Huế luôn luôn mới
Huế - miền di sản được đánh thức
14:22 | 04/07/2013

(SH) - Nhìn lại chặng đường đã qua, mọi người và du khách đến Huế hôm nay đều rất vui mừng khi nhận thấy công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế đã có những bước tiến khá xa. Và Huế hôm nay chẳng khác nào một nàng công chúa ngủ trong rừng đang được đánh thức với nhiều tiềm năng vốn có.

Huế - miền di sản được đánh thức
Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO trong chuyến thăm Đại Nội vào ngày 23-6
Kinh thành hòa bình 
 
Đã có một thời di tích Huế gần như bị lãng quên, chỉ còn là sự hoài niệm hoặc xót xa cho vẻ hoang tàn, không còn sức sống của nó. Nhưng nay đã khác rồi. Di sản văn hóa Huế đã trở thành niềm tự hào và sự quan tâm chung của người dân xứ Huế, người dân Việt Nam, bởi tầm giá trị toàn cầu nổi bật của nó, bởi công sức, tiền của và tài năng của những nhà chuyên môn, những người thợ, những nhà nghiên cứu quản lý và những người yêu Huế bỏ ra cho việc bảo tồn di tích Huế đã được trả công xứng đáng.
 
Nhiều năm trước, cựu Tổng Giám đốc UNESCO, ngài M’Bow khi đặt chân tới Huế đã nhận xét: "Huế là một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị”. Và trong hành trình Việt Nam mới đây, nhân dự lễ kỷ niệm 10 năm Công ước bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể (2003 - 2013) và Tuần lễ Văn hóa và Phát triển UNESCO tại Việt Nam, bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã có chuyến thăm Cố đô Huế. Bà đã đi thăm những "kiến trúc hòa bình” ở Kinh thành Huế như điện Thái Hòa, lầu Thái Bình, lầu Tứ Phương Vô Sự, cửa Hòa Bình, cửa An Hòa,…
 
Trong quần thể kiến trúc cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, thì khu vực Kinh thành là quan trọng nhất, ý nghĩa nhất về mọi phương diện. Kinh thành Phú Xuân (Huế) với diện mạo như bây giờ được vua Gia Long - người lập ra vương triều nhà Nguyễn - cho khởi dựng từ năm 1805, và hoàn thành cơ bản vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Mỗi công trình ở Kinh thành đều mang một cái tên. Mỗi cái tên là một phần linh hồn của kiến trúc đó. Kiến trúc có thể không còn, nhưng cái tên mãi còn. Trong số hàng trăm công trình ấy, có những cái tên thật đẹp, biểu hiện khát vọng hòa bình, thái bình. Các công trình như: điện Thái Hòa (tên chữ: Thái Hòa điện), lầu Thái Bình (tên chữ: Thái Bình lâu), lầu Tứ Phương Vô Sự (tên chữ: Tứ Phương Vô Sự lâu), cửa Hòa Bình (tên chữ: Hòa Bình môn), cửa An Hòa, đình Nghênh Lương (tên chữ: Nghênh Lương đình)… đều là những "Kiến trúc hòa bình” ở Kinh thành Huế.
 
Đến Huế hôm nay, du khách bốn phương cũng hiểu thêm về cuộc sống Vương triều Nguyễn qua hệ thống Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế với danh xưng đầu tiên là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định), tọa lạc tại số 03, đường Lê Trực, (thành phố Huế) và đã 6 lần được thay đổi tên. Bảo tàng là nơi trưng bày và tàng trữ hơn 8.000 cổ vật quý giá. Phần lớn những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật, các đồ dùng cho nhu cầu sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của vua, hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn; các hiện vật Champa và những tặng phẩm, thương phẩm từ quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Anh, Thái Lan... bao gồm đồ sứ, đồ đồng, kim loại quý, vải, gỗ, đá, pha lê, ngà, mây tre...
 
Và không thể không thể kể đến một nét riêng rất Huế. Du khách nước ngoài đã coi Huế là thành phố của những ngôi nhà vườn nổi tiếng. Từ những khu vườn mang tính "phòng ngự” thuở ban đầu, người Huế đã dần chuyển biến không gian sinh tồn ấy thành những "khu vườn văn hóa”. Đặc biệt, sự kết hợp của vườn Huế với những ngôi nhà rường - một loại hình kiến trúc nhà ở dân gian điển hình ở miền Trung Việt Nam, đã tạo nên một loại hình di sản văn hóa riêng biệt và độc đáo: nhà vườn Huế. Ngày nay, cho dù diện mạo "thành phố vườn” đã có những thay đổi, thì vẫn còn đó những ngôi nhà vườn danh tiếng hàm chứa trọn vẹn thần thái và đặc trưng của nhà vườn xứ Huế.
 
Tiềm năng được đánh thức
 
Có thể khẳng định, giờ đây giá trị di sản Cố đô Huế đang được đánh thức. Điều này thể hiện qua số lượng du khách đến tham quan quần thể di tích Huế mỗi năm một tăng mạnh. Từ một con số rất khiêm tốn (hơn 200.000 lượt khách đến thăm Huế năm 1993 đến hơn 1,3 triệu lượt khách năm 2002), doanh thu từ di tích đã tăng một cách đột biến (từ hơn 4 tỷ đồng năm 1993 đến gần 34 tỷ năm 2002)… Và trong vòng 6 tháng đầu năm nay, quần thể di tích và danh thắng Cố đô Huế đã đón hơn một triệu lượt du khách đến tham quan, với tổng doanh thu từ vé đạt trên 67 tỷ đồng.
 
Cùng với đó, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế không còn là việc riêng của những người làm công tác văn hóa mà trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Những nhà quản lý và chuyên môn về bảo tồn di tích Huế đã rất thành công trong việc khai thác những lợi thế riêng có của vùng đất cố đô. TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Sự đổi thay cả về chất và lượng của công tác bảo tồn, trùng tu di tích Huế đáp ứng các chuẩn mực quốc tế góp phần thay đổi bộ mặt của di tích. Nhiều công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, xã hội như: Duyệt Thị đường, Minh Khiêm đường (nơi biểu diễn múa, hát, tuồng và các nhạc khúc Cung đình phục vụ du khách), quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài (nơi tổ chức các hoạt động kỷ niệm của tỉnh trong những dịp Festival hoặc những ngày lễ lớn của đất nước...).
 
Sau 10 năm quần thể di tích Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế được thế giới vinh danh, các giá trị của văn hóa Huế đã được Trung tâm góp phần tích cực đem đến với cộng đồng thế giới, khẳng định rõ vị thế của di sản văn hoá Huế không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế, góp phần tôn vinh di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. 
 
Trong chuyến thăm kinh thành Huế vừa qua, bà Irina Bokova đã bày tỏ: Tôi nghĩ, đã đến Việt Nam thì không thể không đến vùng đất Cố đô Huế - thành phố của những kiệt tác kiến trúc. Ấn tượng mà tôi lưu giữ mãi là miền Trung - một mảnh đất tuy còn khó khăn, thiên nhiên phức tạp nhưng đó cũng là mảnh đất nhiều di sản, có bản sắc văn hóa rất tiêu biểu và đó chính là xuất phát điểm, cội nguồn văn hóa phi vật thể. Bà Irina Bokova khẳng định: UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác trong việc bảo tồn và phát huy những di sản thế giới trước những thách thức như lũ lụt, biến đổi khí hậu…
 
Theo Hồ Ngọc Minh ( Báo Đại Đoàn Kết)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng