Huế luôn luôn mới
Không chấp nhận du khách thiếu tôn trọng những giá trị văn hóa
14:07 | 04/07/2013

(SH) - Theo dự thảo đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn” sắp trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2013 xem xét quyết định thông qua, có một tiêu chí mà chúng tôi cảm thấy rất tâm đắc, đó là “không sử dụng trang phục thiếu lịch sự đến những nơi tôn nghiêm, di tích lịch sử văn hóa”.

Không chấp nhận du khách thiếu tôn trọng những giá trị văn hóa

Điều này cho thấy, tỉnh Thừa Thiên Huế mặc dù đang rất quyết tâm thu hút khách du lịch nhưng cũng kiên quyết từ chối những vị khách sử dụng trang phục thiếu văn minh lịch sự khi vào tham quan những nơi tôn nghiêm và các điểm di tích lịch sử văn hóa.

Nhiều năm qua, vẫn còn nhiều khách du lịch, nhất là khách nước ngoài khi đến tham quan các điểm di tích lịch sử ở Huế rất vô tư khi sử dụng những trang phục hở hang, mỏng dính nhìn xuyên thấy cơ thể; rồi nào là mặc áo ba lỗ, khoét nách, hở rốn, quần đùi, quần soóc... vừa gây phản cảm vừa thiếu tôn trọng ở những chốn tôn nghiêm, di tích lịch sử văn hóa.

Bức xúc trước vấn đề này, nhiều người dân Huế cho rằng, cách ăn mặc là cách biểu hiện văn hóa của một con người. Đi chơi mà người ta còn ý tứ, không dám ăn mặc lố bịch. Đi đám cưới, dự dạ hội hoặc đi hội họp, người ta luôn ăn mặc lịch sự, tìm cho mình những trang phục thích hợp nhất. Thế mà đến một nơi tôn nghiêm như chùa chiền, miếu mạo, di tích lịch sử văn hóa vậy mà có quá nhiều người, nhất là du khách nước ngoài họ quá vô tư thoải mái sử dụng những bộ trang phục thiếu lịch sự, rồi đi vào đi ra cười nói thỏa thích như chốn không người. Chúng ta nên kiên quyết từ chối họ, vừa bảo vệ lòng tự tôn dân tộc, sự thiêng liêng của lịch sử, cội nguồn; đồng thời, cho họ biết rằng Thừa Thiên Huế luôn hiếu khách, mong muốn thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan du lịch nhưng không phải chấp nhận tất cả các du khách thiếu văn hóa ứng xử.

Đã gọi là đi du lịch thì cần phải có sự thoải mái và không gò bó, song người đi du lịch cũng phải định rõ điểm đến tham quan là những nơi nào để thay đổi trang phục cho phù hợp là điều cần phải làm. Đã đi tham quan những chốn tôn nghiêm, di tích lịch sử văn hóa lâu đời nhất thiết phải biết cách ứng xử và tôn trọng từ trong lời ăn tiếng nói lẫn phong cách ăn mặc. Người xưa dạy rằng: “Mình không biết tôn trọng mình thì làm sao có thể khiến người khác tôn trọng mình”. Hy vọng, thời gian tới sau khi đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn” được HĐND tỉnh thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nghiêm túc quy định trên.

Theo TTH online

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng