Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Festival thơ Huế 2008: Cuộc chơi của những giấc mơ
09:49 | 17/07/2008
LÊ TẤN QUỲNHVậy là Festival Huế 2008 đã khép lại, cũng khép lại một kỳ Festival Thơ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Đây là lần thứ 2, Festival Thơ được tổ chức bên cạnh Nhà Kèn (khu công viên 3-2), bên con sông Hương thâm trầm, sâu lắng.

Song song với các lễ hội văn hóa là một không gian Thơ với cuộc hành trình huyền tích, cuộc hành trình đi tìm những ngọn nguồn tâm thức từ quá khứ cho đến hiện tại. Thơ đã và đang tồn tại như hơi thở của rất nhiều con người nơi đây, và vẫn luôn phát sáng trong mỗi tâm hồn luôn đi tìm những giấc mơ hiện hữu đâu đó trong những ngõ ngách rêu phong, trong cái lang thang sâu tận của con người. Có phải vậy chăng  mà Huế đã trở thành chiếc nôi sinh thành, là mái nhà trú ngụ, lớn lên của nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam trong suốt hàng thế kỷ qua. Sương khói Huế, Sông Huế, Núi Huế, Con Người Huế đã góp phần  làm nên một bản sắc văn hóa Huế thấm đẫm chất thơ. Cứ thế, Thơ sinh sôi với Huế, Huế đẹp thêm với Thơ với người, để trở thành một Bài -Thơ- Đô -Thị tuyệt tác của nhân loại.
Festival Thơ Huế lần đầu tiên được tổ chức vào Festival Huế 2006, chủ yếu chỉ gói gọn chung quanh Công viên 3-2 và lan tỏa cùng tác phẩm sắp đặt Cổng Thơ của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh. Festival Thơ ấy cũng là lần đầu tiên những thành viên của Ban tổ chức Festival Thơ “dám” đưa thơ ra trước công chúng, đọc giữa công chúng, khác hẳn với những “cuộc thơ” lâu nay trên địa bàn  chủ yếu diễn ra trong các “salon”, các nhà thơ đọc thơ để cho… các nhà thơ nghe. Có lẽ, một phần tạo nên cho nét mới trong sinh hoạt thơ ca là vì Ban tổ chức đa phần là những người tuổi trẻ. Dấu ấn thành công của lần đầu tiên đã khiến những nhà thơ trẻ của Huế quyết tâm tổ chức Festival Thơ lần 2 với nhiều chương trình rộng mở hơn.
Mỗi lần khai mạc Festival Huế, Festival Thơ lại bắt đầu  từ ngày 4 đến 10-6. Nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị của Festival thơ đã thu hút sự chú ý của bạn đọc. Với sự góp sức của chương trình thơ Đêm Hoàng cung là sự tiếp nối các chương trình trước đây được tinh lọc hoàn mỹ. Các cuộc trình diễn có thơ Đường của các cụ cao tuổi trong CLB Thơ Hương Giang, trình diễn thơ của Câu lạc bộ thơ Sông Bồ, thơ của các tác giả là hội viên Hội nhà văn và thơ sinh viên của bút nhóm Áo Trắng Huế… Mỗi Festival Thơ đều xuất phát từ một ý tưởng khác nhau. Nếu ở Festival Thơ 2006 là “cổng thơ”, đưa người đọc đi vào những nẻo đường thi ca huyền diệu thì ở lần này là những “ngôi sao danh vọng” trên “Quảng trường thi ca”-một tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh, gồm một  chiếc đèn kéo quân lớn mà 8 cái cột của nhà kèn là chiếc sườn và bên cạnh đó còn có khoảng 200 ngôi sao ghi tên các nhà thơ đã tạo nên diện mạo thi ca Việt Nam. Ở trên các ngôi sao, tên các nhà thơ danh tiếng được ghi trên cát có thể bị xóa nhòa đi để thay vào nó một thông điệp khác. Theo họa sĩ Đinh Khắc Thịnh, tác giả dự án sắp đặt “Quảng trường thi ca”, “danh vọng chỉ là ảo ảnh, nó nhỏ bé như hạt cát và mong manh như phù vân giữa trời. Khi mỗi người nghệ sĩ đều nhận ra sự vô thường ấy của cuộc sống thì hãy cống hiến hết sức mình cho nghệ thuật, đừng cầu mong danh vọng và cũng đừng để danh vọng vướng bận trong lòng”.
Một trong điểm nhấn của Festival Thơ 2008 là hai triển lãm thư pháp “40 bài thơ Trung đại tiêu biểu về Huế”  và “Thủ bút của các nhà thơ xứ Huế”, xuất phát từ ý tưởng của nhà thơ  Hải Trung. Ở cuộc triển lãm “40 bài thơ Trung đại tiêu biểu về Huế, mỗi người sẽ  cảm nhận một không gian thơ xưa, một không gian Huế xưa  bàng bạc. Xem triển lãm “Thủ bút của các nhà thơ xứ Huế”, mọi người sẽ có một sự hình dung đầy đủ về chân dung các nhà thơ của nhiều thế hệ hệ nhà thơ xứ Huế đang sống ở miền đất này. Nó sẽ là một dấu ấn của thơ, của thời gian mây bay trong ký ức mỗi người.

Bộ sách 700 năm thơ Huế là tuyển tập thơ đồ sộ về Huế từ trước đến nay, gồm gần 500 tác giả với 843 tác phẩm. Tiêu chí để tuyển chọn là những bài thơ hay của các tác giả không chỉ là người Huế mà còn những tác giả từng sống hoặc đến với Huế và viết về Huế. Chúng ta có thể tìm thấy trong tổng tập này những bài thơ nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... cho đến các tác phẩm của Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh... Trẻ trung và mới mẻ có Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Phạm Nguyên Tường, Đông Hà... Tuyển tập 30 năm văn học Thừa Thiên- Huế gồm ba cuốn: thơ, văn xuôi và nghiên cứu - lý luận - phê bình. Qua đó sách điểm lại tiến trình và những thành tựu văn học của tỉnh nhà sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đây là công sức hàng năm trời của nhóm chủ biên, và họ đã cố gắng hết công suất để hai tác phẩm trên ra đời vào đúng dịp Festival Huế 2008 này, như là một món quà hết sức ý nghĩa nhằm tri ân và tôn vinh những giá trị của thi ca, những tác giả thi ca trên vùng đất cố đô này.
Cuộc hành trình thơ là một cuộc hành trình kỳ lạ. Trong cái không gian lẫm bẫm những hạt sóng của biết bao giấc mơ kỳ thú về cõi người, về con người. Thơ cứ hiện ra như một lời khẳng định cho những giá trị trường tồn của một không gian hy hữu trong mỗi phút khắc ưu tư, mỗi phút khắc lưỡng lự khi phải đứng trước một sự chọn lựa. Thi ca, về bản chất, cũng chỉ là một nỗi ám ảnh triền miên của con người về thế giới, về những ngọn nguồn của tâm thức đang len lỏi trong từng thớ gân của nỗi mê si không gì ngăn lại được. Festival Thơ Huế như cũng nằm trong sự hồ đồ của những ý tưởng phôi thai từ nỗi ham muốn gắn cho Thơ một chức danh của sự phá cách. Không phải quá ồn ào. Nhưng cũng không phải là cơn tĩnh  lặng của  những giao thức lộng lẫy, Thơ hiện ra như xác thân, như hơi thở, như cái nguýt dài trên bờ môi thiếu phụ đang gởi vào đêm tất cả sự ngọt ngào đến run rẩy tơ non. Ở đây, giữa Thơ-Người làm thơ và công chúng thưởng ngoạn dường như không còn khoảng cách. Tất cả chỉ là nỗi say mê, sự cuốn hút và nỗi khát khao thể hiện mình. Và bên dòng sông Hương thơ mộng, vẻ đẹp của những giấc mơ đã trở nên lung linh một cách lạ thường. Thơ như một sự khám phá mới, khiến cho người ta trở nên tò mò, trở nên thích thú, thích được lao vào hòa mình vào trong cái không khí mang mang tưởng như khó hiểu, tưởng như không thể nào lý giải nổi. Nhưng đó lại là một không khí thấm đẫm chất thơ. Từ đó, Thơ dã có một sức cuốn hút diệu kỳ, đã lan tỏa trong thế giới này bằng niềm đa cảm của những trái tim nhung nhớ.
Sự phong phú và đa dạng về nội dung và không gian thể hiện rất nhiều địa điểm khác nhau như Trụ sở Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, tạp chí Sông Hương, nhà sách Phú Xuân, tại tư gia và cả trong chương trình Đêm Hoàng cung trong Đại nội Huế. Chính vì vậy nên Festival Thơ đã góp phần tạo nên sự thu hút của Festival Huế 2008. Tuy nhiên, trên góc độ tổ chức, những người trong Ban tổ chức vẫn còn một chút “áy náy”. Đó là Festival Thơ đã khép và để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn yêu thơ cũng như khách thập phương, nhưng qua hai lần tổ chức, sự giao lưu, mở rộng biên độ đối tượng tham gia vẫn còn hạn chế. Nhà thơ Phạm Nguyên Tường - Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Thơ Huế 2008, cho biết:  Festival thơ vừa qua đã thu hút được một lượng lớn công chúng yêu thơ đến thưởng ngoạn trong một không gian lịch lãm và thơ mộng bên dòng sông Hương, qua đó tôn vinh những giá trị vĩnh hằng của thơ, tôn vinh vẻ đẹp của xứ Huế - xứ thơ… Tuy nhiên, chất lượng các chương trình thơ còn chưa đồng đều, chưa có chương trình thơ dành cho những tác giả trẻ đang được yêu mến và “săn đọc” trên thi đàn hiện nay.
Đi hết các chương trình thơ, vẫn có thể cảm thấy một điều gì đó chưa trọn vẹn, chẳng hạn như là sự thiếu vắng một nhân tố quan trọng, là cần có một cuộc hội thảo thơ. Bởi vì Huế là miền đất của thơ ca, và nó cũng sẽ nâng tầm của một Festival Thơ mà cả nước cùng tham gia. Qua 10 ngày Festival Thơ diễn ra, những tác giả thơ, những người yêu thơ đã thật sự sống trong một không khí thơ ca đẹp như một giấc mơ. Con sông thơ ca đã được khơi chảy để rồi lắng đọng trong sâu tận mỗi tâm hồn, và qua đó, thật sự để lại những ấn tượng sâu sắc cho mọi người. Festival Thơ Huế đã thật sự tôn vinh được những giá trị thi ca và tôn vinh những người làm thơ các thế hệ. Và hơn nữa, thơ đã xích lại gần hơn với công chúng, tạo nên một sự tương tác hiếm có. Nói Festival Thơ Huế là “Cuộc chơi của những giấc mơ” cũng là vì lẽ đó.
L.T.Q

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Nhớ và ghi (17/07/2008)
Các bài đã đăng