Tạp chí Sông Hương - Số 231 (tháng 5)
Xin thận trọng khi đánh giá Khổng Tử
11:42 | 06/06/2008
Mới đây, trong khi tìm tài liệu ở Thư viện quốc gia, tôi tình cờ đọc bài báo thuộc thể loại văn hóa - giáo dục: “Giáo sư Vũ Khiêu - Học chữ để làm người” trên chuyên mục Trò chuyện cuối tháng báo An ninh Thế giới số tháng 9/2005, do Hồng Thanh Quang thực hiện.
Xin thận trọng khi đánh giá Khổng Tử

Trong bài này, GS Vũ Khiêu đưa ra một tuyên bố động trời: “Tư tưởng Khổng Tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ”. Ông nêu lên hai căn cứ: thứ nhất, ông nói “Tôi đã viết nhiều về chuyện đó rồi”; thứ hai, ông bảo “Bác Hồ từng nói rằng Bác coi Khổng Tử như là một người thầy về trách nhiệm tu thân và ý thức giữ gìn đạo đức. Nhưng tu thân như thế nào, giữ gìn đạo đức như thế nào cho hợp thời hợp thế thì không phải cái gì cũng nhất nhất nên làm theo Khổng Tử”. Để chứng minh cho các luận cứ trên, GS nói: “Trong suốt cuộc đời mình Bác Hồ thường chỉ trích dẫn những câu hay của Khổng Tử. Những ý tưởng nào của Khổng Tử không còn hợp thời thế nữa thì Bác thường làm ngược lại lời Khổng Tử đã nói”, rằng "Đạo Khổng chỉ thích hợp với một xã hội bất biến, hàng nghìn năm không thay đổi”; rằng ngày nay, khi nền văn hóa Phương Đông buộc phải giao thoa với nền văn hóa Phương Tây “những quốc gia nào cứ khư khư ôm lấy Khổng giáo thì tất yếu sẽ rơi vào thế bị động, thậm chí suy thoái”. Và ông kết luận: “Nhưng ngay cả tới hôm nay không phải mọi ý tưởng của Khổng giáo đều đã lỗi thời. Vấn đề quan trọng là tiếp thu cái gì và tiếp thu như thế nào”.
Nói tư tưởng Khổng Tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ có nghĩa là toàn bộ các triết thuyết của Khổng Tử chỉ là duy trì cái sẵn có, không chịu thay đổi, không chịu đổi mới (Bảo thủ: “Duy trì cái sẵn có, không chịu thay đổi, không chịu đổi mới” - Từ điển Tiếng Việt, tr 39, NXB Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, 2005). Tôi thật sự kinh ngạc về sự đánh giá đó của GS Vũ Khiêu, bởi vì ở đây đã bộc lộ sự thiếu chính xác cả về hình thức và nội dung sự kiện.
1. Lập luận thiếu logic
GS đã không chứng minh được luận đề của mình một cách minh bạch. Đáng ra, với một luận đề như thế, GS phải chỉ ra được tư tưởng Khổng Tử bảo thủ như thế nào, biểu hiện cụ thể ra sao, ở những tác phẩm hay những câu nói nào, đằng này GS chỉ lý lẽ một cách chung chung, mơ hồ rằng ông đã viết nhiều về chuyện đó rồi, rằng Bác Hồ của chúng ta đã từng nói, từng làm như thế, như thế. Trong quá trình chứng minh, GS đã nói một câu hết sức khó hiểu, nếu không muốn nói là tối nghĩa và hoàn toàn không đúng sự thật, rằng “Trong suốt cuộc đời mình, Bác thường chỉ trích dẫn những câu hay của Khổng Tử. Những ý tưởng nào của Khổng Tử không còn hợp thời thế nữa thì Bác thường làm ngược lại lời Khổng Tử đã nói”. Tại sao đối với những ý tưởng nào của Khổng Tử không còn hợp thời thế nữa thì Bác Hồ lại thường làm ngược lại lời Khổng Tử đã nói? Là một nhà cách mạng đồng thời là một danh nhân văn hóa kiệt xuất, hơn ai hết, Bác Hồ tiếp thu một cách có chọn lọc và hết sức tài tình những tinh hoa văn hóa nhân loại trong đó có tư tưởng của Khổng Tử, để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của mình chứ sao Bác phải “làm ngược lại lời Khổng Tử đã nói”?
Nhìn tổng quát cả đoạn văn ta thấy rõ một mâu thuẫn lớn: ở phần đầu ông khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột rằng “Tư tưởng Khổng Tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ” nhưng ở phần cuối ông lại kết luận “Nhưng ngay cả tới hôm nay không phải mọi ý tưởng của Khổng giáo đều đã lỗi thời", tức là vẫn có những ý tưởng tiến bộ, phù hợp với ngày nay. Và nếu chúng ta so sánh rộng ra một chút lại thấy một mâu thuẫn nữa giữa lời khẳng định trên đây với lời nói của GS trước đó một chút (ở đoạn cuối của phần "học chữ để làm người”) rằng “Các pho sách Tứ thư, Ngũ kinh” đều dạy người ta cách sống hợp với tư tưởng Khổng Mạnh. Đó cũng là những pho đạo đức học”. Câu nói này lại cho ta thấy GS đánh giá cao 2 tác phẩm của Khổng Tử, cho rằng nó vẫn còn có ý nghĩa đối với ngày nay chứ không phải là những tác phẩm có tư tưởng bảo thủ. Thật là “tiền hậu bất nhất”!
Đem mô hình hóa lập luận trên đây theo phép tam đoạn luận của Logic học, ta sẽ thấy:
Luận đề: Tư tưởng của Khổng Tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ.
Luận cứ:
 - Tôi đã viết nhiều về chuyện đó rồi.
- Bác Hồ coi Khổng Tử là một người thầy về trách nhiệm tu thân và ý thức giữ gìn đạo đức.
- Đạo Khổng chỉ thích hợp với một xã hội bất biến, hàng nghìn năm không thay đổi.
Kết luận: Nhưng ngay cả tới hôm nay, không phải mọi ý tưởng của Khổng giáo đều đã lỗi thời.
Như vậy, do các luận cứ không chân thực, do lối chứng minh “dựa vào uy quyền mơ hồ” và việc “luận chứng vòng quanh” đầy mâu thuẫn nên GS đã không suy ra được, không thể rút ra kết luận đúng. Nói cách khác, ở đây tiền đề không có liên quan gì đến kết luận mà vẫn được GS coi là có quan hệ nhân quả. Rõ ràng cách chứng minh như vậy là một lối chứng minh bằng lối ám thị, không có căn cứ thực tế.
2. Nội dung lời GS đánh giá chưa chính xác
Đọc công trình nghiên cứu của một số học giả trong và ngoài nước viết về Khổng Tử tôi thấy không một ai dám kết luận tư tưởng Khổng Tử bảo thủ mà ngược lại, người Trung Hoa và cả thế giới đều coi ông như một triết gia lớn vì ông đã đóng góp cho Trung Hoa và cho nhân loại những tư tưởng và triết lý vĩ đại, đặc biệt là những tư tưởng về xã hội, về nhân sinh. Nhiều tư tưởng của ông như tư tưởng về nhân nghĩa, nhân ái; tư tưởng về tu thân, về học tập suốt đời để làm người; tư tưởng về đào tạo người quân tử, đào tạo kẻ sĩ, sĩ phu... đã thành những đề tài cho người nhiều đời sau tranh luận, phổ biến, phát huy thêm và còn ý nghĩa mãi đến ngày nay. Trong hệ thống tư tưởng ấy thì tư tưởng về nhân nghĩa là tư tưởng vĩ đại nhất. Ông coi Nhân là một phần chủ yếu nhất trong triết thuyết của mình. Trong Luận ngữ, ông nhắc đến chữ Nhân không dưới 105 lần với những quan niệm hết sức minh triết. Ông coi Nhân là trung, thứ, tức là đạo đối với người nhưng đồng thời cũng là đạo đối với mình (kỷ dục lập kỷ dục đạt, tức là mình phải muốn lập thân, thành công thì mới giúp người lập thân, thành công được); Nhân vừa là tu thân vừa là nhân ái, từ đó mà phát ra các đức khác và các đức khác tụ cả về nó; Nhân gồm hiếu đễ (kính yêu cha mẹ và những người trong gia đình), gồm trung với nước; gồm Nghĩa, Lễ (Người không có đức Nhân thì Lễ mà làm gì); gồm Trí (Trí giả lợi Nhân, tức Trí có sáng suốt mới có lợi cho Nhân); gồm Trực tức ngay thẳng không giả dối; gồm Kính tức nghiêm trang cẩn thận trong công việc; gồm Đức..., nhưng ngược lại không một đức nào đủ mà lại coi là Nhân được. Và trong thuyết Quái truyện, ông ý thức về điều Nhân bằng lý trí cực kỳ trong sáng, nâng đức Nhân lên thành phạm trù triết học nhân thế, xác định vai trò con người ở giữa Trời và Đất. Đánh giá về tư tưởng này của ông, nhà văn Ông Văn Tùng - người đã có một số công trình nghiên cứu về văn hóa Trung Hoa - cho rằng “trước Khổng Tử không có ai và sau Khổng Tử không có ai sánh tày” và coi “đây là sự đóng góp vĩ đại nhất của Khổng Tử đối với Trung Quốc và nhân loại”. (Bàn về chữ Nhân - Văn Nghệ số 19 ngày 10/5/2003).
Có thể nói tư tưởng của Khổng Tử về tu thân, về học tập suốt đời để làm người vẫn còn tỏa sáng mãi đến ngày nay. Ông khuyên các vua chúa và những người có trọng trách phải sửa mình, tự trách mình, phải học. Bởi vì theo ông, trách nhiệm về sự thịnh suy của quốc gia thì ai cũng có phần; đức hạnh của kẻ trên, người dưới đều cần cho đất nước; dù sang hay hèn đều cũng phải tu thân; dù địa vị khác nhau nhưng tư cách, đạo đức thì bình đẳng. Ông biến sự tu thân thành ra việc căn bản cho cá nhân, cho gia đình, cho đất nước. “Từ thiên tử cho đến thứ dân đều phải lấy sự sửa mình làm gốc, gốc loạn mà ngọn trị là điều chưa hề có; cái gốc mình đáng hậu mà lại bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà lại hậu là điều chưa hề có”. Về học tập suốt đời để làm người, chính ông đã là một tấm gương vĩ đại: đi đâu cũng học, gặp điều gì cũng hỏi, học hỏi không thẹn với kẻ dưới, mê học nhạc đến nỗi không biết mùi thịt trong mấy tháng ròng, học tới quên già. Và ông nêu một tư tưởng lớn còn sáng mãi đến hôm nay: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hỹ - Luận ngữ” (Đem hết chí ra mà học tập, hỏi han, suy nghĩ cho đến cùng, đó là chất Người trong mỗi chúng ta).
Về đạo làm người, bằng những tư tưởng và hành động của mình, ông đã đào tạo cho đời một số kẻ sĩ để thay thế bọn quý tộc suy đồi mà trị dân, đặc biệt là ông đã đào tạo giai cấp sĩ phu cho đời sau. Theo học giả, nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì trong hai ngàn năm, hết thảy các nhà nho chân chính ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, lưu danh cũng như vô danh, từ Đổng Trọng Thư, Đào Tiềm, Vương Dương Minh, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến đến các ẩn sĩ, thầy đồ đều giữ được truyền thống Khổng Mạnh. Họ “tự gây một uy tín rất lớn trong dân gian, gặp thời thì ra giúp nước, tận trung mà liêm khiết, không gặp thời thì lui về, độc thiện kỳ thân; nước gặp nguy thì không do dự, xả thân vì nghĩa, qua cơn nguy rồi thì mặc ai tranh giành danh lợi; họ không có một chút đặc quyền, cao thượng mà vẫn bình dân, chỉ giúp đồng bào chứ không màng phú quý; họ không có tổ chức mà giai cấp họ lại chặt chẽ, trường tồn vì không tranh với ai, một giai cấp kỳ dị không giống một giai cấp nào trong lịch sử nhân loại. Văn minh nhân loại ngày nay không sao tạo nổi giai cấp đó nữa”. (Khổng Tử, trang 211, NXB Văn hóa - Thông tin, 2001). ở riêng lĩnh vực này, Khổng Tử đã trở thành một vị Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời).

Nhà bác học Hoa Kỳ - Will Durant - một trong những sử gia lớn nhất thời hiện đại - cho rằng dù triết thuyết của Khổng Tử có những điều không còn phù hợp với ngày nay nữa như bảo thủ cái Thiện, không thích cách mạng (hiểu theo nghĩa cổ là nếu vua không đủ tư cách thì phải lựa người khác thay thế một cách ôn hòa chứ không nên dùng bạo lực) thì đó cũng là điều đương nhiên, bởi vì không ai lại đòi hỏi một triết gia suy nghĩ cho cả hai mươi thế kỷ và một đời người thì làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Nhưng “Chỉ trong Kitô giáo và Phật giáo chúng ta mới lại thấy một sự gắng sức đầy dũng khí như vậy để khai hóa con người, ráng làm cho cái bản tính tàn bạo của con người hóa ra nhân từ thuần hậu. Ngày nay cũng như ngày xưa, cho thanh niên hấp thụ nhiều tư tưởng của Khổng học, là phương thức tốt nhất cho những dân tộc nào bị nhiễm cái hại của một nền giáo dục quá thiên về trí dục, luân lý suy đồi, từ cá nhân đến toàn thể dân tộc đều kém tư cách”.“Chúng ta ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với sự biến đổi của thời gian...  và ta phải đồng ý với cháu nội của ông khi nhắc tới ông như một vị thánh” (Lịch sử văn minh Trung Hoa, tr. 88-89, NXB Văn hóa - Thông tin 2004).
Như vậy là cả ba học giả nổi tiếng trong và ngoài nước, trong các công trình nghiên cứu khoa học đều đánh giá rất cao tư tưởng của Khổng Tử, vậy mà GS Vũ Khiêu nói “Tư tưởng Khổng Tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ” được sao? Đánh giá như thế nào về Khổng Tử là quyền của giáo sư, nhưng xin GS cẩn trọng.
3-2008

PHẠM THƯỜNG KHANH
(nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008)


-----------------
1. Lịch sử văn minh Trung Hoa - Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch - NXB Văn hóa Thông tin, 2004.
2. Khổng Tử - Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn hóa Thông tin, 2001.
3. Khổng Tử - Lý Tường Hải - NXB Văn hóa Thông tin, 2005.
4. Khổng Phu tử và Luận ngữ - Phạm Văn Khoái - NXB Chính trị quốc gia, 2004.
5. Bàn về chữ Nhân - Ông Văn Tùng - Văn Nghệ số 19 ngày 10-5-2003.


Các bài mới
Huế ơi! (09/06/2008)
Hoài giang (06/06/2008)
Thơ với thẩn (06/06/2008)
Các bài đã đăng