Tạp chí Sông Hương - Số 155 (Tháng 1)
Báo chí văn nghệ địa phương một năm nhìn lại
14:54 | 25/07/2008
TRẦN HOÀNLTS: Từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2001 đã diễn ra cuộc tập huấn - hội thảo báo chí văn nghệ địa phương tại thủ đô Hà Nội. Nhạc sĩ Trần Hòan, Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Phó Chủ tịch UBTQ.LH các Hội V.H.N.T Việt Nam đã đọc báo cáo đề dẫn hội nghị. Sông Hương xin trích đăng một phần trong báo cáo đó (đầu đề do chúng tôi đặt).

Về nhận thức phải thấy: Sự tồn tại của các báo và tạp chí Văn nghệ thuộc các Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh và thành phố hiện nay là một nhu cầu khách quan, một đòi hỏi không thể thiếu được trong hoạt động của Hội, của hội viên.
Báo chí Văn nghệ địa phương là cơ quan ngôn luận, diễn đàn văn nghệ chính của lực lượng văn nghệ sĩ địa phương. Đây là nơi biểu thị thái độ tư tưởng của mình trước các sự kiện chính trị trong tỉnh và cả nước. Nhưng nội dung chính là nơi để các tác giả, trước hết là các hội viên của tỉnh, thành phố đăng tải các sáng tác, các bài nghiên cứu, lý luận phê bình mới trên tờ tạp chí của mình, cùng với việc thông tin các hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh, trong nước và thế giới. Nhưng do giữa các Hội Trung ương và địa phương, giữa các Hội địa phương với nhau có nhiều mối quan hệ mật thiết, nên điều dễ thấy hiện nay, hấu hết các tạp chí văn nghệ địa phương không chỉ sử dụng lượng bài vở, thông tin bó hẹp trong đội ngũ cộng tác viên của trong tỉnh mà còn dùng bài vở của các cộng tác viên ngoài tỉnh, của các hội viên chuyên ngành Trung ương. Đây cũng là việc bình thường và cần thiết trong việc tổ chức biên tập, xuất bản tạp chí. Vấn đề cần chú ý là xem xét nội dung và tỷ lệ bài vở sao cho tạo nên sự cân đối, hài hòa giữa cộng tác viên trong tỉnh và ngoài tỉnh sao cho hợp lý để mỗi tờ tạp chí văn nghệ trước hết phải mang bản sắc của địa phương mình, đồng thời cũng có được những bài hay, tác phẩm hay của cộng tác viên ngoài tỉnh.
Nhiều tạp chí văn nghệ của nhiều Hội đã giải quyết tốt vấn đề này như Tạp chí Sông Hương, Nha Trang, Người Hà Nội, Tạp chí Non nước, Tạp chí Văn, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh và một số tờ tạp chí khác... nên chất lượng của tạp chí có phần được nâng cao.
Ở góc độ bồi dưỡng và đào tạo các cây bút trẻ, các báo và tạp chí văn nghệ địa phương thực sự là nơi đăng tải, đỡ đầu cho các sáng tác mới của các tác giả địa phương như: thơ ca, truyện ngắn, bút ký, các bài lý luận phê bình, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, sân khấu truyền thống, tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Về cơ bản, nội dung các sáng tác văn học nghệ thuật in trên các tạp chí văn nghệ, đề tài thường gắn với những giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, phản ánh cuộc sống của con người và quê hương qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và đặc biệt là mảng đề tài phản ánh cuộc sống của người dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay.
Dễ nhận thấy, thế mạnh của các tạp chí văn nghệ địa phương hiện nay ( đối với các tạp chí ra hàng tháng, 2 tháng, 3 tháng/ kỳ- số lượng trang tạp chí từ 70- 120 trang) là mảng bút ký, truyện ngắn và thơ. Đây dường như là phần bài vở chính của tạp chí. Nhiều tạp chí đã có những bài bút ký hay viết về nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, viết về biển đảo, viết về người lính thường gắn với cuộc sống mới, con người mới. Truyện ngắn trên các báo, tạp chí văn nghệ tỉnh, thành phố nhìn chung có nội dung tốt, đi sâu vào việc mô tả con người và cuộc sống trong cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, chống lại cái ác, cái tiêu cực, thói hư tật xấu đang tồn tại trong xã hội. Nhiều truyện ngắn được bạn đọc chú ý, được giới thiệu trên các báo, tạp chí trung ương. Phần thơ chiếm số lượng bài, số lượng tác giả đông nhất. Nhiều tạp chí đã tổ chức giới thiệu các tác giả, từ môi trường này đã giúp cho Hội Nhà văn và các hội chuyên ngành trung ương có thêm những tác giả có triển vọng về thơ, văn, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Các báo và tạp chí văn nghệ địa phương còn là nơi thông tin về các hoạt động văn nghệ địa phương, phổ biến, giới thiệu các nghị quyết của Đảng, chính sách của nhà nước về văn hóa, văn nghệ, chủ trương, chính sách của tỉnh về văn học nghệ thuật. Một số các hiện tượng văn học nghệ thuật ( cả mặt tốt và chưa tốt) cũng được một số tạp chí văn nghệ phản ánh kịp thời. Các thông tin này, góp phần giúp cho cấp ủy địa phương và cả các cơ quan quản lý báo chí trung ương nắm bắt được tình hình văn nghệ trong nước để có định hướng chỉ đạo kịp thời.
Phần lý luận - phê bình, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian cũng được nhiều tạp chí văn nghệ địa phương chú ý, góp phần làm rõ nét hơn về bản sắc văn hóa từng vùng, miền.
Trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật sân khấu truyền thống, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn hóa văn nghệ dân gian địa phương, đã có nhiều bài viết sâu sắc, giúp cho bạn đọc hiểu hơn giá trị các tác phẩm, hiểu hơn truyền thống văn hóa của địa phương, nhiều bài viết có giá trị về mặt tư tưởng, thẩm mỹ góp phần làm sáng tỏ những quan điểm mỹ học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong tình hình mới, kích thích, khêu gợi khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ, định hướng cho độc giả có cái nhìn đúng về tác phẩm, nâng cao trình độ về nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ.
Trong nhiều năm trở lại đây, một số các báo và tạp chí văn nghệ địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật trên tờ báo của mình.
Đây là một hoạt động cần khuyến khích. Từ các cuộc thi truyện ngắn, bút ký, thơ, ảnh nghệ thuật, âm nhạc... các Hội Văn nghệ phát hiện ra nhiều tác giả mới, bổ sung cho lực lượng cầm bút tại địa phương và trung ương. Và cũng từ các cuộc thi, đã thúc đẩy người viết bám sát với cuộc sống của nhân dân và di sản văn hóa địa phương nên đã có những tác phẩm in đậm màu sắc địa phương, làm cho đời sống văn nghệ của cả nước thêm phong phú, sinh động.
Tóm lại, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của các Hội Văn nghệ, báo và tạp chí văn nghệ địa phương đã có những bước tiến đáng kể, về cả nội dung và hình thức. Ít có những biểu hiện chệch choạc, lệch lạc về định hướng tư tưởng, quan điểm văn nghệ. Xu hướng thương mại hóa trong báo chí văn nghệ địa phương có lúc, có nơi xuất hiện nhưng rải rác chỉ ở một vài tờ, không nhiều. Nhiều tờ tạp chí đã tìm tòi, đổi mới các chương mục của tạp chí, sinh động và phong phú hơn cùng với cách trình bày sáng tạo. Một số tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian của hội viên tỉnh, thành phố đạt chất lượng tốt, có vốn sống thực tế, hiểu biết sâu sắc cuộc sống của nhân dân, có giá trị trong tỉnh, trong cả nước đoạt nhiều giải thưởng toàn quốc.
Với gần 100 các báo, tạp chí Văn nghệ của Trung ương, các trang lớn của các cơ quan đoàn thể có trang văn nghệ và 60 tạp chí văn nghệ của các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, có thể nói hiện nay, báo chí dành cho văn nghệ là rất lớn, là mảnh đất rộng rãi để các tác giả văn nghệ bộc lộ tài năng, công bố tác phẩm.
Tuy vậy, các báo và tạp chí văn nghệ địa phương tác phẩm có nhiều nhưng ít có tác phẩm hay, gây sự chú ý đặc biệt của công chúng, chất lượng của từng tạp chí không đều. Nhìn chung chất lượng một số tác phẩm còn yếu cả về nội dung và nhất là về nghệ thuật. Một số tác phẩm biên tập chưa kỹ, hoặc trình độ chuyên môn của các biên tập viên chưa cao, nên việc tuyển chọn bài đưa vào tạp chí có tình trạng dễ dãi, hình tượng nhân vật còn thô cứng, đề cập đến các vấn đề xã hội còn hời hợt, thiếu chiều sâu.
Đối với các đề tài về cách mạng và kháng chiến của dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước hôm nay dường như chúng ta chưa có được những tác phẩm xuất sắc. Qua một số tác phẩm, thấy rõ một số văn nghệ sĩ còn bộc lộ thiếu vốn sống thực tế thiếu tay nghề, thiếu cả tâm huyết và sự lao động gian khổ của người làm nghệ thuật... Đó là những nhược điểm cần sớm khắc phục để báo và tạp chí văn nghệ của các Hội Văn nghệ địa phương ngày càng nâng cao chất lượng hơn nữa.
Đã có lúc, có nơi các Hội Văn nghệ, các tổng biên tập còn có biểu hiện buông lỏng quản lý. Hiện nay theo sự phân cấp, cơ quan tuyên giáo tỉnh chịu trách nhiệm trước cấp ủy theo dõi về mặt nội dung tạp chí, Sở VHTT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước báo chí theo Luật Báo chí, Thường trực Hội là cơ quan chủ quản, Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm chính tờ tạp chí. Nhưng mối quan hệ này có khi chưa được chặt chẽ. Đã có trường hợp, một vài tạp chí đã cho in những bài có nội dung không tốt, không phù hợp với địa phương, cấp ủy đã phát hiện được và buộc Tổng biên tập phải rút bài, thay bài khác. Hoặc có những tác phẩm in ra đã bị dư luận công chúng phản ứng...
Khuynh hướng "thương mại hóa” tuy chưa xuất hiện nhiều ở các báo và tạp chi văn nghệ địa phương, nhưng chúng ta cũng cần phải lưu ý đề phòng để tránh cho tờ tạp chí in những tin bài câu khách, rẻ tiền, phi văn nghệ.
Một điểm nữa là hiện nay số đông văn nghệ sĩ quản lý và biên tập báo chí văn nghệ chưa có điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo. Do đó, chất lượng biên tập ở một vài tạp chí chưa cao, còn để sơ hở là điều dễ hiểu. Bản sắc văn hóa ở một số tạp chí chưa rõ nét, na ná giống nhau. Việc sử dụng lượng bài vở của cộng tác viên ngoài tỉnh có nơi còn quá nhiều, nội dung lại không gắn lắm với địa phương, một số báo chí văn nghệ thiếu sự cân đối hài hòa về nội dung giữa các đề tài địa phương và cả nước. Số lượng thơ ca về chủ đề tình yêu “hơi” nhiều, trong khi nhiều vấn đề cấp bách, bức xúc của đời sống xã hội, của nhân dân lại ít được quan tâm, do đó chưa được sụ đồng tình của nhiều cấp lãnh đạo và của chính công chúng bạn đọc.
Trên đây là một số nhược điểm, chúng ta cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong quản lý và hoạt động chuyên môn của các tạp chí, để nâng cao chất lượng tạp chí văn nghệ địa phương trong những năm tới.
Những năm gần đây, được sự khuyến khích của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, được sự hỗ trợ, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hàng năm nhiều vùng, miền tổ chức hội nghị bàn về nâng cao chất lượng của tờ tạp chí văn nghệ. Các cuộc trao đổi, rút kinh nghiệm là bổ ích, cần thiết. Các cơ quan quản lý của Trung ương rất chú ý. Từ thực tiễn, xem xét tờ văn nghệ của các hội có mấy loại ý kiến sau đây:
Loại ý kiến thứ nhất: Không nên coi tờ văn nghệ địa phương chỉ đăng tải bài vở của anh chị em hội viên, cộng tác viên của tỉnh. Đã là sáng tác văn nghệ, đã là báo và tạp chí văn nghệ không nên phân biệt trung ương và địa phương, tác giả trong tỉnh hay ngoài tỉnh. Do vậy tỷ lệ đăng bài của các tác giả trong tỉnh và ngoài tỉnh không cần coi trọng, cứ có bài hay là in, người đọc không quan tâm tới tác giả ấy ở đâu, viết về đề tài gì..
Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Báo chí văn nghệ địa phương là của địa phương do lực lượng viết của địa phương đảm nhiệm đăng tải các sáng tác, công trình của địa phương như vậy mới hiệu quả thiết thực cho địa phương. Nó là “ sân chơi”, luyện tập của anh chị em viết trẻ mới vào nghề. Chất lượng bài vở có kém vẫn dùng, quý là “ cây nhà lá vườn”.
Loại thứ ba: Cần xác định rõ tờ văn nghệ địa phương là nơi phát hiện, nuôi dưỡng các tác phẩm địa phương, phản ánh những giá trị văn hóa, văn nghệ cách mạng, kháng chiến và truyền thống của một vùng quê, mang bản sắc văn hóa, trước hết nó phục vụ cho công chúng bạn đọc địa phương. Song tờ tạp chí văn nghệ địa phương, cũng cần phải sử dụng thêm bài vở cộng tác viên ngoài tỉnh, có chất lượng, có lợi cho địa phương, góp phần làm phong phú cho tờ báo, nhưng phải có một tỷ lệ nhất định. Một mặt nó góp vào việc nâng cao chất lượng báo và tạp chí văn nghệ địa phương, mặt khác vẫn giữ được bản sắc của mình..
Vấn đề này, chúng ta cũng nên trao đổi để xác định hướng đi cho tờ tạp chí của mình sắp tới.
T.H

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Tiếng mơ yêu (29/07/2008)
Các bài đã đăng