Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 12/2019
14:36 | 26/12/2019

HUẾ MÙA ĐÔNG 1999 (Trường ca), tác giả Nguyễn Duy Từ, Nxb. Thuận Hóa, 2019. 

Tác phẩm mới tháng 12/2019

Tiêu đề của tập trường ca như một cước chú khảm vào hồi ức người dân Cố đô Huế 20 năm trước. Cơn đại hồng thủy 1999 đã tàn phá kinh hoàng vùng đất cổ kính, gieo đau thương lên hàng vạn mái nhà, để lại dư chấn sâu sắc trong lòng của nhiều người dân xứ Huế. Trong cơn “trời hành” ấy, bừng sáng lên những yêu thương, chia sẻ: “Đèn chia đèn chia ngọn lửa ấm/ Chăn chia chăn chia tấm lòng son”. Nhà thơ Nguyễn Duy Từ ghi lại nỗi đau bằng những dòng thơ cô nén, chua xót: “Chỉ còn những trang sách nhòe chữ nhòe hình/ Oằn mình trong bùn đất/ Xót xa Phục sinh”. Tập trường ca “Huế mùa đông 1999” là sự hòa quyện viên mãn của ký ức, của khát khao chữ nghĩa.


CHÍNH SÁCH ĐÓNG CỬA VÀ MỞ CỬA Ở MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (Nghiên cứu), Đặng Văn Chương (Chủ biên), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.

Công trình đã đặt ra vấn đề có tính hệ trọng và chiến lược trong lịch sử quan hệ đối ngoại của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam trong hai thế kỷ XVIII và XIX. “Đóng cửa” hay “mở cửa” một đất nước dù trong bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào đều để lại những hệ quả lịch sử và cả sự tự do, độc lập của quốc gia ấy. Công trình nghiên cứu khá kỹ cấu trúc kinh tế, chính trị, xã hội và tư tư tưởng, đường lối chính trị của giới cầm quyền trực tiếp quyết định, thực hiện chính sách đóng hay mở cửa. Và chỉ ra rằng, “mở cửa” là xu thế lịch sử tất yếu, nước nào đi ngược lại xu thế đó sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, chính sách mở cửa là cần thiết nhưng phải mở cửa có chiến lược, có đối tác, có thời điểm và cân bằng được các khoảng trống quyền lực, nắm bắt được hoàn cảnh thế giới để có những ứng phó linh hoạt, kịp thời. Công trình này đã nhấn mạnh đến các bài học lịch sử, cho đến hôm nay vẫn còn hữu dụng với một nước Việt Nam đương thực hiện chính sách “mở cửa” rộng rãi và hướng ra thế giới, muốn khẳng định mình trong xu thế toàn cầu hóa.


MẬT NGÔN CỦA BIỂN (Tập thơ), tác giả Võ Văn Luyến, Nxb. Hội Nhà văn, 2019.

Võ Văn Luyến đã chắt chiu những ký tự của quê hương, xứ sở, gia đình và trăm nghìn ký ức miên trường trên hành trình qua quá nửa đời người. Người đọc sẽ đồng cảm những dòng viết về quê hương: “Quê nhà khói hương/ lời nguyện lắng trong ruột đất”, thật gần gũi, sâu nặng. Thơ anh dành nhiều tình yêu thương cho cha mẹ, anh em, những người con với nhiều dòng thơ nở ra từ tim nóng. Những ý nghĩ đã được hái, những giấc mơ đã được ghi lại để thổi bồng bềnh, gửi thơ ngây vào miền tâm cảm. Với tình yêu, Võ Văn Luyến nhắn đôi điều thầm thỉ: “Em xa xôi giữa vô thường/ tôi nghe lũ quét cuối đường sắc không”. Và có khi, cả một tứ thơ dửng dưng mà sâu sắc: “Biết làm sao tôi làm ra tôi/ làm ra một tình yêu bỏ quên bên trời”, để trắc vấn cho hành trình đang tiếp tục cất bước đi này vậy.


SÓNG (Tiểu thuyết du ký), tác giả Trương Anh Quốc, Nxb Hội Nhà văn, 2019.

Thể loại tiểu thuyết du ký là sự đồng hòa giữa văn chương và sự trải nghiệm hiện thực, giữa tính nghệ thuật và độ chính xác, trung thực. Thể loại này khá mới mẻ ở Việt Nam, nay được Trương Anh Quốc vận dụng khá linh hoạt, sắc sảo trong tác phẩm Sóng. Người đọc có cơ hội khám phá được gần như cả 5 châu, 4 biển trong 220 trang sách, cùng theo chân nhân vật chính lênh đênh ngày tháng trên tàu viễn dương buồn vui dềnh dàng. Xứ người đến rồi đi, nơi đâu cũng có nhiều mộng mơ, nhiều kỷ niệm đẹp để lại lưu giữ trong những dòng viết còn nén bang khuâng. Và cả một câu chuyện tình nhẹ nhàng đến trong những bức thư tình dạt dào sóng vỗ. Cả tiểu thuyết Sóng khiến người đọc nhấp nhô từng đợt cảm xúc, tưởng như đợi chờ theo tiếng còi tàu xé tan mặt nước và rồi khóc cười trong một phút giây ngắm hoa dưới ánh bình minh.  

(TCSH370/12-2019)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng