Tạp chí Sông Hương - Số 150 (tháng 8)
Khủng hoảng nhận thức và niềm tin về văn học ở đâu?
11:05 | 27/05/2008
(Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)

Lẽ ra tôi không cần phải viết những lời sau đây để đáp lại những lời của anh Nguyễn Dương Côn trong bài "Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học" (Tạp chí Sông Hương số 148, tháng 6-2001) đề cập đến các luận điểm trong bài tham luận của tôi tại Đại hội VI của Hội Nhà văn Việt Nam "Nghệ thuật của chiều sâu" (Báo Văn Nghệ số 19, ngày 6-5-2000). Các bạn đọc sáng suốt, có suy nghĩ, chỉ cần đối chiếu các đoạn văn anh NDC trích của tôi với các lập luận "phản bác" của anh thì thấy ngay lẽ phải khoa học cũng như thái độ văn hóa ở phía nào. Tuy nhiên, vì bài của anh NDC đăng trên tạp chí Sông Hương là tờ báo mà phần lớn các độc giả của nó là những người mà tôi rất yêu quí và có lẽ cũng là những người ít nhiều có lòng yêu quí tôi, cho nên nếu vì bài đó mà các bạn có chút nào chưa hiểu đúng tôi thì tôi cũng có phần áy náy. Bài này của tôi không nhằm "phản bác" lại tất cả các luận điểm của anh NDC mà chủ yếu nhằm nói rõ thêm các luận điểm của tôi, trước hết đối với các bạn chưa có dịp đọc toàn văn bài của tôi trên báo Văn Nghệ, sau đó là ai đó có thể vì các lời lẽ xô bồ trong bài viết của anh NDC mà chưa kịp phân biệt được ngô, khoai. Tôi cũng không nói đến những gì có liên quan đến các luận điểm của anh Phương Lựu trong bài của anh NDC. Đó là việc của hai anh với nhau.
Để chứng minh nhận thức và niềm tin của mình rằng "cuộc khủng hoảng văn học trên qui mô toàn thế giới" là không có lối thoát và "lối thoát đó vẫn là một nghi vấn vĩ đại, bí ẩn, vĩ đại sâu xa (!)", anh NDC đã ra sức vạch ra cuộc khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học đó của anh Phương Lựu và tôi. Thực ra là anh đã mượn tôi và anh Phương Lựu để chứng minh cho khủng hoảng nhận thức và niềm tin của chính mình và cũng là tranh thủ một dịp để anh phô bày nhận thức và niềm tin văn học không mấy vững chắc mà lại khá hỗn loạn của mình. Khủng hoảng trong tâm thì văn cũng khủng hoảng, điều đó không có gì lạ.
Tôi chỉ hạn chế ở những chỗ anh "mượn" tôi, dẫn chứng tôi. Tựu trung có mấy điểm sau đây:
1. Trần Thanh Đạm viết: "Như vậy, nghệ thuật hiện đại tuy có nhiều "ngôn ngữ", mỗi loại hình có "ngôn ngữ" nghệ thuật riêng của mình (như điện ảnh có "ngôn ngữ" điện ảnh, âm nhạc, hội họa có "ngôn ngữ" âm nhạc, hội họa) song không có "ngôn ngữ" nào thoát được ngôn ngữ chung, ngôn ngữ tự nhiên của con người được phát ra thành âm thanh, ghi lại bằng chữ viết. Văn học theo nghĩa rộng (chỗ này anh NDC dẫn nhầm văn học thành văn hóa), theo nghĩa văn hóa thông tin bằng ngôn ngữ, văn tự, rõ ràng không thể tiêu vong mà trái lại càng mở rộng, nâng cao, tăng cường trong bối cảnh hiện tại".
Tôi thiết tưởng trên đây là một chân lý giản dị, thông thường, ai cũng thấy, song anh NDC lại đại ngôn cho rằng TTĐ đã đưa ra "một nghiêm luật ngộ nhận nếu không nói là ảo tưởng, hồ đồ". Anh rất lắm lời ở đây, dẫn những kiến thức phổ thông về mỹ học, dẫn Albert Einstein và Charlie Chaplin (mà lại dẫn sai! ), viết dông dài cả một trang lý luận "uyên bác" một cách vô ích, để "phản bác" một điều mà một sinh viên ngữ văn bình thường nào cũng hiểu, đó là khái niệm về ngôn ngữ tự nhiên, như là công cụ giao tiếp cơ bản nhất của con người trong xã hội. Chính vì không hiểu hoặc không biết đến tri thức đó nên anh NDC đã hăng hái bắt bẻ cái chữ thoát trong mệnh đề của tôi, tuyệt đối hóa đặc trưng, chức năng của các "ngôn ngữ nghệ thuật" khác, đối lập, cô lập các "ngôn ngữ" đó với ngôn ngữ tự nhiên mà anh gọi một cách sai lầm là ngôn ngữ ngôn từ (anh không phân biệt được ngôn ngữ với ngôn từ thì bàn về ngôn ngữ làm sao cho thông được !). Không hề hạ thấp vai trò và sứ mệnh của bất cứ loại hình nghệ thuật hay văn hóa nào, nhưng mọi người đều công nhận vai trò của ngôn ngữ (ngôn ngữ tự nhiên với tính nhân văn phổ biến của nó) đối với toàn bộ hoạt động của con người và xã hội, bao gồm các hoạt động sáng tạo và thưởng thức mọi nghệ thuật. Đúng là mọi loại hình nghệ thuật dù có "ngôn ngữ" nghệ thuật của riêng mình vẫn không "thoát” khỏi ngôn ngữ chung, ngôn ngữ tự nhiên mà không có nó, con người không thể là con người, xã hội không thể là xã hội chứ đừng nói là người nghệ sĩ. Câu đố của người Nga về ngôn ngữ "không phải là mật mà dính vào mọi thứ" chính là sự diễn tả rất thông minh tính phổ biến này của ngôn ngữ tự nhiên (hay cũng còn gọi là ngôn ngữ nhân văn). Lẽ dĩ nhiên, ai cũng biết ngôn ngữ là công cụ giao tiếp xã hội cơ bản nhất, phổ biến nhất song không phải là duy nhất, vì vậy mới có các "ngôn ngữ" khác, từ các tín hiệu giao thông ngoài đường, các công thức toán học, hóa học, đến các ký hiệu âm thanh hay hình thể của âm nhạc, của mỹ thuật, của vũ đạo v.v... cùng các loại hình "ngôn ngữ" khác nữa, tất cả là đối tượng của ngành ký hiệu học (Semiotics, Semiology). Tuy nhiên, một sự thực nữa là trong mọi loại hình giao tiếp đó thì giao tiếp bằng ngôn ngữ vẫn là cơ bản nhất, chính vì vậy mà các "ngôn ngữ" khác cũng được gọi là "ngôn ngữ" theo ý nghĩa loại suy (analogy), không thể thay thế hoàn toàn ngôn ngữ tự nhiên và lúc cần vẫn phải sử dụng đến ngôn ngữ tự nhiên. Gọi các ngôn ngữ khác không "thoát" được ngôn ngữ chung là vì vậy. Anh NDC hãy bỏ cái cách tư duy cực đoan đi thì có thể thấy vai trò của ngôn ngữ tự nhiên trong các loại hình nghệ thuật khác. Hãy ví dụ điện ảnh câm của Charlie Chaplin. Thời của Charlie thì điện ảnh chưa nói được và điều đó đã làm nổi bật tài năng độc đáo của Charlie, hầu như độc nhất vô nhị trong lịch sử điện ảnh. Song như mọi người đều biết, ngay các phim câm của Charlie vẫn có những câu thuyết minh bằng ngôn ngữ (ở đây là chữ trên màn ảnh), dù là rất vắn tắt. Các phim của ông đều phải có đầu đề: "Thời hiện đại", "Kẻ độc tài", v.v... Điều này cũng như trong hội họa, âm nhạc, kiến trúc v.v... Một bức tranh của Levitan mang tên "Mùa thu vàng", một bản symphony của Beethoven mang tên là "Anh hùng", một bản sonate có tên là "Ánh trăng". Bản valse của Strauss nhan đề là "Sông Danube xanh". Đó là chưa nói đến lời ca trong âm nhạc, kịch bản văn học trong sân khấu, điện ảnh. Quan điểm của anh NDC về kịch bản không phải là quan điểm của một người am hiểu sân khấu và điện ảnh, chỉ muốn cực đoan và lập dị để mọi người chú ý, song tôi tin rằng không có nhà điện ảnh hay sân khấu nào đồng tình với anh trừ những người cực đoan và lập dị như anh. Một điều cần lưu ý nữa là mọi loại hình nghệ thuật dù phi ngôn từ đến đâu cũng cần đến một nền lý luận, lịch sử, phê bình nghệ thuật bằng ngôn từ, thậm chí như có người đã nhận xét, các nghệ thuật càng trừu tượng, bí hiểm lại càng cần đến sự giải thích, bình luận bằng ngôn từ nhiều nhất, nếu không sẽ không ai tiếp nhận và không thể tồn tại được. Nói tóm lại, trên ý nghĩa như trên mà tôi nói rằng: mọi "ngôn ngữ" nghệ thuật đều không "thoát" được ngôn ngữ tự nhiên. Dĩ nhiên, muốn hiểu được điều này cần một chút uyển chuyển và tế nhị trong tư duy nghệ thuật và tư duy lý luận mà tiếc rằng hình như anh NDC chưa có được. Hai chữ hồ đồ mà anh gán cho tôi có lẽ thích hợp hơn với anh.
2. Nếu thoát ra khỏi "khủng hoảng nhận thức và niềm tin" của anh NDC đối với vấn đề ngôn ngữ và "ngôn ngữ" nghệ thuật như trên thì cũng dễ thông suốt đối với luận điểm về văn học của tôi mà anh dẫn ra, "Trần Thanh Đạm khẳng định: "Văn hóa chữ viết, văn hóa chữ in rồi văn hóa nghe nhìn, tin học, điện tử, viễn thông... và còn gì nữa càng chỉ làm tăng công suất của một thứ văn hóa cơ bản của con người là văn hóa giao tiếp mà trình độ cao đẹp và chất lượng sâu xa của nó là nghệ thuật ngôn từ - loại hình nghệ thuật nhân văn nhất trong các nghệ thuật nhân văn và mọi hoạt động nhân văn".
Tôi phải cảm ơn anh NDC khi anh trích dẫn trọn vẹn luận điểm của tôi, không cắt xén, xuyên tạc. Anh chỉ xuyên tạc khi bình luận, phê phán nó, do anh chưa hiểu nó đến nơi đến chốn mà đã hàm hồ bình luận và phê phán. Cả phần đầu trong luận điểm của tôi nếu ai không công nhận sự mới mẻ, xác đáng của nó thì ít nhất cũng thấy rằng nó không có gì là sai lầm. Nó chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên mà ai cũng thấy và nếu suy nghĩ thêm thì cũng có ích, có đóng góp cho sự lý giải về vai trò của văn học với tính cách là văn hóa ngôn từ và nghệ thuật ngôn từ trong bối cảnh văn minh khoa học công nghệ ngày nay, đặc biệt là vai trò bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn của xã hội, những phẩm chất nhân văn của con người trước mối đe dọa của những mặt trái của nền văn minh ấy. Đúng đây là một nhận thức và một niềm tin đầy tinh thần lạc quan của tôi trong một bối cảnh văn hóa mà nhiều người do nhận thức rối rắm mà thiếu niềm tin vào tương lai của văn hóa và văn học như người phản biện của tôi là anh NDC. Nói cho công bằng thì anh NDC cũng không thể phản bác điều gì trong nội dung cơ bản của luận điểm trên. Anh chỉ có nêu lên hai chỗ hình như tôi mâu thuẫn nhau, dường như tôi đã khẳng định cái điều mà tôi đã phủ định trước đó,khi nói về sự "mất ngôi", "thoái vị" của văn học trước sự "tấn công" của văn hóa nghe nhìn. Thực ra đây cũng là một sự vội vã và hiểu nhầm của anh NDC. Tôi nêu lên điều phủ định trên là để "phủ định cái phủ định" đó, tức là để khẳng định. Mâu thuẫn ở đây nếu có là mâu thuẫn biện chứng, quan điểm của tôi trước sau là nhất trí. Văn học nếu "mất ngôi", "thoái vị" thì nó chỉ mất cái ngôi vị độc tôn, độc quyền không cần thiết của nó, để "dân chủ hóa", để liên minh, hội nhập với các loại hình nghệ thuật và văn hóa khác, và nếu được để trở thành giọng lĩnh xướng trong dàn hợp xướng nghệ thuật và văn hóa của thời đại mới. (Xin xem thêm bài "Văn hóa và văn học" cũng đăng trên báo Văn Nghệ, nhân Nghị quyết 5 của T.Ư (khóa 8) (số mấy tôi quên mất). Và cũng như mọi sự liên minh, hội nhập chân chính, văn học không đánh mất mà càng tăng cường thêm bản sắc của mình trong quan hệ liên minh và hội nhập đó. Tôi không hề nói về sự "co lại" nào mà anh NDC gán cho tôi. Chỉ có sự "co lại" trong đầu óc của anh mà thôi. Và chính anh trong lý luận của mình đã chủ trương sự "co lại" không chỉ của văn học mà của các loại hình nghệ thuật, cô lập chúng, biệt lập chúng.
Cái cớ để anh NDC tung ra một tràng lý luận suy diễn và quy kết để phản bác tôi là cái chữ "nhất" trong đoạn cuối của luận điểm của tôi: "..." nghệ thuật ngôn từ - loại hình nghệ thuật nhân văn nhất trong các nghệ thuật nhân văn và mọi hoạt động nhân văn". Tôi không nhắc lại ở đây tất cả các lập luận của anh NDC vì nó giống như một loạt đạn đại bác bắn vào một mục tiêu không có thật. Tôi cho rằng lý do là vì anh không hiểu hàm ý của hai chữ nhân văn trong luận điểm của tôi. Anh viết một cách hùng hổ: "Chúng tôi luôn mong rằng sự công bằng - nếu phải so sánh tầm mức nhân văn chủ nghĩa khi đã có chân lý: mọi loại hình nghệ thuật đều có chung một mục đích, một tiêu chí tối thượng là bênh vực con người, thì đừng có ai đi làm cái việc mà Trần Thanh Đạm đã làm kể trên". Thôi cứ cho qua đi cách diễn đạt lủng củng, sai lô gích và sai cả ngữ pháp của câu văn trên (mà trong bài của anh NDC không phải câu này là cá biệt), thì sự hiểu lầm của anh NDC là ở chỗ anh hiểu nhân văn chỉ là "bênh vực con người", hiểu nhân văn với chủ nghĩa nhân văn là một, hiểu cái ý của tôi viết trên kia là tôi so sánh để đề cao tính nhân văn của văn học mà hạ thấp giá trị nhân văn của các nghệ thuật khác, "Tất cả những nhà triết mỹ (?) và những nhà lý luận văn học, nghệ thuật vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại. chẳng ai dám và chẳng ai dại gì mà đi khẳng định loại hình nghệ thuật này lại nhân văn hơn loại hình nghệ thuật kia...". Quả thật là những lời vàng ngọc dành cho cái ý... kiến không hề có tham vọng trở thành ý... voi của tôi. Xin anh NDC hãy rũ bỏ mọi niềm say mê và si mê lý luận của anh để đọc câu văn của tôi một cách tỉnh táo nhất. Tôi viết rằng: "nghệ thuật ngôn từ là nghệ thuật nhân văn nhất trong các nghệ thuật nhân văn và mọi hoạt động nhân văn". Ý niệm nhân văn ở đây có liên quan đến tính cơ bản và phổ biến của ngôn ngữ tự nhiên của con người trong luận điểm mà tôi trình bày trong điểm 1 ở trên, so với các "ngôn ngữ " nghệ thuật khác, vì vậy nghệ thuật ngôn từ là nghệ thuật nhân văn nhất trong mọi nghệ thuật nhân văn và mọi hoạt động nhân văn. Ý niệm này cũng xuất phát từ luận điểm của F.Engels mà cũng là của khoa học hiện đại về con người, rằng ngôn ngữ là một thuộc tính và sản phẩm đặc trưng nhất của con người, cùng với lao động có vai trò động lực cơ bản cho sự hình thành và phát triển của con người và của xã hội (anthropogenesis và sociogenesis ). Khi nói nhân văn nhất là hàm ý nó gắn bó nhiều nhất với bản chất của con người do tính phổ biến, tính cơ bản của nó. Nghệ thuật ngôn từ nhân văn nhất trong mọi nghệ thuật nhân văn và mọi hoạt động nhân văn. Nói như vậy không có nghĩa là các nghệ thuật khác kém nhân văn hơn mà chỉ để nêu rõ vị trí nhân văn của văn học trong mọi nghệ thuật và hoạt động nhân văn khác. Để làm một sự so sánh, tôi nhớ đến câu nói của đồng chí Phạm Văn Đồng về nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Nói như thế tôi nghĩ không ai hiểu các nghề khác là kém sáng tạo, kém cao quý hơn. Xưa cũng như nay, các đại biểu ưu tú của các ngành nghệ thuật khác dù rất tự hào, tự tin đối với nghệ thuật của mình thường vẫn dành niềm kính yêu đặc biệt và vị trí ưu tiên cho văn học và các nhà văn. Ngay bốn chữ văn học nghệ thuật cũng thể hiện sự ưu tiên đó. Trong thời đại ngày nay, không có ngành nghệ thuật nào suy bì, ganh tị với văn học khi chỉ có văn học mới có đại diện ưu tú của mình nhận giải thưởng Nobel. Trong nhà trường phổ thông cũng không có bộ môn nghệ thuật nào ganh tị với môn văn học hầu như là môn nghệ thuật duy nhất được học trong nội khóa suốt cả ba cấp học và địa vị này chưa có dấu hiệu suy giảm trong tương lai. Đây không phải là sự không công bằng mà là thái độ văn hóa và khoa học của các giới nghệ thuật chân chính không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới, không chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại và tương lai. Cũng như đối với luận điểm 1, ở đây chỉ cần một sự uyển chuyển và tế nhị trong tư duy và một thái độ nhã nhặn và thận trọng trong thảo luận thì thiết tưởng giữa tôi và anh NDC không có gì phải lên giọng gay gắt cả mà rất dễ thống nhất với nhau.
3. Tuy bài đã dài, song tôi xin phép độc giả đề cập thêm một luận điểm nữa của tôi mà anh NDC đã phê phán. Điều này cũng càng dễ thấy hơn hai điều trên, nhất là đối với các độc giả xứ Huế. Đó là chỗ tôi cho rằng trong điều kiện của bối cảnh văn minh và văn hóa ngày nay, điều đáng mong mỏi là "văn học ngày càng trở thành một thứ tâm kinh, không phải thánh kinh mà là nhân kinh, để con người "minh tâm kiến tính thành Phật...", tức là trở thành những con người tốt đẹp với nhân cách toàn diện, về trí tuệ và tâm hồn, về đức và tài v..v.. Chính ở đây, tôi đã "mượn lời nhà Phật" để nói đến sứ mạng nhân văn, lý tưởng nhân văn, chủ nghĩa nhân văn của văn học đối với con người. Tôi dùng ẩn dụ kinh, tâm kinh, nhân kinh ở đây để nói đến nguyện vọng và yêu cầu đối với văn học, từ phía người đọc cũng như người viết, phải rất thận trọng, thành kính, thậm chí thiêng liêng trong khi sáng tạo và tiếp nhận các giá trị của văn học để cảm hóa, cải hóa sâu sắc con người và xã hội. Yêu cầu và nguyện vọng này không thể thực hiện một cách ồn ào, ồ ạt hay ầm ĩ mà phải lặng lẽ, lắng đọng, đi vào chiều sâu nội tâm của con người, vì chủ yếu văn học là nghệ thuật của sự viết và sự đọc là "nghệ thuật của chiều sâu". Hơn mọi nghệ thuật khác, văn học thích hợp nhất với chức năng, sứ mệnh này. Trong mọi thời đại, văn học đều thực hiện sứ mệnh này, trong thời đại ngày nay, càng phải nhấn mạnh, chú trọng hơn. Tôi thiết tưởng một quan niệm như vậy về khoa học cũng như về tư tưởng không hề có gì là sai trái, thậm chí có sự gợi ý quan trọng đối với người viết và người đọc trong bối cảnh xã hội và văn hóa của chúng ta và của thế giới ngày nay. Chính anh NDC đã nói là nguyện vọng "trong sáng và cao cả". Dĩ nhiên, cũng như mọi lý luận, nó không thể là đầy đủ, là chân lý duy nhất hay cuối cùng, nó là sự gợi ý cho suy nghĩ sáng tạo của mọi người. Nó cần được bổ sung, phát triển, phát huy thêm bởi các nhà văn, các bạn đồng tâm, đồng lý tưởng.
Về luận điểm trên đây của tôi, anh NDC đã viết một đoạn văn bình luận "xuất sắc" như sau: "Công việc làm kinh về con người dẫu sao cũng vẫn chỉ là công việc của tôn giáo và của triết học về con người. Và dẫu sao, dù tình cảnh khủng hoảng, bế tắc đến đâu đi nữa, văn học vẫn chỉ chăm chú theo dõi đời sống cụ thể của con người trong sự nghiệp khám phá sáng tạo theo kiểu riêng của nó, và nó chỉ khám phá ra cái mà chỉ nó mới khám phá được mà thôi. Khát vọng trong sáng và cao cả của Trần Thanh Đạm là khát vọng ảo tưởng, thuần túy ảo tưởng bởi nguyên lẽ (?) về phương diện sứ mệnh, ông văn hóa hóa một cách triệt để một lãnh vực của văn hóa là văn học nghĩa là ông trao toàn bộ sứ mạng văn hóa của nhân loại cho văn học! ". Như thế là anh NDC tán thành hay phản đối tôi, tán dương hay phê phán tôi? Hay anh viết văn mà chẳng biết là mình viết gì, chỉ cốt viết văn cho "kêu" mà thôi? Sự thật là anh tỏ ra không hiểu người mà anh muốn đối thoại lẫn không hiểu chính anh. Chứng cớ là anh không hiểu "minh tâm kiến tính thành Phật" là gì. Hai lần anh dẫn "minh tâm kiến tinh" (không phải tính), một lần thì có thể anh để sót dấu sắc, hai lần thì rõ ràng là anh không biết và không hiểu. Không hiểu thì bình luận, phê phán làm sao? Hơn nữa, ở đây tư duy thô sơ của anh chỉ thấy chữ mà không hiểu nghĩa, càng không hiểu ý. Thấy nói đến Kinh, đến Phật là anh chỉ nghĩ đến tôn giáo, cho nên anh viết: Công việc làm Kinh dẫu sao cũng chỉ là công việc của tôn giáo... Làm sao bàn lý luận với một người "lý sự" như vậy được. Chẳng lẽ lại phải giảng giải cho anh về ý nghĩa của chữ Kinh trong lịch sử tôn giáo, triết học và văn học, về văn học tôn giáo và văn học triết học, về ngũ kinh, tứ thư, về thánh kinh, hiền truyện trong lịch sử văn học Trung Hoa, về Kinh Veda, về Tam tạng đại kinh trong văn học Ấn Độ, về La Sainte Bible, La Sainte Écriture trong văn học cổ đại Trung Cận Đông và Phương Tây. .v..v.. Chắc tôi cũng như bất cứ ai không thể làm mất lòng anh và mang tiếng dạy đời để làm cái công việc phiền hà đó đối với anh, nhưng thực tình thì tôi cảm thấy khó xử khi được anh phê phán như vậy. Lẽ nào, anh NDC lại "thật thà như đếm" vậy sao? Cho nên ở đây anh chê, tôi cũng chẳng lấy làm buồn mà anh khen, tôi cũng không lấy làm mừng. Chỉ muốn anh suy nghĩ thêm, nghiên cứu thêm,tìm hiểu thêm nhiều điều, kể cả các ý kiến của tôi. Thực ra thì anh cũng đã có một số suy nghĩ đúng và tốt, nhưng vì cứ vội tỏ ra đúng hơn người, vội phê phán, phản bác người khác, cho nên nhiều cái đúng hóa thành sai, lẫn lộn với cái sai, cuối cùng sai nhiều hơn đúng nhất là trong luận đề cơ bản, trong định hướng chung toàn bài của anh. Người xưa gọi là học bất túc, tư bất cập (học chưa đầy đủ, nghĩ chưa đến nơi).
Tôi chỉ trình bày đến đây những điều trong bài của anh NDC có liên quan đến các luận điểm của tôi. Nếu đề cập đến các chỗ khác nữa thì không thể nào đủ giấy. Tôi mong anh Phương Lựu và các độc giả khác bàn bạc thêm. Dù sao vấn đề được anh NDC nêu lên cũng rất nên thảo luận, không phải để xem ai hơn, ai thua mà để góp phần thúc đẩy công tác lý luận, phê bình văn học của chúng ta.
Để kết thúc,tôi có hai ý kiến:
Một , tôi nhận thấy tôi chẳng có sự khủng hoảng nào ngay trong nhận thức và niềm tin của tôi về lối thoát của cuộc "khủng hoảng" có tính quy mô toàn thế giới. Tôi vẫn nhận thức sáng tỏ và tin tưởng vững chắc về sức sống và sức mạnh trường cửu của văn học trước mọi biến thiên, mọi thử thách của lịch sử, của văn hóa. Dĩ nhiên, văn học với tính cách là văn hóa ngôn ngữ cũng như nghệ thuật ngôn từ, một hình thái ý thức đặc thù của con người, xã hội, phải không ngừng phát triển, đổi mới, sáng tạo cùng với dân tộc và thời đại, bất chấp mọi thứ "lý luận" quàng xiên "tiên tri" về sự tiêu vong của nó.
Hai là, bài viết của anh NDC, nói chung và trong phần có liên quan đến tôi, theo ý tôi, thực ra là anh tự tranh luận với mình, lấy các lý chứng sai lầm để chứng minh cho một tiên đề sai lầm của chính anh mà anh lại gán cho tôi (tôi không nói thay cho anh Phương Lựu). Chỉ đọc cái nhan đề, cái mở đầu và cái kết luận của anh trong bài đó thì sẽ rõ. Khi lý luận như vậy thì lý luận để làm gì và để đi đến đâu?
Nhà thơ Chế Lan Viên có mấy câu thơ:
Con gà không đối thủ
Để dương oai diễu võ
Tự đá mình trong gương
Thảm thương nhà thơ ấy...
Bản ngã vờn bản ngã
Lấy mình làm văn chương
Tự đá mình trên giấy...
Là nhà lý luận chứ không phải là nhà thơ song anh Nguyễn Dương Côn lại quá giống với hình ảnh trong mấy câu thơ trên của nhà thơ lớn của chúng ta.
Tháng 6-2001

TRẦN THANH ĐẠM
(nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001)

Các bài mới
Quê ơi! (30/05/2008)
Cúc biển (30/05/2008)
Con khướu ấy (30/05/2008)
Chị tôi (30/05/2008)
Đường chim bay (30/05/2008)
Các bài đã đăng
Dứa dại (27/05/2008)