Tạp chí Sông Hương - Số 155 (Tháng 1)
Kiều Oanh - hạt phù sa hai dòng sông
14:30 | 29/07/2008
NGÔ MINHMỗi nghệ sĩ đều mang trong mình những dấu ấn sâu đậm của linh khí đất đai, hồn thiêng sông núi, bản sắc văn hóa của một vùng đất. Huế là vùng văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước, là nơi thử thách và trưởng thành của bao thế hệ văn nghệ sĩ Việt .

Kiều Oanh cũng là một trong những người như thế. Qua 25 năm học hành, khổ luyện nơi sàn tập, trên sân khấu, trên con đò ca Huế trên sông Hương, Kiều Oanh đã dần dần tô đậm chân dung của mình trong trí nhớ của những người yêu nghệ thuật ca kịch Huế. Tháng 9 năm 2001, chị đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NGH SĨ ƯU TÚ! Vâng, Kiều Oanh là hạt phù sa hai dòng sông, là âm vang những dòng sông nguồn cội.
Kiều Oanh sinh ra bên bờ sông Kiến Giang, nơi miền sơn cước Bến Tiến, thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuổi nhỏ, ngoài việc học, Oanh thường lên rừng hái củi, rồi theo mẹ chèo đò đi chợ Tréo ở ngã ba Mũi Viết. Oanh lớn lên trong cuộc sống nghèo khổ và vô cùng cực nhọc của quê hương, gia đình. Nhưng Kiều Oanh cũng lớn lên về tâm linh qua tiếng hò, tiếng hát ru em của mẹ. Con người ở đây đi gặt cũng hát, đi xay lúa, ru em cũng hát, cũng hò. Ai về Đồng Hới cho tui gửi một đôi lời/ Cho không đừng có, cho có đừng không/ Có mua nồi phải nhớ đến vung/ Giăng tơ phải nhớ ngãi tằm ngày xưa...
Những đêm trăng, Oanh cùng bạn bè giã gạo chày ba chày bốn để hò khoan đối đáp kẻ hò, người xô thâu đêm suốt sáng. Tiếng hò mái nhì, mái xắp trên sông đi vào tận giấc mơ, thấm vào máu thịt Kiều Oanh: Tay cầm trái cau vừa róc vừa tiện/ Tay cầm ngọn trầu vừa rọc vừa têm... Hò giã gạo đối đáp nam nữ chày ba, chày bốn đối với gái trai Lệ Thủy say mê tới mức, ca dao Lệ Thủy hát: Đêm khuya nghe tiếng chày khắc cối/ Bạt gia đình ra đi... Tiếng chày "khắc" cối là tiếng chày gõ vào miệng cối để bắt nhịp, để giữ nhịp hò. Tiếng chày khắc cối ấy vang rất xa như một lòi mời! Hễ nghe là cầm lòng không đậu! Mang nặng tâm thức dân ca xứ sở ấy, Kiều Oanh lớn lên với lòng say mê dân ca từ nhỏ. Chị thường từng đêm tập theo trên đài hát các làn điệu ca Huế. Hát nhiều rồi thuộc. Sau này, chị có lần tâm sự: "Tôi yêu thích ca Huế từ nhỏ và luôn luôn ao ước được trở thành diễn viên ca kịch Huế". Đối với chị, ca Huế đã thành duyên nợ cuộc đời!
Năm 1982, Kiều Oanh 16 tuổi, nộp đơn thi vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật ở Huế. Nét tài sắc thiên bẩm của cô gái Quảng Bình này đã được Huế đón nhận và vun đắp. Và hơn 25 năm với Huế, Kiều Oanh đã sống hết mình với nghề, hết mình với công chúng ở Huế trên cả 3 lĩnh vực hoạt động nghệ thuật: Ca kịch sân khấu, ca Huế trên sông Hương và diễn viên điện ảnh! Ngay trong năm đầu tiên ở Trường Trung học Văn hóa Huế, Kiều Oanh đã cùng các bạn tham gia dựng vở, đi hát ca Huế trước công chúng. Năm 1985, ngay khi tốt nghiệp ra trường, mới 19 tuổi, Kiều Oanh đã bước lên sân khấu rạp Hưng Đạo Huế trước hàng ngàn khán giả, với vai Nàng Si Ta, kịch bản của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Xuân Đàm. Sau đó Kiều Oanh sắm vai chính công chúa Amela trong vơ "Quạ thần và pho tượng đá" dưới sự chỉ dạo của các đạo diễn bậc thầy là NSND Xuân Đàm và cố đạo diễn sân khấu Đoàn Anh Thắng. Rồi các vở diễn Đêm về sáng, Nước mắt và bạo lực, Trái tim người mẹ, Lưỡi gươm chinh phạt... Với ưu thế nổi trội về giọng ca trời phú, lối diễn nhập vai sáng tạo, đặc biệt là sắc đẹp và vóc dáng lý tưởng, Kiều Oanh luôn luôn được các đạo diễn chọn đóng vai chính. Trong vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ, viết về người thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử, Kiều Oanh đã làm cho khán giả đêm Hội diễn sân khấu duyên hải phía Bắc tại Nam Định bồi hồi xúc động trước bi kịch của thiên tài thơ Hàn Mạc Tử. Nàng thơ Thương Thương (Kiều Oanh đóng) bước ra sân khấu, gương mặt đẹp não nùng, làn môi rưng rưng cúi xuống, cánh tay trắng nõn nà đặt lên tấm thân hủi khốn khổ của người yêu. Đó là sự gặp gỡ của Định Mệnh, sự gặp gỡ của tài tử - giai nhân, của sự mất - còn trong truyền kiếp, khẳng định sự bất diệt của tình người, tình yêu, tình thơ, xót xa mà hư ảo: Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà...
Kiều Oanh diễn như nhập thần, rất thơ và rất Huế! Chị đã đẩy tiếng khóc thầm thành tiếng nấc nghẹn trong âm hưởng từng câu thơ Hàn Mạc Tử: Một mai kia ở bên khe suối ngọc/ với sao sương anh nằm chết như trăng/ không thấy được nàng tiên mô đến khóc... Và chị đã xứng đáng được tôn vinh bằng tấm Huy chương vàng Hội diễn. Với hơn chục vở diễn xuất sắc, Kiều Oanh đã thể hiện là một "át chủ bài" không thể thiếu của Đoàn ca kịch Huế. Trong chuyến về Huế làm phim "Đêm Hội Long Trì", đạo diễn Hải Ninh đã phát hiện ra một Kiều Oanh khác, Kiều Oanh diễn viên điện ảnh! Ông đạo diễn nổi tiếng này liền mời Kiều Oanh đóng một vai cung phi trong phim. Từ đó Kiều Oanh bắt đầu thử sức mình trong nghệ thuật thứ bảy qua các nhân vật trong các phim truyền hình như Mộ cây đàn, Kẻ báo thù, Phạm Công Cúc Hoa. Với phim truyện "Nợ sữa" (kịch bản Kim Cúc, đạo diễn Trần Thanh Mẫn, Vương Đức, Đài truyền hình Huế sản xuất), Kiều Oanh đã thể hiện thành công một phụ nữ dân tộc người Pacô qua nhân vật Kăn Min nhân hậu, thương người nhưng cũng rất cổ hủ, mê tín, lạc hậu. Để đóng phim Nợ sữa, Kiều Oanh đã theo đoàn làm phim suốt ba tháng trời. Nhiều lần lên quay ở vùng núi Tà Rụt, Hướng Hóa, Quảng Trị trong mùa lụt bão, mưa rét. Nhưng với tình yêu nghề nghiệp, Kiều Oanh đã thể hiện thành công vai diễn của mình. Với vai diễn Kăn Min xuất sắc trong phim Nợ sữa, Kiều Oanh được tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố Đô lần thứ 2 của tỉnh TT-Huế (1993 - 1997). Qua mấy phim đầu tiên, Kiều Oanh đã "thử sức" và đã thể hiện được bản lĩnh và tố chất để có thể đi dài hơi với nghệ thuật điện ảnh.
Nghệ sĩ ưu tú Kiều Oanh đã 3 lần giành được Huy chương vàng tại các cuộc liên hoan tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc, với những làn điệu ca Huế thân thuộc. Nhưng người dân Huế hay du khách đến Huế đều rất thích, rất nhớ Kiều Oanh mỗi khi xuống đò ca Huế trên sông Hương. Ai cũng muốn xuống con đò có Kiều Oanh biểu diễn. Đây là phần thưởng, có khi lớn hơn cả huy chương vàng, mà không phải ca sĩ ca Huế nào cũng có được. Nghe Kiều Oanh hát điệu Lý qua đèo, Lý ngựa ô, bình, ai, ai cũng thán phục chất giọng và kỹ thuật hát điêu luyện của chị. Dân ca, ca Huế có cách lấy hơi, nhả chữ rất riêng, đòi hỏi người hát phải đúng chất giọng Huế mới hát chuẩn. Kiều Oanh mới sống 20 năm ở Huế, nhưng nhờ học hành, khổ luyện, nhờ thiên phú "trời sinh ra để hát ca Huế" từ nhỏ, Kiều Oanh đã hát với giọng Huế thật "jin", thật mượt mà. Khi nghe chị ngâm thơ giọng Huế, ta mới cảm hết cái chất Huế đậm đặc trong Kiều Oanh!
Kể từ ngày tốt nghiệp bằng ưu Trường Văn hóa nghệ thuật Huế, Kiều Oanh đã qua hơn 20 năm vui buồn với ca kịch Huế, với con đò ca Huế trên sông Hương. Chị đã giành được 5 HCV, 1 HCB cùng nhiều bằng khen, được Tạp chí Sân khấu trao giải thưởng "Diễn viên tài sắc" năm l997; được tặng Giải thưởng VHNT Cố Đô lần thứ 2. Nhưng có lẽ vinh quang hơn là hình ảnh, giọng ca Kiều Oanh đã in vào tình cảm và trí nhớ của khán giả cả nước. Trong số báo Tết Mậu Dần, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã bầu chọn 10 nghệ sĩ gây ấn tượng nhất trong năm 1997, trong đó có Kiều Oanh!
Nghệ sĩ ưu tú Kiều Oanh sinh năm 1966, đối với độ tuổi của một nghệ sĩ ưu tú, chị còn rất trẻ. Đó là điều kiện để chị tiếp tục khẳng định mình hơn nữa trên con đường nghệ thuật đầy cam go. Nhưng, mỗi người nghệ sĩ chân chính không ai đơn thuần dựa vào danh hiệu được phong để sống. Danh hiệu chỉ là sự công nhận của tổ chức. Còn sự mến mộ của công chúng đối người nghệ sĩ lại tùy thuộc hoàn toàn vào tài năng và sự khổ luyện, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của mình. Đó là điều mà Kiều Oanh đã nhiều lần tâm sự, cũng là điều mà những người yêu nghệ thuật Huế và cả nước luôn luôn mong mỏi và đòi hỏi đối với chị.
N.M

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Tiếng mơ yêu (29/07/2008)
Các bài đã đăng
Biến cố (29/07/2008)