Huế luôn luôn mới
Làm gì nữa cho tuyến đường mang tên Trịnh Công Sơn
08:20 | 17/07/2013

(SH) - Hơn 30 năm xa cách, chiều nay qua một cuộc điện thoại, tôi nôn nao, mừng vui được gặp lại người bạn của một thời lang thang qua những con đường thân quen trên phố Huế. Một thời sinh viên văn khoa đầy ắp kỷ niệm tràn về trong nỗi nhớ của Trọng của tôi.

Làm gì nữa cho tuyến đường mang tên Trịnh Công Sơn

Tay bắt mặt mừng, hai đứa nhìn nhau, ánh mắt và nụ cười thay cho bao lời muốn nói, muốn kể về những tháng ngày đã qua. Chẳng khác gì ngày xưa, Trọng nghệ sĩ, cái tên quen thuộc ở giảng đường văn khoa vẫn tính nào tật nấy.

Lang thang đi mày, câu nói quen thuộc ngày xưa, lời của Lê Đình Trọng khiến hai chúng tôi như trẻ lại. Lang thang qua các con đường Trương Định, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Đinh Tiên Hoàng trước đây, Trọng cứ nuối tiếc một thời đã đi vào dĩ vãng.

Biết Trọng là người bạn có tâm hồn, sống lắng sâu trong hoài niệm về con người, cuộc đời, tôi cố tìm một chỗ ngồi, một địa điểm để hàn huyên tâm sự. Không khó lắm, tôi giới thiệu cho Trọng về một con đường, ở đó Trọng tha hồ trầm ngâm theo dòng suy tưởng.

Đưa bạn về đường Trịnh Công Sơn, con đường mới mở từ cầu Gia Hội men theo sông Hương đi về cuối phố Chi Lăng. Trọng ngỡ ngàng khen cho Huế có con đường thơ mộng, ở một vị trí đắc địa có tên Trịnh Công Sơn. Đã đến con đường này, hai đứa chọn ngay quán nhậu mang tên Diễm Xưa.

Phố đã lên đèn, dọc đường Trịnh Công Sơn san sát quán nhậu liền kề. Nhâm nhi vài ly bia, Trọng như có vẻ không mấy hài lòng, bảo tôi: Làm báo cậu nhận ra điều gì trên con đường này? Tôi biết, Trọng đang có những dòng nghĩ suy như tôi.

- Đường phố nên thơ nhưng nhếch nhác và lãng phí quá. Hình ảnh kinh doanh ở đây đã phá vỡ tên một con đường – đường Trịnh Công Sơn. Trọng đem điều thắc mắc.

- Tại sao chọn được vị trí vàng xây nên một con đường với biết bao công sức, nguồn lực lại chỉ làm nửa vời?

- Nửa vời là thế nào? Đường được mở rộng, nhựa hóa, có công viên, cây xanh, có lầu bát giác ngắm cảnh, có nhà hàng quán nhậu, đủ quá rồi, thiếu gì nữa nào! Tôi kích Trọng.

- Tự ái sinh viên, cậu ta tìm ra biết bao ý tứ mang tính chỉ đạo, định hướng về một việc làm đầy trách nhiệm cho những ai được giao trọng trách quản lý, điều hành đô thị và cả người dân Huế nữa.

- Phải xây dựng con đường Trịnh Công Sơn đúng như nội hàm ý nghĩa của nó. Đó là một con đường hoàn thiện. Hoàn thiện theo Trọng phân tích đã đến đường Trịnh Công Sơn là phải có nhiều hình ảnh về Trịnh Công Sơn chứ không chỉ có một tấm biển ghi tên đường. Dù xa Huế đã lâu nhưng Lê Đình Trọng biết chắc chắn rằng tỉnh và thành phố phải bỏ ra tiền tỷ mới mở được tuyến đường này. Nào là giải tỏa, đền bù cả một góc phố tối tăm ken chặt những ngôi nhà tạm bợ. Nơi mà trước ngày giải phóng là hang ổ của tệ nạn xã hội. Nào là lo nơi ở mới cho người dân lao động nghèo. Rồi tiền đầu tư xây dựng đường, công viên...

Từ khi con đường được khánh thành đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân ra đây mở hàng mở quán. Thế là con đường này trở thành phố nhậu bình dân. Đã bình dân là có nhiều nhếch nhác. Thực tế cho thấy nhiều vụ xâu ẩu đã diễn ra trên con đường này. Có vụ gây ra án mạng. Thực trạng ấy khiến nhiều người yêu Huế, mến mộ Trịnh Công Sơn đều lên tiếng nhận định rằng đường Trịnh Công Sơn mới làm được nửa vời. Quy hoạch, định hướng hoạt động kinh doanh theo hướng văn hóa trên con đường này là điều không khó. Và không thể để cho hàng quán lấn chiếm lòng đường, lấn cả công viên như hiện nay.

Từ ý nghĩ của Trọng, qua “loạn đàm” với nhau mới thấy còn nhiều điều lãng phí trên con đường này. Đúng ra khi quy hoạch phố phường, các nhà hoạch định hạ tầng phố thị phải có ý tưởng xa hơn, một ý tưởng biến con đường này trở thành một điểm đến cho du khách. Qua phố Trịnh Công Sơn sẽ được thưởng thức nhạc Trịnh, thăm thú nhiều shop hàng bán hàng lưu niệm về Trịnh Công Sơn. Không chỉ có Diễm Xưa mà đầy ắp Huyền thoại mẹ, Một cõi đi về, Ướt mi, Em đi bỏ lại con đường, Em hãy ngủ đi, Xin trả nợ người, Hạ trắng...

Được biết hằng tuần, Học viện Âm nhạc Huế có tổ chức các đêm văn nghệ ở “Nhà kèn” phố Trịnh về những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là một hoạt động văn hóa văn nghệ ngoài trời thu hút nhiều người đến thưởng thức. Việc làm này nếu được các ngành hữu quan phối hợp chắc chắn phố Trịnh sẽ được đặt lên bàn nghị sự để vạch kế hoạch phải làm gì nữa khi đường phố đã có tên.

Bao nhiêu ý tưởng về phố Trịnh được bật ra để biến con đường thành địa chỉ du lịch cho Huế. Vấn đề là các nhà quản lý đô thị phải biết lắng nghe. Nghe điều gì thì hãy gần dân sẽ biết.

Một buổi nhậu với bạn bên đường Trịnh Công Sơn, tôi ghi nhận biết bao ý kiến hay về con đường này. Đó là những ý kiến tâm huyết muốn cho Huế đẹp hơn, văn hóa hơn, thân thiện hơn, ấn tượng hơn với những gì chỉ riêng Huế có.

Đường Trịnh Công Sơn là nét riêng của Huế, là con đường độc đáo chẳng nơi nào có được. Vậy tại sao không đầu tư thêm cho con đường này những ý tưởng mang nội hàm văn hóa phố thị?

Theo TTH online

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng