Tạp chí Sông Hương - Số 157 (tháng 3)
Vua Khải Định - người phát hiện khu du lịch nghỉ mát Lăng Cô
16:13 | 11/08/2008
PHAN THUẬN AN.Nhiều người từng đến Lăng Cô hoặc nghe nói đến địa danh Lăng Cô, nhưng ít ai biết rằng vua Khải Định là người phát hiện ra khu du lịch nghỉ mát này.Có thể nói vua Khải Định là ông vua thích du lịch nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn (1802- 1945). Trong đời mình, nhà vua đã đi du lịch nhiều nơi tring nước và cả nước ngoài nữa.
Vua Khải Định - người phát hiện khu du lịch nghỉ mát Lăng Cô
Vua Khải Định

Ngay từ khi còn là một hoàng tử, vào năm 1909, ở tuổi 25, ông đã mở một chuyến đi du lịch trong Nam Bộ. Tại đây, ông đã đi tham quan Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Đức, Biên Hoà...
Ông lên ngôi vào tháng 5 - 1916. Sau đó hai tháng, tháng 7 - 1916, nhà vua liền mở một cuộc du lãm các thắng cảnh ở những huyện từ Huế đến đèo Hải Vân.
Qua tháng 9 - 1916, nhà vua “ngự giá” đi thăm tỉnh Quảng (1). Trong dịp này, vua đi tham quan Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, mỏ vàng Bồng Miêu v.v...
Sau đó gần hai năm, vào tháng 4 và 5 - 1918, nhà vua mở một cuộc tuần du dài ngày hơn ở các tỉnh thành phía bắc kinh đô Huế. Vua đi tham quan một số cơ sở sản xuất, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử ở Quảng Trị, Đồng Hới, Lũy Thầy (Quảng Bình), Đèo Ngang, Hà Tĩnh (đến biên giới Lào), Vinh (Nghệ An), bái yết lăng miếu tổ tiên nhà Nguyễn ở Gia Miêu Ngoại Trang, thăm Phố Cát (Thanh Hoá), Văn Miếu, Trường Viễn Đông Bác Cổ, Nhà Hát Lớn (Hà Nội), Sơn Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, hang động Kỳ Lừa, Nhị Thanh, Tam Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hải Dương, Hải Phòng, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long...(2).
Hai năm sau, vào tháng 8 -1920, nhà vua lại “ngự giá” vào Đà Nẵng để xem các chiến hạm của Pháp đang đậu tại đó (3)
Vào năm 1922, nhân cuộc “Đấu xảo Thuộc địa” (Exposition Coloniale) được tổ chức tại Marseille, trong đó có sự tham gia của Việt Nam, và nhận lời mời của Khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquier, vua Khải Định đã đáp tàu thuỷ qua Pháp, đi thăm thú ở nhiều nơi, kể cả việc đến xem 52 di vật có giá trị lịch sử rất cao liên quan tới thời Gia Long tại Hội Địa lý (La Société de Géographie) ở Paris (4). Chuyến du hành qua Tây đã kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 năm ấy.
Ngay trong chuyến “tuần tỉnh quan phong” đầu tiên vào mùa hè năm 1916, vua Khải Định đã phát hiện ra địa điểm du lịch nghỉ mát ở bãi biển Lăng Cô. Địa điểm này nằm cách Huế 66,5 km về phía nam và cách Đà Nẵng 40,5 km về phía bắc tính bằng đường bộ. Chính tại nơi đây, nhà vua đã nhận ra và đánh giá cao các cảnh đẹp tự nhiên ở bốn bề chung quanh: phía bắc là cửa biển Cảnh Dương (ở mũi Chân Mây), phía nam là Hải Vân Quan (ở núi Hải Vân), phía tây bắc là núi Phú Gia chập chồng, mờ ảo trong mây khói (ở bên kia đầm An Cư), và phía đông là sóng nước đại dương mênh mông, trong lành, mát mẻ. Chính tại điểm ngắm đó bên bờ biển, nhà vua đã thưởng thức, hưởng thụ được những ngày nghỉ thú vị và cảm thấy hưng phấn từ thể xác đến tinh thần.
Sau khi trở lại Hoàng cung Huế, vua Khải Định liền ban lệnh cho Bộ Công đưa vật liệu về Lăng Cô xây dựng một “hành cung” (5) để nhà vua nghỉ mát vào mùa hè, và thỉnh thoảng còn rước hai bà mẹ của vua, là bà Thánh Cung (mẹ đích) và bà Tiên Cung (mẹ ruột), về đây hóng mát và ngắm cảnh. Nhà vua đã đặt tên cho hành cung này là “Tịnh Viêm” (nghĩa đen: làm dịu sự nóng nực).
Sau đó gần 3 năm, cũng trong một dịp đứng ở điểm du lịch và nghỉ mát lý tưởng ấy, vua Khải Định lại xúc cảnh sinh tình và đã viết một bài văn có giá trị cao về mặt văn học. Áng văn “ngự chế” này đã được khắc vào bia đá, dựng ở Lăng Cô để kỷ niệm, nay vẫn còn nguyên tại chỗ.
Nay xin phiên âm và dịch nghĩa bài văn ấy như sau:
Phiên âm:
“Khải Định ngự chế Tịnh Viêm Hành Cung bi minh.
“Trẫm tức chính chi sơ niên hạ lục nguyệt, tuần tỉnh quan phong, loan dư nam chỉ, sở kinh sơn xuyên, mĩ bất chu lãm, thích phùng thử địa.
“Địa tùng Phú lĩnh, sa dư hoành thôi, thuỷ tiếp hải dương, giang đà hoàn nhiễu. Trùng loan lăng tiêu bảo kỳ hậu, cự hác vô tế lâm kỳ tiền. giáp Vân quan, bắc liên Dương khẩu. U thôn tịch ổ, xứ xứ bích thọ hồng hà, phù chử hạc đinh, vãng vãng tiều thanh ngự trạo. Quan hồ sơn, tắc kỳ vân xuất tụ, như bồng vũ chư tiên, thủ ư thuỷ, tắc thanh phong kích đào, như hải triều vạn mã. Ư thị, đình dữ tứ cố, tra mục ngu quan, nhi khí giai, nhi phong hoà, nhi cảnh hi, nhi vật tú. Chung mâu lương cửu, bất giác mãn thân sinh lương, viêm kháng đô tịnh, đào nhiên xúc cảnh nhi hứng hoài.
“Hồi loan chi nhật, tức sắc Công Bộ để xứ tương lập dinh kiến hành cung, mạng danh viết Tịnh Viêm Hành Cung, vi thạnh hạ thừa lương chi sở, dĩ thời phụng Lưỡng Cung ngự lâm tị thử, tịnh phụng quan kỳ lãm thắng, hạnh phụng gia ngu. Tắc phi duy Trẫm thừa hoan thanh chức chi nhất trợ, nhi thả thừa lương thắng trí diệc nghi lưu ký. Ư dĩ lặc thạch vi minh.
“Khải Định tứ niên nhị nguyệt nhị thập tứ nhật”.
Tạm dịch:
Bài văn bia Hành cung Tịnh Viêm do vua Khải Định ngự chế.
Vào tháng sáu mùa hè năm đầu Trẫm mới lên ngôi (1916), nhân dịp đi tuần du trong tỉnh để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía Nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này.
Ở đây, đất liền núi Phú (6), bãi cát giăng ngang, nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía Nam giáp với Hải Vân quan, phía Bắc liền với cửa biển Cảnh Dương. Thôn yên đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng, bãi hạc đầm cò, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy những cụm mây kỳ ảo bay lên từ hang hốc như các tiên nữ đang múa ở non bồng, nhìn xuống nước thì gió trong xua sóng chạy, như muôn ngựa cùng chầu về trên biển. Bấy giờ mới dừng xe loan trông ra bốn phía, nhìn rõ càng vui mắt, thấy nào là khí lành, nào là gió dịu, nào là cảnh vui, nào là vật đẹp. Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra, và xúc cảnh sinh tình.
Đến ngày quay xe trở về, liền ban sắc bảo Bộ Công đến đó xây dựng hành cung, đặt tên là hành cung Tịnh Viêm, để làm nơi nghỉ mát giữa mùa hè và thỉnh thoảng rước hai Hoàng Thái hậu (7) về tránh nóng và ngắm cảnh. Khi đến đó, các ngài cũng cảm thấy hài lòng.
Vậy thì đây không phải chỉ là nơi giúp riêng một mình Trẫm vui thú lúc rảnh rang, mà còn cần phải ghi chép để lưu lại về sau một nơi nghỉ mát và một thắng cảnh. Vì thế cho nên làm bài văn này để khắc vào bia đá.
Ngày 24 tháng 2 năm Khải Định thứ 4 (8).
Về các thực thể địa lý và thắng cảnh được tác giả bài văn bia mô tả trên đây, chúng ta đều có thể kiểm chứng và cảm nhận rất rõ trên thực địa ngày nay.
Như vậy, lúc sinh thời, vua Khải Định đã du lịch đến rất nhiều nơi, trong đó có 3 Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới của Việt Nam là Huế, Hội An và vịnh Hạ Long. Và, nếu mãi đến năm 1932, ông Girard (Kỹ sư trưởng người Pháp thuộc sở Công chánh Trung kỳ đóng tại Huế) mới phát hiện ra khu du lịch nghỉ mát Bạch Mã, thì trước đó 16 năm, vào năm 1916, vua Khải Định đã phát hiện ra khu du lịch nghỉ mát Lăng Cô.
P.T.A

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 


....................................
(1) Nguyễn Bá Trác, Hoàng Việt Giáp tý niên biểu, bản dịch của bửu cầm và các cộng tác viên, Bộ quốc gia Giáo dục xuất bản, 1963, tr.361.
(2) Richard Orband, Voyage de S.M. Khải Định dans le Nord - et au Tonkin , B.A.V.H, 1918, tr.139 -182.
(3) Nguyễn Bá Trác, Sách đã dẫn, tr.366.
(4) A. Salles, Visite de LEmpereur d à la Societé de Géographie, BAVH,1992, tr.321 - 336.
(5) Hành cung; Những cung điện đình tạ được xây dựng ở bên ngoài hoàng Thành để vua và hoàng gia đến nghỉ ngơi, tiêu khiển.
(6) Núi Phú: Tức là núi phú Gia, nơi có đèo phú gia trên quốc lộ 1A. Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết rằng: “Núi Phú Gia nằm cách huyện lỵ của huyện Phú lộc 48 dạm về phía đông nam. Thế núi chập chồng, phía bắc liền với núi thạch Bàn, phía đông gần với núi Hạ Lĩnh, đều là những nơi có đường trạm đi qua. Vào đầu thời gia Long (1802 - 1819), có xây bậc đá để tiện đi lại. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (18370, cho hạ thấp đèo Phú Gia xuống 1 trượng (hơn 4 m) và đèo Hạ Lĩnh xuống 7 thước (gần 3 m). Cả hai đường đèo đều rộng 2 trượng (khoảng 8,5 m). ở phía nam núi Phú Gia là làng lập An, Đường cát khó đi” (Đại Nam nhất Thống Nhất Chí thời Duy Tân, bản chữ Hán, quyển 2, Thừa Thiên phủ, tờ 27 ab. Tham khảo thêm: bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1961, tập thượng, tr.57.
(7) Hai Hoàng Thái hậu: dịch từ chữ Lưỡng cung, nghĩa đen là hai toà cung điện. Hai bà Thánh Cung (Nguyễn Thị Nhàn) và tiên cung ( Dương Thị Thục) đều là vợ của vua đồng Khánh(1886 - 18880, thân phụ của vua Khải Định. Bấy giờ, bà thứ nhất sống tại cung Diên Thọ và bà thứ hai sống ở cung Trường sanh trong Hoàng Thành Huế, nên thường được gọi một cách vắn tắt là Lưỡng Giang.
(8) Tức là ngày 25 - 3 - 1919.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vượt cạn (11/08/2008)