố một không gian dân chủ chung của toàn thế giới”(2).
“Một không gian dân chủ chung của toàn thế giới”  - hoá ra, thế giới vẫn còn nhiều không gian chưa được hưởng dân chủ, nơi đó, quyền lực của kẻ nắm quyền lực, quyền lực của kẻ mạnh vẫn còn ngự trị và uy hiếp tự do tối thiểu của con người.
Dân chủ, và dân chủ hoá - khẩu hiệu đó đã đến với nhân loại từ bao thế kỷ nay; nhưng cho đến hôm nay, trước thềm thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới, vẫn không nhạt ý nghĩa thời sự.
Dân chủ và dân chủ hoá - cuộc hành trình gian khổ biết bao cho toàn nhân loại, và cho mọi quy mô lớn nhỏ của các cộng đồng người trong các thế kỷ của thiên niên kỷ đã qua; và cuộc hành trình ấy vẫn còn tiếp tục trong thế kỷ mở đầu thiên niên kỷ mới.

------------------
(1), (2) Sách Một thế giới mới; Nxb Odile Jacob, Paris , 1999

 
PHONG LÊ
(nguồn: TCSH số 144 - 02 - 2001)

Các bài mới
Quà xuân (13/05/2008)
Khi ấy (13/05/2008)
Hồ (13/05/2008)
Dại khờ (13/05/2008)
Ngã ba hồng (13/05/2008)
Các bài đã đăng