Tạp chí Sông Hương - Số 149 (Tháng 7)
Người bán thước kẻ
11:31 | 22/05/2008
Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhận tấm thẻ thương binh, tôi trở về quê nhà. Để bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, tôi dã dành tất cả số tiền chính sách nhận được mở một quầy sách báo. Khách hàng của tôi khá đông.

Trong đó, người đàn ông luống tuổi có cánh tay phải teo tóp, quắt quéo là người khách thường xuyên nhất. Chiều chiều, mỗi khi đi bỏ những bó thước kẻ cho các hiệu tạp hóa trong thành phố về, ông thường ghé quầy của tôi đọc báo "cọp". Ông thường kiếm đọc mục "Nhắn tìm đồng đội" và tin tức. Thi thoảng báo có bài xã luận hoặc phóng sự hay, không có thời gian xem tại chỗ, ông mới mua về nhà đọc. Thoạt đầu, tưởng ông là người bị dị tật bẩm sinh nên tôi chỉ quan hệ với ông như những khách hàng bình thường khác. Mãi đến ngày 27-7, thấy trên ngực ông lấp lánh chiếc huy hiệu thương binh thì tôi mới quan tâm đến ông. Ông vừa vào đến quầy tôi đã niềm nở:
- Mời bác vào trong này uống với cháu li rượu nhân ngày Thương binh liệt sĩ của chúng ta đã.
Ông khẽ gật đầu rồi cầm mấy tờ báo bước vào ngồi ở chiếc ghế phía đối diện với tôi.
Tôi mở chai rượu bổ mà Ủy ban phường mới biếu sáng nay rót vào hai cốc, nói:
- Trước hết, xin bác thứ lỗi vì hôm nay cháu mới biết bác là thương binh.
Ông không nói gì, chỉ cầm li rượu cụng vào li tôi một cái đánh cốp, mắt vẫn không rời mục "Nhắn tìm đồng đội" trong tờ báo. Chờ ông đọc xong, tôi hỏi:
- Xin lỗi, bác tìm liệt sĩ nào vậy?
Ông chằm chằm nhìn tôi như để dò xét, như để xem có đáng thổ lộ tâm sự hay không. Một lúc sau ông mới nói:
- Tôi tìm hai người con. Một hi sinh trong trận đánh mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh ở Buôn Ma Thuột. Một ở cửa ngõ Sài Gòn.
Tôi vừa lặng lẽ lắng nghe, vừa chăm chú nhìn ông. tôi thấy tay ông bóp mạnh vào li rượu. Người ông khẽ rung lên. Hai mắt đượm buồn rồi bỗng sáng quắc như có lửa. Và tôi nghe dường như có tiếng tanh tách phát ra từ chiếc cốc thủy tinh trong tay ông.
Biết ông đã mất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm tung tích của hai người con đã hi sinh và đang nóng lòng muốn biết mộ của họ ở đâu nên tôi nói:
- Bác cho cháu biết tên tuổi của hai anh để cháu tìm hộ cho. Đọc thấy, cháu sẽ báo tin cho bác.
- Thế thì quý quá! - ông mừng rỡ nói - Đứa hi sinh ở Buôn Ma Thuột tên là Nguyễn Đông Bắc, sinh ngày 31-12-1947. Còn đứa ở Xuân Lộc là Nguyễn Thu Đông, cũng sinh ngày 31-12-1947.
Tôi vừa nghe vừa ghi vào sổ. Nhưng đến ngày sinh của liệt sĩ thứ hai, sợ ông nhầm lẫn, tôi cẩn thận hỏi:
- Liệt sĩ Nguyễn Thu Đông cũng sinh ngày 31-12-1947?
Ông đáp:
- Vâng, sinh đôi mà. Tôi đã lấy tên Chiến dịch Thu Đông 1947 ở Đông Bắc, nơi mình đã tham gia chiến đấu và bị thương, để đặt tên cho chúng.
Tôi hỏi thêm để biết rõ hơn về hai liệt sĩ cần tìm:
- Thế ai là anh, ai là em ạ?
Ông chặc lưỡi, vò đầu tỏ ra ân hận, nuối tiếc về sự sơ suất của mình:
- Rất tiếc là tôi cũng chẳng biết. Sinh được mấy ngày, do mất nhiều máu, kiệt sức, hơn nữa lại quá lo lắng vì không biết tôi sống chết ra sao nên vợ tôi đã không qua nổi cơn hậu sản. Khi tôi phục viên về nhà, hai đứa đã biết lật. Tôi đã hỏi những người thân trong gia đình nội, ngoại nhưng người thì nói đứa này sinh sau, đứa này sinh trước, kẻ thì nói ngược lại. Chẳng ai biết chắc chắn đứa nào anh, đứa nào em cả. Chúng giống nhau quá mà.
Vợ mất để lại hai đứa trẻ sơ sinh khát sữa. Ông lại chỉ còn một tay, làm thế nào mà xoay xở nổi. Nghĩ thế, tôi tò mò hỏi:
- Bác nuôi hai anh khôn lớn chắc vất vả lắm? Làm sao mà bác vượt qua được?
Ông lắc đầu, nhún vai:
- Vất vả thì hết chỗ nói. Nửa đêm nằm giữa hai đứa trẻ thèm sữa mẹ khóc thét lên, không tài nào dỗ cho chúng nín được, kể cũng da diết và đoạn trường thật. Riêng bị chúng "tè" ướt mèm, phải loay hoay thay tã và thay áo quần cho cả ba cha con cũng đã đủ xâm xoàng mặt mũi. Nhưng rồi mọi vất vả cũng dần dần trôi qua. Phần thì nhờ hai gia đình nội, ngoại và bà con chòm xóm, láng giềng. Phần thì nhờ cái này! - Ông vừa nói, vừa dứ dứ cánh tay còn lại trước mặt mình. Khi chúng còn nhỏ, tôi đã phải thường xuyên bắt cóc nấu cháo cho chúng ăn. Nhờ thế chúng đã không bị chết vì suy dinh dưỡng. Chú biết đấy, hồi đó làm gì sẵn sữa bò như bây giờ. Còn khi chúng lớn lên thì tôi lại phải làm thước kẻ đi bán để nuôi chúng ăn học.
Tôi chằm chằm nhìn cánh tay ông. Lòng vừa thán phục, vừa thương cảm:
- Còn một tay, sao bác không chọn nghề cho phù hợp với mình mà lại chọn nghề làm thước kẻ? Xin làm ở một cơ quan nào đó chẳng hạn. Như vậy có phải khỏe hơn không?
Ông cười:
- Hì. .. hì. ... Ai mà chẳng biết vậy. Song mình làm sao tốt bằng người lành lặn. Không làm được việc mà chiếm chỗ của người khác để nhận lương thì coi sao được. Xấu hổ chết! Chỉ có chọn nghề làm thước kẻ mới phù hợp với tôi. Bởi vì, tôi vốn xuất thân từ con nhà thợ mộc. Thước thì thị trường lại rộng, học sinh đứa nào chẳng cần. Hơn nữa, tôi còn có sở thích muốn làm cho bọn trẻ làm quen với mực thước, với ngay thẳng khi còn nhỏ. Do đó, chỉ có chọn nghề này, tôi mới có đủ điều kiện và động lực để vượt qua chính mình.
Nghị lực vượt qua thương tật của ông đã làm tôi nhớ lại tấm gương tự lực của một thương binh mà mình vừa nghe trong buổi tọa đàm kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ ở phường nên hỏi:
- Sáng nay, cháu nghe nói ở thành phố ta có một thương binh được cấp nhà tình nghĩa nhưng đã từ chối. Bác có biết người đó là ai không ạ?
Ông không trả lời mà lấy thuốc châm hút. Miệng thổi ra những vòng khói tròn xoe như những chiếc vòng đeo tay của phụ nữ. Mắt lim dim nhìn những vòng khói thuốc to dần, to dần rồi đứt đoạn, tan biến, hư vô. Xong, ông mở to mắt nhìn tôi, hỏi:
- Chú hỏi người đó để làm gì?
Tôi đáp:
- Thú thật với bác, cháu định làm đơn xin cấp nhà ở nhưng khi nghe chuyện của người thương binh đó, cháu cảm thấy cứ ngài ngại thế nào ấy. Vì vậy cháu muốn hỏi bác để quyết định mình có nên viết hay không.
Giọng ông trở nên thân tình:
- Chú đã hỏi thế thì tôi cũng không nỡ giấu. Người đó chính là tôi. Ông dừng lại nhấp ngụm rượu rồi nói tiếp - Dù xấu, dù nhỏ, tôi cũng đã có chỗ ở và thờ tự. Nhiều người trong số anh em chúng ta còn khó khăn hơn nhiều... Mà tôi khác, chú khác đó nghe. Chú còn phải lấy vợ, chật chội và chung đụng thế này phiền phức lắm. Chú cứ viết đơn đi. Chú xứng đáng được cấp nhà đấy.
