Huế luôn luôn mới
Xót xa di sản thế giới bị ô nhiễm trầm trọng
14:13 | 04/07/2013

(SH) - Người dân sống khu vực Thượng thành Huế đã phải sống treo 20 năm chờ giải tỏa. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, nhếch nhác với rác thải và chuột. Đây là vấn đề nhức nhối cho cả người dân và cơ quan chức năng, khi khu vực Thượng thành nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế cần được trùng tu và bảo tồn.

Xót xa di sản thế giới bị ô nhiễm trầm trọng
Căn nhà lụp xụp của bố con anh Hà Phiên

Rác phủ ngập di sản

Hiện nay, quanh bờ thành Huế nhếch nhác rác thải từ sinh hoạt của những người dân sống ở trên Thượng thành. Có thời điểm, những đống rác cao lên tận bờ thành làm choáng ngợp cả khu di tích này. Chúng tôi có mặt tận nơi để chứng kiến mức độ "khủng kiếp" của rác, những đống rác cao quá đầu người, tỏa ra mùi hôi thối đến rợn người. Bà Trần Thị Tuyết, người dân sống đối diện với khu vực Thượng thành cho biết: "Sáng mở mắt ra đã nhìn thấy những đống rác khổng lồ, buổi chiều tà ngồi hóng gió trước của nhà thì bị mùi hôi thối bốc lên. Lâu lâu, người dân bên đó có đốt rác, vừa khói lại thêm mùi tanh của rác rất khó chịu".

Không chỉ rác ngập lên tận bờ thành mà hồ nước quanh khu vực kinh thành Huế cũng ô nhiễm trầm trọng. Phải tận mắt chứng kiến mới thấy không ở đâu mà nhiều chuột như ở đây. Hàng đàn chuột to nhỏ, hiên ngang chạy qua chân người và tập trung sống quanh khu vực hồ này. Có những con to lù lù, lông thì chỗ có chỗ không, đi rất bình thản ở dưới gầm nhà tạm của người dân. Trước đây, dưới chân tường thành hồ được đào để trồng sen cho vua chúa thưởng ngoạn, nhưng giờ đây quanh hồ chỉ toàn bao nilon nổi lềnh phềnh trên mặt nước, dòng nước đen ngầu. Hồ sen giờ đã trở thành hồ bèo và rau muống, vậy mà cứ sáng sáng người dân vẫn hái rau muống mang ra chợ bán.

Nước sinh hoạt của người dân sống ở khu vực Eo Bầu, Thượng thành TP.Huế thải trực tiếp xuống hồ, chảy qua các bức tường ở bờ thành. Những viên gạch qua năm tháng đã đủ rêu phong, nhưng nay lại càng rêu phong hơn bởi nguồn nước bẩn thải ra, ngấm vào từng viên gạch trong bờ tường. Hầu hết người dân sống ở khu vực này đều là lao động nghèo và do thuộc diện giải tỏa nên cuộc sống rất tạm bợ. Do đó, việc không có nhà vệ sinh và nhà tắm là chuyện "rất bình thường" và họ tự nhiên mà "xả" ra đống rác và hồ.

Sống "treo" hơn 20 năm chờ... giải tỏa?

Tình trạng ô nhiễm trầm trọng trong khu vực Thượng thành Huế đang ở mức báo động, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của chính người dân đang sinh sống ở đây mà cả người dân sống gần khu vực kinh thành. Đặc biệt, từ khi Cố đô Huế đăng cai là "Thành phố Festival", hàng năm diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh của đất Cố đô ra ngoài thế giới, chuyện nhếch nhác rác thải, ô nhiễm môi trường sống, cảnh sống chật chội tạm bợ trên tường thành ảnh hưởng tới mỹ quan của khu di tích. Vậy mà vấn đề nhức nhối này đã tồn tại hơn 20 năm qua!

Từ khi Di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993, người dân đã có thông báo sẽ được đền bù và giải tỏa đến một nơi khác sinh sống. Vậy mà 20 năm qua, người dân khu vực Thượng thành chờ "mòn mắt" mà vẫn chưa thấy giải tỏa. "Có an cư mới lập nghiệp được, chính quyền nói chúng tôi đi thì chúng tôi phải đi, nhưng đã 20 năm nay chờ hoài mà vẫn chưa được đi? Đi hay ở thì phải nói cho rõ để người dân còn làm ăn sinh sống cho ổn định, cứ họp lên rồi lại họp xuống xong đâu lại vào đó. Mong các cơ quan chức năng "dứt khoát" để chúng tôi không phải sống trong cảnh thấp thỏm chờ đợi", chị Nguyễn Thị Hoa bức xúc về việc di dời quá lâu của chính quyền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực Thượng thành và Eo Bầu, vẫn còn trên 800 hộ dân sinh sống đang chờ để được di dời giải toả. Theo lộ trình từ giai đoạn 2012-2016, chính quyền TP.Huế tiếp tục xây dựng 27 chung cư để di dời giải tỏa các hộ dân sống tại đây. Trong tổng thể dự án tu bổ Kinh thành Huế 1.200 tỷ đồng, trong đó hợp phần giải phóng mặt bằng 780 tỷ đồng. Trong hợp phần này phải xây dựng 27 khối nhà chung cư 4 tầng và trong năm 2012 mới thực hiện 3 chung cư 4 tầng tại Hương Sơ, số chung cư còn lại sẽ xây dựng tại khu quy hoạch phía Tây phường An Hoà, thành phố Huế.

Trao đổi với PV, ông Trần Đức Thủy - chủ tịch UBND phường Thuận Thành, TP. Huế cho biết: "Vì không có đủ điều kiện về tài chính, chưa có ngân sách nên cơ quan chủ quản đầu tư phải làm từng phần. Hiện, chúng tôi vẫn đang tiến hành đo đạc, kiểm tra, áp giá đền bù và chia ra nhiều đợt để thực hiện, cố gắng để người dân có một cuộc sống mới, chấm dứt tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm như hiện nay".

Theo Hoàng Yến (Báo Người Đưa Tin)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng