Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Hải Triều - Trang sách và thời gian
16:34 | 31/07/2008
HỒ THẾ HÀLTS: Để ghi nhận những công lao to lớn của văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều giải thưởng cao quý tặng cho những công trình văn học - nghệ thuật xuất sắc của nhiều thế hệ cầm bút: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Một số văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế vinh dự được nhận các giải thưởng trên, trong đó, có hai tác giả xuất sắc cùng xuất thân trong một dòng họ nổi tiếng, trong một gia đình có truyền thống văn hoá - văn chương, là con trai và cháu nội của nữ sử Đạm Phương: Đó là cố nhà báo, nhà lý luận phê bình Hải Triều (Giải thưởng Hồ Chí Minh) và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (Giải thưởng Nhà nước).
Hải Triều đã từng hoạt động báo chí, văn nghệ ở Thừa Thiên Huế và từng làm chủ bút báo Nhành lúa, chủ thư quán Hương
Giang ở Huế trong những năm 30 của thế kỷ XX; Nguyễn Khoa Điềm nguyên là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương.
Trong niềm vui mừng và tự hào, vinh dự ấy, tạp chí Sông Hương xin trân trọng giới thiệu 2 bài viết sau đây để ôn lại sự nghiệp của Hải Triều và Nguyễn Khoa Điềm.
TCSH


Xuất hiện trên báo chí và văn đàn Việt Nam với tư cách là nhà báo, nhà lý luận, phê bình văn học mác-xít, ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, Hải Triều đã nhanh chóng khẳng định mình như một cây bút tiên phong có tài và có tâm được nhiều người nể trọng. Ông có 46 tuổi đời với 26 tuổi nghề trải dài và tiếp biến qua các thời kỳ đặc biệt: Trước cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp. Ở thời kỳ nào, Hải Triều cũng thể hiện nhất quán lập trường chính trị, quan điểm nghệ thuật của mình một cách sáng rõ trước mọi thử thách và thực tiễn của đời sống báo chí và văn chương dân tộc để bảo vệ chân lý, khẳng định sự tiến bộ và sự thắng lợi của nền báo chí và nền văn nghệ mới.
Với khoảng cách thời gian và bước tiến của ngành báo, của khoa nghiên cứu văn chương, của lý thuyết tiếp nhận văn học hiện đại, những trang viết của Hải Triều - nếu đặt trong bối cảnh chung của báo chí, của lý luận, phê bình những năm 30 của thế kỷ XX và cho đến ngày nay - vẫn tỏ rõ sức sống, sức trẻ của nó, nói theo nghĩa có khẳng định, kế thừa và có phát triển, bổ sung.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt I năm 1996 do Nhà nước tặng cho Hải Triều là chứng chỉ thời gian về những trang sách xuất sắc của ông. Nhân giải thưởng này, chúng tôi muốn nhìn lại một con người, một sự nghiệp mà hành trình cuộc sống và hành trình nghệ thuật, lập ngôn thật ngắn ngủi và không dễ dàng. Trong khuôn khổ của một bài viết ngắn, chúng tôi muốn ôn lại sự nghiệp Hải Triều ở hai trong nhiều lĩnh vực nổi bật.
1. Hải Triều - Nhà báo xuất sắc.
Nhiều người nghiên cứu về Hải Triều thường đi sâu phân tích sự nghiệp lý luận, phê bình hơn là sự nghiệp báo chí, dù ông khởi đầu nghiệp viết của mình bằng những bài báo khi tuổi đời còn rất trẻ. Khoảng trên 20 bài báo của ông viết từ năm 1928 đến năm 1933 đề cập đến nhiều vấn đề thuộc chính trị - xã hội - dân sinh - triết học trong nước và trên thế giới, là nền tảng và là đối tượng quan trọng để nghiên cứu bước đường tư tưởng và hành trình nghề nghiệp báo chí, lý luận, phê bình của ông về sau. Cũng chính những năm làm báo đầu tiên này giúp ta khẳng định rằng Hải Triều là người có học vấn sâu, có tư duy luận lý và lôgíc sắc sảo, bởi lẽ những vấn đề mà ông đề cập đều liên quan đến những biến cố, sự kiện trọng đại trong và ngoài nước. Nếu không có một trình độ am hiểu về kinh tế, chính trị, lịch sử, triết học... thì làm sao bình luận, chứng minh và biện bác một cách thuyết phục được; kể cả đối phương khi thua lý, họ cũng phải thừa nhận điều đó.
Từ những bài ký tên Nam Xích Tử như: Cuộc chiến tranh thế giới sau này, Muốn thì được - Cuộc cách mạng Ái Nhĩ Lan lược sử đến những bài ký tên Hải Triều như: Vấn đề dân sinh, Hội nghị Kinh tế thế giới, Hội nghị Kinh tế thế giới hay là cái tháp ba bênh của con cháu ông Nêô hoặc bài: Sự tiến hoá của văn học, sự tiến hoá của nhân sinh, Duy vật hay là duy tâm... đều được lập luận và phân tích, xoáy sâu từng vấn đề một cách cặn kẽ, sắc bén qua ngòi bút Hải Triều. Bàn về bước tiến hạnh phúc của con người, ông viết "Nhưng cái hạnh phúc của nhân loại không thể lấy bề dọc làm tiêu chuẩn, mà chính phải lấy bề ngang, nghĩa là không thể lấy cái hạnh phúc của đời xưa so với cái hạnh phúc hiện tại, chính phải lấy sự hạnh phúc của xã hội so với sự hưởng thụ hạnh phúc của cá nhân, nếu sự cung cấp và sự hưởng thụ phân cách nhau, thì không thể tránh cái tâm lý bất mãn do đó mà phát hiện" (Vấn đề dân sinh). Hoặc khi bàn về Cuộc chiến tranh thế giới sau này trên báo Tiếng Dân, Hải Triều có những dự đoán và phân tích sâu! "Ai cũng hiểu cái nguyên nhân động lực của thế giới chiến tranh ngày nay là tại kinh tế từ khi cái chế độ cơ khí ở Âu Châu, Mỹ Châu thịnh hành, cái sức sinh sản của máy móc nhiều quá, lanh quá, nên phải cần có chỗ tiêu thụ và lấy nguyên liệu về. Thành thử các nước tư bản liệt cường họ mới đi tìm kiếm những thuộc địa, lãnh thổ, tô giới (...) để bán chạy hàng hoá và thu nhập nguyên liệu. Trong khi tìm kiếm đó thế nào lại khỏi gặp nhau, gặp nhau tất phải đánh nhau". Từ lập luận đó, Hải Triều khẳng định rằng "thế giới chiến tranh" tất sẽ xảy ra. Nằm trong mạch phân tích tình hình thế giới, Hải Triều đã giới thiệu Karl - Mars qua bộ sách Tư bản nổi tiếng, từ đó, ông lên án chủ nghĩa đế quốc quốc tế, trong đó có chủ nghĩa tư bản Mỹ, chủ nghĩa cải lương Quốc tế thứ hai; ông bênh vực Liên Xô và chính sách hoà bình nhân đạo của Liên Xô; ông bênh vực nhân dân lao động; ông chỉ ra sự tàn bạo của chiến tranh; ông tiên đoán, bình luận sự tan rã và khủng hoảng kinh tế cũng như sự mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngay khi Hội nghị kinh tế thế giới mở ra...
Ở trong nước, Hải Triều cũng quan tâm đến những vấn đề thời sự. Các bài: Vấn đề bầu cử ở Trung Kỳ, Duy tâm hay duy vật, Báo Tiếng Dân đứng giữa trời... được Hải Triều viết trong sự biện lý say sưa và giàu tính chiến đấu để tìm ra chân lý và vạch ra sự sai lầm, mơ hồ của những người trong cuộc tranh luận với mình, ông chỉ ra sự thiếu hệ thống, biện chứng và thiếu nền tảng triết học căn bản, hiện đại của một số người.
