Tạp chí Sông Hương - Số 151 (Tháng 9)
Phê bình văn chương giải minh hay phá bĩnh
15:31 | 02/06/2008
Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.

Những người phê bình cảm tính thường rơi vào cực đoan, áp đặt lên văn chương những ý nghĩ chủ quan, rốt cuộc là rơi vào ngộ nhận. Những nhà phê bình khoa học thường hòa nhập vào tác phẩm để từ đó nhận ra ánh sáng hay bong tối của văn chương, nhằm đưa ra những phán xét khách quan.
Phê bình khoa học bao giờ cũng là bạn của sáng tác và thưởng thức. Phê bình ngộ nhận lại là kẻ phá bĩnh trong dạ tiệc hội ngộ giữa nhà văn và bạn đọc.
Trên mặt báo gần đây xuất hiện một số cây bút mới ký dưới các bài gọi là phê bình nhằm vào các tác giả trẻ. Đó là Hoàng Xuân Tuyền, Chu Thị Thơm, Nguyễn Thanh Sơn, Ngọc Oanh, Hưng Yên, v.v... Trong khi mấy nhà phê bình quen tên hầu như né tránh hoặc cao đạo hủ nho lui vào hậu trường (trừ nhà phê bình "đại gia" Trần Mạnh Hảo) thì sự xuất hiện của một loạt cây bút phê bình mới, thật đáng được lưu ý. Cái mạnh của họ là bạo dạn, dám bộc lộ chính kiến, thậm chí có người rần rật máu nóng trong từng dòng viết phê phán các tác giả trẻ. Cũng có đôi lúc, đôi người thể hiện sự học vấn, hoặc ra giọng khụng khiệng của những bậc thầy lớn tiếng nhận định, phán xét và răn dạy những người sáng tác trẻ. Thôi thì dịu dàng hay bặm trợn, khụng khiệng hay từ tốn... cũng chẳng có hại gì cho phê bình cả, thậm chí còn là "cá tính" để tạo nên bản sắc của từng cây bút khiến họ không lẫn vào đám đông, cũng là một ưu điểm vậy. Nhưng điều đáng bàn là nhiều luận điểm họ đưa ra trong các bài viết là quá chủ quan, ngộ nhận và tự mâu thuẫn khi nhận định, phán xét văn chương của giới trẻ.
Như chúng ta đều biết, giới trẻ bao gồm những người trẻ tuổi, và gọi những cây bút trẻ những nhà văn trẻ đều khu biệt trong tuổi tác mà thôi. Theo nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học sáng tạo thì những phát kiến quan trọng của đa số những người sáng tạo thường nằm trong độ tuổi 24 - 28. Ngoại lệ thì có "thần đồng", "thần lão" hoặc ở ngoài độ tuổi 24 - 28. Ở ta, hội nghị những người viết trẻ thường chọn dưới 40 tuổi. Theo ý riêng tôi thì giới trẻ chỉ nên tính từ 16 - 35, đấy là tuổi thanh xuân của đời người, tuổi khởi ra nhiều sự mới mẻ để khẳng định chính mình, để "lập thân". Trong văn học nghệ thuật, lứa tuổi này thường tạo ra những bước đột phá quan trọng cho văn nghệ thời đại. Sự đăng quang của Thơ mới, sự đăng quang của Thơ chống Mỹ chẳng là của giới trẻ đó sao?
Tuy nhiên trong lịch sử văn học, nhiều thế hệ bị bỏ trống, hoặc trở thành thế hệ "lót đường" - thế hệ chuẩn bị. Hiện tượng Thơ mới nối dài, và hiện tượng thế hệ chống Mỹ bao trùm văn đàn lấn át thế hệ kế tiếp là có thật. Điều đó không có nghĩa là họ cố tình cố múa bút dương oai chiếm chỗ của thế hệ trẻ, mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, và qui luật phát triển của văn tài trong xã hội. Ở ta, sau hòa bình 15 năm, từ những năm 90, lớp nhà văn trẻ mới có cơ hội tốt để khẳng định chính mình. Đấy là một thế hệ được chuẩn bị và được ngọn gió đổi mới, hội nhập tràn thổi vào đôi cánh thanh xuân. Từ thơ đến văn xuôi (cũng rất rõ trong hội họa) đã xuất hiện những làn sóng mới khác với các thế hệ trước đó. Trường hợp Trương Nam Hương đoạt giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 28 tuổi (1991) và Nguyễn Quang Thiều cũng nhận giải thưởng này năm 36 tuổi (1993) là bằng chứng tự khẳng định mình của giới trẻ. Ngay trong cuộc xét giải thưởng thơ năm 2000 tại Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt vừa qua, 2 tác giả trẻ là Vi Thùy Linh (20 tuổi) và Nguyễn Hữu Hồng Minh (28 tuổi) đã được Hội đồng Thơ đề cử cùng 6 tác giả khác để bỏ phiếu. Số phiếu của họ chỉ thua 2 tác giả đoạt giải. Đó là những dấu hiệu tốt về sự hiện diện của thơ trẻ trong những năm gần đây. Một số tác giả trẻ khác như Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly cũng đã gây được sự chú ý của độc giả, trong đó có người đã tạo ra được những tranh luận, khen ngợi hoặc phê phán. Trường hợp tập LINH (sau tập KHÁT được đề cử ở Hội đồng Thơ) của Vi Thùy Linh là một hiện tượng khá đặc biệt được tranh luận nhiều trên báo chí Bắc Trung Nam, trong đó 8 bài khen, 4 bài chê và 3 bài dở khen dở chê. Số lượng bài viết về thơ Văn Cầm Hải ít hơn, bởi tập thơ đầu tay NGƯỜI ĐI CHĂN SÓNG BIỂN của anh in từ năm 1994 với số lượng nhỏ, ít người được đọc, vì vậy có người phải đem cả những bài chưa in (có thể chưa hoàn chỉnh) của anh ra để "bổ" như bổ củi; đến nỗi sau khi đọc bài của Ngọc Oanh (phụ san Văn nghệ Quân đội số 15 ngày 10 - 8 - 1998. Người Hà Nội in lại số 9 ngày 3 - 3 - 2001) Văn Cầm Hải đã phải kêu lên: "Tôi không đòi hỏi Ngọc Oanh bên cạnh chê nên khen thơ tôi, vì quan niệm nghệ thuật vốn xưa nay không phải luôn luôn đồng nhất, và tư tưởng nghệ thuật thì nó có những bến bờ của nó mà không phải con thuyền nào cũng cập bến được. Những gì mà Ngọc Oanh "chọn ra" để "phê bình" còn ở dạng bản thảo, nó còn được tiếp tục điều chỉnh và bổ sung, đó là quyền của người sáng tạo. Hệ thống luật pháp của nước ta, kể cả thế giới, không có một điều khoản nào quy định cho phép người phê bình tự ý đưa bản thảo của người khác lên các phương tiện thông tin đại chúng để phân tích, phê bình. Tôi nghĩ rằng, trước lúc làm một nhà báo, nhà phê bình, Ngọc Oanh nên là một công dân sống và làm việc theo pháp luật quy định". (Phải chăng đó là phê bình? - VCH). Lại có người chỉ đọc được dăm ba bài của anh, thấy lạ rồi khen với một giọng cũng "lạ" không kém:"... Cái hay của nó chính là nhịp lên của một câu thơ sáu chữ rất "khẩu hiệu" và hiện đại như "vượt qua giai đoạn thành kiến", được đột ngột hạ xuống tương phản với một câu thơ 4 chữ cũ "nhớ buổi sinh tiền", rồi lại hất lên rồi để buông rơi ở một câu thơ chỉ có 3 chữ lơ lửng "cơn gió hát"..." (Nguyễn Thanh Sơn - Tia sáng số 5 - 2001). Thực ra thì Văn Cầm Hải đã thoát khỏi hình thức quen thuộc với một nội dung mang tính tích hợp trong cảm thức khác biệt của thi sĩ: "người dương cầm lên cơn tổng phổ", "chùm hoa tigôn cũng đỏ màu tập thể", đời chị như viện bảo tàng/ treo đầy mặt nạ đàn ông",..v..v..
Trở lại "hiện tượng Vi Thùy Linh", một cây bút in thơ từ năm 16 tuổi, và 4 năm sau đã cho xuất bản 2 tập thơ (trên 200 trang với 96 bài thơ chọn lọc, hầu hết là thơ tình yêu, hay có thể nói là thơ khát tình, khát yêu, thậm chí là khát dục cũng đều đúng cả. Cái tôi bản thể trong thơ Vi Thùy Linh dường như được "bóc trần" đến tận lõi khát vọng yêu của con người. Tất nhiên con người có nhiều khát vọng (cao sang hay thấp hèn), nhưng trong thơ, Vi Thùy Linh chỉ mạnh mẽ một khát vọng được yêu, được sống trong tình yêu đích thực của con người. Ở đây không đơn giản là tình yêu xác thịt như một ít người lầm tưởng, mà là một tình yêu "tỏa nhiệt vào thơ bất kể mùa nóng, lạnh", "yêu đến tan cả em" nên luôn thấy "ngày dài hơn mùa" rồi bật khóc đến nỗi phải "cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh". Thơ Vi Thùy Linh không chỉ có thông minh (không thông minh thì không thể làm thơ) mà còn có cả khổ đau của phận người, đặc biệt là phận người phụ nữ trong tình yêu: "Cứ để chăn trễ nải/ Biết đâu/ Một tối trở về/  Chồng nằm trong đó". Vi Thùy Linh có rất nhiều những câu thơ buồn, thật buồn mà viết ra như không: "Đêm mở mắt bên em là mùa đông", "Sau giấc mơ em còn nguyên", "chúng mình buồn như cặp bánh phu-thê/ Chiều quắt lại như mặt người ốm dậy"... Lại có nhiều câu thơ sáng trưng lộng lẫy:  "Chưa bao giờ như chiều nay/ Đàn kiến tha mặt trời qua mùa hè run rẩy", "Mặt trời vỡ hàng triệu mảnh bọc thân thể tôi rát bỏng... Cát bay lên như những linh hồn". Tình dục chỉ là một phần của thơ Vi Thùy Linh, nó là những ám ảnh trong khát vọng tình yêu, đôi khi tưởng như trần tục, nhưng trong hệ thống ngôn từ và thi ảnh nó đã nhuốm màu triết học, và nhờ thế nó mở ra một hệ thống thẩm mĩ mới, khác với quan niệm đạo đức mà không ít người nhầm tưởng. "Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng..." không phải là nhục thể, bởi sau đó là câu: "Chỉ cần anh gối lên đùi", và dù "Mình ôm lấy anh ôm mình" thì cũng chỉ là vì một khao khát yên bình: "Biết sự bình yên của mặt đất". Thật lạ lùng, khi đọc những câu thơ như thế mà Chu Thị Thơm lại tưởng tượng ra những điều thật kinh dị: "Cứ nhất thiết, thèm chồng là cứ phải để tư duy phiêu lưu với hình thể nồng nỗng, trần truồng hồng hộc đợi chờ trong sự bất thường như thế chăng?" (Khi nhục cảm đã vượt qua con chữ - GD&TĐ số 27 ngày 3 - 3 - 2001). Vẫn biết người đọc là người sáng tạo thứ hai (sau tác giả), nhưng lối đọc thơ "nồng nỗng", "hồng hộc" bệnh hoạn như thế có khác nào truyền bệnh của mình vào thơ của người khác, và tác hại hơn, đấy là ý kiến của một "nhà giáo phê bình" với sức tưởng tượng quái đản làm lây lan tới những người đọc nhẹ dạ cả tin khác. Phải khẳng định rằng, đề tài tình dục chưa bao giờ xa lạ với văn chương. "Một lần nữa bằng môi - Tôi chạy dọc theo đùi".  Đấy không phải là câu thơ của Vi Thùy Linh, mà là một trong cả ngàn câu thơ tình dục rút ra từ tập thơ tuyệt tác 99 ĐÊM CỦA NÀNG KÔMATI của thi sĩ Rubôkô Sô (980 - 1020) Nhật Bản. Trong tập VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN tôi đã hơn một lần bàn về thơ tình dục, thơ hiện đại, và khẳng định rằng: "Muốn cảm nhận được thơ tình dục, thơ hiện đại, cần phải có một Mỹ Học đổi mới". Còn việc Hoàng Xuân Tuyền trích lẻ một số câu thơ của Vi Thùy Linh rồi gán cho nó là thơ "Anh-Em-Chăn-Gối-Giường-Sừng" thì đấy là một lối đọc thơ bất nhẫn (xem Người Hà Nội số 7 ngày 17-2-2001). Ngay câu thơ đầy ấn tượng về Con ngựa một sừng trong huyền thoại Hy Lạp của Vi Thùy Linh: "Con ngựa có chiếc sừng vĩ đại vẫn vọt lên con ngựa kia cầu vồng sao trắng" mà Hoàng Xuân Tuyền ngạc nhiên đến không tài nào hiểu nổi, phán rằng: "... đố biết chiếc sừng vĩ đại trổ ra từ đâu?". Xin thưa, nó trổ ra từ văn hóa nhân loại đấy!
Phê bình có khi là khám bệnh và kê đơn cho văn chương, nhưng ngược lại những "thầy thuốc phê bình" ốm yếu bệnh họan đôi khi lại tự biến mình thành kẻ truyền bệnh. Vẫn biết con người thường có những ngộ nhận, nhưng người phê bình ngộ nhận thường đưa ra những phán xét liều lĩnh đến nực cười. Tỷ dụ như với thơ Vi Thùy Linh, Hoàng Xuân Tuyền phán: "Chúng tôi không coi những ghi chép lộn xộn đó là thơ ", còn Nguyễn Thanh Sơn thì bảo, đó chỉ là "một món-nộm-thơ nhạt nhẽo". Tất nhiên, thích hay không thích là quyền của mỗi người, nhưng đâu phải cứ phán bừa như thế thì thơ Vi Thùy Linh sẽ bị hạ thấp xuống đáy vực hay trở thành văn xuôi, mà ngược lại, nhà thơ trẻ này vẫn KHÁT, vẫn LINH, vẫn SONG MÃ nước đại "Tới vùng sa mạc ánh nhũ mặt trời xanh/ Cùng cả tham sân si đầu thai kiếp khác".
Trong phê bình, thổi phồng hay bóp méo các giá trị đều xa lạ với khoa học khách quan. Người sáng tác cực đoan đôi khi mở ra những chân trời mới lạ, nhưng người phê bình cực đoan lại thường nhốt bầu trời trong đáy giếng. Chính vì vậy mà đòi hỏi nhà phê bình phải tìm ra các hệ thống ngôn ngữ, triết học và tư tưởng của tác phẩm và tác giả, từ đó đưa ra các lời bình luận hay phán quyết. Khi tính cảm tính lấn át tính hệ thống thì phê bình sẽ trở nên phiến diện, nông cạn và ỡm ờ. Trong bài viết Văn trẻ hôm nay (Tia Sáng số 5 - 2001), Nguyễn Thanh Sơn cố đi tìm cái khác, cái mới của thơ văn trẻ, nhưng ngay từ đầu anh đã đưa ra nhận định thiếu chính xác về "thế hệ". Anh cho rằng thế hệ trước (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Trung Chính, Bảo Ninh...) là "thế hệ hoài nghi", còn lớp người viết trẻ hôm nay "họ không hoài nghi". Anh viết tiếp: "Các nhà văn thế hệ trước có quá khứ: chiến tranh, niềm tin, một nôi văn hóa quen thuộc và đã được định giá", còn "các nhà văn trẻ hiện nay thuộc một thế hệ từ chối quá khứ đã được định sẵn cho họ và khao khát đi tìm cho mình một quá khứ khác". Không phải chỉ thế hệ trẻ hôm nay mới "đi tìm cho mình một quá khứ khác". Thế hệ nào cũng có một thời trẻ, họ làm ra quá khứ của mình; còn "hòai nghi" luôn luôn là đặc tính của những nhà sáng tạo ở bất kỳ thời nào, ở bất cứ người già hay người trẻ. Chỉ có điều, những sáng tạo sau phải khác, phải không lặp lại những gì đã có. Tuy nhiên vẫn có những hình thức tồn tại trường cửu, không dễ gì phá vỡ nổi (thơ Đường, thơ Xonnê, thơ lục bát, v.v...). Vấn đề là người sau phải cộng thêm vào thành tựu của người trước chứ không phải là xóa trắng thành tựu (mà có muốn cũng không thể làm được). Điều này tôi đã phân tích kỹ trong bài Thơ trẻ không an bài với thành tựu (VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN - tr. 216 - 225). Cũng do những biểu biết nông cạn về chân giá trị của cái mới, Nguyễn Thanh Sơn có bài Ba cái lầm của nhà thơ lớn tuổi (Tia Sáng, số 4-2001). Anh viết: "Thế hệ trẻ, thực ra, không cô đơn, cũng không hề hoang mang"; "không phải cứ tấu lên những "chó sủa, mèo gào, mọt nghiến, người rên rỉ" là bài thơ trở thành một bản nhạc giao hưởng", "các nhà thơ lớn tuổi cứ tưởng rằng, làm ồn ào quanh các hiện tượng là thái độ ưu ái với các nhà thơ trẻ", v.v... Ở đây tôi không bàn đến cái giọng khụng khiệng cố nội của một người viết trẻ (bởi chính Nguyễn Thanh Sơn cũng tự thú nhận: "Cám dỗ của lòng tự kiêu ngấm ngầm: được là một người viết trẻ viết về những người viết trẻ"), mà chỉ muốn nói rằng, chính anh đã nhầm về sự cô đơn và hoang mang của thế hệ trẻ. Cô đơn và hoang mang chính là khởi sự nội tâm của sáng tạo, hiểu theo nghĩa giải tỏa hay chia sẻ. Anh cũng nhầm giữa "bản nhạc giao hưởng" và thơ có tính phức điệu của nhạc giao hưởng. Còn "thái độ ưu ái (của các nhà thơ lớn tuổi - NTT) với các nhà thơ trẻ" thì đấy lại là một truyền thống đẹp cần được biểu dương chứ không phải là để phỉ báng và chế giễu. Trẻ con thường có tâm lý đố kỵ với người lớn, muốn bằng người lớn và muốn hơn người lớn, chính vì thế mà nó phải tập chia động từ "Tôi là" trong một thời gian không mấy ngắn. Nhưng đấy là trẻ con chưa trưởng thành. Tôi nghĩ, để trưởng thành, bên cạnh sự khiêm tốn học hỏi thế giới, cũng cần có lòng tự kiêu, chứ không phải là sự cao ngạo ngộ tưởng.
Sáng tác đã khó. Đọc, nghe hay dịch cho sát (tiếp cận) với văn bản cũng không phải dễ. Chả thế mà các cuộc thi Piano Chopin thế giới, nhiều lần không có giải nhất. Đặng Thái Sơn ngoài việc chơi đúng văn bản tác phẩm Chopin, anh còn tái tạo được cả phần hồn trong tác phẩm của ông. Nhưng anh mới chỉ là một người "dịch" giỏi Chopin mà thôi. Phê bình không chỉ là đọc, là nghe, là dịch, mà còn là giải mã tác phẩm; rồi trên cả giải mã là bình luận và đưa ra những luận điểm về đối tượng phê bình. Thật khó lắm thay! Đấy là chỉ mới nói đến việc phê bình những tác phẩm cụ thể. Còn khi đưa ra những nhận định khái quát về các thời kỳ văn học, những dòng chảy, những trào lưu, những trường phái, hay về những thế hệ văn chương thì việc ấy mới thật mênh mông như bể Sở (Mênh mông bể Sở sông Ngô). Chỉ mới xem qua một số bài viết về thơ văn giới trẻ của một ít người phê bình trẻ, tôi đã thấy có nhiều điều bất ổn. Chính vì thế mà chúng ta cần phải xem lại mình, cần điều chỉnh những hiểu biết của mình trước các giá trị mới đang mở ra, một cách bình tĩnh và minh triết. Có như vậy phê bình mới thoát khỏi sự phá bĩnh làm cản trở, nhiễu loạn văn chương (cả người viết lẫn người đọc), để đi tới sự giải minh đắc lực cho văn chương và thời đại mới.
Hà Nội, ngày 1/6/2001

NGUYỄN TRỌNG TẠO
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Thời gian (02/06/2008)
Các bài đã đăng
Lọ lem (30/05/2008)
Cõi riêng (30/05/2008)
Chị Huệ (30/05/2008)