Giá sách Sông Hương
Bốn cuốn sách “Đáp lời sông núi”
17:08 | 21/06/2012

THIỆN TÂM

Trong những ngày hội sách của Tp Hồ Chí Minh tháng tư vừa qua, giữa hàng ngàn cuốn sách, trong đó có những cuốn được giới thiệu rầm rộ từ nhiều tuần trước, có vẻ các cuốn sách “Đáp lời sông núi” bị chìm khuất dù chúng được giới thiệu trang trọng bằng một cái pa nô lớn trước gian hàng của NXB Trẻ.

Bốn cuốn sách “Đáp lời sông núi”

Đây là 4 cuốn đầu tiên trong tủ sách truyền thống “Đáp lời sông núi” do NXB Trẻ và Đại Học Duy Tân Đà Nẵng phối hợp thực hiện ra mắt đúng vào thời gian tổ chức hội sách.

Trong thị trường văn chương chữ nghĩa hiện nay, tên gọi “Đáp lời sông núi” hình như hơi “khô khan”, không hấp dẫn các bạn đọc trẻ, trong khi mục đích của tủ sách này là “giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ” như lời giới thiệu ở bìa sau của mỗi cuốn sách.

“Đáp lời sông núi” phải chăng chỉ là trả lời tiếng gọi của Tổ quốc khi đất nước bị xâm lăng hoặc đang ở trong thời chiến? Cuộc chiến Việt Nam đã qua đi gần 40 năm và dù là với tên gọi gì thì những người “đáp lời sông núi” cũng đã hiến dâng tuổi trẻ, đời mình cho một lý tưởng. Trong tủ sách này, đây là “nỗ lực tái hiện hình ảnh của các phong trào tranh đấu công khai của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Trung từ năm 1954-1975” dưới các hình thức biên khảo, hồi ức hoặc sáng tác văn học nghệ thuật.

4 cuốn đầu tiên được xuất bản trong tủ sách này có hình thức thể hiện và phong cách rất khác nhau và bổ sung cho nhau, vừa đa dạng vừa thống nhất.


NĂM THÁNG DÂNG NGƯỜI của Lê Công Cơ là hồi ký của một cán bộ cách mạng tôi luyện và chiến đấu trong lò lửa đấu tranh.

Hơn 400 trang sách là một câu chuyện dài và chi tiết về cuộc đời của tác giả từ khi còn là một cậu bé nghèo khổ mồ côi mẹ tham gia chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Người đọc không khỏi ngạc nhiên trước những hoạt động sôi nổi, táo bạo khi công khai, khi bí mật, lúc lên rừng, lúc xuống biển, trải dài qua mấy tỉnh miền Trung, từ Đà Nẵng ra Huế, vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, có lúc vào tận Sài Gòn, hơn 20 năm, hầu như không lúc nào ngưng nghỉ. Dĩ nhiên đó không phải là hoạt động một mình hay theo kiểu anh hùng cá nhân mà là sự phối hợp với các đồng chí, đồng đội trong sự đùm bọc của nhân dân dưới rất nhiều hình thức, ngay trong vùng địch kiểm soát, đôi khi thoát hiểm, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Hồi ký không chỉ nói về thành tích mà còn về gian khổ, thất bại và còn hé lộ những điều “tiêu cực”, những dấu hỏi đau đớn và đắng cay về các biểu hiện cực đoan, gian dối, phản bội không tránh khỏi trong một cuộc chiến quá ư khốc liệt mà không phải ai cũng đủ kiên cường, bản lĩnh để vượt qua.

Tác phẩm viết theo thứ tự thời gian, bình thường chỉ kể chuyện người và việc nhưng cũng có lúc trầm lắng vào suy tư hay trào dâng xúc cảm, khuấy động tâm hồn người đọc.


 DƯỚI ÁNH HỎA CHÂU của Hoàng Phủ Ngọc Phan được tác giả gọi là “hoài ký”.

20 bài viết có thể ghi nhận là bút ký, bài báo, phóng sự, biên khảo, có cả truyện ngắn, truyện vừa. Những bài viết nói về tâm tình cá nhân tác giả, chuyện của đồng đội, một số vấn đề hay sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc chiến mà tác giả đã sống trải và nghiền ngẫm.

Qua tác phẩm, người đọc có thể hiểu được lý do nào tác giả đã lựa chọn cuộc chiến đấu của đời mình ngay từ bài viết đầu tiên “Đường lên đỉnh núi”. Sau đó là những mô tả, cảm nhận sâu lắng về cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ mà dân tộc đã chịu đựng.

Là một sinh viên tranh đấu ở Huế thoát ly kháng chiến, lại được tham gia ở nhiều chiến trường, từ miền Trung vào Sài Gòn, về vùng kháng chiến miền Đông, miền Tây Nam bộ, lên R, sang chiến trường Campuchia, do đó tác giả có thế mạnh để viết về cả ba vùng đô thị, rừng núi và bưng biền.

Tác phẩm có văn phong trong sáng, các bài nghiên cứu có tư liệu đáng tin cậy, phân tích rõ ràng, chính xác. “Thành phố đèn dầu” là một bút ký đặc biệt mà chỉ những người trong cuộc sống và cảm thức lâu dài mới có thể viết được. “Happy birthday to you” bất ngờ lại là một truyện ngắn cảm động và gần như hoàn hảo với tay nghề cao.


 KHÔNG CÓ GÌ TRÔI ĐI MẤT của Hồ Duy Lệ gồm 17 bút ký dài 462 trang.

Tác giả dùng một câu của Hemingway làm đề từ cho cuốn sách: “Tất cả những gì mi phải làm là viết một câu thật. Hãy viết câu thật nhất mà mi biết”.

Rất nhiều nhân vật ở Quảng Nam, Đà Nẵng mà một số đã được nhắc đến trong hồi ký của Lê Công Cơ, được mô tả rất chi tiết từ hình dáng, quê quán, giòng họ cho đến hoạt động ở từng địa bàn, từng giai đoạn một cách chân thật nhất. Chân thật từ một miếng ăn, một bộ quần áo, một hầm bí mật, một trận càn và cả những hoài nghi, phản bội, bất công, cay đắng.

Tác giả hình như muốn giúp người đọc “tìm lại cảm hứng” cho “xu hướng nguội tắt về quá khứ”, vì đó không chỉ “là sự bội bạc mà còn là một nhầm lẫn to lớn” như đã được nhấn mạnh trong Lời giới thiệu cuốn sách.

Quá nhiều chi tiết có thể đôi khi làm người đọc hơi bối rối nhưng khi tập trung vào một vài nhân vật hay chính tự sự của tác giả, bút ký trở nên lôi cuốn, tươi nguyên tâm tình của người trong cuộc như vừa mới xẩy ra hôm qua.


TRÊN ĐỈNH THANH XUÂN của Vũ Hoài lại là tiểu thuyết.

Đây không phải là tác phẩm hư cấu mà chính là hiện thực sống động qua hình thức tiểu thuyết.

Trong phần phụ lục, chính là dẫn nhập của lần viết đầu tiên, tác giả ghi: “Tác phẩm trình bày đời sống và nội tâm sôi trào của một kẻ nhập cuộc trong cơn biến động. Đó là khuôn mặt của một cá nhân. Và cũng là khuôn mặt của một thế hệ. Và ở đây: Một lịch sử cuồng nộ, một suối nguồn mênh mông, một trung thực tột đỉnh cá nhân đã chảy dạt dào trong lịch sử mê cuồng của dân tộc.

Nhân vật chính trong tác phẩm, một người trẻ tuổi muốn gởi gắm thật nhiều điều: Những phẫn nộ và phản kháng của dân tộc nhược tiểu. Những cuồng nhiệt bão lửa dành cho quê hương. Những trang sử vô danh hào hùng. Những mâu thuẫn khốc liệt giữa giá trị vĩnh cửu và giai đoạn, giữa con người - nhân loại và con người - dân tộc. Những cuộc tình si mê, điên rồ, choáng váng nhưng phù du trôi nổi. Những tương giao bằng hữu tuyệt vời. Những địa ngục trần gian trong lao tù. Và không khí ngạt thở của giờ thứ 25 trên đất nước”.

Bút pháp của tiểu thuyết đầy chất thơ nhưng trong tinh thần cuồng nhiệt của tác phẩm, đôi khi người viết như muốn viết bằng một thứ bút pháp mà ngòi bút cắm xuống trang giấy như những nhát dao đâm.

Viết và đọc về một quá khứ chiến tranh không phải để khơi lại hận thù hay tranh công đổ lỗi mà trước hết để minh xác về một giai đoạn lịch sử sau khi đã có độ lùi thời gian, nhìn lại và suy gẫm, đồng thời rút ra bài học cho hiện tại và tương lai.

Cuộc chiến đã lùi vào quá khứ gần 40 năm. Đó không phải là cái gì đã cũ vì hệ lụy của cuộc chiến đó vẫn còn đến hôm nay và nhiều năm tháng nữa. Ngay cả lịch sử hàng ngàn năm cũng không hề cũ vì trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, những tình huống và vấn đề luôn được đặt ra, những bài học luôn cần được đúc kết. Tuổi trẻ hôm nay phải chăng cũng cần phải đọc những gì thế hệ cha anh đã từng trải nghiệm để “đáp lời sông núi” theo một cách khác, trong một tình thế khác nhưng chắc chắn tấm lòng và khát vọng đối với quê hương đất nước của tuổi trẻ cũng không khác nhau qua dặm dài lịch sử. Và ngày hôm nay những vấn đề nóng bỏng cũng đang trở thành vấn nạn. Cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do và nhân phẩm, hạnh phúc vẫn còn tiếp diễn.

T.T
(SDB 6-12)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng