Tạp chí Sông Hương - Số 157 (tháng 3)
Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ của V.Hugo
15:47 | 12/08/2008
LẠI MAI HƯƠNGTiểu thuyết Những người khốn khổ có một số lượng nhân vật nữ rất đông đảo, nhưng mỗi nhân vật mang một sức sống riêng, một sinh lực riêng bởi nghệ thuật xây dựng các nhân vật này không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết sẽ đi vào khảo sát một số nữ nhân vật tiêu biểu, bước đầu thử tìm hiểu thủ pháp xây dựng và cái nhìn của Hugo đối với loại nhân vật này.
Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ của V.Hugo

1."Khi nói đến nhân vật của Hugo người ta ít nói đến điển hình, mà thường nói đến những "trừu tượng hoá sinh động", những "hình tượng lý tưởng"..."(1). Các nhân vật nữ chính Những người khốn khổ cũng được viết theo kiểu quen thuộc ấy.
Nói đến nhân vật nữ trong Những người khốn khổ, có lẽ khi gấp trang sách lại, người ta nghĩ ngay đến Fantine - "bông hoa mọc lên từ quần chúng". Tên của Fantine được dùng làm tiêu đề cho phần thứ nhất của cuốn truyện mặc dù nàng chỉ xuất hiện trong khoảng gần 70 trang sách (chiếm gần 1/7 số trang của Phần 1). Nàng xuất hiện lần đầu tiên với tư cách là thành viên của một nhóm bốn cô thiếu nữ cặp kè cùng Bộ tứ công tử khá nổi tiếng thời đó. Trên cái nền là ba cô bạn gái của mình, rõ ràng Fantine có một sự nổi trội về vẻ đẹp thanh khiết, về sự đoan trang, trong trắng... Nét phác họa về "Tay tư và tay tư" có tổng số trang là 12 thì riêng lai lịch, sắc đẹp và tính cách của Fantine đã chiếm tới 4 trang. Và đó cũng là lần duy nhất Hugo miêu tả nàng kỹ đến thế. Hầu hết số trang còn lại tái hiện quãng đời bất hạnh của nàng, có lẽ vì thế mà, nhớ đến Fantine, người ta không nhớ nhiều đến sắc đẹp của nàng, mà người ta nhớ nhiều hơn cả đến tình mẫu tử thiêng liêng nơi nàng. Nói cách khác, người ta nhớ đến một NGƯỜI MẸ.. Tình thương con đã chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của Fantine. Cảm động thay cái cảnh một người mẹ bán tóc, bán răng - những tài sản duy nhất - của mình lấy tiền với niềm vui: "Ta đã lấy tóc dệt cho con mặc", "con tôi sẽ không chết vì cái bệnh ác nghiệt ấy nữa vì có thuốc rồi". Hugo tái hiện rất thành công và sâu sắc tâm trạng lạ lùng của Fantine mỗi khi nàng nhận thư của vợ chồng Thénardier gửi đến đòi tiền: nàng đọc đến nhàu nát những bức thư trong đó báo tin con nàng bị rét vì thiếu áo, bị bệnh mà không có tiền mua thuốc... nàng cười rộ lên như điên hoặc chạy ra phố, vừa chạy vừa cười khanh khách... Với nhân vật này, Hugo ít đi sâu vào miêu tả tâm trạng, không có độc thoại nội tâm mà chỉ có những hành động. Người phụ nữ khốn khổ ấy vì con, cuối cùng đã phải tự nhủ "đành bán nốt vậy" và đi làm gái điếm. Trước cảnh ấy, nhà văn phải thốt lên một cách xót xa:"Hỡi ơi, những vận mệnh bị xô dồn như thế là thế nào nhỉ? Họ bị đẩy đi đâu? Vì sao lại thế". Giữa cảnh bùn nhơ mà Fantine bị đẩy vào, nàng sáng ngời lên như một biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng, biểu tượng về tấm lòng của người mẹ.
Ngoài Fantine, trong tác phẩm còn hai người mẹ nữa nhưng họ không phải là biểu tượng của tình mẫu tử như nàng. Mụ Thénardier - mẹ của năm đứa trẻ - là một người đàn bà thuộc lớp người có hoà lẫn vài thói hư của những người lớp dưới với hầu hết những tật xấu của tầng lớp trung gian trong xã hội. Mụ có "bản chất thô bạo phũ phàng", "có triển vọng tiến không cùng trong tội ác". Tình cảm của một người mẹ trong mụ cũng thật quái gở: mụ "yêu tha thiết hai đứa con của mình nên mụ rất ghét con người ta". Đã thế, mụ chỉ dành tình thương yêu cho con gái, còn lũ con trai, tuy đẻ ra nhưng mụ lại căm ghét chúng. Đứa thì mụ vứt ra đường phố, đứa thì bán cho người khác nuôi. Vợ chồng mụ là những kẻ bất lương đã đánh cắp tuổi thơ của một đứa trẻ, đã góp một phần không nhỏ làm nên tấn bi kịch của Fantine. Mụ xuất hiện ở 3 phần đầu của tác phẩm nhưng số trang dành cho mụ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Dường như nhân vật này chỉ là sự bổ khuyết cho hình tượng gã Thénardier. Đặt cạnh nhau, chúng trở thành một cặp hoàn hảo bất lương trọn vẹn.
Người mẹ thứ ba là Magnon (chỉ xuất hiện thấp thoáng trong tác phẩm), người mua hai đứa trẻ của Thénardier (thực ra là dùng chúng để kiếm tiền). Magnon vốn là mẹ của hai đứa trẻ mà mụ vẫn nói đó là con của lão Gillenormand, hàng tháng lão phải cấp tiền nuôi chúng. Khi hai đứa bé chết vì một căn bệnh, mụ thế hai đứa con trai của Thénardier vào trong khi lão Gillenormand không hề hay biết, vẫn phải cấp tiền đều đạn. Cũng không thể dám chắc tình mẫu tử của Magnon mạnh đến mức nào. Cả mụ Thénardier và Magnon đều không có độc thoại nội tâm, bản tính không hề thay đổi từ đầu đến cuối. Những nhân vật này được đưa vào tác phẩm như những nhân vật chức năng (kiểu như ông tiên hoặc mụ phù thuỷ trong những truyện cổ tích).
Biểu tượng một em bé mồ côi được Hugo tập trung khắc họa trong hình tượng Cosette thuở nhỏ. Tên em được dùng để đặt cho phần thứ II mặc dù em đã xuất hiện ở phần thứ nhất và còn tồn tại đến hết truyện. Phần II là lúc Cosette phải đi ở cho nhà Thénardier. Hugo đã dùng một trường đoạn đài đến 50 trang chỉ để kể lại một buổi tối của Cosette: Em phải đi lấy nước giữa đêm đông trong rừng, đan bitất cho con nhà chủ trong khi mình ăn mặc rách rưới, đi chân đất, luôn bị mắng chửi... Rời vòng tay mẹ lúc gần ba tuổi, em đẹp như một tiên đồng. Nhưng sống cùng vợ chồng Thénardier mấy năm, Cosette trở nên xấu xí, rách rưới. Bị thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần lại luôn luôn bị hành hạ nên lúc nào Cosette cũng "run lẩy bẩy, lúc nào cũng sợ sệt, giật mình", em giống như một con sơn ca nhưng "không bao giờ hót cả". Miêu tả cuộc sống của Cosette, Hugo dùng rất nhiều câu cảm thán với lòng xót thương vô hạn: "Khốn nạn, con Cosette ở nhà mụ thì hết bao nhiêu chỗ...", "Năm tuổi, ai tin được! Than ôi, thế mà quả có vậy...", "Thật đã não lòng", "Tội nghiệp con sơn ca...",...khác hẳn khi miêu tả Gavroche, Hugo luôn "giữ một khoảng cách e dè" với đứa trẻ bị ruồng bỏ ấy" (2). Những hành động thơ ngây có thể là bình thường với những em bé khác, nhưng ở Cosette lại làm cho người đọc rớt nước mắt: dùng một thanh kiếm nhỏ làm búp bê; mải ngắm đồ chơi ngoài cửa hàng quên cả việc; trong ngày Chúa giáng sinh em cũng để chiếc guốc của mình bên lò sưởi nhưng trong khi trong giày của hai đứa con nhà chủ có quà thì chiếc guốc xấu xí của em không có gì cả... Hình tượng Cosette luôn luôn được đặt cạnh Eponine và Azelma (các con gái của mụ Thénardier) trong một sự tương phản, giữa một bên thì khổ cực, một bên thì sướng như tiên; một bên xinh xắn, áo quần sang trọng, một bên xấu xí, rách rưới; một bên luôn nhận được sự vuốt ve âu yếm, một bên chỉ nhận những lời mắng chửi, đánh đập; khi hai đứa trẻ kia chơi đùa thì Cosette cặm cụi làm việc. Sự tương phản ấy làm nổi bật tuổi thơ cay đắng, khủng khiếp của Cosette hơn bất cứ một sự miêu tả nào. Nhưng Cosette cũng là nhân vật nữ duy nhất trong tác phẩm được Hugo ưu ái dành cho một kết thúc có hậu như Cổ tích: sau này, nàng sống đầy đủ, sung sướng bên người cha nuôi yêu thương nàng rất mực, và cuối cùng lại được sống hạnh phúc bên người mình yêu. Điều đặc biệt là khi nhớ về Cosette, người đọc thường nhớ về con sơn ca nhỏ bé không bao giờ hót thuở nhỏ hơn là nhớ đến một nàng Cosette xinh đẹp hay tước phu nhân Pommerci khi nàng lấy chồng.
Cùng tuổi với Cosette và có một thời thơ ấu chung một mái nhà với Cosette, Eponine là nhân vật đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Cô bước vào tác phẩm từ phần thứ nhất, lúc đó còn là một cô bé ba tuổi. Nhưng phải sang phần thứ ba, khi là đã thiếu nữ, Eponine mới trở thành một hình tượng thực sự. Thuở nhỏ, trong sự sung sướng, nuông chiều nàng là đứa trẻ xinh đẹp, "tuổi này là rập khuôn của người mẹ" nên cô bé Eponine cũng đối xử với Cosette độc ác như mẹ. Lớn lên, cảnh nhà sa sút, Eponine trở thành cô gái có vẻ táo tợn, liều lĩnh của những cô gái đường phố. Vẻ bên ngoài của cô được miêu tả chủ yếu từ điểm nhìn của Marius, tuy nhiên ta khó mà xác định được cô đẹp hay xấu xí vì hai lần cô xuất hiện với hai dáng vẻ khác nhau. Lần đầu tiên, Marius nhìn thấy cô "xanh xao, gầy gò, hốc hác... hai vai gầy, giơ cả xương ra ngoài áo. Nước da nhợt nhạt, xương vai xám xịt, bàn tay thì đỏ bầm, miệng mất mấy cái răng, con mắt đục, táo tợn nhìn ngược. Cô có dáng một thiếu nữ cằn cỗi và cái nhìn của một mụ già dày dạc, năm mươi tuổi pha với mười lăm", nhưng một lần khác "cô nghèo đi mà lại đẹp thêm... Mấy cọng rơm lẫn trên mái tóc của cô bé. Không phải như Ôphêlia điên dại vì lây cái điên dại của Hămlet mà chỉ vì cô đã chui vào ngủ trong một đống rơm chuồng ngựa nào đó. Với tất cả hình dung như thế, cô bé vẫn đẹp. Ôi! tuổi xuân sao mà thần tiên thế!". Eponine không giống như Cosette, nàng được miêu tả ở khá nhiều điểm nhìn nhưng dù qua mắt của một người đi đường, hay bà giúp việc, qua mắt Jean Valjean hay Marius (kể cả khi bắt đầu để ý nàng hay đã cưới nàng làm vợ, hoặc qua chính mắt Cosette khi nàng soi gương vẫn chỉ là một vẻ đẹp rực rỡ như nhau. Không giống như Fantine, tuy trở thành gái điếm vẫn giữ được bản chất trong sáng ban đầu, Fantine thuộc hệ thống những nhân vật chính diện, được ngợi ca, Eponine bị biến chất theo hoàn cảnh, trong cô có cả mặt xấu và mặt tốt đan xen. Khó có thể xác định cô là nhân vật chính diện hay phản diện, chỉ có điều cô cũng là nạn nhân của xã hội đương thời.
Eponine yêu Marius và vì tình yêu đó, cô có những hành động tưởng như mâu thuẫn: biết Marius yêu Cosette nhưng để chàng vui, cô cố gắng tìm ra địa chỉ của Cosette cho chàng; ghét Cosette nhưng vẫn liều chết bảo vệ căn nhà nàng khi nhóm Patron-Minette định tấn công; muốn tách Marius và Cosette, muốn cùng Marius chết trên chiến luỹ nhưng lại lấy thân mình đỡ dạn cho chàng và trước khi chết còn kịp đưa cho Marius bức thư của Cosette. Ở khía cạnh này, có thể liên tưởng giữa Eponine và Quasimodo (Nhà thờ Đức Bà Pari), những nhân vật không được tình yêu đáp lại, họ đã hy sinh cho người mình yêu. Xét điểm này, có thể nói Eponine là biểu tượng của sự hy sinh cho tình yêu, dù ở đây chỉ là tình yêu đơn phương, Eponine tắt thở, cô đã được giải thoát, được "gột rửa" trong cuộc cách mạng vĩ đại giống như Gavroche, em trai cô. Đó là cái nhìn hết sức nhân đạo của Hugo đối với những tuổi thơ bất hạnh.Quãng đời ngắn ngủi và bất hạnh của Eponine khép lại nhưng người con gái này sẽ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong người đọc. Một diễn viên đóng vai Eponine trong bộ phim Những người khốn khổ đã phát biểu khá chính xác về ý nghĩa biểu tượng của nhân vật này: "Tôi không chắc rằng Hugo đã muốn xây dựng ở đây một phụ nữ. Tôi thấy hình như cô ấy thuộc về thế giới trẻ thơ nhiều hơn, cô là hình tượng phát triển từ em cô, Gavroche và là ảnh họa của nó. Như thể cậu bé chưa đủ để cho tác giả vẽ nên tuổi thơ can đảm và bị đọa đày" (3). "Từ môtip trẻ thơ trong văn học lãng mạn tượng trưng cho sự trong trắng trong cuộc đời, đến các nhân vật trẻ thơ đi qua một số tiểu thuyết của Hugo có quãng cách thật là xa. Dấu ấn trên các gương mặt vô tội này là nanh vuốt của sự bần cùng hoá tư bản chủ nghĩa. Vì là phụ nữ, Eponine còn khốn khổ hơn Gavroche. Cô là "con mồi dễ dàng của mọi cái ác. Vì quá nghèo, cô không được đền đáp trong tình yêu, vì điều kiện sống, cô bị giam cầm trong tội ác, vì thất tình cô đem thân mình che mũi súng nhằm vào Marius và như vậy cô sẽ cũng chẳng được chiến đấu cho tự do.(4)
2. (Để tạo nên những "biểu tượng" theo ý mình, khi xây dựng hầu hết những năm nhân vật, Hugo đều miêu tả bằng bút pháp thuần tuý lãng mạn. Những nhân vật này được lý tưởng hoá cao độ theo ý muốn chủ quan của nhà văn: Linh mục Myriel nhân từ đến mức bênh vực kẻ đã ăn cắp trong nhà mình, lại cho hắn luôn những thứ hắn ăn cắp. Nhờ vậy ông cảm hoá được tên tù khổ sai, sau này hắn trở thành một ông thánh. Hugo đã khắc họa Myriel như biểu tượng của sự cứu rỗi linh hồn. Jean Valjean chỉ vì một câu nói, một hành động cao quý ấy của ông mà thay đổi hoàn toàn. Suốt quãng đời còn lại, anh luôn làm những việc thiện, hy sinh cả hạnh phúc của mình vì người khác. Jean Valjean là biểu tượng sáng ngời của sự tu thiện cá nhân. Hoặc như Enjolras - lãnh đạo nhóm ABC - được miêu tả bằng những áng văn rất bay bổng, rất giàu chất thơ. Hình thức, nhân cách và cái chết của anh tưởng chừng không bao giờ có thật ngoài đời. Anh là biểu tượng của người anh hùng cách mạng lãng mạn nổi bật trong cuộc khởi nghĩa vĩ đại tháng 6 năm 1832... Ngay cả nhân vật phản diện trong tác phẩm cũng được lý tưởng hoá cao độ: Javert là biểu tượng của luật pháp hà khắc của xã hội tư sản Pháp đương thời, hắn được miêu tả là một kẻ thừa hành luật pháp mẫn cán đến mức "ví thử cha hắn vượt ngục, hắn cũng cứ bắt, mẹ hắn phạm pháp, hắn cũng cứ tố cáo... Hắn là hiện thân của nhiệm vụ cứng rắn, của an ninh khắc nghiệt, là một anh lính canh phòng không nể nang, là một thứ lương thiện đáng sợ, là một tên tố giác lạnh lùng, là công lý dưới mặt mũi một hung thần"... Thật khó tin trong đời sống hiện thực lại có những con người như thế. Tuy nhiên, với tài năng của nhà văn, những nhân vật này vẫn rất hấp dẫn và giàu sức thuyết phục).
3. Trong khi đó, ở những nhân vật nữ, màu sắc lãng mạn rất ít. Họ chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của ngoại cảnh và có sự phát triển phù hợp với logic hiện thực cuộc sống. Vì thế, những nhân vật này có một vẻ sinh động và một sức hấp dẫn riêng.
Fantine thuộc kiểu nhân vật "nhất phiến" như nhiều nhân vật khác của Hugo nhưng nàng cũng chịu tác động không nhỏ của ngoại cảnh. Khi còn hạnh phúc, sung sướng, nàng rất xinh đẹp với "vàng xếp trên mái tóc, ngọc giắt ở sau môi" nhưng một khi lâm vào bước đường cùng thì vẻ đẹp ấy không còn nữa. Lúc đó, nàng chỉ còn là một cô gái điếm đầu trọc lóc với "tiếng chửi rủa khàn khàn vì rượu văng ra từ một cái mồm đen ngòm thiếu hai cái răng". Và một kết thúc tất yếu là Fantine phải chết, nàng đã quá kiệt sức vì nỗi đau khổ đè nặng cuộc đời mình, thêm vào đó là sự vất vả kiếm sống, bệnh tật liên miên. Cái chết của Fantine không giống cái chết của Javert, cái chết của hắn là một sự thể hiện tư tưởng của tác giả: cái Thiện chiến thắng cái Ác. Còn cái chết của Fantine lại tuân theo logic hiện thực cuộc sống.
Đối với nhân vật Cosette, tuy quãng đời sau của nàng rất lãng mạn, tuy Hugo rất ưu ái nàng, nhưng không vì thế mà Cosette được xây dựng hoàn toàn bằng bút pháp thuần tuý lãng mạn. Thuở nhỏ, trong cảnh sống khổ cực, Cosette cũng xấu xí, rách rưới, "gầy còm, xanh xao". "Chịu đựng lắm bất công nên con bé hoá ra cảu nhảu, đói khổ quá nó hoá ra xấu xí... con bé không lớn hơn con chim, run lẩy bẩy, lúc nào cũng sợ sệt, giật mình...". đó là một tất yếu không thể khác.
Điều này càng thể hiện rất rõ qua "bông hồng trong nghèo đói" Eponine. Cô bé thủa nhỏ xinh đẹp là thế, lớn lên trong nghèo đói, cô trở nên hoàn toàn khác. Hoàn cảnh sống tác động cả vào dáng vẻ bên ngoài cũng như tâm hồn và bản tính bên trong. Eponine là nhân vật mang nhiều nét hiện thực nhất trong tác phẩm và cũng là nhân vật đa dạng nhất như trên đã phân tích.
Bằng sự kết hợp tài tình giữa hiện thực và lãng mạn, Hugo đã tạo nên những hình tượng văn học bất hủ.
4. Bên cạnh những nhân vật chính trên, tiểu thuyết đồ sộ này còn rất nhiều nhân vật phụ. Hầu hết các nhân vật này đều được xây dựng rất sinh động từ nguồn gốc, hoàn cảnh đến tính tình, dù thời gian xuất hiện của họ dài hay ngắn, vai trò tác động của họ đến nội dung tác phẩm lớn hay nhỏ. Những nhân vật này được giới thiệu bằng nhiều cách khác nhau.
Có khi họ xuất hiện với tư cách là thành viên của một nhóm nhưng mỗi người lại có một nét riêng biệt, một sức sống riêng. Điểm quen thuộc của Hugo là sau khi để cho họ xuất hiện, ông sẽ lần lượt phác họa chân dung từng người. Sau đó mỗi người sẽ được bổ khuyết dần qua những lời nói và việc làm ở từng hoàn cảnh cụ thể. Kiểu nhân vật này có Favourite, Zéphine, Dahlia - những cô gái cùng với Fantine cặp kè với Bộ tứ năm 1817 hình thành "tay tư và tay tư" trong những cuộc đi chơi.
Có khi sự tồn tại của họ phụ thuộc vào một tập thể nhân vật đông đảo khác, bản thân họ không tách riêng một mình, kiểu như các nữ tu trong nhà tu Picpus, tập thể nữ công nhân trong xưởng của ông Madeleine...
Có nhiều nhân vật tồn tại theo từng cặp mà ở đấy "dường như nhân vật này là phóng đại từ cái bóng của nhân vật kia", nhân vật này làm cho nhân vật kia nổi rõ hơn. Em gái và bà giúp việc của ông Myriel, Eponine và Azelma, hai bà xơ Simplice và Perpétue... là những cặp nhân vật như thế. Có những cặp nhân vật không phải là tồn tại cùng nhau như vậy nhưng họ cùng xuất hiện ở một thời điểm và có cách cư xử hoàn toàn trái ngược nhau: mụ Victurnine xấu xa hãm hại Fantine còn bà cụ Marguerite phúc hậu lại giúp đỡ nàng. Có lẽ trong các nữ nhân vật phụ, ngoài mụ Thénardier, mụ Victurnine có tác động lớn nhất đến tình tiết tác phẩm.
Ngoài những nhân vật kể trên còn nhiều nhân vật khác như: bà Toussaint, mụ Burgon, dì của Marius, bà giám thị trong xưởng của ông Madeleine, bà chủ quán rượu Hucheloup... song tất cả họ chỉ là lực lượng bổ trợ tạo tình huống cho cốt truyện tiếp tục phát triển. Tuy thế ta có thể nắm rất rõ về từng nhân vật vì họ thường được Hugo dừng lại để giới thiệu khá kỹ.
Cả thế giới nhân vật trong tác phẩm đều sinh động, giàu sức sống dưới phong cách nghệ thuật phong phú của Hugo.
5. Những nhân vật phụ nữ bên trên (Fantine, mụ Thénardier, Eponin, Cosette, Azelma, mụ Magnon...) ít nhiều đều mang sắc thái của "đám bụi người" trong cái đám đông mênh mông những kiếp người của thiên tiểu thuyết" vừa là chính kịch vừa là sử thi" của Hugo. Là phụ nữ, họ không được Hugo xây dựng như những người anh hùng, song gương mặt của họ ám ảnh độc giả sâu xa hơn và nhân loại hơn. Những cuộc chính biến dường như vẫn đi qua bên lề của đời họ, nhưng không vì thế mà nó không ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của những Cosette, Eponine (Marius của Cosette suýt bỏ mạng và đã được Jean Valjean cứu; còn Eponine chết trên chiến luỹ, theo chúng tôi, đó là do viên đạn "lạc", không nhằm vào nàng mà nhằm vào trái tim yêu của nàng: biểu tượng cao nhất của Hugo về yêu và bị ruồng bỏ, kiểu như nàng tiên cá của Andersen đã hi sinh giọng hát mê li để yêu và đã tan thành bọt biển. "Với lại... hình như em cũng có đem lòng yêu ông" là câu nói cuối cùng của Eponine với Marius sau những tiếng thở khò khè hấp hối. Theo giáo sư Đặng Thị Hạnh: "Eponine là nhân vật nữ duy nhất được lên chiến luỹ cũng là gương mặt đa dạng nhất của Những người khốn khổ và có lẽ của tiểu thuyết Hugo" (5). Đồng thời: "Từ quyển nọ qua quyển kia, Hugo khắc hoạ rồi lại huỷ hoại, ngợi ca rồi lại hành hạ thiếu nữ này" (6).
Fantine là biểu tượng của sa đoạ, nhục nhằn, bị lạm dụng và bị ruồng bỏ của mọi người phụ nữ không may xưa nay. Cả Fantine, cả Cosette đều không có tên họ, bởi "đừng hỏi tên họ của một kẻ đi xin chỗ trú thân" - họ là cái "Vô danh" trong cái "Vô biên" của cuộc đời. "Nàng hứng một cái tên như người ta hứng một giọt mưa trên trời rơi xuống".
Mụ Thénardier là biểu tượng của phù thuỷ hiện đại, đan xen giữa ánh sáng và bóng tối: vừa là người mẹ vừa là ác nhân. Để cho mụ chỉ yêu những đứa con gái và loại bỏ các con trai, Hugo dường như muốn nhấn mạnh đến một kiểu người mẹ thiếu hoàn hảo.
Giáo sư Đặng Anh Đào đã nhận định rằng nhân vật của Hugo không còn hoàn toàn rạch ròi giữa ba tuyến: Nạn nhân - Kẻ hung bạo - Vị cứu tinh. Giáo sư đã nhắc đến sơ đồ của Yves Gohin về mối liên hệ của bốn hình tượng: A- kẻ bị loại bỏ, B- đối tượng của tình yêu, C-kẻ nắm quyền lực, D-kẻ hung đồ. Trong Những người khốn khổ sơ đồ này đã bị phá vỡ: trong Fantine, Thénerdier có cả A và D; trong Cosette có A (thủa nhỏ) và B (7).
Từ sơ đồ đó, ta thấy Eponine vừa là nạn nhân, vừa là vị cứu tinh, đồng thời vừa là kẻ bị loại bỏ...
Bởi thế chăng, mà những Eponine, Fantine, Thénardier mẹ, và phần nào Cosette "người đàn bà ngồi trước dương cầm" sau này vẫn ám ảnh người đọc suốt trên một thế kỉ rưỡi nay.
Hà Nội, tháng 11 năm 2001
L.M.H

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 


-----------------------------------------------
* Các trích dẫn tác phẩm trong bài viết đều lấy từ Những người khốn khổ, Nxb Văn Học,1986, do Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu dịch.
(1)(2)(3)(4)(5)(6) Đặng Thị Hạnh,
Tiểu thuyết Victo Hugo, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, (bài Những người khốn khổ vừa là chính kịch vừa là sử thi).
(7)
Văn học phương Tây, Nxb.Giáo dục, 1997, tr.497. (Nhiều người viết)

Các bài mới
Các bài đã đăng