Tạp chí Sông Hương - Số 231 (tháng 5)
Con người ấy từng mang tên Nguyễn Sinh Cung…
17:56 | 06/06/2008
I.Con người ấy từng mang tên Nguyễn Sinh Cung, và tên chữ Nguyễn Tất Thành, trước khi đến với tên Nguyễn Ái Quốc, đã trải một tuổi thơ vất vả vào những năm kết thúc thế kỉ XIX, để bước vào thế kỉ XX với một niềm khao khát lớn: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ: tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những chữ ấy...” (1)
Con người ấy từng mang tên Nguyễn Sinh Cung…

Chí hiếu học, và truyền thống hiếu học vốn là đặc trưng của người xứ Nghệ. Học để thoát khỏi cảnh đói, nghèo, vì mảnh đất quê quá ư cằn cỗi, khắc nghiệt. Học để lập nghiệp, làm quan, vươn lên một tầng lớp khác, thoát khỏi kiếp chân lấm tay bùn. Cái học đó dĩ nhiên là có truyền thống ở cậu bé Nguyễn Sinh Cung - người mà cả hai bên nội - ngoại đều thuộc dòng chân Nho. Anh được thừa hưởng cái vốn học từ trong gia đình, mà ngay cả bà nội, bà ngoại và mẹ, bất chấp đạo lí “nữ nhân nan hoá”, cũng là người giỏi chữ. Anh lại được dạy dỗ và tiếp xúc với những bậc thầy giỏi trong “tứ hổ” của Nam Đàn. Nhưng lại có khác truyền thống, mục tiêu đèn sách anh chọn không còn là sự vinh thân, phì gia. Mà là cứu nước. Một trí tuệ minh mẫn đã hé cho anh thấy, sau bao thất bại của các văn thân, trí thức, của một vĩ nhân có hoài bão và có chí lớn như Phan Bội Châu, anh phải tìm một con đường khác. Phía chân trời đang le lói một ánh sáng và anh quyết tâm đi tìm nó.
Tuổi 13 bắt đầu một cuộc đi, kể cũng là quá sớm cho một thiếu niên khát khao hiểu biết; và là một sự hiểu biết không chỉ muốn vươn ra khỏi biên giới của luỹ tre làng mà là cả chân trời Tổ quốc. Cuộc hành trình đưa anh về phương Nam, làm học trò trường Quốc học Huế, rồi làm thầy ở trường Dục Thanh. Là học trò và là thầy trên ba loại chữ: Hán, Pháp và Quốc ngữ, anh vẫn phải tự nuôi mình bằng lao động chân tay. Sự lao động chân tay này sẽ cho anh một vốn kiến thức gắn liền với thực tiễn, với cái vốn hiểu biết về con người, ngay từ những con người cụ thể và là con người không phải chỉ của một xứ sở. Đến với trường Bách nghệ, nhưng không phải để thành nghề. Rồi ba tháng sau, bước vào tuổi 20, anh bắt đầu một cuộc hành trình vĩ đại - nếu có thể nói như vậy. Cuộc hành trình khác với tất cả các bậc tiền bối và những người đồng hương, về độ dài và về những gian lao, thử thách.
Cần nhìn kĩ lại cuộc hành trình bảy năm ấy, qua các đại dương, trên nhiều lục địa, vì vào thời điểm Nguyễn Tất Thành ra đi cũng đã có nhiều cuộc ra đi khác; và trên đất Pháp, vào thập niên ấy cũng đã có nhiều người Việt Nam cư ngụ. Nhưng tất cả, không ai ngoài anh, đã ghé chân nhiều nơi như thế, và đã có quyết tâm và kiên trì đến thế, chỉ một mục tiêu: cứu nước.

Những năm 20 của tuổi đời, Nguyễn đã trải rất nhiều nghề, có đến hàng chục nghề và không ít là lao động chân tay; những nghề giúp anh kiếm sống, và gắn với tầng cơ bản của cuộc sống là những người lao động. Trong lao động kiếm sống, anh không ngừng học hỏi, suy nghĩ. Có thể nói, anh đã dồn tất cả thời gian, sức lực, tâm huyết để học; bất cứ lúc nào cũng là cơ hội cho anh học, như để bù lại, và có thể nói quá lên như thế này chăng, như để trả nợ cho cả một dân tộc còn phải đắm chìm trong tăm tối, lầm than. Phải giải thích sự khát khao học hỏi ấy của Nguyễn Ái Quốc không chỉ qua bản thân anh, mà còn như là sự gửi gắm, sự phó thác của cả quê hương anh, dân tộc anh. Và học, không phải để được gọi là uyên bác, để thành học giả, để vượt lên trên, giành lấy thế hơn những kẻ được gọi là “văn minh”. Mục tiêu ấy không phải là quá khó. Rồi sẽ có những tiến sĩ, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, hoặc những người không chỉ thông thạo nhiều thứ tiếng mà còn có vốn hiểu biết nhiều nền văn hoá, không kể những “ông Tây An Nam”. Mà là để tìm một con đường cứu nước - con đường mà biết bao thế hệ cha ông đã tìm kiếm, nhưng vì thiếu kiến thức, thiếu lí luận, chứ không phải là thiếu quyết tâm, thiếu chí hi sinh, nên đành thúc thủ. Qua cái vốn ngoại ngữ được sử dụng thành thạo, anh đến với nguyên bản của bao danh nhân cổ điển và hiện đại: Sêchxpia, Đichxken, V. Huygô, Anatôn Phơrăngxơ, L. Tônxtôi, Lỗ Tấn... Anh tìm bạn và xây dựng tình bạn với những trí thức lớn, cũng đồng thời là các chính khách nổi tiếng của Pháp như Pôn Vayăng Cutuyariê, Rômanh Rô-lăng và Hăngri Bácbuyxtơ - người rồi sẽ tích cực bảo trợ cho tờ Le Paria. Văn học, như bao giờ cũng vậy, đem lại cho con người những kinh nghiệm sống, bồi đắp cho con người chất lượng sống, mở rộng các giới hạn sống. Qua vốn văn học tiếp nhận được, Nguyễn sẽ đi vào quá trình học viết, sau khi đã trải qua nhiều nghề, như là phương tiện để thử nghiệm, để nhận biết, để kiểm tra, để thử thách mọi hành trang và bản lĩnh cá nhân trên định hướng lớn của đời mình. Tiếng súng Cách mạng tháng Mười bị bưng bít, nhưng anh không ngừng lắng nghe chân lí là ở đâu, trong những cuộc tranh cãi, luận chiến nơi tụ họp của công nhân, và trong các hội thảo của Đảng Xã hội Pháp lúc này đang đi vào phân hoá.

Trở lại cuộc hành trình của Nguyễn Ái Quốc vào những năm 20 thế kỷ XX với niềm khát khao học tập, xem, nghe, tích luỹ. Bằng sự cần cù và trí thông minh, Nguyễn Ái Quốc đã tạo được một cái vốn kiến thức khá rộng trên nhiều mặt: xã hội, chính trị, khoa học, văn hoá, nghệ thuật... Nhiều khả năng sáng tạo đã được bộc lộ: khả năng diễn thuyết, viết truyện, dựng kịch, vẽ tranh, làm thơ, kể cả khả năng làm báo, viết báo với một phong cách luận chiến sắc sảo. Trong hành trang tinh thần của mình ở tuổi 30, Nguyễn Ái Quốc đã có không ít các thứ vốn: tư tưởng, triết học, văn hoá, nghệ thuật... Nhưng rõ ràng Nguyễn Ái Quốc không có ý định trở thành bất cứ một nhà gì trong số đó. Nguyễn Ái Quốc càng không bị các ham mê đó chi phối, hay nói cách khác, Nguyễn Ái Quốc đã biết kìm giữ niềm yêu thích vun đắp cho mình một sự nghiệp riêng, dẫu bất cứ là nghề gì. Bởi lẽ, cái định hướng lớn nhất, có sức cuốn hút mạnh nhất đối với anh vẫn là số phận của hơn 20 triệu đồng bào quê hương còn chìm trong đau khổ. Anh không thể là nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ, diễn viên hoặc người thông dịch, hoặc khách du lịch... Tất cả mọi thứ đó, đối với anh chỉ là phương tiện. Và như sau này Trần Dân Tiên kể lại, để mượn lời của ông Nguyễn: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những điều tôi muốn, đó là tất cả những điều tôi hiểu”. Và nhận xét về ông Nguyễn: “Có thể nói là ông Nguyễn suốt ngày nghĩ tới Tổ quốc, và suốt đêm mơ đến Tổ quốc mình”.
Điều dễ hiểu là sau những tìm tòi để rút ra được cái “cẩm nang” cứu nước, Nguyễn Ái Quốc sẽ chuyển hướng mọi hoạt động của mình vào một mục tiêu cụ thể: đó là công việc tuyên truyền và tổ chức cách mạng. Sau rất nhiều thử nghiệm với công cụ chữ nghĩa, bẵng đi mấy năm, vào năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện trong một tác phẩm có cái tên vang động: Đường Kách mệnh. Đường Kách mệnh, đó mới chính là câu chuyện Nguyễn Ái Quốc ngày đêm tâm nguyện: “Sách này chỉ ước ao đồng bào xem rồi nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm Kách mệnh. Văn chương và hi vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: kách mệnh!”. Rồi tiếp đó, chỉ ba năm sau, sau cuốn sách cho đội tiền phong của “đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc viết tiếp Nhật kí chìm tàu, cho chính quần chúng số đông, kịp cổ vũ và nâng đỡ họ bước vào một cao trào đấu tranh rồi sẽ bị dìm vào khói súng - cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Con người mang tên Nguyễn Ái Quốc đã định hướng cho cuộc đời mình, ngay từ tên gọi. Con người có vốn hiểu biết lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng không có ý định làm một nhà trí thức, một nhà văn hoá phương Tây, vì sự tất yếu của lịch sử buộc anh phải trở thành một nhà cách mạng phương Đông. Và phương Đông trong cách nhìn của “thế giới văn minh” lúc này - sản phẩm của chính sách bóc lột và ngu dân, là sự đồng nghĩa với tối tăm và đau khổ. Tác phẩm lớn của Nguyễn Ái Quốc viết cho phương Đông, cho Đông Dương đang đòi hỏi “thức tỉnh”, dĩ nhiên phải là Đường Kách mệnhNhật kí chìm tàu. Cả hai gộp lại xem ra có vị trí của một Nhà nước và Cách mạng của Lênin; nhưng là một Lênin ở phương Đông; nói cách khác, nó phải mang một hình thức chuyên chở khác, giản dị, phổ cập, dễ hiểu, mà chương đầu được chọn sẽ là chương Tư cách người kách mệnh.
Những năm 30, đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng; và nhà cách mạng trở thành lãnh tụ của dân tộc khi tình thế cách mạng xuất hiện vào buổi đầu những năm 40. Cũng như giai đoạn tìm đường, mọi công cụ báo chí, văn học nghệ thuật, tranh vẽ để tuyên truyền cổ động cách mạng lại được Hồ Chí Minh khẩn trương huy động. Đó là những năm xuất hiện dồn dập các thư từ, lời kêu gọi, diễn ca lịch sử, bài ca Việt Minh và báo Việt Nam độc lập - gọi tắt là Việt-lập. Cuộc ra quân rầm rộ của đội quân chữ nghĩa này, dưới sự điều hành linh hoạt của Hồ Chí Minh sẽ là chất gây men, là ngòi nổ cho các hoạt động của phong trào quần chúng đang diễn ra dồn dập hướng tới cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945. Và thời điểm 1945 đã chứng kiến sự hội nhập và toả sáng của hai cuộc hành trình: vũ khí tiếng nói và tiếng nói vũ khí, trong một văn bản lịch sử: Tuyên ngôn độc lập.
Tuyên ngôn độc lập là sáng tạo của một cá nhân, cũng đồng thời là sản phẩm của lịch sử. Là kết quả của những hi sinh của dân tộc trong gần một thế kỉ, đồng thời là sự kết tinh giá trị của hàng ngàn năm văn hiến Việt Nam. Trên hai bình diện lịch đại và đồng đại, Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là đại diện cho một dân tộc ở tư thế của lịch sử văn minh và văn minh lịch sử. Và tác giả của nó, không chỉ là một danh nhân lịch sử, một anh hùng cứu quốc, mà còn là một trí thức lớn, một nhà văn hoá lớn.
II.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức và trước yêu cầu lịch sử của cách mạng dân tộc và dân chủ nhân dân buổi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, bước khởi đầu của cuộc tìm đường phải là sự trang bị một bản lĩnh văn hóa, để có được sự soi sáng về nhận thức và lý luận. Ở những cuộc cách mạng của các dân tộc phương Đông - là nơi phải chìm đắm quá sâu vào đêm trường phong kiến và chịu quá nặng chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân, công cuộc tìm đường được trao cho người trí thức, và Nguyễn Ái Quốc đã đón nhận trách nhiệm lịch sử đó, ở tư cách người trí thức, và do thế Nguyễn đã quyết tâm tự đào tạo mình thành trí thức. Có khác với trước đây nhiều trăm năm, Lê Lợi phải tìm đến Nguyễn Trãi, Quang Trung tìm đến các sĩ phu, Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh của thế kỷ XX phải hội nhập vào mình cả hai trọng trách; và như vậy phải thực hiện cùng lúc, ngay từ bản thân mình, hai quá trình trí thức hóa cách mạngcách mạng hóa trí thức; cả hai phải được thực hiện ở người lĩnh sứ mệnh mở đường. Khía cạnh văn hóa ở danh nhân Hồ Chí Minh, do nhu cầu lịch sử như trên, tất yếu và tự nhiên gắn với cách mạng; phải trở thành văn hóa cách mạng. Nói cách khác, Nguyễn Ái Quốc phải quan tâm cho cách mạng hóa văn hóa, để văn hóa trở thành công cụ trực tiếp của cách mạng.
Trọn vẹn quá trình hoạt động cách mạng hơn nửa thế kỷ, tất cả những gì Nguyễn Ái Quốc - rồi Hồ Chí Minh nói và viết, bằng nhiều ngôn ngữ, trên nhiều loại văn, đều nhằm vào mục tiêu cách mạng - từ những trang Bản án chế độ thực dân Pháp, đến Đường Kách mệnh, rồi Nhật ký chìm tàu, Lịch sử nước ta, các Thư kêu gọi, Lời hiệu triệu, Tuyên ngôn độc lập... cho đến Thư chúc Tết, Thơ Xuân và các bài nói, bài viết cho các giới đồng bào. Điều dễ hiểu, từ mục tiêu đó mà câu hỏi hàng đầu Nguyễn Ái Quốc đặt ra cho hoạt động viết của mình là Viết cho ai? Và câu trả lời ở mọi thời điểm viết của tác giả, cũng là điều tác giả mong mọi người Việt Nam chúng ta cùng nhất trí là viết cho quần chúng số đông - để đưa quần chúng vào trường đấu tranh cách mạng, để nâng cao dân trí, để giúp quần chúng hiểu và thực hiện có hiệu quả mọi hoạt động nhằm vào sự tồn tại và tự giải phóng bản thân mình.
Khía cạnh văn hóa ở danh nhân Hồ Chí Minh là văn hóa cách mạng; và để đạt hiệu quả cách mạng, nó phải là văn hóa hành động, văn hóa nhằm vào sự thức tỉnh quần chúng, văn hóa gắn với nhu cầu thực tiễn theo hướng giúp cho con người năng lực tự giải phóng, và sự giải phóng con người.

Chính do bản thân đã là sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa với cách mạng, nên Hồ Chí Minh cũng là người Việt Nam đầu tiên, sớm có nhu cầu và khả năng, bằng hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, đi đầu và góp công đầu trong việc tiến hành công cuộc cách mạng văn hóa ở Việt Nam. Cuộc cách mạng văn hóa mà Hồ Chí Minh là người khởi xướng và lãnh đạo đã được bắt đầu bằng một loạt các chủ trương và biện pháp - từ cuộc vận động thanh toán nạn mù chữ và phong trào Bình dân học vụ nhằm vào mục tiêu chống giặc dốt (một trong ba loại giặc), đến các cuộc vận động Đời sống mới, cải cách lối sống và phong cách làm việc; từ yêu cầu phát triển nền giáo dục và y tế quốc dân đến từng bước gây dựng phong trào văn nghệ nhân dân... Mọi hoạt động trên lĩnh vực báo chí, ngôn luận, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ đều phải nhằm vào nhân dân, lấy dân làm đối tượng phục vụ, từng bước đưa dần trình độ quần chúng lên, theo hướng kết hợp phổ cập và nâng cao...
Ở tư cách một nhà hoạt động cách mạng rồi trở thành lãnh tụ của dân tộc, Hồ Chí Minh đã có tầm mắt chiến lược để nắm cho được các nhu cầu cơ bản và cấp thiết của quần chúng và tạo những khởi động quyết định nhằm vào sự giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người. Ở phạm vi hẹp của hoạt động văn hóa, chính Nguyễn Ái Quốc là tác giả Việt Nam đầu tiên, từ những năm 20 đã góp công đầu vào việc giải quyết hai yêu cầu lịch sử đặt ra cho nền văn hóa mới Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng là cách mạng hóa hiện đại hóa - nó chính là cơ sở để khắc phục những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại.
Trên định hướng Hồ Chí Minh đã nêu và tự bản thân mình đã góp công lớn thực hiện, lịch sử văn hóa và văn học- nghệ thuật Việt Nam đã chứng kiến một giai đoạn gắn bó mật thiết với thực tiễn cách mạng, với cuộc sống của nhân dân. Cách mạng hóa văn hóa và văn hóa hóa cách mạng đã đi được một chặng đường hơn nửa thế kỷ và đã gặt hái được những mùa màng tốt đẹp. Giờ đây trên cánh đồng đã có mùa màng, sự kết hợp đó cần được đưa lên một tầng cao hơn. Văn hóa từng là công cụ, là phương tiện của cách mạng, đã đến lúc bản thân nó phải là mục tiêu, phải là hoa, là quả, là hoa thơm quả ngọt. Văn hóa, trong hoàn cảnh của sự phát triển kinh tế- xã hội hôm nay phải nhằm vào nhu cầu phát triển của chính bản thân con người, phải biểu hiện sự vươn lên, sự hoàn thiện của phẩm chất người. Sau sứ mệnh là công cụ giải phóng con người, văn hóa phải đồng thời, hoặc tiếp tục sứ mệnh là kết tinh những tinh hoa và năng lực của con người trên con đường hướng tới sự kết hợp Chân - Thiện - Mỹ.
Văn hóa, và một cuộc sống có văn hóa, mục tiêu đơn giản mà con người theo đuổi đã có lịch sử nhiều ngàn năm. Thế nhưng đâu dễ con người đã đạt được. Một cuộc sống vật chất nghèo nàn thường gây cản trở, thậm chí làm thui chột các nhu cầu văn hóa. Nhưng một cuộc sống sang giàu, thừa ứ vẫn rất có thể nghèo nàn và cằn cỗi về tinh thần. Có thể nói nhân loại còn phải phấn đấu rất lâu, và chầy chật lắm, mới đạt được sự hài hòa, cân đối về vật chất và tinh thần. Thế nhưng, với Hồ Chí Minh, đó lại là một sự kết hợp hồn nhiên, khỏe nhẹ. Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một cách sống hài hòa với tự nhiên, hòa ái với con người; nói đến tư thế ung dung tự tại; nói đến khả năng làm chủ bản thân và ngoại cảnh... Văn hóa nhân cách, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống - đó cũng là một khía cạnh quan trọng, dầu chỉ là bộ phận, trong cuộc đời danh nhân Hồ Chí Minh.

Đối với Việt Nam, thế kỷ XX là thế kỷ cách mạng hóa một dân tộc, đưa dân tộc ra khỏi số phận nô lệ, cũng đồng thời là thế kỷ khoa học hóa, để đưa trình độ nhân dân thoát ra khỏi một khởi điểm quá thấp, trên chín mươi lăm phần trăm số dân mù chữ. Người đã viết và sử dụng sành sõi tiếng Pháp, tiếng Hán cũng chính là người quan tâm hơn ai hết đến khả năng của tiếng Việt, sao cho tiếng Việt đến được với mọi tầng lớp đồng bào. Khi chưa có một cuộc cách mạng đem lại quyền sống, cơm áo và tự do cho đồng bào thì việc làm báo (Từ Le Paria, Việt Nam hồn đến Việt Nam độc lập) là nhằm đưa lại một ánh sáng văn hóa để soi cho họ con đường đi vào cách mạng chính trị. Đặt nhiệm vụ chống giặc dốt bên cạnh giặc đói và giặc ngoại xâm, một tuần lễ sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Hơn một năm sau cuộc vận động Bình dân học vụ, hai triệu người dân Việt Nam thoát nạn mù chữ. Trong Sửa đổi lối làm việc, trong Cách viết, trong những bài nói, bài viết cho các giới văn hóa, khoa học, nghệ thuật, trên một định hướng lớn: Kháng chiến hóa văn hóa, Văn hóa hóa kháng chiến được đề ra ngay sau Cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp công lớn vào việc xây dựng những nền tảng cơ bản cho quá trình khoa học hóa, văn hóa hóa nền dân trí Việt Nam. Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, là danh nhân lịch sử, đó là điều hiển nhiên. Nhưng đồng thời, Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa, không phải chỉ ở cái khối lượng rộng lớn các kiến thức mà tác giả đã huy động để làm một nhà văn hóa phương Đông hoặc phương Tây, hoặc Đông - Tây kết hợp; mà là nhằm vào một sự nghiệp cao cả, với sự nghiệp đó, cả một dân tộc và cả một nền văn hóa dân tộc được phục hưng. Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa ở chỗ đã lĩnh sứ mệnh là người đầu tiên có quyết tâm và đủ sức đưa lên trên đôi vai mình một nhân dân được trang bị cơ bản để đón nhận dần dần, từng bước các tầng cao của văn hóa.
Văn hóa và Cách mạng: văn hóa cách mạng và cách mạng văn hóa; văn hóa phục vụ nhân dân và đưa nhân dân lên một trình độ cao của văn hóa; văn hóa kiến thức và văn hóa đạo đức - lối sống... tất cả những khía cạnh đó ta đều có thể tìm thấy trong tầm bao quát của danh nhân Hồ Chí Minh, và cũng được biểu hiện trong toàn bộ hoạt động của nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Không phải chỉ trên các bài viết, bài nói - thường rất ngắn gọn, mà chủ yếu là sự gắn bó với hành động, sự hòa thấm vào hành động, hơn nữa, sự nêu gương trong hành động - đó cũng là khía cạnh nổi bật, trở thành nét độc đáo, nét riêng của Hồ Chí Minh, làm thành phong cách sống của Hồ Chí Minh. Nhà cách mạng cũng đồng thời là nhà văn hóa này đã xuất hiện do một nhu cầu lịch sử; và trước nhu cầu lịch sử đó, Hồ Chí Minh đã có đủ khả năng và quyết tâm để đảm lãnh vai trò mà lịch sử và nhân dân giao phó.
Nguồn gốc xuất thân; hoàn cảnh gia đình và quê hương; môi trường học vấn; sự giao tiếp với nhiều tầng lớp người; cả một đời cần kiệm, khắc khổ, tự đào luyện để tiếp nhận nhiều nền văn hóa, và để nâng bản thân lên một tầm cao của trình độ văn hóa; thái độ trân trọng và khiêm tốn đối với các danh nhân văn hóa và lịch sử... tất cả đều đã là nguyên nhân làm hình thành cốt cách, nhân cách Hồ Chí Minh - nhà cách mạng, nhà chính trị, nhà lãnh tụ có tầm văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và của nhân loại.
                                    Tháng Năm - 2007

PHONG LÊ
(nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008)
------------------
(1) Theo Ôxíp Manđenxtam: báo Lửa nhỏ (tiếng Nga); 1923 - Sách Văn hóa - nghệ thuật cũng là một mặt trận; Nxb. Văn học; 1981; tr.477.

Các bài mới
Huế ơi! (09/06/2008)
Các bài đã đăng
Hoài giang (06/06/2008)
Thơ với thẩn (06/06/2008)
Ký ức mẹ (06/06/2008)
Ngẫu hứng Huế (06/06/2008)