Nói xong, ông đứng dậy bắt tay tôi siết chặt làm tôi đau nhói. Tôi khẽ rùng mình và cảm thấy bàn tay vạm vỡ của mình trở nên yếu ớt trong bàn tay còn lại của ông.
Sau lần tiếp xúc đó, chiều chiều đi bán thước về, ông vẫn ghé vào quầy của tôi như thường lệ. Nhưng khác trước, ông không còn phải vất vả kiếm báo đọc mục "Nhắn tìm đồng đội" như trước. Tôi đã làm việc đó dùm ông. Thời gian đọc báo của ông được dành cho những câu chuyện tâm tình. Chúng tôi đã kể cho nhau nghe về cuộc chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng của mình, về tình cảm đồng chí, đồng đội. Chúng tôi đã tâm sự với nhau về những niềm vui, nỗi buồn của mình, về tâm tư, nguyện vọng của anh em thương binh. Dần dần, chúng tôi đã gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Tuy khác thế hệ nhưng chúng tôi đã trở thành một đôi bạn tâm giao.
Một buổi chiều không thấy ông đến, tôi cảm thấy trống vắng nên lên xe lăn đi tìm ông. Thì ra ông bận tiễn đứa cháu đích tôn của mình vào trường đại học quân sự. Khi tôi đến thì ông vừa mới về.
Ông sống trong một ngôi nhà cổ, bề ngoài trông có vẻ lụp xụp nhưng bên trong lại rất gọn gàng, ngăn nắp. Trong phòng khách, chín cái khung gỗ lồng kính chưng huân chương và bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường có sức thu hút mạnh mẽ. Chúng có màu sắc trang nhã, đường nét sắc sảo, lại điểm những nét hoa văn tinh xảo. Tất cả đều toát lên một vẻ trang trọng khác thường. Điều đó nói lên chúng phải được làm ra từ một người có tâm huyết, có con mắt của một nghệ sĩ và có đôi tay của một nghệ nhân.
Khi tôi đang mãi nhìn chúng thì ông đến vỗ vào vai:
- Nhìn gì mà kĩ thế?
Tôi đáp:
- Cháu chưa thấy ở đâu có những cái khung treo huân chương đẹp như thế này.
Ông gật gật đầu:
- À ra thế! Sẵn gỗ và rảnh rỗi làm treo chơi đấy mà. Chú thích thì để tôi tặng cho một cái.
Tôi đang kinh ngạc về khả năng của ông thì ông đã bước đến dỡ cái khung có tấm huân chương chiến công của mình xuống. Tôi biết phải mất nhiều công sức lắm ông mới làm được một cái khung như vậy nên vội cản:
- Thôi bác! Để bác làm cái khác rồi cháu lấy sau cũng được!
Ông cương quyết:
- Không sao! Chú lấy thì tôi mới làm cái khác thay. Nếu không nhiều khi lần lữa lại quên mất nên vô tình trở thành người thất hứa. Tính tôi việc gì phải là phải làm ngay. Ông vừa nói vừa gỡ cái khung cho tôi.
Từ khi tôi đem cái khung ông tặng treo tấm Huân chương Chiến công của mình lên, anh em thương binh đến chơi trông thấy đều khen đẹp và hỏi tôi mua nó ở đâu. Tôi đã nói nguồn gốc xuất xứ của nó cho họ biết. Thế là nhiều người trong số họ đã tìm đến ông. Vốn là người hảo tâm và biết trân trọng công lao, cống hiến của mọi người nên ông không từ chối một ai. Rồi người này giới thiệu cho người khác nên số người đến nhờ ông ngày càng đông. Số khung ông làm tặng ngày càng nhiều, càng đẹp và càng có hồn hơn. Có lẽ chỉ có ông người đã từng cống hiến, hi sinh và biết trân trọng sự cống hiến, hi sinh của người khác hơn cả chính mình, mới có khả năng làm được những cái khung như vậy.
...Ngày ông gục trên cái khung đang làm dở, trên bức tường ở phòng khách nhà ông, trừ những tấm huân chương và bằng Tổ quốc ghi công của hai người con, còn ba tấm huân chương của ông thì không còn lại cái nào. Ông đã dành tất cả cho mọi người.
Người thương binh già đáng kính đã ra đi...

NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾN
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Về A Lưới (22/05/2008)
Thư Sài Gòn (22/05/2008)
Gương mặt đêm (22/05/2008)
Nước ! (22/05/2008)
Gửi Ka Long mơ (22/05/2008)
Các bài đã đăng
Hậu sự (22/05/2008)
Đường chim bay (22/05/2008)
Con câm (22/05/2008)
Bụi Cây (22/05/2008)