Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Truyện ngắn chưa xong
09:15 | 16/07/2008
THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn”                              Trịnh Công Sơn


Họ ngồi xây lưng ra biển, mặt hướng về con đường chạy dọc theo bờ. Con đường vừa được chỉnh trang không lâu, còn mới, bốc mùi nhựa khét trong nắng. Ðường rộng thênh thang như một sân khấu, phía trái là mửng dốc đâm lên khúc quành eo biển, hun hút, lề đường vắng hoe, có lẽ họ là đám tụ cuối cùng nơi bãi đông của đảo. Từ đó nhìn về phía tay mặt, xa xa thấy bến cảng lố nhố thuyền bè, đến gần hơn, hàng quán rải ra trên lề đường xúm xít một đoạn dài che kín bãi biển, bỗng dừng lại ngót nghét 700 mét lan can trống trải, hé một khoảng trời, khách nhàn du ai đi qua cũng vội ném tia mắt ra biển, trước khi đến chỗ họ ngồi.

Trước mặt, bên kia đường là nhà ở, công sở, chùa, nhà thờ. Phía trái có quán cà phê sang trọng dành cho khách du lịch đêm ngày xập xình tiếng nhạc, rồi đến chùa Quan Âm với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ đứng trong sân, ngày rằm mồng một khách đến vãn chùa đông nghịt, bên phải chùa có nhà khách sạn quốc tế, rồi biệt thự, nhà nghỉ san sát nhau, thừa thãi lịch sự, sang cả. Nghe nói đất ở đây cứ là bạc tỉ, mỗi mét vuông nghìn đô la xanh, đắt quá, sang quá nơi thành phố bến cảng đang trên đà phát triển này, ngoại trừ các ông lớn và tỉ phú, ai dám rớ tới, chỉ biết ngồi xa mà nhìn, như họ từ bên này đường nhìn qua, mỗi ngày và mỗi ngày, trong thế ngồi trên chiếc ghế con đúc bằng nhựa, lưng day ra biển.
Rõ ràng họ là người của biển, cứ theo cách ngồi mà đoán, khách du đến đây thường lấy dáng ngồi ngóng ra biển khơi, mong một phút nới rộng tầm mắt, còn họ ngồi như thế không biết từ bao giờ, quay mắt ngóng vào đường phố…
Ðể mặc biển đằng sau thấp thoáng sóng nước mênh mang xuyên qua những tán lá tỏa rộng như mái nhà của hai cây bàng cổ thụ đứng nghiêng trên ghềnh đá. Nếu hỏi họ có thấy gì khang khác nơi hai cây bàng cao lớn đẹp nhất bãi này trong mùa xuân năm nay, có lẽ họ sẽ ngớ người, cười lỏn lẻn như thường lệ mỗi khi không biết trả lời sao. Năm nay bàng thay lá trễ, cũng như mai không chịu nở ba ngày tết, vì trời quá lạnh. Cây bàng cứ ngỡ đang đông rét nên lá vẫn đỏ au hay vàng rộm trên cành, không hay xuân đã quá thượng tuần nguyên tiêu, vẫn ôm đồm chưa buồn thay lá. Vàng đỏ xanh chen nhau trên cành, vẽ lên mây trời hay lên sóng chơi vơi một bức tranh ngoạn mục. Nhưng những người ngồi đó tuồng như chẳng biết sau lưng họ là một tấm phông được thiên nhiên dựng lên vượt hẳn màu sắc của mọi trường phái hội họa cừ khôi trên trần gian, vì họ đang nhìn ra phía đường đi.
Suốt ngày không ngớt, xe hơi, xe honda chạy vù vù, nhất là buổi chiều, trai gái ăn mặc thời trang hở lưng hở rốn, ôm nhau eo ếch, lượn oằn người nơi khúc quẹo, những cặp vợ chồng ôm trước ôm sau hai con nhỏ, đèo nhau trên honda, rà rà chạy dọc bờ biển hóng gió, chạy mệt, tấp vào lề, ghé vào quán cà phê hay quán cơm, quán nhậu, xe nước mía, gánh bún bò. Ngày cuối tuần khách du lịch từ các tỉnh đổ về nờm nợp. Trên lề đường người ta chen lấn nhau từng bước, lũ năm lũ ba bọn thanh niên trai gái cứ đi tràn ra đường, báo hại xe hơi, xe honda bóp còi đinh tai.
Thế mà lạ, đến đoạn vỉa hè, nơi chỗ họ ngồi, ít khi thấy đông, chỉ lác đác năm mười người, mười là quá số, chưa thấy hôm nào đông hơn, ngay cả vào buổi cuối tuần hôm ấy. Từ xa, thấy họ như một nhúm lá bàng khô tình cờ bị gió đùa tụm lại với nhau, mấy cái ghế đúc bằng nhựa lỏng chỏng, hai chiếc bàn con cũng đúc bằng nhựa đứng xơ rơ, một chiếc bày hàng, một chiếc cho khách ngồi với các thứ đồ nhắm tủn mủn. So với đám nháo nhào ở đoạn các tiệm ăn với những thương hiệu quảng cáo sặc sỡ, phòng ốc dềnh doàng chứa hàng trăm ghế xanh ghế đỏ, trông những người ngồi đằng ấy như những cái bóng, lẳng lặng và tình cờ nơi mỗi cử chỉ, vụng về và cứng cỏi như những con nộm người chưa tập thuần thành.
Chỉ trừ một cái bóng bất ngờ vụt đến như một cơn gió thốc khi bọn Hùng và chị Hoàng kéo nhau đến gần:
- Vịt lộn nóng đây, mời các bác dùng trứng vịt lộn nóng nè!
Không chờ phản ứng của ai, cô bán vịt lộn liến thoắng đón đường mấy chị em:
- Vịt lộn nóng ngon lắm, bác, anh chị mua cho em, ăn ngon lắm!
- Mua hộ em anh nhé!
Như một ngọn lá bàng khô lẽo đẽo quấn chân, cô chạy theo Hùng đang bước xuống đường tránh đám bàn ghế choán gần hết lề đường dành cho người đi bộ:
- Vịt lộn em mới nấu xong, trời lạnh ăn hột vịt bổ và ngon lắm anh chị ơi!
Cô quay lại gần chị Hoàng, nhưng chị lắc đầu bảo:
- Chúng tôi vừa ăn cơm xong, còn no lắm! Không còn chỗ nào trong bụng!
Cô quay sang Hùng:
- Vậy anh, anh ăn cho em một cái mở hàng đi!
Hùng ái ngại nhìn cô bán hột vịt lộn, người gầy đét, hai gò má nám đen, chỉ duy có nụ cười rộng phô hàm răng trắng đem lại chút ánh sáng nơi gương mặt loắt choắt viền mái tóc rối như rơm, quần vải thô đen, áo bà ba sờn vai phần phật trong gió, anh phân trần như xin lỗi:
- Chị, tôi nói thật, chúng tôi vừa ăn xong, còn no quá!
Thấy mặt cô ỉu xìu, Hùng không đành lòng nói nhanh:
- Lát nữa, sau cuộc đi dạo, có lẽ…khi quay về, chị nhé.
Chị Hoàng cười khi mấy chị em đã vượt qua vài bước:
- Hùng lúc nào cũng hay thương người. Hứa là mắc đấy nhé!
Chị ngoái lại nhìn, thấy cô bán hột vịt đang đưa tay chới với hụt hẫng, miệng gọi vọng theo:
- Lát nữa, các bác các anh chị nhé, lát nữa, em chờ!
Bỗng nhiên chính chị buột miệng:
- Ừ thôi, lát nữa…!
Hùng cười:
- Không được hứa cuội nhé! Nào đi nhanh lên mấy em, lát nữa có chầu hột vịt lộn của chị Hoàng đãi!
Cả bọn cùng cười, bá vai nhau bước đi tiếp. Chị Hoàng cũng cười nhưng nụ cười của chị chợt tắt nhanh, chị nói nhỏ như nói với chính mình:
- Còn nhớ hồi đi học, mấy chị em thức khuya học bài thi, trời Huế lạnh buốt, trên đường vắng chỉ có tiếng rao “ai ăn vịt lộn!, “vịt lộn nóng nì! kéo dài lảnh lót với chiếc đèn con lung linh. Cả bọn rủ nhau ăn trứng vịt lộn cho đỡ buồn ngủ và có sức gạo bài tiếp, ngon ơi là ngon!
Chị quay sang Hùng:
- Hùng còn nhớ không, o bán trứng vịt lộn đi từ An Cựu qua Gia Hội, lò luộc trứng ở bên kia sông, xa ơi là xa trong đêm khuya! Thấy mà thương!
Nghe như có tiếng thở dài của dĩ vãng pha lẫn trong gió biển lồng lộng thổi tung mái tóc của tốp người đang rảo bước. Hình như điều chi trong quá khứ rồi cũng đáng thương, ngay cả chuyện ăn trứng vịt lộn…
Ðoạn đường sau hàng cô bán trứng vịt lộn vắng tanh, thỉnh thoảng một hai người chạy thể thao dọc bờ biển vụt qua rồi mất hút sau khúc quành của ngọn đồi… Cuộc đi dạo vu vơ của mấy chị em xa nhau hơn mười năm vừa đoàn tụ bỗng vướng một chủ đích bất ngờ: ghé cái quán cỏn con bên đường ăn hột vịt lộn.
Khi họ trở lại và cô bán hột vịt nhanh nhẩu kéo bàn, sắp ghế mời ngồi, Hùng mới có dịp nhìn rõ hơn nhóm người đang hiện diện nơi ấy: ngoài cô bán hột vịt lộn lanh chanh chạy lui chạy tới mời khách, bê bàn, kéo ghế, còn có một phụ nữ ngồi sau chiếc bàn thứ hai, hình như lúc nào chị cũng ngồi như thế, xoay qua xoay về mà không đứng lên lần nào. Trên bàn bày các món hoa quả: vài trái mận đỏ, ổi xá lị xanh, một lô củ sắn chưa gọt vỏ, các chai nước xa xị, cocacola và mấy xị rượu trắng, chị không bán bia mà chỉ bán rượu đế. Sau dãy chai nước ngọt một xấp bao ni lông khô cá sặc, bên trái của bàn là một phích nước lạnh để rửa trái cây hay ngâm củ sắn mà chị thường gọt luôn tay, bên trái một cái lò than đang cháy và một cái vỉ nướng cá dựng bên cạnh: vị chi tạm thời gọi là quán nhậu bình dân thu nhỏ cho khách bộ hành! Trong nhóm những người khách đến uống rượu đế - mặt mày đỏ như gấc, thoáng thấy một người đàn ông, hình như anh là người duy nhất không say, da mặt tai tái, má tóp, ngồi thẳng chứ không ngả nghiêng, trầm ngâm, ít nói, như đang suy nghĩ điều chi, mặt anh luôn hướng về phía đường cái, chẳng biết anh là kẻ bộ hành vừa ghé qua hay là người thân thuộc với hai phụ nữ bán quán?
Nhìn kỹ hơn mới biết cô bán hột vịt cũng là kẻ “ở nhờ cái quán- tạm thời gọi là quán- nhậu của chị kia. Hóa ra mọi thứ cô mang đến cho khách, ngay cả bàn, ghế, cô đều mượn đỡ của chị bán đồ nhắm và cả nghề bán vịt lộn cũng chỉ dựa hơi chị chủ mấy cái bàn.
Dưới gầm bàn của chị là nơi tá túc thùng nước nóng ủ đám trứng vịt lộn, bên cạnh là thùng hột vịt còn sống và một bếp ga nhỏ, đồ nghề nấu hột vịt. Trong một thoáng như làm trò xiếc, cô bán hột vịt lôi dưới gầm bàn đem đến 5 cái chung nhỏ sắp lên bàn, 5 cái thìa bằng nhôm nhỏ, một dĩa muối tiêu và rau răm, miệng nói lia lịa:
- Trứng vịt ngon lắm, bác và anh chị ăn cho em hai ba cái nhé!
- Rẻ lắm, mỗi cái chỉ 3 ngàn thôi!
Vừa nói cô thoắt lui, ngồi xổm, thọc tay vào cái thùng gỗ dưới bàn kia, khi cô trở lại bàn: úm ba la đã có năm cái trứng nóng hổi sắp vào chung. Cô cười hỉ hả, mặt mày hớn hở, chờ đợi khách ăn thêm vài cái nữa. Không những cô, mà cả chị bán đồ nhậu và một vài người đàn ông đang ngồi ở đó đều đổ dồn mắt vào cái hoạt cảnh “ăn hột vịt lộn linh động của 5 người khách. Trong không khí im lìm của nhóm người đang ngồi đấy từ lâu, họ đến như một đợt thủy triều bất chợt. Tính ra trong khoảng thời gian ngồi ăn, Hùng còn thấy một cặp trai gái đến ăn trứng và một vài chị người làm bên kia đường đến mua hoa quả, chai nước ngọt. Trên đường về Hùng bảo chị Hoàng:
- Chẳng biết họ kiếm được mấy đồng trong một ngày mà họ ngồi cả buổi như thế?

Các bài mới
Nhớ và ghi (17/07/2008)
Các bài đã đăng
Cảm xúc Hightech (15/07/2008)
Lá trắng (15/07/2008)
Nhớ San (15/07/2008)