Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 03SDB/2021
09:32 | 12/04/2021


VỀ HUẾ (Tùy bút), Trần Kiêm Đoàn, Nxb. Phụ nữ và Phanbook, năm 2019.

Tác phẩm mới tháng 03SDB/2021

Trần Kiêm Đoàn, một người Huế xa quê, đã gửi gắm những tâm tư sâu kín của mình qua tập tùy bút gồm 13 bài. Mỗi tùy bút gắn liền với mỗi đặc trưng của xứ Huế, tính cách Huế, con người Huế và trên hết là những kỷ niệm, hình ảnh lay động đã chìm vào quá khứ và rồi sống dậy trên những trang viết trĩu nặng tình người xa xứ. Về Huế, Mưa Huế, Tâm Huế... man mác những câu chuyện về đất và người, những điều tưởng chừng lãng quên, những điều khắc cốt ghi tâm cùng lịch sử, thời đại và những biến đổi văn hóa. Bên cạnh đó, các bài tùy bút liên quan đến ẩm thực Huế như chè Huế, cơm hến, cơm Âm phủ, bún bò Huế… tạo nên dư vị của một đời sống cộng đồng nề nếp, giàu bản sắc và tinh tế, chứa đựng cả một nền văn hóa có bề dày thời gian và chiều sâu ứng xử. Tất cả làm nên phong vị Huế rất riêng, đầy chất thơ và sức sống, cũng như sự quyến rũ của một vùng đất văn vật qua cách nhìn, cách nghĩ của một con người yêu quê hương bằng sự chân tình, trọn vẹn.


BIÊN SỬ NƯỚC (Tiểu thuyết), Nguyễn Ngọc Tư, Nxb. Phụ nữ & Phanbook, 2020.

Với 125 trang, một Nguyễn Ngọc Tư của tiểu thuyết tái xuất hiện với độc giả qua hình hài mới của một diễn ngôn đầy hư thực, trôi nổi và rạn nứt, mưu cầu và bất định. “Biên sử nước” khoác lên mình tấm áo của những trạng huống có tính chất bi kịch, cái thật và cái giả, cái khao khát và giấu kín... được vây bọc bởi tinh thần của nước bồng bềnh, vô tận. Nguyễn Ngọc Tư trao cho người đọc chiếc chìa khóa để có thể tiếp tục mở những gì còn để ngỏ, còn chôn vùi trong lớp ngôn từ huyễn hoặc. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai, nối tiếp thành công trước đó là “Sông”, phản ảnh tâm thức sông nước đầy hoài niệm, phân khúc, chan chứa và mênh mông.


NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN THỪA THIÊN HUẾ (Tập san nghiên cứu), Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, năm 2020.

Tập san tập hợp các bài viết của các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian trong năm 2020, chủ yếu xoay quanh vùng không gian văn hóa Huế. Nghệ thuật Ca Huế được nhiều tác giả khai thác từ ca Huế tri âm, đến Nam Sách quận công với nghệ thuật Ca Huế. Một vài chủ đề khác như những ngôi chùa xứ Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế, tranh dân gian làng Sình, ẩm thực dân gian... được các nhà nghiên cứu phân tích, diễn giải trên nhiều góc độ. Với dung lượng 300 trang, được trình bày rất thẩm mỹ, tập san văn nghệ dân gian năm 2020 được đánh giá đã có sự thay đổi lớn về nội dung và hình thức.


TIỂU SỬ TỰ THUẬT VÀ TUYỂN CHỌN CÁC BÀI VIẾT DÀNH CHO ĐẠI CHÚNG (Tiểu luận), Jean Piaget, bản dịch Phạm Anh Tuấn, Nxb. Tri Thức, 2020.

Jean Piaget là người đặt nền móng cho nghiên cứu tâm lý trẻ em như một bộ môn khoa học. Tập tiểu luận gồm các bài viết có tính chất phổ cập của Jean Piaget, đề cập hầu hết những chủ đề quan trọng của tâm lý học mà ông nghiên cứu, theo đuổi. Tâm lý học trẻ em được ông phát triển từ tri thức luận sinh triển và tâm lý học sinh triển. Piaget nghiên cứu theo các trình tự như giai đoạn cảm giác vận động, giai đoạn các thao tác cụ thể, giai đoạn thao tác hình thức. Trong tiểu luận này, phần tiểu sử tự thuật của chính tác giả chính là hành trình tư tưởng và các hoạt động của ông từ lúc là một cậu học sinh trung học cho đến vài tháng trước khi ông qua đời. Phẩm chất khoa học và sự truyền cảm hứng đã được dấy lên trong những trang tự thuật với nhiều chi tiết thể hiện ý chí vươn lên, óc tìm tòi khám phá và sự đam mê, tận hiến của Jean Piaget về môn khoa học ông để lại nhiều dấu ấn lớn này.

(SHSDB40/03-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng