Tạp chí Sông Hương - Số 158 (tháng 4)
Hoàng Phủ Ngọc Tường - Người hái phù du
16:02 | 18/08/2008
THANH THẢOHoàng Phủ Ngọc Tường có tập thơ "Người hái phù dung". Hoa phù dung sớm nở tối tàn, vẫn là loài hoa hiện hữu trong một ngày.

Nhưng đọc thơ Tường, tôi nghĩ anh là người hái phù du. Phù du không nở không tàn, lúc có không, hiện hữu đó mà vô thường đó, mới là loài hoa mà "loài" thi sĩ hái được trong thế giới hiện đại này. Nghĩ như thế thì dễ sống hơn, dù ai cũng biết đã dám tự nhận mình là nhà thơ là đã dám nhận lãnh một sứ mạng, dẫu sứ mạng ấy cũng là phù du:
            "Ta tìm lại trong hình hài hoá bướm
            Chút tự do quả thực trên đời
            Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng
            Núi thông nhiều, ta hãy rong chơi "bài ngâm 'đùa chơi"
Chỉ vì một "chút tự do" không phải cho riêng mình, không chỉ cho riêng mình, HPNT - nhà thơ và nhà giáo ấy đã bỏ viên phấn trắng lại giảng đường với lời tạ từ đơn giản: "Đừng hỏi nữa em ơi! Thầy lên đường đánh Mỹ". Tôi nghĩ, kể từ giờ phút ấy, HPNT chính thức là nhà thơ, biết dấn thân và cũng biết chấp nhận. Mùa xuân 1971, trong một đêm giữa rừng Trường Sơn, tôi đã nghe Đài Tiếng nói VN đọc bài thơ tôi đi trên những con đường rừng cũ của HPNT. Phải nghe bài thơ này giữa rừng Trường Sơn mới cảm hết được sức ám ảnh của nó. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hai câu thơ trong bài ấy:
            "Hai mươi năm dài trên trán mẹ
            Những con đường rừng vẽ nét ưu tư"
Vầng trán mẹ và vầng trán Trường Sơn, những nếp nhăn ưu tư và những con đường mòn vô định dưới những tầng lá, những hình ảnh mờ chồng ấy vừa lặng lẽ vừa lay động, vừa thực vừa hư đã làm nên một cốt cách của thơ HPNT cả về sau này. Nếu được chọn một bài thơ tiêu biểu của HPNT trong những năm đánh Mỹ, tôi sẽ chọn bài thơ tôi đi trên những con đường rừng cũ, không chỉ vì tôi đã có kỷ niệm giữa Trường Sơn với bài thơ ấy, mà vì cái ánh nhìn rất đăm chiêu, cái giọng hơi nghèn nghẹn ấy mới đích là ánh nhìn và giọng thơ của HPNT.
            "Ôi những con đường chỉ một lần qua
            Hai mươi năm biết ai còn nhớ
            Nhưng từ đó cây hoang rừng già
            Thương mãi đàn con gian khổ..."
Quả thật, người viết những dòng thơ ấy đã suốt đời không thể đi thoát khỏi "những con đường rừng cũ", đã suốt đời "nhớ rừng" ngay cả khi phải nằm im, ngồi im một chỗ như trong những tháng năm gần đây. Liên tục di hành trong tâm tưởng, HPNT đã đau đáu đi về những miền rừng chiến khu cũ, đi trở lại những ngày tháng cũ, bạn bè cũ, những khoảng đời và những cái chết cũ. Để tìm cái gì? Tìm một "Địa chỉ buồn".
            "Nhà tôi ở phố Đạm Tiên"
Có lẽ đây là bài thơ buồn nhất và cũng hay nhất của HPNT, một "địa chỉ buồn" đúng nghĩa, dành cho những ai có linh cảm về cái vô thường của cuộc đời truy cập:
            "Những chiều Bến Ngự giăng mưa
            Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
            Tôi ra mở cửa đón người
            Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang"
Những câu thơ có thể khiến ta sởn gai ốc vì trong một thoáng, hư vô đã hiện hình trong tiếng gió, trong tiếng kẹt cửa, trong một động tác ra mở cửa gần như vô thức của một người quá cô đơn muốn làm bạn với tất cả, kể cả với hư vô. Hoàng Phủ Ngọc Tường không có một tạng thơ mãnh liệt, nồng cháy, một tạng thơ nhiều dương tính. Nhưng thơ anh lãng đãng với mập mờ hơi gió, phất phơ cánh phù dung, một giọng thơ nhiều linh cảm về cõi chưa biết:
            "Đêm qua trời đất mông lung
            Có con chim nhạn bềnh bồng trong sương (đêm qua)
Đó là giọng thơ giàu âm tính, nếu quá đi sẽ bị lả lướt, yểu, nhưng khi đúng độ sẽ tạo được cảm giác thông thiên, một khát khao ve vuốt cái vô cùng, một khả năng nhận dạng trong bóng tối cái chưa biết.
            "Có buổi chiều nào như chiều nay
            Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
            Anh lặng thầm như là cái bóng
            Hoa tàn một mình mà em không hay" (dạ khúc)
Đó là những khi người làm thơ biết sống trong bóng tối, hít thở bóng tối, biết nghe trong bóng tối những tiếng mơ hồ:
            "Vẽ tôi nghe tiếng mơ hồ
            Bàn tay em vỗ bên bờ hư không" (vẽ tôi)
Khả năng tự chìm lắng ấy trong thơ, khả năng của người biết sử dụng nỗi cô đơn của mình cho thơ đã giúp HPNT có được những câu thơ đầy cảm giác, những câu thơ thật buồn nhưng cũng thật trong trẻo. Và hơn thế, anh còn giữ được cho mình phần ngây thơ sau rất nhiều từng trải, rất nhiều sách vở, rất nhiều kinh viện. Đó là điều may mắn cho HPNT, bởi những kiến văn rất cần cho những bút ký, những tản văn của anh có thể trở thành vô ích trong thơ. Thơ chỉ cần những cảm giác rất thật và đột xuất như thế này:
            "Có nhiều khi tôi quá buồn
            Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi
            Mọc lên thật nhiều cây cỏ" (cỏ chim sẻ và châu chấu)
Ước muốn chuyện trò với cây cỏ, với những thế giới khác là ước muốn thật của nhiều nhà thơ, còn có khả năng chuyện trò hay không lại là chuyện khác. Tôi nghĩ ở một phía nào, HPNT đã có được khả năng đó. Bây giờ, khi bệnh tật buộc anh phải ngồi một chỗ, thì chính bệnh tật lại cho anh một cơ hội để có thể lắng xuống tận cùng, lắng xuống cho từng câu thơ có thể hiện lên thật yên tĩnh, thật trong trẻo, và chỉ hiện lên vì chính nó. Bài thơ "Kăngguru" anh viết cuối năm 2001 có những câu thơ đã hiện lên theo cách đó:
            "Mày là con Kăngguru tự do
            Của những mặt đất rạng rỡ
            Và những chân trời đang mở
            Lang thang như con ngựa hồng
            Túi đựng đầy trống không"
Khi cái "túi đời", cái túi tri thức, cái túi tham sân si đã "trống không", ấy là khi thơ có thể ghé vào, dẫu có thơ rồi, túi ấy vẫn trống không.
Quảng Ngãi 12-3-2002
T.T

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng