Tạp chí Sông Hương - Số 160 (tháng 6)
Bửu Chỉ - một hoạ sĩ tài danh của xứ Huế
15:22 | 27/08/2008
BỬU NAMBửu Chỉ là một cái tên không xa lạ với những ai ở miền Nam trước 1975. Anh là người hầu như duy nhất vẽ tranh về đề tài chiến tranh và hoà bình.Tên tuổi và tranh bằng bút sắt, mực đen của anh đã sóng đôi cùng với những ca khúc phản chiến và khát vọng hoà bình của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn - một người con yêu của xứ Huế đã làm rạng rỡ vùng đất đã sinh ra mình.
Bửu Chỉ - một hoạ sĩ tài danh của xứ Huế

Anh không chỉ vẽ tranh mà còn dấn thân quyết liệt cho phong trào phản chiến, yêu nước ở Huế và các đô thị miền khác.
Từng là Tổng Thư ký của Hội Sinh viên sáng tác Huế, anh đã bị chế độ cũ bắt đến 3 lần và lần cuối cùng đã bị giam 2 năm ở khám Chí Hoà cho đến tận ngày 30/4/1975 mới được giải thoát. Trong nhà tù anh đã bị cảnh sát chế độ cũ đánh đập tàn nhẫn, đặc biệt vì tức giận họ đã đánh vào hai bàn tay của họa sĩ vì hai bàn tay này đã dám vẽ những bức tranh tố cáo chiến tranh phi nghĩa mà chế độ cũ hiếu chiến miền Nam không muốn nhìn thấy.
Trong nhà tù, tranh của anh vẫn được vẽ. Không một nhà tù nào, một sự đàn áp nào có thể dập tắt ý chí và ước vọng của một trái tim yêu nước và ước mơ tự do, nguyện vọng hoà bình.
Tranh của anh trong khoảng thời gian đó, thường được các báo chí nước ngoài in và gây một dư luận rộng rãi, được các phong trào phản chiến thế giới ở Mỹ, Nhật, Châu Âu, và ngay cả Thái Lan, Hàn Quốc nhiều khi lấy làm biểu trưng. Đặc biệt là các phong trào sinh viên yêu Hoà bình của thế giới.
Như một người nghệ sĩ có lương tri và như một công dân yêu nước, anh, Họa sĩ Bửu Chỉ đã góp viên gạch nhỏ bé nhưng thắm đượm tình yêu xứ sở và con người vào Hoà bình, Độc lập và Thống nhất Tổ quốc.
Anh còn là người hát rất hay với giọng Têno cao vút và hào hùng những ca khúc “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở nhiều giảng đường sinh viên và ở các cuộc xuống đường. Anh có mặt cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng... hát và cổ vũ cho hào khí của sinh viên Đại học Huế trong cao trào đấu tranh yêu nước ở Huế và Sài Gòn vào những năm 1970-1972.
Tiến sĩ Huỳnh Bội Trâm (người gốc Đồng Nai) – một tiến sĩ Việt Kiều ở Úc, làm luận án Tiến sĩ về nghệ thuật Việt Nam, đã dành cho anh một vị trí trang trọng dù là trên một số dòng chữ rất ít ỏi trong luận án tiến sĩ của mình; đặc biệt trong phần “Nghệ thuật và chiến tranh”.
Ngày 17/3/2002 vừa qua, tranh phản chiến của hoạ sĩ Bửu Chỉ đã được triển lãm ở Viện Bảo tàng New Casttle, thuộc bang Sydney, Úc trong phần “Nghệ thuật và chiến tranh Việt Nam” cũng gây được tiếng vang trong dư luận nước ngoài.

Sau 1975 anh đã từng tham gia tích cực các hoạt động nghệ thuật xã hội, từng là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, uỷ viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá III. Anh thường vẽ bìa cho Tạp chí Sông Hương và những tranh minh hoạ cho tạp chí nầy.
Tạp chí Sông Hương số Festival vừa rồi đã in một phụ bản tuyệt đẹp của anh vẽ một con ngựa đá lưng nứt rạn, nhưng trổ hoa ngũ sắc, biểu tượng cho sự hồi sinh của Cố đô Huế – thành phố Festival trên trang bìa sau bức tranh của một hoạ sĩ tài danh khác: Hoạ sĩ Lê Bá Đảng.
Hơn 13 năm lại đây, anh đã âm thầm sống và vẽ để tìm một hướng đi mới, một cách thể hiện mới, một nhãn quan mới sâu thẳm đầy chất tâm linh về con người, cuộc đời.
Tranh của anh lúc nầy đầy vẻ đẹp, chất thơ, hoà quyện chất triết lý, được thể hiện qua các hình ảnh biểu tượng, pha lẫn một chút siêu thực. Khác với Trịnh Công Sơn thường sử dụng gam la thứ trong các ca khúc của mình để diễn tả nỗi u hoài ngậm ngùi của các cuộc tình và phận người, tranh Bửu Chỉ cùng thể hiện gần như là một tâm thức “sâu thẳm trong tâm tưởng về một số phận không thể nào cứu rỗi được trong định mệnh của mỗi con người” (Trịnh Công Sơn), anh thường dùng những gam màu nóng, rực rỡ, tương phản mạnh mẽ nhưng lại rất hài hoà và đẹp để diễn tả bao nhiêu điều mà ai thường chiêm nghiệm nhiều về cuộc sống nghệ thuật sẽ thú vị khi khám phá ra ý nghĩa.
Sử dụng màu sắc, đường nét, bố cục đạt đến sự điêu luyện bậc thầy, ý nghĩa tranh lại rất nhân văn, nên tranh của Bửu Chỉ thường rất được người hâm mộ nghệ thuật ở Việt Nam và thế giới ưa chuộng.
Anh đã từng triển lãm ở Pháp, Hồng Kông và đạt được sự thành công lớn.
Tranh của anh được một số Viện Bảo tàng Quốc tế mua, lưu giữ và trưng bày.
Đặc biệt là giới sưu tập và chơi tranh ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan thường lưu giữ tranh của anh trong các bộ sưu tập cá nhân như là một họa sĩ tài hoa của Việt Nam và Đông Á.
Lòng yêu mến cuộc sống thiết tha đến đắm say thường đi đôi với một nghịch lý về cái cảm quan vô thường của thiền gia, sự khắc khoải của con người trước thời gian vô thuỷ vô chung, khát vọng bình yên nhưng lại cảm thấy nó rất mong manh là những đề tài và chủ đề anh thường ưa thích diễn tả trong tranh... Anh thường đặt các hình tượng của mình trước cả một vũ trụ vô cùng này, nên các hình tượng của anh thường mang tính kỳ vĩ lạ thường.
Đặc biệt các hình tượng của anh thường độc đáo, khác lạ nên rất gây ấn tượng... Bên cạnh cách phối các màu nóng tương phản tạo ra một vẻ đẹp rực rỡ.
Một mình người chạy băng băng trên bề mặt của địa cầu, tay níu lấy chiếc đồng hồ thời gian với một sợi giây mong manh: đó là tên bức tranh “Níu kéo thời gian”.
Một con ngựa đá hiền lành, ngây ngô thân hình nứt rạn vì thời gian lại trổ ra những chùm hoa ngũ sắc rực rỡ. Con ngựa đá như mơ màng trước nhật nguyệt mang mang này được biểu tượng hoá bằng hai vòng tròn nhỏ đỏ và vàng. Đó là bức tranh “Ngựa đá và hoa”.
Một con chim bồ câu trắng muốt hiền hoà đậu trên một chiếc bình cổ với những hoa văn rất đẹp như hình núm vú của “mẹ hiền cuộc đời” được phối cảnh bên cạnh hai chiếc bình khác, mà chiếc ở giữa đã vỡ... Như cuộc đời có lúc toàn vẹn, có lúc trắc trở, như đời người có khi mơ ước rồi đổ vỡ, nhưng rồi lại mơ ước tiếp. Bởi vì con người trong thực chất tận cùng của nó là luôn mơ ước cho cái đẹp, cái thiện, lòng trắc ẩn. Và nhờ sự mơ ước đó mà nó tồn tại được. Đó là một trong những bức tranh tĩnh vật của anh.
Một con bồ câu trắng khác đậu trên một lưng ghế dưới đó là bốn ngọn đèn dầu, bóng đèn đã sạm khói, ánh lửa hiu hắt, nhưng vẫn ngóng tới một vầng mặt trời đỏ nhỏ nhoi để cảm thấy “mong manh và bình yên”, tên của một bức tranh khác của anh.
Anh cũng vẽ tranh khoả thân, nhưng tranh khoả thân của anh lại gợi nên một vẻ đẹp thánh thiện. Một cô gái rất đông phương khỏa thân ngồi mơ màng ôm hai chân của mình trong một đám bọt sóng lơ lửng trên biển, giữa trăng, sao, trời đất, mặt trời và mây. Đó là bức tranh “Ngày sinh thần Vệ nữ”.
Một bức tranh khác vẽ hình người như “Chúa bị đóng đinh trên Thánh giá” giữa mặt đồng hồ thời gian được đặt trong một hình quả trứng: Hình quả trứng này là biểu tượng bào thai hay quả đất và quả trứng ấy lơ lửng giữa nhật nguyệt vàng, đỏ giữa đất trời. Bức tranh đó có tên là “Sự sống và sự chết”. Có thể cắt nghĩa ra sao đây? Đó là tình yêu cuộc sống đam mê đến nỗi tuẫn nạn vì nó, hay là nỗi buồn vô vọng của con người vì thấy đời người quá hữu hạn và phù du so với sự vĩnh cửu của vũ trụ mà khát vọng thì quá lớn... Và cũng có thể có rất nhiều cách cắt nghĩa khác nữa...
Đặc biệt anh đã vẽ rất nhiều bức về một người bạn tâm giao Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Một cây đàn được đặt lơ lửng giữa trời đất, bên một đám mây trắng, và ở giữa thùng đàn là một khuôn mặt trầm tư, mơ mộng của Trịnh Công Sơn. Đó là bức tranh có tên “Trăng thiên cổ”.
Một bức khác, vẽ người họa sĩ đang đứng, mặt khắc khổ, thân hình như được đắp nổi gồ ghề bằng đá, tay cầm một đoá hồng nhỏ, cây đàn bên cạnh, trước một khung trời xanh thẳm và một mặt trời đỏ nhỏ nhoi. Bức tranh có tên là “Tuổi đá buồn”.
Một bức tranh khác, vẽ khuôn mặt nhạc sĩ đầy vết nứt rạn của thời gian và trầm tư, dưới đó là một cánh diều màu hồng với sợi dây nhỏ nhoi (biểu hiện cho bài hát “Em ơi đừng tuyệt vọng”), bên cạnh trên một góc bàn đá, một ly rượu thủy tinh cao đã cạn, một con chim nhỏ ngây thơ đang nhìn nhạc sĩ, dưới ly rượu là một đoá hồng lăn lóc... Một mặt trời đỏ nhỏ nhoi được bao quanh bồng bềnh một vầng xanh lơ. Gam màu chủ đạo của bức tranh là xanh lục thẫm, tương phản với màu hồng của cánh diều, màu đỏ của mặt trời, màu xanh lơ, và màu đen của tóc, của các vết nhăn của gương mặt, của da, màu đen của kính đeo mắt, màu hồng pha vàng và lục của bức tường.
Bức tranh đó có tên “Một cõi đi về”. Tên một bài hát nổi tiếng và tiêu biểu nhất của Trịnh Công Sơn...
Hoạ sĩ Bửu Chỉ còn vẽ hàng loạt tranh thiền, “sắc sắc không không” với rất nhiều biến thái, mà ý nghĩa đa dạng và những gam màu chủ đạo khác nhau...

Hoạ sĩ Bửu Chỉ hiện nay đang sống gần như chỉ để vẽ, và vẽ bằng một nỗi đam mê mãnh liệt. Đó là ý nghĩa đích thực và duy nhất của đời anh. Khi có nhiệt hứng, anh vẽ một ngày đến 10, 12 tiếng và làm việc như gã tù khổ sai mà nhà tù là cái đẹp vĩnh hằng. Anh gần như đang chạy đua với thời gian vì sợ cuộc sống của mình quá ngắn ngủi.
Anh vẽ như quên tất cả mọi sự trên đời, chỉ còn duy nhất trong tâm trí một hình tượng độc đáo mới khám phá ra, một bố cục đã trực cảm một cách đắc ý, một gam màu chủ đạo đã được trực nhận...
Số tranh của anh cho đến hiện nay đã tới vài trăm bức đủ các chất liệu, nhưng chủ yếu là sơn dầu và rất đa dạng, đủ các đề tài.
Anh đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tranh đồ sộ ở một Festival Huế sắp tới gần đây, khi Huế trở thành một thành phố Festival. Và “con ngựa đá” xa xưa của cố đô hoàng triều ấy lại nở những bông hoa dại ngũ sắc về cái đẹp, về nghệ thuật, về văn hóa để cống hiến cho Đời...
Trong Festival Huế 2002 này, anh cho ra mắt bộ bưu ảnh – tranh chọn lọc của anh, gần 10 bức, để góp phần nhỏ nhoi của mình cho công chúng và tiền tác quyền dành cho “Quỹ tài trợ sự phát triển Thơ Huế”. Một sự hiện diện rất khiêm tốn nhưng đầy nghĩa cử trong một Festival hoành tráng, lộng lẫy.
(Một ngày gần tàn mùa Festival Huế-2002)
Huế, 12/5/2002
T.H.P
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng