Huế luôn luôn mới
Xây dựng Huế - thành phố nhân văn để Việt Nam có một Cố đô văn vật
09:09 | 24/10/2014

Cố đô Huế - tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên đôi bờ con sông Hương trong xanh, êm đềm, đẹp nhất thế giới. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, Cố đô Huế vẫn còn giữ được quần thể di tích lịch sử gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm hiếm có ở vùng Đông Nam Á

Xây dựng Huế - thành phố nhân văn để Việt Nam có một Cố đô văn vật

Đặc biệt hơn nữa, cùng với di sản vật chất đó còn tồn tại nhiều di sản phi vật chất sáng giá như văn học, nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực.v.v. Hai trong các di sản văn hóa ấy (Di tích lịch sử và Nhã nhạc triều Nguyễn) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Ngoài những di sản ra đời thời Nguyễn, hàng trăm chùa Phật ẩn hiện điểm xuyết rộng khắp trong một vùng đồi chập chùng với cảnh quan thiên nhiên xanh mát thể hiện một không gian riêng cho đời sống tâm linh hiếm có trên nước Việt Nam. Huế được UNESCO đánh giá là “một bài thơ đô thị tuyệt tác”. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói với trí thức Huế: “Giải phóng xong may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”. Đúng thế, ngày nay nhiều khách nước ngoài có quan niệm: “Đến Việt Nam mà chưa đến Huế là chưa hiểu được Việt Nam. Giống như đến Đức mà chưa đến Cologne, đến Nhật mà chưa đến Kyoto vậy".

Bởi thế khi hay tin tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) đang phấn đấu xây dựng để tiến lên thành Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, lập tức đã nổi lên một luồng dư luận không đồng tình. Vị hiệu trưởng của một Đại học Kiến trúc lớn sợ mất Cố đô Huế dự định sẽ tổ chức một hội thảo để phản biện. Bà con đồng hương Huế ở ngoại tỉnh và  nước ngoài nghĩ rằng Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ được xây dựng giống như những thành phố vừa ra đời ở Việt Nam, nên họ rất lo sẽ không còn Huế nữa. Nhiều người bảo rằng tỉnh TTH với diện tích tự nhiên 506.528 ha, gồm Thành phố Huế hiện nay, 6 huyện đồng bằng và hai huyện miền núi, với non một triệu hai dân, trong đó khoảng 2/3 dân số sống ở nông thôn và vùng rừng núi, nếu tỉnh TTH được xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương thì nó sẽ là thành phố lớn nhất VN, lớn hơn cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay. Tỉnh TTH khó có thể trở thành một trọng điểm về kinh tế, một thành phố công nghiệp, một trung tâm tài chính, một đầu mối giao thông quốc nội và quốc tế giống như các thành phố khác.v.v. Nước Việt Nam có cần xây dựng thêm một thành phố như những thành phố đã có ở VN nữa không? Vậy thì tỉnh TTH sẽ xây dựng thành phố Huế trong tương lai thuộc loại thành phố gì?

Thông thường một địa phương muốn phát triển về kinh tế, muốn đi lên đều phải dựa vào nội lực của chính mình. Thành phố Huế ngoài việc phải phát triển về kinh tế còn phải làm nhiệm vụ gìn giữ và phát huy di sản vật chất và phi vật chất của cả dân tộc đã để lại tại Kinh đô xưa, còn phải làm nhiệm vụ đại diện cho văn hóa truyền thống Việt Nam để đối ngoại. Do đó việc xây dựng tỉnh TTH trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải có sự khác biệt với tất cả các thành phố đã có.

Sau hàng chục năm nghiên cứu, tham khảo nước ngoài, trải nghiệm ở địa phương và bản thân tôi đề xuất: tính chất của thành phố Huế trong tương lại là thành phố nhân văn (TPNV).

TPNV là thành phố do chính con người của thành phố đó tạo ra, nhằm phục vụ cho con người, trong môi trường bền vững, để con người được sống tốt hơn. TPNV không lấy chỉ số tổng sản phẩm quốc nội GDP[1] để so sánh với các thành phố khác mà tình bằng chỉ số hạnh phúc HPI[2]. Nếu chỉ số hạnh phúc cao thì đó là nơi nhân loại sẽ đến nhiều và chỉ số GDP sẽ cao dần và bền vững.

Nội lực của Huế -TPNV là cảnh quan thiên nhiên của một nước VN thu nhỏ, là di sản vật chất và phi vật chất của Cố đô Việt Nam, là thủ phủ của Phất giáo xứ Đàng Trong với hàng trăm chùa Phật, cơ sở của một vùng dành cho đời sống tâm linh; với một truyền thống giáo dục Đại học sản sanh ra những thầy thuốc nổi tiếng hàng đầu quốc gia, có khả năng phục hồi chất lượng đào tạo nên những thầy giáo, luật sư, công chức, kiến trúc sư cổ, kỷ sư nông lâm ngư, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, người làm du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu bếp quốc gia và quốc tế, chuyên gia bảo tồn bảo tàng giỏi. Huế -TPNV là thành phố Đại học mũi nhọn, một trung tâm du lịch, thành phố Festival, thành phố hội thảo hội nghị quốc gia và quốc tế. Huế - TPNV có vùng nông thôn rộng lớn bao quanh điểm xuyết nhiều di tích văn hóa lịch sử, có núi cao, rừng nguyên sinh, sông dài, phá rộng, biển có cảng nước sâu có cả bãi tắm Lăng Cô được xếp tốt hàng đầu thế giới, có vùng nông thôn rộng lớn có thể xây dựng những khu nghỉ dưỡng quốc tế, và cũng là nơi sản xuất thực phẩm sạch chất lượng cao để phục vụ TPNV và bán cho những trung tâm văn hóa du lịch khác.v.v.

Quí giá nhất là con người Huế với một truyền thống văn hóa chuẩn mực (quốc phục, ẩm thực, âm nhạc, giao tiếp, nghề thủ công-thợ vàng, chạm khắc, đúc đồng .v.v.), có mối liên hệ huyết thống với nhiều dòng họ ở khắp ba miền đất nước, đặc biệt ở các tình Trị, Bình, Thanh, Nghệ Tĩnh, Hà Nội, Quảng Nam, Nam Bộ.v.v. Người Huế, cựu học sinh Quốc Học-Đồng Khánh ở khắp nơi trong nước và các nước Âu Mỹ. Huế - TPNV thì người dân Huế mới có công ăn việc làm đúng khả năng của mình. Khả năng của người Huế là dạy học, chữa bệnh, làm luật sư, dịch vụ du lịch, săn sóc người già, dịch vụ tâm linh, dịch vụ vận tải thủy bộ, sản xuất hàng mỹ nghệ, sản xuất nhà rường, chế tác đồ trang sức, dạy nấu ăn, biểu diễn nghệ thuật, thêu thùa, gia công may mặc, sản xuất thực phẩm sạch, buôn bán nhỏ.v.v. Nếu Huế là TPNV thì các bộ tộc dân miền núi A Lưới, Nam Đông chưa cần phải “phố hóa”, “kinh hóa” mà trước mắt tập trung “nhân văn hóa” đời sống của họ để họ được hội nhập với đời sống của TPNV. Đời sống nhân văn của các bộ tộc ít người giúp họ làm ra tiền dễ hơn “phố hóa” họ để họ cạnh tranh tìm việc làm với người Kinh đã đô thị hóa.

Sau thời kỳ chiến tranh và bao cấp lâu dài, đời sống tâm linh của người dân Việt bị ức chế. Khi đất nước mở cửa hội nhập, đời sống tâm linh của dân chúng được hồi sinh và đã phát triển quá đà. Tình hình mê tín dị đoan diễn ra chưa từng thấy ở VN, nó xuất hiện không những ở trong tầng lớp bình dân ít học mà nó đã len lỏi vào đến chốn “cung đình”. Khi Huế - TPNV ra đời, xây dựng Huế thành một thành phố tâm linh, hướng các hoạt động mê tín dị đoan vào thế giới tâm linh sang trọng, lành mạnh, có tác dụng tốt cho tâm hồn và sức khỏe con người, thể hiện nếp sống văn minh của người Việt. Huế-TPNV sẽ là một trung tâm du lịch tâm linh lớn của VN.  

Về chính trị, quân sự, kinh tế VN hiện nay đang vươn lên hàng đầu ở vùng Đông Nam Á, nhưng bản sắc văn hóa Việt Nam, trong tình hình hội nhập hiện nay chưa định hình được. Những biểu hiện lai Tàu, lai Thái Lan, lai Đại Hàn lai Mỹ… gây nên cảm tưởng VN đang có một nền văn hóa tạp-pí-lù, không xứng với vị thế của VN ở vùng Đông Nam Á. Với truyền thống văn hóa Huế được lưu giữ trong cảnh quan thiên nhiên êm đềm yên tĩnh, người dân của Huế - TPNV sẽ đóng vai trò xây dựng lại nếp sống đẹp, hiền hòa, nhân ái,  vốn có của người VN; góp phần giảm tội ác trong xã hội hiện nay và thu hút người ngoại quốc đến VN nhiều hơn.

Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Hà Nội đang ồ ạt xây dựng theo phong cách kiến trúc đô thị phương Tây, khó dừng lại được. Cái phần văn hóa dân tộc nghìn năm của Thăng Long-Hà Nội đang chìm dần trong cảnh quan mới. Huế - TPNV may mắn còn giữ được tương đối nguyên vẹn cho Việt Nam cái bề thế của một Cố đô đứng đầu trong vùng Đông Nam Á nầy.

Văn hóa Việt Nam ở Huế có những yếu tố mạnh mẽ trong sáng của miền Bắc (Đại Việt cũ) hòa quyện với những yếu tố sâu lắng, diu êm của phương Nam (Chăm-pa xưa). Con người Huế sống hài hòa với thiên nhiên và không mâu thuẫn với lịch sử. Huế-TPNV giúp cho địa phương và đất nước hội nhập quốc tế về văn hóa bằng thế mạnh của chính mình, giống như Kyoto (Nhật Bản), Tây An (Trung Quốc), Cologne (Đức)...

Tôi nung nấu ý tưởng Huế-TPNV đã lâu nhưng mãi đến một vài năm gần đây mới viết lên giấy và gởi đến quý vị lãnh đạo ở TTH và một vài nơi. Có người phản biện rằng: Xây dựng thành phố xã hội chủ nghĩa thì phải đặt công nghiệp lên hàng đầu, chứ làm sao ông lại chú trọng đến văn hóa lịch sử và con người không thôi? Nhưng rồi cùng có người bảo “Huế cũng làm công nghiệp đó chứ? Chỉ khác là công nghiệp không khói”. Vị Hiệu trưởng trường Đại học kiến trúc định làm hội thảo phản biện “đô thị hóa Cố đô Huế” bỏ ý định cũ, hứa sẽ làm hội thảo ủng hộ ý tưởng Huế-TPNV của tôi. Điều mà tôi vui nhất là lãnh đạo TTH, dư luận báo chí ở Thừa Thiên Huế không những không phản bác mà có ý đồng tình với nội dung Huế-TPNV của tôi. Hôm nay nhân Mùa Xuân Quý Tỵ 2013 tôi rất hân hạnh được gởi ý tưởng đó đến độc giả của Đại Biểu Nhân Dân. Kính mong được chỉ giáo cho những bất cập. Đa tạ.   
 

Theo Nguyễn Đắc Xuân (Nguồn: khamphahue.com.vn)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng