Tạp chí Sông Hương - Số 152 (Tháng 10)
Nguyễn Thiên Đạo nhà soạn nhạc “trong Lão ngoài Khổng”
16:53 | 02/06/2008
LTS: Hơn 60 năm về trước (1940), Hà nội cũng như hai bậc phụ mẫu không thể ngờ rằng đứa hài nhi do mình sinh ra sẽ trở thành một trong những nhạc sỹ tài danh của thế kỷ 20 được thế giới ghi nhận khi tuổi đời mới hơn 40! Nhưng đó là sự thật, sự thật ấy có tên là Nguyễn Thiên Đạo- người được từ điển danh nhân Le Petit Larousse (1982) và Le Petit Robert (1995) tôn vinh là "nhạc sỹ tài năng, tác giả của dòng nhạc hợp lưu Đông -Tây vô cùng độc đáo".
Nguyễn Thiên Đạo nhà soạn nhạc “trong Lão ngoài Khổng”

Sông Hương đã có cuộc gặp gỡ với nhạc sỹ Nguyễn Thiên Đạo bằng một đêm sênh tiền trên sông Hương thơ mộng nhân chuyến về thăm quê nhà của nhạc sỹ. Bài tản mạn mà Sông Hương giới thiệu dưới đây được rút trong tập: Những người vô trọng lượng của tác giả Văn Cầm Hải.

(.....) Không như nhà phân tâm học S.Freud- thuộc về những người làm mất giấc ngủ ngon của thiên hạ, nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo, tuy cũng là người mê man điệu chơi vô thức nhưng ông là người làm cho giấc ngủ của mọi người thêm nồng say để rồi sau khi hồi tỉnh bỗng nhận ra mình như vừa chìm đắm qua một cơn mê thiên hà do người nhạc sỹ hoà âm và hiện hữu vào đời sống. Minh mang với thế giới âm thanh Nguyễn Thiên Đạo, tôi bỗng cảm hoài đến Richard Strauss, Mussogsky, Rimsky -Korsarov với những bản giao hưởng thơ, nhất là hình ảnh Zarathustra tái hiện một cách hoành tráng đến trầm hùng của Richard Strauss trong bản giao hưởng Also Sprach Zarathustra - vốn là đứa con tinh thần của triết gia Nietzsche. Ngôn ngữ triết học vốn đã huyền thẳm lại càng huyền thẳm hơn khi được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc. Nguyễn Thiên Đạo cũng hằng mong và ông đã tạo nên cho mình một một thế giới nội tâm mới, bền bỉ mà cũng mong manh, rộng lớn mà cũng khúc chiết những ý tưởng triết học lung linh trong từng âm sắc dị biệt của dòng khí nhạc thuộc trường phái tiên phong mà ông- người học trò xuất sắc của Oliver Messsian- là một trong những con chim đầu đàn.
Sau lần gặp gỡ và chuyện trò với ông vào những ngày cuối tháng 5 ở Huế, trong căn phòng 306 của khách sạn Hoa Hồng- căn phòng khi xưa Trịnh Công Sơn từng lưu trú cùng ly rượu hennessy cô độc khi về thăm Huế, tôi chợt nhận ra trong nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo còn có một nhà triết học Nguyễn Thiên Đạo. Không biết bao nhiêu lần, ông khẳng định, cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của ông là cuộc viễn du với cấu trúc "trong Lão ngoài Khổng" hay nói đúng hơn đó là nền tảng triết học nuôi dưỡng ông trong từng giây phút. Nửa chừng trong bữa cơm thân mật ở nhà nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, bỗng dưng ông đứng dậy kéo tôi ra bàn nước để mấy lần đấm nhẹ xuống bàn rất tâm đắc tiếp nối câu chuyện triết học "trước quả đấm là vĩnh cửu, sau quả đấm là vĩnh cửu" đã và đang dở dang cùng tôi từ hôm mới về Huế. Hình như ở ông, chừng nào con người lĩnh hội được sự toàn diện của hư không, trong khoảnh khắc hiện hữu ấy, con người sẽ có một thế giới đặc biệt, thế giới của sự dung hoà giữa cái tôi không tôi và cái tôi xã hội. "Dung hoà cả hai bên, vấn đề là phải tìm ra cái trung dung. Một cái bình nước đầy sẽ đổ, với quá sẽ nghiêng, vừa vặn thì đứng vững. Cái trung dung ấy gần với phép biện chứng làm nên một cấu trúc trong Lão ngoài Khổng". Trung dung theo cốt cách của Nguyễn Thiên Đạo nghĩa là "chi thiên địa hoá dục, đạt thiên hạ thái bình" ( Dẫn dắt làm cho trời đất biến hoá phát triển sinh sôi nãy nở, đạt tới cảnh thiên hạ thái bình) và quá trình biến hoá mang tính siêu việt ấy chỉ có thể hiển thị trong âm nhạc vì theo ông "chức năng của âm nhạc là nói lên cái không nói được, diễn tả cái không diễn tả được, ngôn ngữ âm nhạc sát gần thần tiên toát tục". Âm nhạc của Nguyễn Thiên Đạo là sự hợp nhất giữa cái cụ thể và trừu tượng, giữa hư vô và hiện hữu, giữa ý thức hiện sinh nồng cháy và ý thức tự diệt, giữa cái phi logic của không -thời gian và lịch sử, giữa cái cô đơn và toàn thể, giữa cái ngạc nhiên và sự trầm tĩnh. Sự hợp nhất ấy sẽ chết trong "ngôn ngữ vật chất", nó chỉ sống trong môi trường âm thanh "sát gần" với cái tuyệt đối không thể diễn tả bằng lời của tâm linh. "Sát gần" là cụm động tính từ Nguyễn Thiên Đạo hay dùng trong khi trao đổi với tôi, với ông sáng tạo nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng phải vươn lên "sát gần với đỉnh cao" "sát gần với cái tuyệt đối" "sát gần với khoa học" vì khi đạt đến đỉnh cao đó cũng là lúc vạn vật tàn lụi. Với Nguyễn Thiên Đạo, đời sống tự thân của âm nhạc cũng giống như thiên đạo: có thể lớn, có thể bé, có thể quy tụ không đầy một nắm đấm, có thể giãn rộng vô biên, đôi khi tràn ngập đôi khi trống rỗng không thời gian, không giới hạn cuối cùng, không ngừng biến diễn mà sinh ra vạn vật vũ trụ dậy lên trong lòng người những cảm thức đa chiều. Xa xưa Khổng Tử từng suy ngẫm, nhạc là do âm mà sinh ra, âm khởi phát từ lòng người, lòng người cảm ngoại vật mà động cho nên mới hình thành cái thanh, những cái thanh tương ứng với nhau để biến thành cái phương tức là các cung bậc cao thấp cung, thương, giốc, chủy, vũ vì vậy nhạc với lòng người cảm hoá lẫn nhau. Và khi lòng người đạt đến sự hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là bình chuẩn của vũ trụ, mức chí cao của đạo đức, là sự trở về gốc của vạn vật theo như lời của Lão Tử trong chương Thiên Đạo. Đó chính là ngoại diên và nội hàm của cấu trúc "trong Lão ngoài Khổng" trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Thiên Đạo. "Từ lúc còn bé, từ lúc tôi nhận định mình là một con người thì tôi biết sự đơn côi và đau xót tâm bào luôn luôn đeo đuổi tôi vì vậy tôi phải tự tìm cho mình một mảnh vườn riêng, một sa mạc riêng để rong chơi vượt ra ngoài sự ràng buộc của thời gian và không gian. Và khi đạt tới một đạo siêu việt thì không còn là đạo nữa, đời sống lúc ấy được nhận diện bằng trực giác và sự đốn ngộ mà thôi, bởi vậy cái thế giới riêng được tạo dựng bằng âm nhạc ấy làm thế nào để người nghe được chìm đắm trong say mê không còn lĩnh hội đâu là kỹ thuật, đâu là thủ pháp thì mới thành công, còn khi nghe mà người ta còn lĩnh hội được được kỹ thuật và thủ pháp thì bản nhạc ấy chỉ mới ở cấp một!" Chìm đắm trong biển âm thanh, người nghe cũng như người sáng tác đều trong trạng thái chìm đắm, không phân biệt ranh giới giữa yếu tố vô thức và yếu tố kỹ thuật là một điều không giản đơn, đặc biệt là đối với khí nhạc thì dụng cụ biểu hiện đóng một vai trò rất quan trọng, nói như Nguyễn Thiên Đạo "âm nhạc là một ngôn ngữ rất sát với khoa học vì khoa học chế tạo ra những dụng cụ tinh xảo, thậm chí cả vi tính để tạo nên những âm thanh mới giúp cho tai nghe và tư duy thêm được một chiều cảm nhận, thậm chí còn thay đổi. Ngày trước người ta chỉ nghe giai điệu còn bây giờ ngoài giai điệu còn có nhiều chiều khác như hoà thanh, cường độ, màu sắc quyện vào thành một dòng nhạc vừa có hào khí vừa lơ lửng không có trọng lượng!" Để có nhiều chiều cảm nhận, âm nhạc đã vượt ra ngoài cung trưởng thứ, các bản nhạc phải tự tìm cho mình một hình thức thể hiện, làm nên sự khác biệt của âm nhạc hiện đại so với âm nhạc truyền thống và Nguyễn Thiện Đạo đã thành công với tư cách là một nhà soạn nhạc của trường phái mới, trường phái tiên phong. Khi cung trưởng thứ bị phá vỡ, bị khuất lấp cũng là lúc âm nhạc của Nguyễn Thiên Đạo bay lên hoà âm vào thinh không "lúc nào tôi cũng mong muốn âm nhạc bay lên không gian!" được sống thanh thản giữa bầu trời tự do của chân minh hoan (chứ không chỉ dừng lại ở cấp độ chân thiện mỹ) để chia lòng với người, chia vui với trời. Chính cấu trúc "trong Lão ngoài Khổng" đã giúp Nguyễn Thiên Đạo thanh thản sống giữa lòng văn minh lý tính Âu châu với một tinh thần trong sáng, "cố vươn đến cái anh nhi của Lão Tử" để khẳng định một lối suy tưởng mới: tôi muốn tức là tôi tồn tại chứ không phải tôi tư duy là tôi tồn tại. Không ít người đã hiểu khác về Nguyễn Thiên Đạo như một tiến sỹ ở viện âm nhạc Tchaikovsky từng đánh giá rằng khi ông đắm chìm trong dòng nhạc là ông đang thoát tục, còn gặp ông ngoài đời ta thấy sự hồn nhiên con trẻ. Vẫn là cách nói nhị nguyên, chưa thực sự đi vào bản thể Nguyễn Thiên Đạo, một bản thể thống nhất và dung hoà mọi mối mâu thuẫn để tạo nên một dòng chảy nhất nguyên trong âm nhạc.
Sự ham muốn tột bậc của ông là gì? Phải thể hiện một thứ ngôn ngữ mới nhất, tìm thêm một tư duy cho âm nhạc mang dấu ấn riêng biệt và hiện đại, hiện đại  tức là tuyệt đối Việt Nam, tiếp thu các thủ pháp tiên tiến nhất của thế giới để làm một cái gì Việt Nam nhất. Việt nhất là nhân loại! Ông khẳng định với tôi khi nói về quan niệm hiện đại và ý thức sáng tạo của mình. Kể từ ngày giã biệt tuổi thơ ở làng Cát Động-Hà Đông, sang Paris lúc 14 tuổi, theo học nhạc viện quốc gia Pháp năm 1963, bốn năm sau trở thành học trò xuất sắc của nhà soạn nhạc Oliver Messian đến những tháng năm trưởng thành giữa bầu trời âm nhạc Âu châu, ông đã làm những gì như ông tâm niệm. Với những tác phẩm Thành đồng tổ quốc, Mỵ Châu Trọng Thuỷ, Tuyến Lửa, Nam Ai, Bất Khuất,  Bà Mẹ Việt Nam, Giải phóng, Máu và hoa, Khóc Tố Như...của những năm 70 cho đến Concerto Thiên Thai, Hoà tấu 95, Giao hoà Sinfonia, Hồn non nước và ngay cả tác phẩm Vũ trụ thanh độc đáo mang tên thủ đô các nước và tên các loài tinh tú vang lên trong phần hợp xướng do nhà nước Pháp mời viết gần đây nhất không những toát lên hào khí mà còn thấm đẫm hồn nhạc truyền thống, ngập tràn hoài niệm và bi hùng của một dân tộc tự lực tự cường không chịu sống quỳ trước mọi thế lực, có điều âm nhạc truyền thống trở nên tượng trưng huyền ảo hơn qua bàn tay sáng tạo được mệnh danh là "thầy phù thuỷ về âm sắc". "Nhạc dân tộc Việt nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến âm nhạc của tôi, một câu hò mái nhì, một giai điệu quan họ hay Tứ đại cảnh rất đậm chất dân gian mà cũng rất hiện đại. Vấn đề là phải chọn lọc, lấy cái cốt lõi, cái tinh hoa của nó để biến thể thành một ngôn ngữ hiện đại, thêm vào một chiều tư duy mà ở âm nhạc Tây âu không có!" Hoá ra cái cấu trúc "trong Lão ngoài Khổng" kia không chỉ đơn thuần là của Lão của Khổng mà qua Nguyễn Thiên Đạo, nó được biến hoá thành một tinh thần sống của một linh hồn Việt, đó là cả một quá trình giao lưu văn hoá như ông nói "Khi mà trí tuệ không đạt tới đỉnh cao để bình thản tiếp thu các nền văn minh khác thì khó mà sáng tạo được". Sự sáng tạo của ông đã được thế giới công nhận, Nguyễn Thiên Đạo trở thành người "xưa nay hiếm" khi mới hơn 40 tuổi ông đã có mặt trong từ điển danh nhân thế giới bởi một lý do: Có lẽ âm nhạc của tôi luôn luôn hướng về Việt Nam, luôn luôn nằm trong lòng dân tộc và muốn nói lên hào khí dân tộc Việt Nam cùng cái trữ tình, cái khía cạnh thần tiên, bi hùng của người Việt Nam!"
Vào cái buổi sáng hanh vàng mùa hè xứ Huế, Nguyễn Thiên Đạo chia tay với tôi bằng một lời nhắn nhủ vừa cho bản thân ông vừa cho những cuộc đời khác, đặc biệt là những cuộc đời còn trẻ "Tôi kể việc tôi vào từ điển danh nhân thế giới không phải là có ý tự mãn với mình mà là một sự nhắc nhở tôi luôn luôn phải cố gắng học tập, học hỏi hơn nữa để xứng đáng với điều mình đã có, để xứng đáng với lời Bác từng căn dặn các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải có công giữ nước!" Bất giác những ngày qua, nhớ dáng gầy guộc thảnh thơi cùng những bí mật phát hiện và lưu giữ, những tâm tâm tình triết học và nghĩa cử ông dành cho mọi người, cho cả bé Thiên Cầm mới mấy tháng tuổi ngay cả sau khi ông đã về Paris, tôi hình dung ông là hình hài một hạt rượu gạo nồng say của nền văn minh lúa nước hoà quyện vào những dòng chảy thiên hà, trong hạt rượu gạo ấy có sắc vàng của xứ Chàm miền Trung Việt Nam, sắc vàng hoài niệm và bi hùng vốn đã bí mật vang lên trong huyết quản tổ tiên của anh từ một ngày xa xưa mấy trăm năm về trước!
Cử thiên địa chi đạo, nhi mỹ vu hoà (Đạo cùng trời cuối đất nó hay, nó đẹp ở cái chữ hoà), phải chăng đó là sinh mệnh ứng với cái tên Nguyễn Thiên Đạo, người nhạc sỹ dung hoà hai nền văn minh Đông-Tây bằng một cấu trúc anh nhi "trong Lão ngoài Khổng" mà cuộc đời hằng làm, hằng thành công và vẫn còn viễn du vươn lên những đỉnh ánh sáng những nơi chưa sáng lập....
11/9/2001

VĂN CẦM HẢI
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

Các bài mới
Thật bồ đoàn (02/06/2008)
Nhân ngư (02/06/2008)
Các bài đã đăng