Tạp chí Sông Hương - Số 159 (tháng 5)
Trường nữ học
08:57 | 20/08/2008
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGMột hôm nhân rỗi việc, tôi ngồi thả câu nơi một bến đá quen thuộc ven sông Hương. Chỗ này cá nhiều ăn không kịp giật. Bỗng cái phao của tôi trôi đi vùn vụt như thể có người kéo. Tôi vung mạnh tay, một chú cá chép mắc câu nhảy đành đạch trên mặt cỏ. Bất ngờ nó thở hổn hển và nói với tôi bằng tiếng người: rằng nó là con vua Thuỷ Tề, đi tuần thú dọc sông Hương, đã bị tôi bắt được. Nó năn nỉ xin tôi thả ra, sau đó nó sẽ đền ơn bằng cách thực hiện cho tôi ba điều ước.

Tôi quát to:
- Mày không nói gì thì tao cũng sẽ thả mày ra. Nhà tao không ai ăn cá chép.
- Nhưng tôi có bổn phận thực hiện cho Ngài ba điều ước.
Tôi ngắt lời:
- Vậy thì nghe đây: Trường trung học Trưng Trắc hãy trở lại là một trường nữ học.
Đến lượt nó quát to:
- Rõ đầu óc viễn vông! Hãy ước một điều gì cho chính bản thân người, hoặc cho vợ con ngươi được nhờ, ước như thế ta không thực hiện được.
- Vậy thôi, chẳng thèm.... ta chỉ có điều ước muốn ấy gọi là "cháy bỏng".
Con cá chép gầm gừ rồi lặn xuống nước biệt tăm.
Có lẽ con cá thần cũng không ngờ được rằng tôi đã nói thật lòng một sự thật đã nén lại trong lòng tôi từ mấy chục năm qua. Hồi ấy cũng chẳng trách ai, vì Bộ Giáo dục thì theo khoa học hiện đại, còn địa phương thì phải theo Bộ. Mà theo khoa học hiện đại thì ở bậc trung học, một nhà trường hỗn hợp nam nữ sẽ giúp cho sức phát triển nhân cách, hơn là một trường nữ học thuần tuý; theo phương thức sau này người ta chỉ có ý thức về bản thân đầy đủ hơn, khi soi mặt mình trong tấm gương tâm lý của người khác giới tính. Và trên thế giới hiện nay cũng không có một Bộ Giáo dục nào chịu để riêng dưới tay mình một nhà trường thuần nam hoặc thuần nữ như thế... Còn lại là xứ Huế và tôi luôn luôn thuộc về cái thành phố nhỏ bé ấy.
Từ nhiều năm qua, nghề nhiệp đưa tôi tiếp cận tâm lý của người dân Huế, cũng như tâm lý của du khách. Và cả hai đều tỏ ra tiếc quay quắt khi trường nữ trung học duy nhất của thành phố bị giải thể. Không trừ một ai kể cả ông Võ Nguyên Giáp (thuở còn là phó thủ tướng) và bà Nguyễn Thị Bình (thuở còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục). Quả nhiên không ai còn muốn nhắc đến Huế nữa, khi Huế không còn có sông Hương, cầu Trường Tiền hoặc trường Đồng Khánh. Tôi nguyên là thầy dạy khoa quốc văn ở trường Đồng Khánh vào những năm 60-61. Bà hiệu trưởng thời ấy rất thích tính "vô nguyên tắc" của tôi nhưng ông giám đốc Nha học chánh lại bố trí tôi dạy ở trường Quốc học, lấy cớ rằng tôi không thuộc thành phần "C.V" (nghĩa là có vợ). Tôi cãi lại rằng trước sau gì tôi cũng lấy vợ, ông ta bảo rằng đợi lúc ấy hẵng hay.
Nhiều năm sau, tôi còn quay lại trường Đồng Khánh, dạy triết học ở lớp cuối, với tư cách dạy giờ theo hợp đồng. Tôi theo chị Tịnh Nhơn (bà hiệu trưởng) ra vườn "ăn" từng đoá hoa hồng, khi vào giữa buổi sáng, chúng tôi thường thấy đói bụng. Chị Tịnh Nhơn hiểu biết hết mọi chuyện đông tây kim cổ, và mỗi khi có một ý tưởng hài hước về cuộc đời, chị thường cười sặc sụa, cười cho đến lúc khuôn mặt xinh đẹp của chị ràn rụa cả nước mắt, khiến tôi lấy làm lạ, không biết chị đang cười hay đang khóc. Chị Tinh Nhơn thường kể cho tôi nghe chuyện dài "Đồng Khánh răng đen" và "Đồng Khánh răng trắng", những mẩu chuyện thú vị mà tôi chưa hề biết trong cái lịch sử dài dằng dặc của nhà trường, nhờ đó mà ngôi trường nữ ấy trà trộn vào máu thịt tôi, khiến cho tôi trở thành một người bạn tri âm của nó.
Điều là lạ, tôi vốn là thầy dạy chính thức ở trường Quốc học ở bên cạnh, nhưng mọi buồn vui hằng ngày đều gửi lại dưới mái trường Đồng Khánh, nơi đó chị Tịnh Nhơn như một vị thần canh gĩư hộ tôi bao nhiêu châu ngọc trường Đồng Khánh như một giấc mơ nhẹ của thành phố, nơi đó thời thiếu nữ thơ ngây một đi là đi mãi tận bên trời, giống như mây của mùa thu cũ, nơi đó bị hắt ra khỏi sân trường, người ta liền trở thành một người khác ngay lập tức, tất bật giữa dòng đời. Qua những thông tin từ chị Tịnh Nhơn, tôi được biết một vệt màu rất quý có từ thời "Đồng Khánh răng đen". Đó là màu tím hoang đường của một thời, còn lưu truyền cho tôi, qua câu nói dân giã bằng giọng tây bồi "lắt léo mẹ dồng lô, a xanh cutô pơrồ mơ nát" (học trò nhà nước đi du ngoạn tại Nam Giao). Nguyên có một bộ phận của nữ sinh Đồng Khánh ở nội trú, vào chiều thứ năm hoặc thứ bảy trong tuần, họ phải xếp hàng hai, theo cô thầy giám thị đi dạo ở Đàn Nam Giao, đồng phục màu tím. Cứ hằng tuần, cái dòng người màu tím lại hiện ra, gieo một ấn tượng khó quên trong ký ức người dân Huế.
Thuở tôi lớn lên và đủ tuổi để ghi nhận những sắc màu ở chung quanh thì trường Đồng Khánh đã thôi không dùng đồng phục màu tím. Thế mà lòng tôi cứ bâng khuâng nhớ lại câu thơ này của Lý Bạch: "Tử y lang đối tử vi hoa" (Chàng áo tím đứng nhìn bông hoa tím). Phía trước trường Đồng Khánh sát mép bờ sông Hương, có một bến đò ngang nổi tiếng gọi là bến đò Thừa Phủ, như là bến đò chuyên dùng dành cho nữ sinh Đồng Khánh qua lại giữa hai bờ. Có một lần tôi xuống đò, đứng khép nép như đi một chuyến đò chợ. Chung quanh tôi tất cả đều màu trắng, và tôi chỉ nhận ra vài nét nhan sắc qua sự phản chiếu của bóng nước. Tôi là người lái đò trên dòng sông trong tiểu thuyết "câu chuyện của dòng sông" của Herman Hesse, đi khắp bốn phương trời rồi trở về làm một ông lái đò ung dung trên sông nước, học cái minh triết của dòng sông. Chung quanh tôi màu trắng ửng lên trong nắng sớm và tất cả nổi bật trên mặt nước xanh. Tất cả bỗng sáng trưng trong trẻo lạ lùng đến độ tôi băn khoăn: cớ sao tôi không đi học hội hoạ. Tôi tin rằng có một cái gì thuộc về vĩnh cửu hiển hiện trên dòng sông Hương. Suốt hàng chục năm nay, tôi như là người hướng dẫn viên du lịch cho những nhà văn về thăm Huế. Dạo đầu có những nhà văn nước ngoài, nhìn ngơ ngẩn quang cảnh này của Huê: những nữ sinh Đồng Khánh giờ ra chơi, những người này nô đùa, những người khác quàng tay nhau đi dạo dưới hàng cây. Họ bảo rằng đi khắp thế giới không tìm đâu ra một quang cảnh đẹp như vậy. Nhiều nhà văn lại quở rằng: Thành phố Huế không lớn lắm, nếu không có gì đặc biệt thì tại sao lại bố trí hai trường cấp 3 đứng cạnh nhau như thế.
Tôi có một chị bạn, vốn là người Huế, đã định cư ở Sài Gòn từ nhỏ. Hôm về thăm Huế, chị nói với cô cháu:
- Nghe cháu học trường Đồng Khánh phải không? Ừ nhãn hiệu "nữ sinh Đồng Khánh" có giá lắm. Cháu hát cho cô nghe một bài được không?
- Dạ không, cháu là học trò Quốc học, em Ngọc cháu mới là học trò Đồng Khánh.
Rồi cô ngoảnh xuống nhà dưới gọi to:- Ngọc ơi, Ngọc ạ. Cô gọi đến lần thứ ba, thì một cậu trai đen nhẻm, mặc quần cọc, mồ hôi nhể nhải, chừng đi đá bóng ở ngoài đường mới về, đến đứng trước mặt cô. "Học trò Đồng Khánh là thế đấy!". Tôi xa thành phố, đi đánh bạn với lau lách suốt mười năm. Ngày trở về không còn nhìn thấy bến đò Thừa Phủ, và sau đó cả trường Đồng Khánh cũng biến mất, tôi lặng người thấy Huế cứ mãi khác đi hết cái này đến cái khác, kể cả những cái không cần phải thay đổi. Lòng tôi đau như xé. Nhân dịp này, dịp kỷ niệm 85 năm thành lập trường Đồng Khánh và cũng vì sự nghiệp phát triển của một thành phố du lịch, tôi chợt nghe xôn xao câu hát quen thuộc của một nhạc sĩ đi xa về thăm quê
-"Giữ chút gì rất Huế đi em"
Huế 10/03/2002
H.P.N.T
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Nói ngược (20/08/2008)
Các bài đã đăng