Huế luôn luôn mới
Bản Cung Ai bên bờ biển vắng
08:33 | 09/07/2013

(SH) - Từ khi hồ sơ khoa học “bài bản Nhã nhạc Cung Ai” – một bài bản đang bị mai một sau khi cố nghệ nhân Trần Kích về với cát bụi được thực hiện, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Trần Thảo (con trai của cố nghệ nhân Nhã nhạc Trần Kích) thì được biết, bài bản Nhã nhạc Cung Ai hiện vẫn còn được lưu giữ bởi nghệ nhân Trương Khiếm, ông là người nắm bắt khá vững vàng cách thức trình diễn bài bản này.

Bản Cung Ai bên bờ biển vắng
Nghệ nhân Trương Khiếm trình tấu bản Nhã nhạc Cung Ai.

Và theo sự giới thiệu của nghệ nhân Trần Thảo, chúng tôi tìm về miền biển Thuận An thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) để gặp nghệ nhân Trương Khiếm.

Nghệ nhân Trương Khiếm ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi những con người suốt cuộc đời bôn ba với biển cả chỉ mong kiếm được cái ăn, cái mặc. Không sống nhờ và dựa vào biển giống như những gia đình khác, gia đình ông sống dựa vào tiếng đàn, tiếng sáo của người bố khi làng, xã có tổ chức các nghi lễ thờ cúng, ma chay… Ông kể, ngày ấy gia đình ông nghèo lắm, mới lọt lòng mẹ ông đã được nghe âm thanh ọ í e từ người bố, ông cũng không biết bố mình học nhạc từ ai, chỉ nghe kể rằng, bố ông là truyền nhân của một ca công xuất thân trong chốn cung đình triều Nguyễn. Nghe thì nghe vậy chứ ông chẳng quan tâm, nhưng ông đâu ngờ những tiếng đàn tam, tỳ, nhị, nguyệt… của người bố từ lâu đã chảy trong huyết quản của ông, và như một qui luật tự nhiên, 15 tuổi ông theo bố mình để học nhạc và hành nghề. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, ông học đâu nhớ đấy, dần dần tiếng đàn, tiếng trống, tiếng kèn của ông ngày một vang xa. Chính vì vậy, ở nơi đâu có trai đàn chẩn tế, có ma chay, có tế làng,… là họ mời ông cho bằng được. Đặc biệt, dù chỉ là một nhạc công nhưng ông có thể nhớ tất cả cách tiến hành các nghi lễ, thuộc tất cả các bài kinh, kệ, giai điệu tụng niệm của các vị thầy tu. Ông bảo rằng, người nhạc công khi đã cùng với thầy chùa hiện diện trong các dịp trai đàn chẩn tế tuy hai nhưng là một, bởi vì những lời tán, tụng muốn hay hơn thì phải được quyện chung trong tiếng đàn, và người nhạc công muốn réo rắt tiếng đàn để không lạc nhịp thì phải thuộc kinh kệ và nghi lễ của nhà chùa. Tuy vậy, có mấy người biết rằng, dù đã hơn một đời người đánh đàn cho các nghi lễ nhưng ông là người có đạo, bạn nghề của ông đã nhiều lần muốn hỏi, muốn chất vấn ông “cái sự lạ đời của một người làm nhạc” như ông, nhưng ông chỉ cười: “đạo nào cũng hướng con người đến chân – thiện – mỹ”.

Nghệ nhân Trương Khiếm cho biết, đã từ lâu lắm ông không còn tham gia vào các nghi lễ nữa, nhưng ông đã đào tạo được 5 người con trai của mình theo nghiệp tổ và cũng như một sự sắp đặt, cháu nội đích tôn của ông là một trong 20 nhạc công Nhã nhạc được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tuyển chọn và đào tạo theo Công ước quốc tế về Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) mà Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước này.

Ngày chúng tôi về miền biển Thuận An để gặp ông, ông vui lắm, bởi cũng đã lâu lắm rồi mới có người ngồi nghe ông trình tấu tất cả những nhạc cụ. Khi chúng tôi hỏi đến cái kèn bầu và bản Nhã nhạc Cung Ai, mắt ông trầm ngâm: “Bản Nhã nhạc ni buồn lắm, đó là tiếng khóc trong tang lễ của người con đối với bậc sinh thành, là tiếng nấc nghẹn ngào trong phút biệt ly, là nỗi buồn sâu thăm thẳm trong các nghi lễ hiếu hỷ của chốn cung đình và dân gian”. Tuy nhiên, người nhạc công muốn học được bài bản này phải là người có bàn tay thon, ngón tay dài. Theo lý giải của ông, cây kèn bầu – nhạc cụ dùng để thổi bản Cung Ai dài và to gấp nhiều lần cây kèn bình thường nên khoảng cách các lỗ nhạc tương ứng cũng xa hơn và nếu không có bàn tay thon với những ngón tay dài thì không thể thực hiện được bài bản này.

Đã hơn 87 tuổi, nhiều đêm nhớ nghề, ông lại tìm đến với cây đàn. Người dân sống nơi đây đã quen với chuyện “nhớ nghề” của ông Khiếm ọ í e nên chẳng ai nói gì, họ chỉ tặc lưỡi, thôi kệ, cụ cũng đã già quá rồi! Và cũng nhiều đêm như vậy, bài bản Nhã nhạc Cung Ai được ông tấu lên trong cùng với tiếng rì rầm của sóng biển Thuận An.

Từ sau khi nghệ nhân Nhã nhạc Trần Kích từ giã cõi đời, hằng năm đến ngày giỗ tổ của Hội ca nhạc truyền thống Huế (16/3 âm lịch) được tổ chức tại nhà thờ Cổ nhạc thuộc phường Thuận Hòa, nghệ nhân Trương Khiếm là người thay nghệ nhân Trần Kích làm chủ lễ tế (chánh bái). Đây như là một sự công nhận của đồng nghiệp đối với uy tín và trình độ nghề nghiệp của ông.

Theo baovephapluat.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng