Tạp chí Sông Hương - Số 158 (tháng 4)
Một cách tiếp cận bài thơ " Đây thôn Vĩ Dạ"
16:31 | 18/08/2008
THỦY TRIỀU SUNG HUYỀN"Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã từng có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Đành rằng ngôn ngữ thơ ca thường hàm súc, cô đọng, đa nghĩa do đó có thể có nhiều cách tiếp cận tác phẩm.

Nhưng vấn đề là, dù tiếp cận từ góc độ nào cũng không thể phá vỡ chất thơ, hiểu và cảm sai ý thơ, tình thơ mà cần phải cảm nhận cho được hồn thơ toát lên từ câu chữ và vần điệu. Bởi đọc thơ là đi tìm tiếng nói đồng cảm. Mỗi bài thơ là một tiếng lòng mà nhà thơ muốn giãi bày, thổ lộ, kí thác mà sâu xa là mong ước được gặp tiếng lòng tri âm, tri kỉ. Tình trong thơ là tình riêng của một người nhưng cũng chính là tình chung của bao người. Chính cái tính chất vừa cụ thể vừa có sức khái quát rộng lớn ấy là đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật nói chung, ngôn ngữ thơ ca nói riêng. Vì vậy, đọc bài thơ phải cảm nhận cho được cái tình sâu xa và kín đáo mà nhà thơ kí thác. Đó mới là điều chủ yếu.
Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" đã từng có nhiều bài viết trình bày nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau gây nhiều tranh luận trên báo chí. Điều đáng sợ nhất là cách tiếp cận bài thơ theo quan điểm xã hội học dung tục - lấy hiện thực khách quan (hoàn cảnh xã hội lúc bài thơ ra đời) để đối chiếu, suy diễn về cuộc sống, con nguời, nội dung của bài thơ. Còn nhớ bài viết của một nhà giáo trên báo Giáo dục và Thời đại cách đây khá lâu, tiêu biểu cho cách tiếp cận này. Theo tác giả bài viết đó, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ viết về cuộc sống, thân phận của một cô gái giang hồ trên sông Hương trước Cách mạng tháng Tám. Dòng Hương thơ mộng biến thành dòng sông ô trọc mà "khách đường xa" - một nhân vật trữ tình của bài thơ - biến thành khách làng chơi! Tất cả chỉ vì một cách tiếp cận văn chương rất sai lạc theo kiểu quy chiếu, giản lược ngôn ngữ thơ ca.
Có một cách tiếp cận khác tuy không hiểu sai tác phẩm nhưng vẫn là cách tiếp cận còn sơ lược, đơn giản - chỉ mới tiếp cận vẻ ngoài, bề nổi của bài thơ mà chưa đi sâu vào bên trong - cái hồn của bài thơ. Sách giáo viên (SGV) của Nhà xuất bản Giáo dục hướng dẫn giáo viên và học sinh phân tích theo định hướng: (bài thơ có 3 khổ)
- Khổ 1 và thôn Vĩ Dạ
- Khổ 2 và dòng sông Hương
- Khổ 3 và người xưa nơi thôn Vĩ hay cô gái Huế.
Tác giả bài viết trong sách trên xác nhận cách tiếp cận bài thơ "Đối với sự tiếp nhận của người đọc, nổi bật trước hết là trong khổ thơ này (khổ 3) cũng như toàn bộ bài thơ vẫn là hình ảnh thơ mộng và đáng yêu của cảnh và người xứ Huế"*.
Tôi tin rằng nếu chỉ vẽ lên được hình ảnh dù rất thơ mộng và đáng yêu của cảnh và người xứ Huế thì bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ không thể sống rất lâu và rất sâu trong lòng người đọc bao thế hệ từ lúc bài thơ ra đời đến nay... Phải có cái gì đó đủ sức hấp dẫn, quyến rũ làm đắm say lòng người. Phải chăng đó chính là chất thơ lãng mạn thi vị, lung linh, hư ảo quyện lẫn vào hồn thơ da diết, mãnh liệt, đau đớn, xót xa mà trong trẻo lạ thường! Phải từ góc độ tâm trạng để tiếp cận bài thơ thì mới hiểu hết giá trị của tác phẩm.
Bài thơ là một bức tranh thiên nhiên về cảnh sắc và con người xứ Huế. Nhưng đằng sau bức tranh ấy là cái nhìn, ánh mắt, cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ. Bởi thơ ca là tiếng nói trữ tình. Với thơ, tình là gốc, ngôn ngữ là lá cành. Lục Cơ (Trung Quốc) xưa từng nói: "Thi duyên tình nhi ỷ mĩ". (Thơ là để biểu đạt tình cảm nên phải đẹp đẽ, tinh tế).
Cho nên phải cảm nhận cho được tâm trạng của nhà thơ kí thác, giãi bày, cảm nhận cái hồn thơ da diết, phải tiếp nhận bài thơ từ góc độ nhân văn, lấy tiếng lòng người đọc đồng cảm với tiếng lòng nhà thơ. Đó mới chính là cách tiếp cận nghệ thuật. Cái mông lung, mơ hồ, hư ảo bàng bạc khắp toàn bài là chất thơ của Đây thôn Vĩ Dạ. Chất thơ ấy có mặt không chỉ trong cảnh mà thấm sâu trong tình - trong từng cảm xúc yêu mến, đau đớn, xót xa mơ hồ mà mãnh liệt. Bài thơ là một hoài niệm thiết tha về cảnh cũ, người xưa. Kí ức sống dậy mãnh liệt trong tâm tưởng nhà thơ cho dù khoảng cách thời gian, không gian cũng không làm nhạt nhòa.
Bài thơ có ba khổ. Khổ thứ nhất thể hiện một niềm yêu mến thiết tha về cảnh và người xứ Huế qua những rung động, cảm xúc trong sáng, hồn nhiên. Cái nhìn của nhà thơ đối với cảnh vật, con người thôn Vĩ là cái nhìn trìu mến, thán phục: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc". Dưới cái nhìn, ánh mắt trìu mến, chan chứa yêu thương ấy, cảnh vật hiện ra rất đỗi trữ tình, thi vị. Cảnh sinh động và vui tươi bởi tâm hồn nhà thơ đang đầy cảm xúc yêu đời:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Màu xanh của hàng cau, của khu vườn soi mình trong ánh hồng của nắng mới lúc hừng đông. Một vẻ đẹp mềm mại, tươi sáng, lung linh. Vẻ đẹp của cây lá trong khu vườn xưa - khu vườn hoài niệm không chỉ là màu xanh của thế giới tự nhiên, khách quan của cây lá ban mai còn ướt đẫm sương đêm - long lanh, lấp lánh dưới nắng trời mà là một màu xanh tắm mình trong cảm xúc của nhân vật trữ tình, trong tâm trạng yêu thương thiết tha: "Vườn ai mướt qua xanh như ngọc". Ở đây không chỉ đơn thuần là tài dùng từ, phép so sánh của nhà thơ mà chính là tâm trạng yêu đời của chủ thể trữ tình - một tâm hồn tràn đầy cảm xúc sôi nổi. Chính từ cái gốc tình ấy mới có cái nhìn trìu mến để tái hiện vẻ đẹp thi vị, đáng yêu của cảnh vật, con người trong khu vườn hoài niệm. Cảnh vật thơ mộng mà con người lại càng thơ mộng đáng yêu hơn:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Khuôn mặt người xưa - khuôn mặt chữ điền hồn hậu - trong tâm tưởng nhà thơ ẩn hiện thấp thoáng đằng sau lá trúc mềm mại, mỏng manh càng tăng vẻ quyến rũ, gọi mời. Chao ơi! hình ảnh người xưa hiện ra trong vẻ đẹp đến nao lòng! Nếu như khuôn mặt ấy hiện rõ dưới nắng trời - không còn ẩn hiện thấp thoáng đằng sau lá trúc - thì vẻ đẹp của người xưa sẽ mất đi một phần thơ mộng, đáng yêu, câu thơ sẽ mất đi một phần chất thơ quyến rũ. Ở đây xin mở ngoặc nhắc lại cách tiếp cận rất sai lạc về chi tiết này mà một số người đã hiểu lầm. Họ cho rằng mặt chữ điền trong câu thơ trên là chữ điền ( ) đắp nổi trên cái bình phong. Theo họ, Vĩ Dạ ngày trước là nơi ở của các quan lại triều Nguyễn nên khu vườn nào cũng có cái bình phong ở mặt trước ngôi nhà trên con đường từ cổng đi vào. Đó chính là cách tiếp cận lệch lạc - luôn luôn lấy hiện thực khách quan để liên hệ, đối chiếu với hiện thực của bài thơ tìm ra điểm tương đồng! Cả khổ thơ, bài thơ ánh lên vẻ đẹp trữ tình, mềm mại, lung linh đầy chất thơ của đường nét, sắc màu thế mà họ lại đâm ngang một mảng đen thô bạo "cái bình phong chữ điền". Còn gì là thơ! (đóng ngoặc).
Khổ thứ hai chuyển một cách đột ngột từ cảnh sắc vui tươi, sinh động đến cảnh sắc có phần tĩnh lặng và đượm buồn:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Giòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
Gió - mây, sông - nước, thuyền - trăng - vẫn là những hình ảnh trữ tình, thi vị càng thi vị, trữ tình lung linh, huyền ảo hơn. Cảnh chuyển là do tình đã chuyển. Tình chuyển từ tâm trạng vui tươi, yêu đời thiết tha sang tâm trạng buồn bã, đau xót. Sự chuyển biến đột ngột ở hai đối cực của tâm trạng ấy, cũng dễ hiểu thôi vì đó chính là tâm trạng của những người đang yêu: đang vui bất chợt lại buồn. Và càng buồn càng xót xa, lo ngại:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Thuyền - bến, trăng - nước là những hình ảnh biểu tượng cho tình yêu nam nữ, những hình ảnh gần gũi quen thuộc trong ca dao, dân ca trong cảm thức của người Việt. Hai dòng thơ là câu thơ âm vang trong tâm tưởng, trong sâu thẳm cõi lòng của chủ thể trữ tình, đó chính là nỗi băn khoăn lo ngại như dự cảm có điều gì ngăn cách, chia lìa trên đường đến với tình yêu, trên lối về hạnh ngộ: "Thuyền ai" "có chở"... "về kịp", bao câu hỏi vang lên mang nặng nỗi niềm! Xuất phát từ tâm trạng lo âu, cái nhìn của nhân vật trữ tình chiếu lên cảnh vật chỉ còn thấy sự ngang trái, chia lìa: "Gió theo lối gió, mây đường mây". Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay". Nhịp điệu dàn trải, chậm đều. Âm hưởng, giọng thơ trầm lắng thể hiện tâm trạng buồn bã, day dứt của nhà thơ:
Nếu khổ thơ thứ hai chỉ mới thể hiện nỗi băn khoăn, lo ngại, day dứt, còn dự cảm mơ hồ về một điều bất trắc, trở ngại sắp xảy ra thì ở khổ thơ cuối cùng, nhân vật trữ tình cảm nhận một nỗi đau xót, ý thức một điều trớ trêu giữa mơ ước và hiện thực:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Đối tượng mơ ước thì xa vời: "mơ khách đường xa". Chỉ là khách thôi, mà lại là khách đường xa. Cái ngăn cách không chỉ là trong quan hệ tình cảm (khách) mà còn là ngăn cách trong không gian (đường xa). Câu thơ lặp lại đến hai lần âm hưởng "khách đường xa" như tiếng lòng thốt lên xót xa, đau đớn. Và thực tế cuộc đời là: "Áo em trắng quá nhìn không ra", "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh". "Áo em", "nhân ảnh" giờ chỉ còn là những hình bóng mơ hồ, những biểu tượng của tình yêu trong sáng đang bị tan biến, xóa nhòa trong thực tế cuộc đời: "trắng quá nhìn không ra", "sương khói mờ nhân ảnh". Chính sự đối lập giữa mơ tưởng và thực tế cuộc đời đã làm cho lời thơ dù không một chữ buồn, chữ đau nhưng giữa những khoảng cách của lời là một nỗi buồn đau da diết.
Ai biết tình ai có đậm đà
Câu thơ cuối cùng âm vang một nỗi ngậm ngùi, xót xa không dứt để lại dư ba trong lòng người đọc. Ai hỏi ai giữa đời này? Không, chỉ có tiếng lòng nhà thơ vang vọng hướng về một đối tượng cũng xa xôi, mơ hồ như "sương khói mờ nhân ảnh". Từ "ai", là một phiếm đại từ "chỉ đối tượng vừa mơ hồ vừa cụ thể, "ai biết tình ai" như một nốt nhạc lòng cứ ngân rung còn vương mãi một nỗi ngậm ngùi!
Bài thơ là tiếng lòng của thi nhân chứa đựng một nỗi niềm riêng tư từ một cảnh đời cụ thể: một tình yêu đơn phương, vô vọng. Nhưng tiếng lòng ấy sẽ bắt gặp tiếng lòng những ai trong cuộc đời còn khát khao yêu thương. Đồng thanh tương ứng. Vì thế "Đây thôn Vĩ Dạ" không chỉ là bài thơ của một người, một thời mà là thơ của mọi người, muôn đời!
T.T.S.H

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 


------------------------------
* Văn học 11 (SGK), NXB Giáo dục

Các bài mới
Các bài đã đăng