Có thể nói rằng, dù ở góc độ nào, ở sự kiện nào, Hải Triều cũng xuất phát từ lập trường tiến bộ, lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết Mác-Lênin làm nền tảng để tranh luận. Vào thời điểm những năm 30 của thế kỷ XX mà chịu suy nghĩ và săn tìm tài liệu tiến bộ như trên để học tập và ứng dụng là sự tiên phong và giác ngộ hiếm thấy; trong khi đó những luồng tư tưởng Thái Tây mới du nhập từ phương Tây sang và cái nền tư tưởng Nho - Phật - Lão, một số tư tưởng cải lương, bất bạo động hay các tư tưởng duy tâm cách mạng khác của Tôn Trung Sơn, Khang Hữu Vi - Lương Khải Siêu... chưa dễ mờ nhạt đối với mọi người, quả Hải Triều là người tiên phong giác ngộ và thực hiện có hiệu quả, mong từ bỏ một cách tiệm biến và đột biến những căn cốt của tư tưởng cũ để nhanh chóng tiếp thu tinh hoa theo tinh thần duy lý của các học thuyết tiến bộ, mácxít. Đọc tác phẩm Duy vật hay là duy tâm, Hồ Xanh đã viết: "Chúng tôi xin ngẩng mặt chào ông, một tên quân đã mặc áo kiện tướng, xung đột phá vòng vây bút chiến...". Trên các tờ báo có tiếng bấy giờ như: Tiếng Dân, Đông Phương, Tân Thanh niên tòng thơ, Phụ nữ tân văn, Tin Văn, Trung Kỳ, Tiến Bộ, Tao Đàn, Đời Mới, Công Luận, Sông Hương, Tràng An... đều là nơi để ông ngôn luận và bày tỏ lập trường, ước nguyện của mình khi có dịp. Có lúc ông còn đứng ra làm chủ bút tờ Nhành Lúa và sau này bị cấm thì ông cùng một số bạn cùng nhóm xuất bản tờ báo tiến bộ Kinh tế tân văn. Hoạt động báo chí của Hải Triều có thể nói rất sôi động, dũng cảm và có hiệu quả cao đối với đời sống chính trị xã hội lúc bấy giờ.
Chính những năm đầu làm báo này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về một Hải Triểu kiên định, tiên phong và giàu trí tuệ, bản lĩnh, giàu tính chiến đấu và nhân văn theo lập trường, tư duy mác xít.
2. Hải Triều - Nhà lý luận, phê bình văn học xuất sắc.
Như chúng ta đã biết, Hải Triều đến với lý luận, phê bình sau báo chí. Và khi nhập cuộc rồi thì cả 2 đều hỗ tương nhau phát triển một cách nhịp nhàng nhằm "xây dựng cho nền văn nghệ mới, một nền văn nghệ trực tiếp gắn vào các tầng lớp lao khổ, phục vụ trực tiếp cho công cuộc cách mạng" (Phong Lê) mà biểu hiện hùng hồn nhất là qua 2 cuộc bút chiến "Duy tâm hay duy vật" giữa ông với Phan Khôi và "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" giữa ông với Thiếu Sơn và Hoài Thanh. Từ đó, dấu hiệu của sự hiện đại hoá trong các lĩnh vực: văn học nghệ thuật, báo chí, ngôn ngữ và lý luận, phê bình, khảo cứu... đã định hình theo xu hướng ngày càng giải quyết tốt các so le vốn tồn tại trước đó lâu dài giữa chúng với hiện thực đời sốáng chính trị - xã hội. Có nghĩa là qua hai cuộc tranh luận trên, quá trình hiện đại hoá văn chương được khẳng định từng bước cùng với yêu cầu hướng văn chương vào những nỗ lực lớn của đời sống cách mạng bức thiết của dân tộc dựa trên cơ sở tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trên báo Đông Phương, với các bài: Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật, Cụ Sào Nam giải thích hai chữ văn học như thế là sai lầm... và trên báo Phụ nữ Tân văn với bài: Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm..., Hải Triều đã mở đầu cho phương pháp lý luận, phê bình duy vật. Ông nêu lên mối liên hệ giữa sự tiến hoá của nhân loại và sự tiến hoá của văn học trên cơ sở "nền kinh tế của xã hội biến đổi thì văn học cũng biến đổi theo" mà có lần trong bài Sự tiến hoá của văn học và sự tiến hoá của nhân sinh, ông đã nêu rõ. Nhân quan niệm của Phan Sào Nam về văn học, Hải Triều đã chỉ ra sự chưa xác đáng, nếu không muốn nói là sai lầm và không có điểm tựa của Phan Sào Nam khi ông chia văn thành 3 loại: "Văn của trời là thiên văn, văn của đất là địa văn” rồi con người "mô phỏng văn trời, văn đất mà thành ra văn người là nhân văn". Hải Triều cho rằng văn người sinh ra từ cuộc sống xã hội con người chứ không mô phỏng đất trời nào cả: "Văn học chính là cái biểu hiện của tư tưởng mà nhất là tình cảm của nhân loại đối với vũ trụ và nhân sinh. Phô diễn cái tình cảm, cái tư tưởng ấy trên tấm đá, trong lóng tre, trên mặt giấy...". Đến thuyết "Nghệ thuật vị nghệ thuật" của Phan Khôi thì Hải Triều tỏ ra phản đối quyết liệt. Ông cho rằng thuyết ấy thực ra là phản tiến hoá, "nó cũng chẳng giúp gì cho sự tiến hoá của nhân sinh", nó chỉ là thứ nghệ thuật cho một số hạng người nhàn nhã mà thôi. Sau này, tiến thêm một bước, nhân bài viết Hai quan niệm về văn học của Thiếu Sơn đăng tên Tiểu thuyết thứ bảy (số 38, ngày 16-2-1935), Hải Triều đã phản bác lại chủ trương "lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nghệ thuật" của Thiếu Sơn mà ông cho là gàn dở để thay vào đó bằng chủ trương "nghệ thuật là một cái sản vật của sự sinh hoạt xã hội", "nghệ thuật là một phương pháp để mà xã hội hoá tình cảm" (Boukharine) trong bài viết của mình: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh. (Đời Mới, số 3 ngày 24-3-1935 và ngày 7-4-1935). Bên cạnh đó, Hải Triều luôn đề cao nền văn nghệ mới, vì nó "tự nhận lấy cái trách nhiệm diễn tả tình cảm, tư tưởng của quần chúng và đề cao sự sinh hoạt của xã hội về tất cả mọi phương diện vật chất và tinh thần". Rõ ràng quan niệm của Thiếu Sơn cho rằng "Tôi không biết cải tạo xã hội là cái gì nhưng sự sống của tôi, tôi không cần các ông phải tô điểm" bị sụp đổ. Cuộc tranh luận đến thời khoảng này (1935 - 1939) có thêm tính chất mới, hình thành hai chiến tuyến, một là: Hải Triều, Hải Khách, Hải Vân, Hồ Xanh, Bùi Công Trừng...; hai là: Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều... dẫn đến bài viết: Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội của Hải Triều trên Tin Văn (số 6, ngày 1-9-1935) đáp lại bài Văn chương là văn chương của Hoài Thanh trên báo Tràng An (ngày 11-8-1935) "công kích" bài bình của Hải Triều về cuốn Kép tư bền của Nguyễn Công Hoan. Hải Triều, sau khi phân tích với lời lẽ hùng hồn quan niệm phiến diện của Hoài Thanh về cái đẹp trong nghệ thuật, đã nêu ra quan niệm của mình rằng: khi nói đến nghệ thuật phải chú ý cả hai phần: hình thức (forme) và nội dung (fond), chúng cùng "đắp đổi, bồi bổ cho nhau, không cái nào là thực thụ, cái nào là phụ thuộc". Rõ ràng, điều này trái với sự chú trọng ở hình thức tác phẩm nhiều hơn ở nội dung của phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Từ nhiệt tâm chủ trương xây dựng nền văn chương mới của nước nhà dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi như trên, mà kết cục của nó là lẽ phải, chân lý thuộc về Hải Triều và đồng nghiệp cùng chiến tuyến của ông. Dù không phải mọi lý lẽ của phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” trong hoàn cảnh bấy giờ đã giải quyết triệt để những vấn đề đặt ra và không phải mọi lý lẽ của phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” tất cả đều không có yếu tố hợp lý. Nhưng rõ ràng, tư tưởng đổi mới và nhiệt tình xây dựng nền văn nghệ mới theo quan niệm cách mạng vô sản và tư tưởng mác xít thì Hải Triều là người tiên phong giàu tâm đức và trí tuệ và ông đã chiến thắng.
Và để chứng minh cho quan niệm của mình, Hải Triều đã không ngừng phát hiện và ngợi ca những tác phẩm có nội dung tiến bộ trong và ngoài nước. Kép tư bền của Nguyễn Công Hoan là tác phẩm đầu tiên mà Hải Triều cho là "thuộc về cái triều lưu nghệ thuật vị dân sinh ở nước ta" được "biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngòi bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan" mà ông gọi là "nhà văn của hạng người khốn nạn" Tiếp theo là hàng loạt bài phê bình, giới thiệu của Hải Triều về các nhà văn tiến bộ nước ngoài như: Macxim Gorki, Henri Barbusse, Romain Rolland... và hàng loạt bài tựa, tiểu luận về nghệ thuật như: Văn học và chủ nghĩa duy vật, Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương, Bức thư thay lời tựa Lầm than - một tác phẩm của nền văn chương tả thực xã hội ở nước ta, Lời giới thiệu Trả lời cho một nhà trí thức của M.Gorki, và những bài sau 1945 như: Tựa cuốn sách Ngược đường số 9 của Hồng Chương, Nói chuyện thơ... được viết trong cảm hứng sáng tạo say mê và tư duy lý luận sắc sảo.
Tất cả những bài viết trên đều thống nhất ở cách đánh giá cũng như nguyên tắc cắt nghĩa hiện thực, quan niệm nghệ thuật về con người, về hình thức và nội dung... mà trong bài Nói chyện thơ đăng trên báo Thép Mới số ngày 10-1-1949 ông đã nói: "Sống, phải sống cái sống vĩ đại của nhân dân, phải cảm cái cảm sâu sắc của quần chúng, phải chiến đấu trong cái chiến đấu anh dũng của dân tộc mới nảy ra những vấn đề nóng hổi ấy". Nếu không phải là người có bản lĩnh, tiên phong; không phải là người có trí tuệ và tình cảm công dân tích cực thì không thể kiên trì đấu tranh và chứng minh cho những chân lý nghệ thuật đó.

Ngày nay, nhìn lại những gì mà Hải Triều - nhà báo và Hải Triều - nhà lý luận, phê bình đã đề xuất và giải quyết - xét ở những vấn đề cốt lõi, bản chất của chúng - rõ ràng Hải Triều xứng đáng nhận danh hiệu Nhà báo tiên phong, Nhà lý luận phê bình văn học tiên phong mà trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và Văn hoá Việt Nam, ông Trường Chinh đã nhận xét: "Đồng chí Hải Triều đã làm cho chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật". Còn với chúng ta, chúng ta yêu kính một con người, một sự nghiệp mà đến khi từ giã cõi đời vẫn gắng viết cho đồng nghiệp của mình những lời "tuyệt mệnh" đầy trách nhiệm và hoài bão: Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng.
H.T.H

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyện đi câu (31/07/2008)